April 25, 2024, 10:48 am

Một chuyên khảo bổ ích

 

Cuốn sách thứ 9 vừa ra mắt, cũng là công trình thứ 7 sau 6 công trình từ 1975 đến nay của PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thiện: Đường lối văn nghệ của Đảng - vũ khí, trí tuệ, ánh sáng (1975), Đường lối Văn hóa văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam (1996); Lý luận văn hóa và đường lối văn nghệ của Đảng (2005), Tìm hiểu đường lối văn hóa của Đảng (2006), Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về Văn hóa văn nghệ - những mốc phát triển (2011), Đường lối Văn hóa văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam (2018). Đây thực sự là một công trình nghiên cứu Đường lối Văn hóa văn nghệ của Đảng tin cậy, bổ ích, góp phần “lấp đầy” khoảng trống văn nghệ của một nhà khoa học tâm huyết. Đó cũng chính là điểm mới của chuyên khảo này.

Bố cục của chuyên khảo gồm 3 phần: Phần I: Chuyên luận “Đường lối Văn hóa văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam – sự nhất quán và phát triển; Phần II: Tiểu luận và Phê bình; Phần III: Phụ lục.

Mục đích viết chuyên luận đã được tác giả lý giải ngay phần Mở đầu, là góp phần tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW khóa X về “Tiếp tục xây dựng và phát triển Văn học nghệ thuật trong tình hình mới”; sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; khẳng định trên nền tảng mỹ học Macxít, tư tưởng Hồ Chí Minh được khởi đầu từ Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943) giữ gìn sự nhất quán và tiếp tục phát triển theo đường lối Văn hóa văn nghệ của Đảng. Trên cơ sở tổng kết sự nhất quán và tiếp tục phát triển của đường lối Văn hóa văn nghệ gần 80 năm qua từ Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943) đến nay về tư tưởng lý luận và thực tiễn hoạt động, chuyên luận làm rõ căn cứ khoa học của những định hướng lớn và những giải pháp cơ bản để tiếp tục phát triển, hoàn thiện đường lối Văn hóa văn nghệ của Đảng trong giai đoạn cách mạng hiện nay.

Nội dung phần chuyên luận kết cấu theo thể thức một công trình nghiên cứu khoa học. Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo và Phụ lục là ba chương chặt chẽ, logic, hợp lý, gồm: I. Tổng quan sự hình thành và phát triển của của đường lối Văn hóa văn nghệ của Đảng từ Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943) đến nay; II. Những thành tựu và hạn chế; bài học kinh nghiệm trong thực thi đường lối Văn hóa văn nghệ của Đảng; và III. Những bài học về lý luận và thực tiễn đảm bảo thực thi hiệu quả đường lối Văn hóa văn nghệ của Đảng. Bằng thao tác khoa học thuần thục, Chuyên luận vừa có phần lý thuyết mang tính hàn lâm, lại vừa có thực tiễn, tác giả đã làm rõ một số khái niệm về Văn hóa văn nghệ, bổ sung những điểm mới, cùng các nhà khoa học hoàn thiện khái niệm này.

*

Dựa trên thực tiễn đường lối Văn hóa văn nghệ, tác giả đánh giá tổng quan sự nhất quán và tiếp tục phát triển của đường lối Văn hóa văn nghệ của Đảng từ Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943) đến nay. Một mặt chuyên luận khẳng định những thành công lớn về mặt lý luận và thực tiễn, mặt khác, chuyên luận đã phân tích những hạn chế, thiếu sót về đường lối Văn hóa văn nghệ mang tính lịch sử. Đây cũng là một điểm mới đáng ghi nhận. Trên tinh thần phê bình và tự phê bình “Đảng ta đã nhận ra những hạn chế, khuyết điểm và thiếu sót trong việc vạch ra đường lối, chỉ đạo thực hiện đường lối, qua từng giai đoạn cách mạng, để tìm cách khắc phục đưa cách mạng tư tưởng và văn hóa đáp ứng với những yêu cầu thực tiễn đặt ra ngày một cao đòi hỏi không ngừng tiến lên” (122); vấn đề cách mạng tư tưởng - văn hóa dù đã đề cập tới nhưng còn quá sơ sài, thậm chí có phần hẹp hòi, phiến diện;  “Chưa đề cập tới” vấn đề xây dựng con người mới; trong kháng chiến chống Pháp thiếu xót của Đảng là “ít ra nghị quyết về công tác, chậm đề ra những chính sách cụ thể đối với văn nghệ sĩ”; cơ quan trực tiếp phụ trách văn nghệ “có khi quan liêu, mệnh lệnh, xa rời văn nghệ sĩ, hẹp hòi và bè phái, cô độc, thoát ly thực tế”... Đồng chí Tố Hữu đã thẳng thắn chỉ ra “Đảng ta còn non nớt trên địa hạt văn hóa”…

Những hạn chế trên đã được Đảng ta rút kinh nghiệm, nêu ra bốn bài học về lý luận và thực tiễn nhằm đảm bảo sự nhất quán có tính chất nguyên tắc và sự tiếp tục, không ngừng bổ sung phát triển để hoàn thiện đường lối Văn hóa văn nghệ của Đảng. Qua mỗi thời kỳ cách mạng, theo yêu cầu của chỉ đạo thực tiễn, đường lối Văn hóa văn nghệ của Đảng ngày càng sáng tỏ, hoàn chỉnh; lý luận Văn hóa văn nghệ ngày càng phong phú và sắc bén. Phần chuyên luận là kết quả từ đề tài khoa học do Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương chủ trì, tác giả là thành viên tham gia nghiên cứu. Theo đó, 7 kiến nghị cụ thể của chuyên luận đã gửi đến Đảng, Nhà nước và các cơ quan hữu quan. Chuyên luận đã góp phần lấp đầy một phần nào khoảng trống trong nghiên cứu đường lối Văn hóa văn nghệ của Đảng từ trước đến nay.

Phần thứ hai gồm 17 bài, đề cập đến thực tiễn đời sống Văn học nghệ thuật, làm sáng tỏ nội dung trong Phần I. Đó là 17 bài viết của tác giả trong 5 năm (2015-2020) đã được công bố trong các hội thảo khoa học, đăng trên báo chí văn nghệ.

Mang sứ mệnh “kép” nhà văn - nhà báo, có nhiều điều kiện tiếp cận những vấn đề mới và “nóng” trên mặt trận văn nghệ, tác giả bộc lộ tư chất của một nhà báo văn nghệ khi kết hợp hài hòa kiến thức văn nghệ và kinh nghiệm làm báo. Tác giả có điều kiện tung tẩy ngòi bút văn chương kết hợp với ngôn ngữ, phong cách báo chí để mang đến bạn đọc những trang viết thẫm đẫm hiện thực đương đại của báo chí văn nghệ… Cũng qua chuyên luận này, để thực hiện tốt đường lối Văn hóa văn nghệ của Đảng trong thời kỳ mới, tác giả đã đưa ra ba kiến nghị cụ thể, sâu sắc phù hợp với thực tiễn văn nghệ, đó là: Quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý Văn hóa văn nghệ cấp chiến lược từ Trung ương đến địa phương; Đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cất nhắc các văn nghệ sĩ chuyên nghiệp; Tầng lớp trí thức văn hóa vừa là văn nghệ sĩ, vừa là nhà khoa học...

Cùng các bài viết chung, tác giả dành viết chân dung cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, đồng chí Vũ Mão, Gs.Vs Hoàng Trinh, Gs.Ts. Trần Đăng Suyền, họa sĩ Lê Năng Hiển. Đặc biệt trong đó, tác giả đã có bài viết sâu sắc xúc động “Kỷ niệm Gs.Vs Hoàng Trinh – người thầy, người anh, nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn học hàn lâm” nhân kỷ niệm 100 năm sinh của ông (1920-2020)…

Chuyên khảo là tâm huyết, đam mê, trí tuệ của một nhà khoa học, nhà lý luận, phê bình bền bỉ, cần mẫn. Thành công của PGs.Ts Nguyễn Ngọc Thiện được hội tụ bởi nhiều yếu tố: con người đam mê công việc, tích lũy tri thức, tinh thần cầu thị, người đi trước giúp người đi sau, tìm học trò truyền nhân cho mình; nhà nghiên cứu khoa học có nền tảng tri thức vững; ngoại ngữ tốt…

Đường lối Văn hóa văn nghệ là một bộ phận hợp thành hữu cơ của đường lối cách mạng nói chung, do Đảng cộng sản Việt Nam đề ra từ khi thành lập, giữ vai trò lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ cách mạng đề ra trong từng giai đoạn lịch sử. Gốc của đường lối Văn hóa văn nghệ đã được hình thành từ Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943. Chuyên khảo Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng và Lý luận, thực tiễn nghệ thuật là một công trình bổ ích, thiết thực; là nguồn tư liệu quý, tin cậy cho việc nghiên cứu, học tập và giảng dạy học phần Đường lối Văn hóa văn nghệ của Đảng và là tài liệu quan trọng góp phần thực hiện chủ trương lớn của Đảng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Nguồn Văn nghệ số 5/2021


Có thể bạn quan tâm