April 20, 2024, 9:29 am

Một chút buồn vì việc tặng hoa…

Tặng hoa cho ai đó để thể hiện tình cảm, sự biết ơn hoặc sự kính trọng của mình đối với người ấy thường được coi là một cử chỉ đẹp, lãng mạn, lịch sự trong một xã hội văn minh. Song những năm gần đây, khi đi xem nhiều buổi biểu diễn tại các nhà hát hoặc xem chương trình ca nhạc được truyền hình trực tiếp trên sóng vô tuyến truyền hình, tôi không khỏi cảm thấy chạnh lòng khi chứng kiến có những khán giả cứ “hồn nhiên” xông lên sân khấu ấn những bó hoa hoặc những con thú bông đủ mọi kích cỡ vào tay ca sỹ đang biểu diễn làm cho họ lúng túng, không biết để chúng vào đâu. Thậm chí có lúc tới vài người cùng nhào lên một lượt. Đành rằng, thể hiện tình cảm, sự ái mộ đối với thần tượng của mình là quyền và là việc riêng tư của từng cá nhân, song nếu như làm không đúng lúc, đúng chỗ thì tất yếu sẽ dẫn tới sự phản cảm. Liệu những người cứ tuỳ thích xông lên sân khấu kia có nghĩ được rằng hàng trăm, hàng nghìn người ngồi dưới kia là để xem các nghệ sỹ biểu diễn chứ đâu muốn chiêm ngưỡng “những vị khách không mời” mà cứ tự nhiêin xuất hiện trên sân khấu. Phải chăng họ muốn thể hiện mình là người biết thưởng thức nghệ thuật, biết phô diễn sự ngưỡng mộ, sự cuồng nhiệt hơn những người còn lại. Nếu là người thân quen, là người thật sự yêu mến nghệ sỹ thì cũng có thể thông cảm phần nào. Song, nếu chỉ vì muốn được mọi người “biết đến” mà làm như vậy thì thật đáng buồn.

Nghĩ tới việc tặng hoa, tôi lại nhớ một kỷ niệm cứ đeo đẳng mình qua nhiều năm tháng. Đó là vào năm 2000. Nhân dịp hai mươi năm nghệ sỹ nhân dân Đặng Thái Sơn giành giải nhất cuộc thi pia-nô mang tên Sô-panh, anh đã được mời trở lại Ba Lan để biểu diễn một chương trình đặc biệt cùng với dàn nhạc giao hưởng quốc gia Ba Lan. Buổi biểu diễn được tổ chức tại Cung hoà nhạc quốc gia của Dàn nhạc giao hưởng Ba Lan, nơi mà nghệ sỹ nhân dân Lê Dung cũng đã có lần được thể hiện bài “nhạc buồn” của nhạc sỹ thiên tài Sô-panh và có chia sẻ lại rằng bất cứ nghệ sỹ nào cũng ước ao được biểu diễn tại một nơi có thiết kế đẹp và âm thanh tuyệt vời đến vậy.

Với tư cách là Đại sứ Việt nam tại Ba Lan, tôi cũng được mời dự đêm hoà nhạc đó. Tôi được xếp ngồi tại một lô danh dự trên gác hai, nơi có thể nhìn thẳng xuống trung tâm sân khấu và bao quát được cả khán phòng gần một nghìn chỗ ngồi ở tầng dưới. Người Ba Lan vô cùng mến mộ nghệ sỹ Đặng Thái Sơn, bởi lẽ anh là một người đến từ đất nước xa xôi như Việt Nam, lại vừa trải qua bao năm chiến tranh, nhưng đã vượt qua tất cả các thí sinh đến từ khắp nơi trên thế giới để giành giải nhất cuộc thi Sô-panh năm 1980 một cách đầy thuyết phục. Đĩa nhạc của anh được bày bán trên khắp đất nước Ba Lan. Chính vì ngưỡng mộ Đặng Thái Sơn cùng tình yêu vô bờ bến đối với âm nhạc Sô-panh nên Cung hoà nhạc quốc gia đêm ấy không còn một chỗ trống. Khi ánh đèn dần tắt và nghệ sỹ Đặng Thái Sơn bước ra sân khấu, khiêm nhường cúi đầu chào khán giả thì những tràng pháo tay vang rền nổi lên kéo dài tới vài phút. Và sau đó, chỉ còn là âm nhạc và âm nhạc. Bên cạnh cây đàn pia-nô sang trọng được đặt giữa sân khấu, người nghệ sỹ Việt Nam nhỏ nhắn, tài hoa hai bàn tay lướt trên những phím đàn khi khoan nhặt lúc dập dồn làm bật lên những âm thanh trầm hùng, thánh thót, dẫn dụ người nghe lạc vào một thế giới mông lung, ngập tràn cảm xúc. Qua những bản nhạc thẫm đẫm sắc màu và tâm hồn Ba Lan của nhạc sỹ Sô-panh được Đặng Thái Sơn trình diễn, tôi hiểu hàng nghìn khán giả có mặt tại Cung hoà nhạc quốc gia đêm ấy đang thả mình theo từng nốt nhạc. Họ cảm nhận được tiếng rì rào của những rặng thuỳ dương, những gợn sóng vô tận của những cánh đồng lúa mì rộng bao la trĩu hạt trải dài trên khắp đất nước Ba Lan, những bước chân dồn dập trong những vũ điệu đặc sắc của người dân vùng Mazowsze hay Slask. Có lẽ tất cả những gì thân thương nhất, Ba Lan nhất đều đang ùa về qua âm nhạc. Khán giả đắm chìm nghe âm nhạc, lặng im tới mức nếu một ai đó chẳng may vô tình ho một tiếng nhỏ có lẽ cũng tự cảm thấy mình có lỗi.

Khi Đặng Thái Sơn trình diễn xong tiết mục cuối cùng, gần nghìn người đứng bật dậy vỗ tay không dứt. Cúi đầu chào nhiều lần, nhưng không thuyết phục được khán giả ngừng vỗ tay và hiểu đó cũng là mong mỏi của khán giả muốn mình trình diễn thêm một tiết mục nữa, Đặng Thái Sơn liền đáp ứng ngay.

Kết thúc đêm diễn, hai thiếu nữ Ba Lan xinh đẹp thay mặt ban tổ chức trang trọng bê một lẵng hoa to, sắc màu rực rỡ lên sân khấu đặt trước mặt nghệ sỹ Đặng Thái Sơn đang nghiêng mình cám ơn hàng nghìn khán giả còn đứng nguyên tại chỗ vỗ tay. Vào lúc đó, ở bậc thềm bước lên sân khấu, vài bạn trẻ Việt Nam ôm hoa định lao lên tặng nghệ sỹ, thì lập tức bị hai vệ sỹ rất lịch thiệp nhưng kiên quyết ngăn lại. Họ cự nự một lúc, song cuối cùng cũng phải quay xuống. Trên sân khấu, dưới ánh đèn sáng chói, chỉ có một mình Đặng Thái Sơn và lẵng hoa sang trọng của ban tổ chức và những tràng vỗ tay nồng nhiệt vang lên không dứt. Đó là cách mà người Ba Lan lịch thiệp bày tỏ sự mến mộ của mình.

Sau buổi diễn, tôi xuống phòng nghỉ riêng được bố trí cho nghệ sỹ Đặng Thái Sơn để tặng hoa và chúc mừng anh. Vào lúc này thì ai muốn tặng hoa cho anh cũng được, nhưng dứt khoát không phải là cứ tự tiện xông lên sân khấu, dù đó có là Đại sứ. Tôi rất hiểu điều đó, rất vui vì thành công rực rỡ của đêm biểu diễn, song cũng không khỏi vương một chút buồn vì việc tặng hoa.

Nhà thơ Tạ Minh Châu

Nguồn Văn nghệ số 51/2022

 

Có thể bạn quan tâm