April 20, 2024, 8:31 am

Một Châu Úc qua góc nhìn Văn học


Nước Úc, sự hùng vĩ, hệ động vật hoang dã, rừng rú, bụi rậm, vùng sa mạc rộng bao la, các bãi biển… Sự đa dạng về cảnh quan, địa hình, hệ sinh thái, thiên nhiên… này không thể diễn tả bằng chỉ một câu nói. Hòn đảo khổng lồ Úc châu với diện tích rộng lớn tương đương với 14 lần diện tích nước Pháp, chan chứa nhiều tài nguyên phong phú mà chỉ có văn học mới có cơ may diễn đạt một cách trọn vẹn. Mời độc giả khám phá Úc châu qua bốn tác phẩm tiêu biểu của các nhà văn danh tiếng với văn phong khác nhau!

 

Một góc nước Úc. Ảnh internet

 

Tracks, nữ tác giả Robyn Davidson (Úc).

            Tracks, tựa quyển sách, kể về giấc mơ của một phụ nữ trẻ, người Úc, mong ước thực hiện chuyến đi xuyên qua một nửa nước Úc trên lưng lạc đà và với chỉ có 5 đô la trong túi. Đây là một chuyến đi mang tính lịch sử và nhân văn mà nữ tác giả Robyn Davidson muốn gởi đến độc giả qua quyển tự truyện. Niềm ước ao tự do cháy bỏng trong lòng nữ văn sĩ thúc đẩy chị liều lĩnh cả tính mạng để đối diện với chính mình. Được tài trợ bởi tạp chí nổi tiếng tầm cỡ quốc tế, National Geographic, chuyến đi chưa có tiền lệ này được Robyn thực hiện với người bạn đường, nhiếp ảnh gia Rick Smolan. Tác phẩm mô tả chuyến phiêu lưu ở một cường độ cao hiếm thấy. Thực tế, người phụ nữ 37 tuổi này đã bắt đầu cuộc hành trình từ Alice Springs, một thị trấn xa xôi, hẻo lánh thuộc bang Australia’s Northern Territory (Bắc Úc), nằm giữa DarwinAdelaide, và cùng cách xa hai thành phố này 1.500 km. Trong tâm trí Robyn chỉ có duy nhất một ý nghĩ là đến được bờ biển Ấn Độ (Océan Indien), sau khi vượt qua 2.700 km từ nơi xuất phát đến đích. Tham gia chuyến thám hiểm còn có một chú chó và bốn con lạc đà cùng thử sức vượt qua vùng sa mạc khắc nghiệt và rộng lớn của Úc. Tracks vừa ca ngợi nguồn tài nguyên thiên nhiêu giàu có nằm rải rác trên đất nước tuyệt vời này, vừa nêu bật lòng ham muốn khám phá thiên nhiên của người Úc qua sáng kiến tổ chức chuyến đi đầy cam go. 256 trang sách sẽ dẫn độc giả vào câu chuyện phi thường hấp dẫn từ đầu đến cuối.

            Năm 1980, Tracks được trao giải Thomas Cook Travel Book Awardthe Blind Society Award. Tracks cũng được đạo diễn John Curran dựng thành phim vào năm 2013.

 

The Dead Heart, tác giả Douglas Kennedy (Mỹ)

            Tất nhiên, Douglas Kennedy là tác giả người Mỹ, và quyển sách của anh viết về những hiểm nguy đang chờ sẵn những ai muốn khám phá vùng rừng rậm và hoang dã của Úc. Những vùng đồng bằng sa mạc này nằm rải rác trên đất nước Úc đồng nghĩa với hàng trăm cây số không người ở, những động vật hoang dã, những vùng rừng rậm tự nhiên mà ngay cả những cư dân đến sinh sống và lập nghiệp tại đây cũng không thể chế ngự. Câu chuyện kinh dị đỉnh cao của quyển sách đã diễn ra trong môi trường tiêu biểu đó của nước Úc. Thỉnh thoảng tác giả cho lồng vào vài tình huống vui cười nhằm làm dịu bớt sự căng thẳng. Là một nhà báo được trả nhuận bút theo số trang được đăng (pigiste), Nick Howthorne rời Mỹ quốc với quyết tâm chinh phục vùng sa mạc hoang dã Úc châu. Tại đây, mọi việc diễn ra không như những gì anh nghĩ. Trên đường đi, chiếc xe hơi của anh đã va vào một con chuột túi. Tuy chỉ làm anh bị thương nhẹ, nhưng tai nạn này đã làm thay đổi gần như hoàn toàn mục đích của chuyến đi khám phá nước Úc. Qua cuộc hội ngộ với cô gái xin quá giang xe, Angie, nhân vật chính trong tác phẩm đã bị nàng quyến rũ và dần dà đưa Nick dấn sâu vào nơi nguy hiểm điên rồ. Ma túy, bị cưỡng bức kết hôn…, Nick bị giam lỏng ở Wollanup, một ngôi làng nằm giữa vùng sa mạc hoang vu mà cư dân là những người thoái hóa …  

            Nguyên bản tiếng Anh của quyển tiểu thuyết này có tựa đề là The Dead Heart của nhà văn Douglas Kennedy được xuất bản năm 1994. Tác phẩm này được dịch ra tiếng Pháp lần đầu tiên vào năm 1998 với tựa đề là Cul-de-sac (Ngõ cụt). Năm 2008, nó được dịch lại và tái bản với tựa đề Piège nuptial (Bẫy tình). Năm 1997, The Dead Heart được đạo diễn Stephan Elliott chuyển thành phim tựa đề Welcome to Woop Woop.

 

Down under, tác giả Bill Bryson (song tịch Mỹ - Anh).

            Trong tác phẩm Down under, Bill Bryson mô tả lại chuyến đi bằng xe lửa và xe hơi khắp nước Úc, những cuộc trò chuyện của anh với những người, mà anh gặp trên đường đi, về lịch sử, địa lý, những kì hoa dị thảo và động vật lạ lẫm của nước Úc, và những ấn tượng hài hước về cuộc sống, văn hóa và tiện nghi tại mỗi địa phương anh đến. Với văn phong tương tự như trong A Walk in the Woods, Bill Bryson đã thuật lại những câu chuyện về những nhà thám hiểm và dân di cư đến Úc châu vào thế kỷ 19. Họ đã phải hứng chịu nhiều thiếu thốn trầm trọng, cũng như các chi tiết về nguồn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa và kinh tế. Trong chương Crossing Australia, Những câu chuyện anh viết về việc các nhà thám hiểm phải uống nước tiểu của chính mình và ngựa để sinh tồn đã đưa chủ đề hài hước sở trường của tác giả lên cao trào. Với một chút ngoa dụ, cuốn sách này mang đến cho độc giả những giây phút giải trí vui nhộn.

            Năm 2000, tác phẩm này được xuất bản ở Anh với tựa đề Down under (Miệt dưới) và ở Mỹ với tựa đề In a sunburned country (Trong một đất nước nắng cháy). Sách được dịch ra tiếng Pháp tựa đề Nos voisins du dessous (Những người láng giềng miệt dưới) năm 2005.

 

The Thorn Birds, nữ tác giả Colleen McCullough (Úc).   

            The Thorn Birds (Những con chim trong bụi mận gai) là tác phẩm văn học cổ điển của nước úc, một best -seller của Colleen McCullough. Khác xa thể loại tiểu thuyết tình cảm màu mè, The Thorn Birds đã lột tả cảm xúc của con người thuộc một tầng lớp xã hội, không ngừng diễn tiến qua từng trang sách. Meggie Cleary, một cô gái trẻ xuất thân trong một gia đình khiêm tốn New-Zealand cùng với cha mẹ đến định cư tại một trang trại thuộc vùng nông thôn Úc. Trên quốc đảo láng giềng với nguyên quán, Meggie gặp Ralph de Bricassart, một linh mục trẻ, 27 tuổi. Diễn biến tình cảm giữa họ đi từ anh em, đến tình bạn, và khi Meggie đến tuổi vị thành niên, cha Ralph trở thành người tình khăng khít. Là một người nhiều tham vọng, cha Ralph không từ bỏ đam mê “tử huyệt” hứa hẹn nhiều gay cấn và hấp dẫn giữa hai nhân vật chính. Từ sự gắn bó không thể xa lìa nhau này, rồi đến cuộc hội ngộ giữa MeggieLuke O’Neil, người có nhiều điểm tương đồng với Ralph một cách lạ lùng đến độ Meggie không thể nào dửng dưng. Thế là MeggieO’Neil cưới nhau. Nhưng sự việc đã không diễn ra như dự kiến. Bạo lực đã xâm chiếm cuộc sống đôi vợ chồng trẻ… Tác giả Colleen McCullough miêu tả cuộc sống tầm thường và đau khổ của nhiều nhân vật thuộc nhiều thế hệ khác nhau. Dù nam hay nữ, đôi khi số phận của họ rất bi thảm. Các vấn đề về xã hội, từ nhà thờ, tình yêu… bằng một văn phong rất riêng, nữ tác giả Colleen McCullough đã biến The Thorn Birds thành một tác phẩm mang đậm nét đặc trưng Úc.        

            The Thorn Birds được xuất bản năm 1977 và đạo diễn Daryl Duke (Mỹ) chuyển thể thành phim truyền hình nhiều tập năm năm 1983. The Thorn Birds, một trong những quyển tiểu thuyết úc bán ra với số lượng cao nhất lên đến 30 triệu bản, đã được J. Lagrange và J. Hall dịch ra tiếng Pháp năm 1978 tựa đề Les oiseaux se cachent pour mourir (Những con chim ẩn mình chờ chết). Ở Việt Nam, tác phẩm này có hai bản dịch sang tiếng Việt từ những năm của thập niên 80 thế kỷ trước với tên gọi Tiếng chim hót trong bụi mận gai (Dịch giả Phạm Mạnh Hùng, dịch từ bản tiếng Nga, Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành) và Những con chim ẩn mình chờ chết (Dịch giả Trung Dũng, dịch từ bản tiếng Pháp, Nhà xuất bản Trẻ ấn hành)

                                                                             (Theo Le Petit Journal de Sydney)

Nguồn Văn nghệ số 16/2019

*Tên bài viết do Vannghe online đặt

 

 

  


Có thể bạn quan tâm