April 25, 2024, 9:13 am

Một chặng đường cùng Chu Cẩm Phong

Lần đầu tiên tôi gặp anh Tiến (Chu Cẩm Phong) trên một bờ suối nhỏ nằm sâu trong núi thuộc thôn Danh Sơn, xã Kỳ Yên. Tôi ở Tiểu ban Giáo dục, anh Phong ở Thông tấn xã thuộc Ban Tuyên huấn Khu 5.

Hai cơ quan ở gần nhau, dọc theo bờ suối. Gọi là cơ quan, nhưng thực ra chỉ có hai khoảnh đất chênh vênh mới được phát dọn cây nhỏ, dây leo, căng tăng ni lông để ở tạm. Tôi từ đồng bằng lên, anh Tiến ở miền Bắc vừa mới trở về chiến trường quê mình. Chúng tôi đều chưa quen với cuộc sống khổ cực giữa rừng núi hoang vu gần như người tiền sử này. Bây giờ, nhìn lại thì người và hoàn cảnh thật đối nghịch và nghiệt ngã. Nhưng lúc đó, có lẽ anh cũng như tôi với tấm lòng trong veo tựa gió núi, chỉ biết đi theo cách mạng đến cùng. Mọi suy tư cho cuộc sống riêng mình đều gác lại, kể cả chuyện sống chết của bản thân.

 

Nhà văn Chu Cẩm Phong (1941-1971)

 

Sau khi quân Mỹ đổ bộ vào Quảng Nam - Đà Nẵng và toàn miền Nam, chiến trường ngày càng trở nên ác liệt. Khu ủy lúc đó đóng quân từ Kỳ Sơn, Kỳ Yên, chạy vào đến Tứ Mỹ. Nhưng các đơn vị trực thuộc phải thay đổi chỗ ở liên tục. Lúc tá túc nhà dân, lúc phải dời vào núi vùng giáp ranh. Chúng tôi ở tại đây 10 ngày, được lệnh chuyển ra vùng Sơn-Cẩm-Hà, Tiên Phước. Cũng chỉ sau 1 tháng, vào tháng 9 năm 1965, toàn bộ các cơ quan Khu ủy phải rút về trở lại căn cứ vùng Trung Trà My.

Cán bộ, nhân viên Ban Tuyên huấn chia làm 2 đoàn. Một đoàn vượt qua dốc Lung đến Tiên Lãnh vào “Thị Trấn” Trà My (lúc đó là quận lỵ Hậu Đức đã được giải phóng từ năm 1964), đi dọc sông Trường đến Nước Y, lên dốc Đoác, nóc Ông Thiên vượt qua Gò Xăng, nóc Ông Bôn lên nóc Bà Bốn ở xã Giáp. Còn đoàn kia đi xuống phía Eo Gió, Phước Cẩm, leo qua Dương Đế đến Phước Tân, Phước Hiệp, ngã ba Gò Gai, lên đèo Bà Hương đến Phương Đông, Dương Yên và thị trấn Trà My. Sau ba ngày đường gian nguy, hai đoàn chúng tôi gặp lại nhau, cùng đi theo lộ trình như đoàn đầu tiên. Chu Cẩm Phong lúc đó là thanh niên, lại được rèn luyện trong chuyến đi bộ vượt Trường Sơn vào Nam, dù có mang nặng anh cứ băng băng leo dốc, vượt đèo. Tôi còn nhỏ xíu, mới 14 tuổi, chân tay yếu lắm, phải la lếch bám theo các anh mấy ngày đường. Nhìn anh, tôi thầm mong ước rất đơn giản: Nhanh được cao lớn khỏe mạnh như anh, để làm nhiều việc, mang cõng được nhiều hơn, chịu đựng được ác liệt, gian khổ đang đón chờ phía trước.

Sau 5 ngày leo dốc đến nghẹt thở, lội suối trơn trượt, ngã rồi đứng dậy, tiếp tục hành trình mang cõng... Tới nóc Bà Bốn ở gần Nước Ngheo, xã Giáp, Chu Cẩm Phong vui mừng reo lên “đã đến nơi rồi!”. Đây là một làng dân tộc hết sức hoang sơ. Bà con ở đây như đã sẵn sàng chờ đợi chúng tôi. Họ hân hoan đón tiếp bằng những củ sắn, bắp ngô, bát nước chè rừng... và những nụ cười dung dị từ tấm lòng của họ. Sau cuộc gặp gỡ đầu tiên đầy xúc động này, Già làng chỉ cho chúng tôi mấy khu núi, phân công người dẫn đường. Một ý nghĩ vụt qua đầu tôi: Đây sẽ là nơi đóng quân lâu dài, biết bao giờ mình được trở lại đồng bằng?...

Văn phòng Ban ở riêng cùng với Đài Minh ngữ, các bộ phận Giáo dục, Văn nghệ, Thông tấn xã, Báo Cờ Giải phóng, Tuyên truyền... làm lán trại ở gần nhau và nấu chung một bếp. Tại đây, anh Chu Cẩm Phong được điều từ Thông tấn xã sang Tiểu Ban Văn nghệ do chú Bốn Gương (nhà văn Phan Tứ) làm Trưởng Tiểu Ban. Lúc đó còn có chú Huy Quang (nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu), anh Lý Châu Hoàn... Sau thời gian ngắn, chú Khánh Cao (cha của nghệ sỹ Trà Giang), chị Phương Anh, Phương Thảo, anh Thanh Đính... từ miền Bắc vào bổ sung cho lực lượng văn nghệ Khu V. Lúc này tôi mới thật sự sống gần anh Chu Cẩm Phong, vì Tiểu Ban Giáo dục và Tiểu Ban Văn nghệ ở cách nhau vài chục mét. Ở vùng này, sau trận càn Đỗ Xá do tên Tướng Đỗ Cao Trí chỉ huy đánh sâu để tìm diệt căn cứ địa Trà My, Trà Bồng vào mùa khô 1963-1964. Bây giờ, tình hình trở lại khá yên tĩnh. Các Tiểu Ban thuộc Ban Tuyên huấn (lúc đó gọi là Làng Tuấn) được bố trí quây quần ở gần nhau trong một góc núi.

Công việc làm nhà ở, đào lò Hoàng Cầm, làm sạp để nằm, kể cả bàn làm việc có vẻ quy mô, lâu dài hơn lúc đóng quân dưới vùng giáp ranh Tam Kỳ, Tiên Phước. Nói là quy mô, nhưng thật ra vật liệu chỉ bằng cây rừng, nứa, lồ ô, lá dong, lá mây, dây mây. Cán bộ của Ban Tuyên huấn, hầu hết là các chú, các anh có trình độ học vấn cao, có thể gọi là “tiểu tư sản” tập kết miền Bắc về nên ít quen với lao động chân tay. Đặc biệt, ở Tiểu Ban Văn nghệ thì toàn là nhạc sĩ, nhà thơ, nhà văn và những người hoạt động nghệ thuật khác, chỉ biết cầm bút, cầm đàn, nhảy múa, ca hát nên càng không quen với những việc đào đất, chặt cây, chẻ tre, buộc lạt... Nhưng đã tham gia kháng chiến thì không có cách nào khác, phải làm và dần dần sẽ quen. Anh Chu Cẩm Phong, anh Lý Châu Hoàn và một vài thanh niên dưới đồng bằng thoát ly lên là đội quân chủ lực xông pha làm những chuyện nặng nhọc của Tiểu Ban Văn nghệ. Nhà văn trẻ, đẹp trai, trắng trẻo Chu Cẩm Phong đã lao động quần quật cả chục ngày để có mái nhà lợp lá dong, lò Hoàng Cầm để nấu ăn, hầm trú ẩn tránh bom đạn của địch.

Việc làm nhà ở tương đối hoàn tất, Hậu cần của Ban Tuyên huấn lúc đó do anh Nhung phụ trách, cấp phiếu cho các Tiểu ban xuống “thị trấn” Trà My để lấy gạo. Mỗi Tiểu ban cử đi 3 người, Tiểu Ban Giáo dục có chú Hải là cán bộ phụ trách tiểu học và bổ túc văn hóa, anh Thắng đánh máy chữ và tôi. Tiểu Ban Văn nghệ có anh Châu Hoàn, anh Chu Cẩm Phong còn một người nữa tôi nhớ không rõ, hình như là chú Huy Quang. Trong đợt đi này cũng có 2 người rất ấn tượng đối với tôi, đó là anh Phò (Nhà báo Đặng Minh Phương) bên Báo Cờ Giải phóng và anh Đỗ Kỳ ở Thông tấn xã.

Đoàn chúng tôi xuất phát từ lúc 7 giờ sáng, đi tới Nước Y vào 5 giờ chiều. Tuy là tháng 10, nhưng trời nắng ráo, chúng tôi dừng lại, căng tăng ngủ bên bờ sông. Anh Chu Cẩm Phong, anh Châu Hoàn... nghệ sỹ hơn, nổi hứng căng tăng trên một mô đất, phía ngoài là con sông nước chảy hiền hòa, phía trong là một khe suối cạn bao bọc. Trên mô đất là những cây chò cao vút trông rất nên thơ. Chú Hải là một nhà giáo, vốn tính cẩn thận, can ngăn “ở đây không an toàn”... Do máu nghệ sỹ, các anh ấy không nghe theo. Chú Hải bảo tôi và Thắng vào chân núi, đóng tăng ngủ qua đêm. Vừa ăn cơm tối xong, trời đổ mưa. Đúng 12 giờ đêm, chú Hải gọi to, “dậy tụi bây, nước lớn”. Vừa tỉnh giấc, tôi nghe phía ngoài mô đất vọng vào tiếng la í ới của các anh. Đèn pin bấm rọi tứ tung. Chú Hải nói “nước xuống phủ hết mô đất rồi, tụi bây dậy xem các anh ấy có hề chi không”. Ngoài kia, mọi người cấp tốc tháo võng, tăng, ba lô vượt qua khe suối cạn. Lúc đó nước đã lút đầu người, chảy xiết, nếu chậm chân, đuối sức mất mạng như không. Có người vượt nước trôi mất dép. Mất dép cao su là một vấn đề vô cùng nan giải, phải đi chân đất đường núi hàng tháng trời, xuống đồng bằng mới mua lại được. Còn ít củi khô, chúng tôi đốt lửa cho các anh hong quần áo, sưởi ấm, ngồi vậy chờ đến sáng.

Bây giờ tiến thoái đều không được. Về lại cơ quan phải qua Nước Y. Chiều hôm qua dòng sông hiền hòa như vậy, có thể đó là nguồn cảm hứng cho nhạc sỹ Huy Quang phổ nhạc, nhà báo Đặng Minh Phương làm thơ. Bây giờ nước đầy ắp, đục ngầu, cuồn cuộn chảy. Tiến đến, phải qua sông Trường lại càng khó khăn hơn. Chúng tôi vào nóc đồng bào dân tộc gần đó, bó gối tại đây cả tuần. Trời tháng mười mưa liên tục. Gạo đem ăn đường đã cạn. Đi cõng gạo, không cần phải đem theo gạo nhiều. Bây giờ tình huống đã khác hẳn. Đồng bào dân tộc thấy tình cảnh như vậy, đem cho một ít bắp, sắn để sống qua ngày. Trời mưa xối xả, thỉnh thoảng lắm mới có lúc ngớt mưa, chúng tôi lăn ra rừng tìm cái để ăn. Anh Chu Cẩm Phong khỏe hơn nên mót được rất nhiều sắn. Ở đây gần một tuần, ăn toàn sắn với muối hầm nóng cổ, xót ruột lắm.

 Trời bắt đầu tạnh, chúng tôi đi ngay, đến bờ sông Trường khoảng 9 giờ sáng. Dòng sông đục ngầu, gầm thét, dữ tợn chờ sẵn để nuốt chửng những sinh linh bé bỏng như tôi; đón đợi, thách thức ý chí, sức mạnh của những trai tráng như Lý Châu Hoàng, Chu Cẩm Phong. Nhìn dòng sông, tôi rợn cả người. Ở quê tôi cũng có dòng sông, nhưng đó là dòng Trường Giang, bốn mùa nước trải rộng, rất nên thơ. Còn ở đây, lần đầu tiên tôi chứng kiến mùa nước lũ của Trường Sơn với một tâm trạng hết sức hãi hùng. Hai bên bờ người kẹt lại rất đông, ai cũng nôn nóng muốn vượt sông. Anh Châu Hoàn, anh Tiến bơi lội rất tài. Đặc biệt, anh Hoàn vào Nam năm 1963 nên có nhiều kinh nghiệm vượt nước lũ ở miền núi. Các anh đi dọc bờ tìm chỗ nước sâu, sông rộng, dòng chảy yếu hơn, có thể bơi qua được. Anh Hoàn và anh Chu Cẩm Phong quyết định: Phải qua sông. Ở đây không có cái gì để ăn, người chờ đợi ở nhà cũng đói. Phải lấy cho được gạo mang về.

Dưới cái nắng mới sau mưa, những con người bé nhỏ, đối nghịch với dòng sông dữ tợn, đang quyết tâm vượt qua nó. Phương tiện duy nhất là chiếc ba lô bọc ni lông và sức mạnh của hai chàng trai Chu Cẩm Phong, Châu Hoàng. Lần lượt từng người được dìu qua sông. Tôi lẳng lặng một mình vượt sông. Thấy tôi đã ở bờ bên này, anh Chu Cẩm Phong vui mừng nói “thằng nhỏ bơi được à”. Tôi trả lời “dù nhỏ cũng là dân biển chứ anh”.

Ở bên kia sông chỉ còn chú Hải và Thắng. Hai người này xuống nước thì như cục đá. Anh Chu Cẩm Phong bơi rất khỏe, đưa chú Hải qua sông dễ dàng. Thắng rất sợ nước. Tôi và Châu Hoàng dìu Thắng nương theo chiều nước bơi chậm rãi, không cẩn thận sẽ bị lật “phao”. Bờ bên kia là một ghềnh đá trải dài, nước sâu chảy mạnh. Tới bờ, tôi và anh Hoàng cố sức đưa Thắng trèo lên ghềnh đá. Hình như quá căng thẳng khi qua sông, Thắng mất thăng bằng trượt chân rơi lại xuống nước. Nước sâu, chảy xiết. Trong tâm trạng của người sắp chết đuối, Thắng quậy tứ tung trong dòng nuớc xoáy. Lúc đó Châu Hoàn và tôi đang còn ở dưới nước, lập tức lao về phía sau lưng để đẩy Thắng vô bờ. Thắng quá mất bình tĩnh, chúng tôi không tiếp cận được. Chu Cẩm Phong đứng trên ghềnh đá lao thẳng xuống trước mặt Thắng. Trong chớp mắt bị Thắng chụp, bu ngay cổ. Anh cố sức gỡ tay Thắng nhưng vô hiệu. Hai người quần nhau trong dòng xoáy. Cái chết và sự sống mỏng manh như sợi tóc. Ngay lúc đó, một thanh niên cao lớn, ở đơn vị nào không rõ, nhảy xuống, bơi lao theo. Trong khoảnh khắc anh đã lôi tụt cả hai người vào bờ. Thật là hú vía. Tất cả đều được an toàn. Tất cả đều mệt lả. Chúng tôi nằm sóng soài trên bãi đá. Chu Cẩm Phong lại giục “ta tiếp tục lên đường”.

 Vài tiếng đồng hồ sau, tới kho nhận gạo, các anh cõng 40-50kg, còn tôi chỉ cõng 20kg là đã ráng sức rồi. Trở lại sông Trường đã 5 giờ chiều. Lần này qua sông, đoạn ở gần cầu Chìm rộng, nước cạn, chảy xiết. Dưới lòng sông là những hòn đá tròn trơn lĩn, lỡ trượt chân thì người và gạo sẽ bị cuốn theo dòng nước. Anh Chu Cẩm Phong và anh Châu Hoàn thay nhau cõng gạo và dìu từng người qua sông. Các anh phải qua lại sông rất nhiều lần, cố sức cự với nước chảy mạnh, các ngón chân lần theo từng hòn đá, nguy hiểm đang rình rập trong mỗi bước đi. Cái chết cũng đến với trai tráng dễ như lật bàn tay. Tôi không cõng gạo. Qua đến giữa sông, chân không trụ được, bị nước nhấc bổng người lên, cuốn trôi đi. Cố sức bơi trong dòng chảy xiết, một ý nghĩ vụt ngay qua đầu: Chắc chuyến này mình chết rồi! Mặt úp xuống, tay chân đập mạnh vào nước, cố rướn tới theo bản năng sinh tồn. Anh Phong vừa thả được gùi gạo, chạy dọc theo bờ, lao thẳng ra nắm tay tôi. Anh dìu tôi.

Thế là chuyến đi cõng gạo đầu tiên, anh Chu Cẩm Phong trở thành ân nhân cứu mạng của tôi.

Trong những năm sau, từ 1967 đến 1970 tôi công tác ở Xưởng in Báo Cờ Giải phóng, đã từng đọc và sắp chữ những trang tác phẩm viết tay của anh. Khí phách, tài hoa và tấm lòng kiên trung của Chu Cẩm Phong đã thể hiện trong sự xông pha về phía mặt trận, vào vùng sâu địch hậu, cùng với nhân dân nếm trải thực tế, hình thành ý tưởng, thai nghén tác phẩm văn học để có được những trang viết nóng hổi hơi thở cuộc sống thời chiến. Trong thời gian này, Chu Cẩm Phong còn nhận trọng trách là Đảng uỷ viên, Bí thư Đoàn Ban Tuyên huấn khu V. Ở thời điểm này, một người được tín nhiệm làm Bí thư Đoàn của một đơn vị lớn như Ban Tuyên huấn Khu V là một vinh dự lớn. Bởi lẽ, người Bí thư Đoàn trong thời chiến phải là một nhân vật, một biểu tượng không chỉ ở tài năng, hơn thế nữa phải là tấm gương của dũng khí, tấm lòng khoan dung và tinh thần vì đồng đội cao cả... Những phẩm chất ấy của anh luôn hiện ra một cách thật thà, giản dị trước mắt lớp trẻ chúng tôi. Nó không cao xa và càng không thể giấu giếm, nguỵ tạo được. Vì sự sống và cái chết luôn rất thật.

Hình ảnh thân yêu và tôn kính của anh là hành trang ký ức đầy thuyết phục luôn ở trong tôi, động viên tôi trên những chặng đường theo Đảng trong suốt bốn mươi mấy năm qua. Viết những dòng ký ức từ nơi sâu thẳm của tâm hồn mình, tôi như được gặp lại một Chu Cẩm Phong bình dị, kiên trung và đầy tài hoa của thời trai trẻ.

Nguồn Văn nghệ số 17+18/2020

 


Có thể bạn quan tâm