April 25, 2024, 1:07 pm

Một cái tết không "phong bì, phong bao"

 

Thủ tướng yêu cầu không chúc Tết Thủ tướng, bộ trưởng

 

 Tôi yêu cầu không chúc Tết Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành. Yêu cầu các tỉnh không về Hà Nội chúc Tết. Ở các địa phương cũng vậy. Cần thực hiện nghiêm việc này. Chính phủ cần làm gương, từng thành viên Chính phủ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng”.


Chỉ đạo trên được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra trong kết luận phiên họp thường kỳ của Chính phủ, chiều 29/11. Ngay lập tức thông điệp này đã nhận được sự đồng thuận của dư luận xã hội cho thấy đây không chỉ là hành động gương mẫu của bản thân Thủ tướng Chính phủ mà còn biểu hiện sự quyết tâm thực hiện nghiêm túc nghị quyết Trung ương IV khóa XII của Chính phủ nhiệm kỳ mới.

Trên thực tế, kỳ họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 đã là thời điểm tiệm cận với tết nguyên đán, nên dù nói hay làm cũng đều không thể vượt ra ngoài những quy tắc chung, đó là nhìn lại quá trình điều hành nền kinh tế một năm để thấy rõ những khó khăn trong ngắn, trung và dài hạn nhằm đưa ra những giải pháp hữu hiệu trong đó không loại trừ cả những giải pháp tức thời, như giảm chi tiêu công, khoán kinh phí, giảm thủ tục hành chính, hình thành Chính phủ điện tử, chính quyền cơ sở xuống từng nhà dân thực hiện các thủ tục hành chính... gỡ nút thắt đẩy con thuyền kinh tế đạt kế hoạch đề ra.

Chính vì vậy, không khó để nhận thấy nền kinh tế đang có những dấu hiệu chuyển biến tích cực, cho phép chúng ta có quyền hy vọng sự bứt phá của nền kinh tế trong những tháng cuối năm có thể đạt ngưỡng 6,3%. Dù rằng, đây không phải là mức tăng trưởng mà Quốc hội, Chính phủ và người dân mong đợi và đặt ra kế hoạch trước đó. Có nhiều nguyên nhân để buộc chúng ta phải điều chỉnh mức tăng trưởng, đó là tác động của suy thoái kinh tế thế giới, của thiên tai tại khu vực Tây Nam bộ, Nam trung bộ và những khoản vay nước ngoài của Chính phủ, do Chính phủ đứng ra bảo lãnh để đầu tư cho phát triển đã đến hạn trả nợ. Chính phủ vì thế đã buộc phải trọn giải pháp là thắt lưng buộc bụng để từng bước đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn. Kết quả là các nhiệm vụ về kinh tế - xã hội được Chính phủ giao cho các bộ ngành, địa phương đang gấp rút được hoàn thành. Song cũng phải thừa nhận tình hình tham nhũng lãng phí vẫn còn phổ biến, nghiêm trọng, Nhiều  khoản chi ngầm vẫn mặc nhiên tồn tại giống như một quy luật bất thành văn mà một cá nhận, doanh nghiệp muốn bước chân vào thị trường, tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh cũng đều phải trải qua  và thỏa hiệp. Thủ tướng yêu cầu “phải kiên quyết xử lý, không loại trừ bất cứ tổ chức, cá nhân nào, không có vùng cấm trong đấu tranh phòng chống tham nhũng” phải chăng cũng vì lẽ đó.

Để chấm dứt tình trạng này, dù chỉ trên bề nổi của tảng băng chìm, Thủ tướng đề nghị ngay trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, tất cả hệ thống hành chính không chúc Tết lãnh đạo, không biếu xén, không phong bao, phong bì. Bản thân Thủ tướng khi được Quốc hội phê chuẩn chức danh Thủ tướng Chính phủ cũng đã  có văn bản yêu cầu các địa phương, bộ ngành không đến tặng hoa, chúc mừng Thủ tướng, các phó Thủ tướng và Bộ trưởng, cho thấy thái độ cương quyết chống  tham nhũng của Chính phủ nhiệm kỳ mới đã rất rõ ràng.

Hẳn có sẽ không ít quan điểm cho rằng, tham nhũng không nhất thiết cứ phải là phong bao, lại quả, thậm chí có thể biến tướng dưới nhiều hình thức tài trợ du lịch, tài trợ xuất học bổng, xin - cho dự án, tặng quà người thân lãnh đạo hẵn sẽ không dễ từ chối và phát hiện. Chính vì vậy, để lộ diện những cá nhân tham nhũng, tổ chức tham nhũng cần phải tăng cường giáo dục phẩm chất chính trị cho mỗi cá nhân trong tổ chức Đảng, tăng cường sự giám sát của đoàn thể, người dân để lộ diện cá nhân tham nhũng làm nghèo quốc gia, làm hổ danh dân tộc Việt. Hiện các cơ quan được giao đang xây dựng quy chế để giám sát những việc này cũng như giám sát quyền lực, giám sát người đứng đầu. Đây cũng là một hành động thiết thực để thực hiện Chính phủ liêm chính.


Có thể bạn quan tâm