April 19, 2024, 11:28 pm

Một ánh đèn trong với vạn tấm lòng*

 

Đọc Sống và viết của Triệu Xuân, tôi chợt nghĩ đến hai câu thơ rất hay của một nhà thơ Nhật Bản mà mình từng được nghe qua nhưng chưa kịp nhớ, tôi nhắn tin hỏi nhà thư pháp Thích Nguyên Tâm, thầy trả lời ngay:

“Đó là hai câu của nhà nho Kan Chazan (1748-1827) trong bài Đông dạ độc thư. Hai câu đó như sau:

“Nhàn thâu loạn trật tư nghi nghĩa

Nhất tuệ thanh đăng vạn cổ tâm”

Nghĩa là: Nhàn hạ gom góp những sách vở nằm ngổn ngang, rồi suy nghĩ đến những điều nghi vấn lâu nay, mới thấy một ánh đèn trong của tâm mình với hàng vạn tấm lòng của cổ nhân để lại qua sách vở.

Đúng vậy! Trong một cuốn sách Sống và viết, ta tìm lại được cả một tủ sách bấy lâu nằm ngổn ngang trong tâm trí với bao điều thị phi, bao chìm nổi thăng trầm của các nhà văn can đảm như Gerald Gordon, quý phái như Ưng Bình Thúc Giạ Thị, đơn côi như Vũ Bằng, lặng lẽ như Hoài Anh, nồng nàn như Thu Bồn, oan ức như Lý Phương Liên, sâu sắc và hóm hỉnh như Nguyễn Khải, trí tuệ, uyên bác mà gần gũi như Phan Quang… “Tủ sách” ấy cho thấy tình yêu, nỗi lòng trăn trở và  niềm cảm thông sâu sắc của Triệu Xuân với văn chương và những con người đa đoan theo nghiệp bút.

Phần lớn nội dung của Sống và viết là các bài viết về chân dung nhà văn hoặc lời tựa cho một tác phẩm. Nội dung này thể hiện rõ đặc điểm phong cách phê bình của Triệu Xuân. Đó chính là kiểu phê bình tiểu sử, là khuynh hướng phê bình từ tác giả. Nghĩa là Triệu Xuân rất chú ý đến xuất thân, đời sống, tính cách của các tác giả, từ đó ông đã tái hiện những chân dung nhà văn Việt Nam hiện đại một cách sống động qua cuộc đời và tác phẩm của họ. Day dứt cùng Vũ Bằng, phong trần với Lê Văn Trương, uyên bác với Hoài Anh, phóng túng tự do với Nghiêm Đa Văn, dũng cảm cùng Nguyễn Hồng Cẩn… bằng lối viết sôi nổi, Triệu Xuân đã cho người đọc nhìn thấy nhiều hơn những khúc ngoặt cuộc đời, những éo le thân phận cũng như tài năng, tài hoa và tấm lòng của các nhà văn. Có thể nói, tái hiện chân dung nghĩa là Triệu Xuân đã góp phần phủi bụi thời gian cho nhiều gương mặt văn chương.

Đọc văn, với Triệu Xuân, là “đọc tri âm”, vì yêu người nên yêu văn thơ; vì quý tác giả nên phát hiện được những nét lấp lánh của tác phẩm. Đau đáu với thân phận của Vũ Bằng, Triệu Xuân có những chia sẻ, nhận định đầy day dứt với Thương nhớ mười hai: “Phải là một con người chứa chất một niềm đau không thể giãi bày cùng ai, gánh chịu một nỗi cô đơn khủng khiếp lắm mới tuôn được ra ngòi bút mình những câu văn như có ma ám, từng dòng, từng dòng bị một thế lực siêu nhiên vừa hành hạ, vừa chắp cánh cho tâm hồn, cho cõi lòng, để bao nhiêu tài hoa biến thành niềm thương nhớ thấu trời thấu đất” (tr.17). Người đọc không thể nào quên được những câu văn giàu hình tượng và ám ảnh khi Triệu Xuân viết về nhà văn Lê Văn Trương. “Trong căn nhà nhỏ tồi tàn ở hẻm 100 Trần Hưng Đạo, ông nuôi tới ba chục con mèo. Khi ông chết, mấy chục con mèo kêu la thảm thiết rồi phủ phục liếm chân, tay ông. Tang lễ xong, bà Trương dọn về bên Khánh Hội, nhưng đêm đêm người ta vẫn nghe thấy tiếng hàng chục con mèo về gào lên thảm thiết quanh căn nhà trong hẻm nay đã về tay chủ mới” (tr.65). Trong nỗi bi ai của tiếng mèo kêu, ta như cảm thấy được niềm xót xa của chính người viết. Đó không chỉ là tiếc thương người đã khuất, mà còn là sự thấu cảm với thân phận bất hạnh của kẻ trót mang lấy nghiệp văn chương. Từ trong câu chữ, có thể nhìn thấy tấm lòng liên tài đầy xót xa, day dứt của Triệu Xuân. Những anh tài lận đận có lẽ cũng được an ủi phần nào.

Khi viết phê bình, Triệu Xuân thường có những nhận định khá quyết đoán: Vũ Bằng “phải là con người nặng lòng yêu thương Tổ quốc, yêu thương quê hương, yêu thương Hà Nội hơn ai hết thì mới viết được một cuốn sách như thế!” (tr.17); “Lê Văn Trương là người viết nhiều nhất trong số các nhà văn Việt Nam, rằng ông thực sự là một tài năng, là người có nhân cách và lòng nghĩa hiệp. Về mặt lao động, ông xứng đáng được ghi vào sách kỷ lục: Nhà văn Việt Nam lao động văn chương năng suất cao nhất!” (tr.64): “Trò chuyện với Thúy Kiều - bài thơ hay nhất của Lý Phương Liên” (tr.234)… Người viết phải có một vốn kiến văn sâu rộng mới có được khẩu khí chắc chắn, mạnh mẽ và tự tin như thế.

Tác giả của Sống và viết cũng rất thẳng thắn trong khen chê mỗi tác phẩm. Đánh giá của ông rất khách quan và sắc bén. Phê bình về Hoang tâm của Nguyễn Đình Tú là minh chứng rõ nhất cho đặc điểm này của văn Triệu Xuân. “Tôi thực lòng không khoái mảng Nguyễn Đình Tú viết về chiến tranh trong Hoang tâm. Đó chỉ là những ký sự nghe người ta kể mà khéo léo chép lại… Chán phèo! Nhưng, tác giả Hoang tâm đâu có hoang tâm, đâu có ngớ ngẩn… Viết văn xuôi, Nguyễn Đình Tú học được thủ pháp đồng hiện; học được thủ pháp hiện thực huyền ảo; học được phương pháp phân tích nội tâm… Có điều, người học trò này quá thông minh. Học nghề của người đi trước rồi giỏi hơn thầy! Gọi là cướp nghề thầy cũng chẳng sai!” (tr.254). Thủ pháp đòn bẩy (ức dương) được Triệu Xuân sử dụng ở đây thật đắc dụng.

Góp ý cho tác giả Sông cạn [nhà văn Dũng Hà], Triệu Xuân đề nghị: “Ông có khiếu quan sát nhưng nếu muốn cho trang văn sinh động hơn, hấp dẫn hơn thì cần phải nâng cao năng lực miêu tả, đi sâu vào nội tâm nhân vật sắc sảo hơn, tinh tế hơn” (tr.188). Là người đầu tiên được tặng và đọc Con trai người câu cá mập, dù rất thân thiết với tác giả, Triệu Xuân cũng thẳng thắn nói ra điều đáng tiếc: “Cốt truyện hay, miêu tả giỏi, nhưng… giá như viết kỹ hơn, sẽ thành một tiểu thuyết giá trị. Cái này giống ký sự” (tr.318). Thiết nghĩ, người cầm bút, viết ra những điều không chiều lòng người khác (đặc biệt là người thân thiết) kiểu như Triệu Xuân là điều không dễ dàng. Viết được như thế, phải có tinh thần làm việc nghiêm túc, công bằng, cương quyết và thẳng thắn, không cả nể. Và dĩ nhiên, đó còn là tình yêu và trân trọng văn chương, chỉ thừa nhận giá trị đích thực của văn chương chứ không dễ dãi với những gì na ná văn chương.

Phong cách phê bình này của Triệu Xuân còn được thể hiện rõ hơn ở các tham luận. Trong tọa đàm Văn học viết cho thiếu nhi, tác giả đề nghị: “viết cho thiếu nhi hãy dũng cảm lên, hãy phanh phui những ung nhọt, ngang trái trong xã hội… Nếu chỉ vịn vai thiếu nhi để viết những chuyện trẻ con trong trường tiểu học, trung học, thì dù sách có bán chạy cũng chỉ như cách nói của dân quê tôi: dụ trẻ con ăn cứt gà…!”(tr.250). Hoặc, tổng kết Giải thưởng Huỳnh Văn Nghệ của Hội văn nghệ Bình Dương năm 2013, sau khi nhận xét chất lượng tác phẩm dự thi quá thấp, nhà văn Triệu Xuân đề nghị không trao giải. “Nếu nhất thiết phải trao cho có thì chỉ trao Tặng thưởng (Giải Khuyến khích)”… (tr.532). Đây là ý kiến nghịch nhĩ hiếm có của người được mời làm giám khảo cho một cuộc thi văn chương, bởi vì tác giả đã vượt lên những cả nể thông thường và tinh thần dĩ hòa vi quý, thể hiện trách nhiệm với văn chương, với thế hệ cầm bút trẻ.

Sống và viết còn có nhiều bài kể chuyện: chuyện mình, chuyện đời, chuyện nhân thế; nhiều bút ký, phóng sự và trả lời phỏng vấn. Dù chủ đề không tập trung (do có đủ cả “sống” lẫn “viết”); tuy vậy, Sống và viết đã khắc tạc một chân dung nhà văn, nhà hoạt động văn học Triệu Xuân sôi nổi, nhiệt tình, giàu tâm huyết và có nhiều đóng góp cho văn học nước nhà. Theo chúng tôi, Sống và viết là một tư liệu quý, một cuốn sách giúp người đọc hình dung được phần nào không khí văn học của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX. Và hơn hết thảy, cuốn sách giúp người đọc thấy được “một ánh đèn trong với vạn tấm lòng”.

________

* Lời bạt. In trong sách Triệu Xuân Nghĩa tình bạn hữu.

Nguồn Văn nghệ số 21/2020


Có thể bạn quan tâm