March 28, 2024, 6:44 pm

Món quà quý dành tặng các nhà thơ

 

Cây bút phê bình trẻ Nguyễn Văn Hòa vừa trình làng cùng lúc 2 tập sách phê bình đầy đặn: Tình Thơ Bạn Thơ Con tằm rút ruột nhả tơ, mỗi tập gần 300 trang.

Tình Thơ Bạn Thơ gồm 36 khúc đò đưa của Nguyễn Văn Hòa, cùng với lời thưa của vợ chồng nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy về chủ đề THƠ, như một tư liệu quý giá, mà ở đó từng tác giả thơ được ngòi bút phê bình Nguyễn Văn Hòa tìm ra được những điểm nổi bật trong từng giai đoạn sáng tác, hoàn cảnh ra đời tác phẩm, một số bước ngoặt các nhà thơ đã đi qua, đã làm nên những câu thơ, bài thơ sống được với thời gian.

Nguyễn Văn Hòa viết về tập thơ Bất Kham của nhà văn Y Ban, đó là một bài viết sâu sắc. Với những phát hiện độc đáo, hiểu biết tường tận về câu từ, bút pháp của Y Ban trong tập thơ, anh đã giúp người đọc cảm nhận được những ý nghĩa, thông điệp mà Y Ban muốn truyền tải: “Không biết Y Ban cố tình hay do thói quen mà chị làm thơ như kiểu viết văn. Mạch thơ như một câu chuyện kể. Chị làm thơ mọi lúc, mọi nơi, thậm chí khi rửa bát cũng làm thơ. Thơ với chị như một mạch ngầm, tiềm ẩn. Do vậy, đọc thơ Y Ban, người đọc nhận thấy chị không cầu kỳ, không chú trọng đẽo gọt câu chữ, không nặng về kỹ thuật, không làm dáng, không ngoa ngôn... Thơ chị có sự bình dị, tự nhiên, đôi lúc như là lời thủ thỉ tâm sự rất mực gần gũi, đời thường. Nhưng đọc kỹ, thơ chị nhiều ẩn ý, giàu sức liên tưởng. Tôi cho rằng đó lại là cái đáng yêu, tạo nên hồn cốt và nét riêng của một nhà văn đi viết thơ. Thơ viết về tình yêu, miếng ăn, nỗi khổ, sự mất tự do, cái chết, nỗi buồn... Tất cả những điều đó tràn ngập trong thơ chị.”

36 khúc đò đưa trong Tình Thơ Bạn Thơ dành 24 khúc đò đưa để khắc họa 24 chân dung nhà thơ nữ với những cái tên rất quen thuộc và nổi tiếng trong làng thơ nữ, phải chăng Nguyễn Văn Hòa ưu ái cho các gương mặt thơ nữ, như: Đặng Thị Thanh Hương, Phan Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Bùi Kim Anh, Lê Thị Kim, Trúc Linh Lan, Lý Phương Liên, Đinh Thị Thu Vân, Khánh Chi, Lệ Thu, Phạm Thị Ngọc Liên, Thu Nguyệt, Dư Thị Hoàn, Đoàn Thị Lam Luyến, Thảo Phương... Có lẽ, vì anh là nam giới, nên những lời thơ của nữ, làm cho anh xúc động, cảm thông cho trái tim của những người phụ nữ xung quanh mình… Và Nguyễn Văn Hòa đã khéo léo chậm rãi nắm bắt từng nhịp một, bằng khả năng cảm nhận nghệ thuật một cách rộng mở, đầy cảm thông với những cây bút nữ, để lắng nghe họ thể hiện bản ngã, ước mơ, khát vọng của mình. Trong bài viết về nhà thơ Lý Phương Liên, chúng ta đọc, mà không khỏi rưng rưng, như hòa chung một nhịp thở, của người viết phê bình, người làm thơ, và người đọc thơ: “Lý Phương Liên là một người phụ nữ có cá tính, một người dám sống, dám nói hết những gì khổ đau đang diễn ra với chính bản thân mình, với những người xung quanh và với những gì đang hiện hữu, đang tiếp diễn ở cuộc đời này. Mà đã dám nói như thế có nghĩa là chị có đủ can đảm và nghị lực để vượt qua”.

Em tuổi hai mươi như tất cả mọi người/ Chọn số phận thời mình đang sống/ Tuổi hai mươi không tin vào định mệnh / Định mệnh là đối thủ tiến công”

Khi đọc bài viết này của anh, điều chắc chắn rằng những ai yêu thơ mà chưa biết nhà thơ Lý Phương Liên sẽ đi tìm thơ của cô ấy đọc ngay. Tôi cho rằng đây là thành công cho một nhà phê bình văn học, một người phát hiện cái hay của thơ, cảm được thơ, đồng thời cũng là một người không ngại chỉ ra những bài thơ mà có thể còn vài khiếm khuyết, bằng tấm lòng rộng mở, như sự mênh mông vô vàn của vô cùng ngôn ngữ sắc thái, sự đa dạng phong phú của tiếng Việt.

Nghệ thuật nói chung và sáng tác các tác phẩm văn học nói riêng đòi hỏi phải không ngừng đổi mới, không ngừng nắm bắt kịp xu thế của thời đại, không ngừng tự bắt nhịp với những thay đổi của đời sống tinh thần của con người. Ý thức được điều này, các nhà thơ đã luôn tự làm mới mình để cho ra đời những bài thơ, tập thơ hướng về cái nhân văn nhân ái. Nhà phê bình văn học là người luôn tìm kiếm, định hướng, chỉ rõ những giá trị đó. 36 khúc đò đưa, trong Tình Thơ Bạn Thơ là món quà quý mà Nguyễn Văn Hòa dành tặng 36 nhà thơ. Sự cần mẫn, chăm chỉ như con ong hút mật cho đời, như con tằm rút ruột nhả tơ của nhà giáo, nhà phê bình Nguyễn Văn Hòa thì đó là điều đáng trân trọng.

Nguồn Văn nghệ số 24/2020


Có thể bạn quan tâm