March 28, 2024, 6:06 pm

Môn Lịch sử chán hay cách dạy lịch sử gây chán?

Dân ta phải biết sử ta

Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy như thế! Vậy mà những năm gần đây, môn Lịch sử vô tội vạ trở thành nỗi ám ảnh của học trò, theo đó điểm kiểm tra môn Lịch sử cũng thấp lè tè, học trò học trước quên sau. Tình trạng “nhồi nhét” kiến thức môn Lịch sử vào đầu học trò vẫn còn diễn ra đâu đó trong nhà trường. Thế thì môn Lịch sử chán hay do cách dạy Lịch sử của người thầy gây nhàm chán?

Lịch sử Việt Nam được viết bằng máu và nước mắt của thế hệ tiền nhân, chính họ đã gìn giữ, bảo vệ non sông để ngày hôm nay chúng ta được sống trong thanh bình, tiếp thu tri thức mới và khoa học kĩ thuật tiên tiến. Học Lịch sử cũng là một cách thể hiện lòng biết ơn đối với tiền nhân, nguồn cội, nắm được đất nước ta đã phải trải qua những gian lao, đau khổ như thế nào để từ đó càng trân trọng hòa bình, sống có trách nhiệm.

Có lẽ môn Lịch sử sẽ không phải là nỗi ám ảnh của học trò nếu chương trình Lịch sử được chắt lọc lại gọn gàng hơn, cách dạy của thầy cô cũng mới mẻ hơn. Trước hết là về chương trình Lịch sử. Môn Lịch sử được đưa vào sách giáo khoa từ lớp 4 đến lớp 12. Chín năm học Lịch sử, các em sẽ nắm được lịch sử đấu tranh của các nước trên thế giới và Việt Nam. Trong đó Lịch sử Việt Nam chiếm số lượng tiết học nhiều hơn. Giá như Lịch sử nước ngoài trong sách giáo khoa Lịch sử các lớp chỉ tập trung vào một số nước có sức ảnh hưởng tới Việt Nam; Lịch sử Việt Nam vẫn rải đều ở các giai đoạn, tuy nhiên người biên soạn cần khoanh vùng chỗ nào là quan trọng, chỗ nào nên lướt, chiến thắng nào có ý nghĩa “bước ngoặt” để học trò nắm thật rõ, hễ nhắc đến là có thể thể hiện sự hiểu biết của bản thân.

Thứ hai là về cách giảng dạy môn Lịch sử của giáo viên. Phải chăng cách dạy ấy quá khuôn mẫu, mang tính ép buộc học sinh phải - học - thuộc - lòng hơn là để Lịch sử dần dần ngấm vào trí óc. Người thầy đa phần chưa biết khơi dậy niềm đam mê sử học trong học trò. Vẫn còn những trường hợp giảng sử qua loa, hoặc chỉ đọc từ sách giáo khoa ra mà không giải thích, không gợi ra được nhiều điều từ kiến thức khô khan để học trò không thể nào tưởng tượng được những trận đánh, những chiến dịch mà chính thầy và trò không được nhìn tận mắt. Đọc - chép môn Lịch sử quả là một vấn đề tệ hại. Và càng đáng buồn hơn nữa là khi người thầy in giáo trình dày cộm phát cho học trò, yêu cầu học thuộc để trả bài từng chữ một. Những con số (thời gian) quả là khó nhớ, nếu không có đam mê thì chắc hẳn học trò sẽ khó lòng nuốt trôi.

Từ vấn đề trên, chúng ta nên rút ra những phương pháp dạy Lịch sử mới mẻ, hiệu quả. Cần phải kết hợp giữa lí thuyết Lịch sử với phim ảnh, tranh ảnh, tiểu phẩm để tăng tính sinh động. Người thầy nên cho học trò thực hành nhóm, giao chuyên đề để học trò chủ động tìm hiểu, thầy chỉ nên là người dẫn đường và đánh giá, góp ý chứ không làm sẵn mọi thứ kìm hãm sự sáng tạo của học trò. Bên cạnh đó, việc đi tham quan các di tích lịch sử, những nơi đã từng diễn ra các trận đánh ở địa phương mình hoặc địa phương khác là điều cần thiết. Và quan trọng nhất vẫn là tư tưởng: học Lịch sử không chỉ để có điểm, học Lịch sử chính là trách nhiệm, để từ đó thêm yêu Tổ quốc mình, thêm tự hào về truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường của dân tộc.

Nguồn Văn nghệ số 25/2020


Có thể bạn quan tâm