April 20, 2024, 11:08 am

Mỗi năm một vụ ngô bầu

Bây giờ thì rừng Đền Hùng ngăn ngắt xanh, từ chân đền lên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh đều là cây bản địa, không còn những vệt đỏ quạch, cháy nắng của rừng bạch đàn bao bọc chân đền và nhiều chỗ lam nham như những mảnh vá trên chiếc áo long bào của các Vua Hùng. Và “mảnh vá” to nhất là ngay chân núi, trên đường lên Đền Hùng, rộng hơn 6 ha với 20 nghìn cây bạch đàn lêu đêu, già khú đế. Còn các mảnh vá khác có hơn 50 nghìn cây. Ai cũng biết bạch đàn là cây ngoại lai mà trồng ở khu di tích lịch sử Đền Hùng là phản cảm, là không thể chấp nhận được. Nhưng những người công nhân lâm nghiệp trồng bạch đàn vào thập kỷ sáu mươi của thế kỷ trước, chưa nhận thức được sự bất cập đó. Họ chỉ biết trồng cây để khắc phục hậu quả rừng bị tàn phá. Nhưng gần nửa thế kỷ, sau khi nhận thức ra vấn đề không phải ai cũng dám đứng ra để phá bỏ. Bởi rất khó. Cực kỳ khó!

Kỹ sư Phạm Thức tháp tùng Tổng Bí thư Lê Duẩn đi thăm một số mô hình kinh tế đồi rừng trong chuyến Tổng Bí thư về thăm Vĩnh Phú

Trước hết là kinh phí. Bây giờ thì 5 tỷ đồng không quá khó (Dù thời giá bây giờ và thời kỳ đó khác nhau nhiều lắm) nhưng 30 năm trước, thì rất khó. Là người đã có kinh nghiệm đưa về cho tỉnh nhiều dự án, kỹ sư Phạm Thức đã lập dự án “Khôi phục và phát triển sinh thái rừng Đền Hùng” được chính phủ Thụy Sỹ tài trợ. Nhưng kinh phí cũng chưa phải là điều đáng lo nhất. Đáng lo nhất là tính khả thi của dự án. Ở Đền Hùng đã có chuyện một cây thông bị sét đánh chết khô, Ban quản lý khu di tích làm tờ trình xin tỉnh, xin Trung ương chặt hạ để bảo đảm an toàn cho du khách mà phải mất nhiều lần đi lại, phải chờ đợi mấy năm mới thực hiện được. Chặt bỏ một cây chết còn khó vậy thì chặt bỏ hàng chục nghìn cây sống không được là cái chắc. Lại thêm chuyện các nhà khoa học còn viện dẫn những tài liệu, những dẫn chứng phân tích đất trồng bạch đàn bảy, tám năm là đất chết, không loài cây nào có thể phát triển được. Ý kiến đó là cú điểm huyệt khiến nhiều người cho rằng dự án của ông Thức sẽ chết vì viển vông.  Nhưng cả hai điều đó kỹ sư Phạm Thức đã tính đến. Chặt một cây chết mà mà thiếu lý lẽ thuyết phục  thì phải mất nhiều công sức, thời gian chờ đợi, nhưng chặt bỏ hàng chục nghìn cây sống mà làm đúng, làm đủ thủ tục, lại có biện pháp trồng rừng hữu hiệu sẽ sớm được chấp nhận.  

   Còn việc có thể trồng cây trên “đất chết” thì Phạm Thức lập luận rằng: Bạch đàn là loại cây có dầu, bộ rễ cực khỏe, có thể hút cạn màu trong đất. Việc trả lại sự màu mỡ cho đất không chỉ bón nhiều phân hữu cơ mà còn phải trồng cây họ đậu để cải tạo đất. Điều quan trọng là không để sót một mẩu rễ bạch đàn nào trong đất trồng cây mới. Còn rễ bạch đàn là còn tồn dư dầu trong đất thì không cây nào có thể chung sống.

Ý kiến đầy sức thuyết phục ấy được mọi thành viên tham gia hội thảo tán thành.

Sau khi dự án khôi phục hệ sinh thái rừng Đền Hùng thành công, chính phủ Thụy Sỹ đánh giá đây là một dự án đạt hiệu quả cao nhất mà Thụy Sỹ tài trợ. Đây cũng là công trình cuối cùng của kỹ sư Phạm Thức trước khi nghỉ hưu. 

Từ sau khi anh nghỉ hưu tôi mới quen biết anh. Anh hơn tôi một giáp, lại cao to, lừng lững như con trâu chọi, còn tôi nhỏ bé như con nghé. Tuổi tác, dáng vóc chênh nhau thế, nhưng chúng tôi vẫn là bạn tri âm. Ở tuổi xấp xỉ 60 anh vẫn rất phong độ. Mái tóc húi cua, mặt chữ điền, tai to, miệng rộng, đôi mắt sáng luôn nhìn thẳng, rất chân tình và cuốn hút. Mấy anh chị ở cơ quan kể, ngày trẻ anh đẹp trai lắm. Cô Hứa Mỹ Vy giáo viên tiếng Trung, rất xinh, mê anh như điếu đổ. Anh cũng yêu cô giáo của mình nhưng pháp luật Trung Quốc không cho phép người Trung Quốc kết hôn với người nước ngoài. Sau 4 năm học đại học Nông Lâm ở Thường Châu, anh là sinh viên nước ngoài duy nhất cùng một sinh viên Trung Quốc, hai  sinh viên giỏi nhất trường được chọn về Bắc Kinh học cao học và  nghiên cứu sinh 3 năm. Luận án Tiến sĩ đã hoàn thành, nhưng chưa kịp nhận bằng thì xảy ra sự kiện Cách mạng Văn hóa, anh về nước, được Bộ Nông Lâm (Nay là Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cử về cắm điểm ở tỉnh Vĩnh Phú. Sau hai năm cắm điểm nhẽ ra trở về Bộ thì anh được tỉnh xin giữ lại. Lần này anh cũng có mối tình sét đánh với Hồng Phú, con gái chủ nhiệm Hợp tác xã Đại An, nơi anh được cắm điểm. Ở lại Vĩnh Phú vừa gần người yêu lại đã quen biết cơ quan và đồng nghiệp. Thuận lợi thế mà 5 năm liên tục chiến sỹ thi đua anh vẫn chưa được kết nạp Đảng. Lý do vì Quảng Ngãi, quê anh xa xôi không đi xác minh lý lịch được. Sau đó anh lên chức phó phòng người ta mới xác minh và kết nạp Đảng. Cũng vào dịp ấy, đồng chí Tổng bí thư Lê Duẩn về thăm Vĩnh Phú, anh được giao nhiệm vụ tháp tùng Tổng bí thư đi thăm một số mô hình kinh tế đồi rừng. Sau mấy ngày đi cùng đoàn, hầu hết các câu hỏi của Tổng bí thư đều được Phạm Thức trả lời khúc chiết. Đặc biệt, khi thăm hai mô hình trồng chè do Phạm Thức chỉ đạo đưa năng suất chè lên gấp đôi, lại nghe cơ sở ca ngợi anh kỹ sư trẻ nhiệt tình và tài năng, Tổng bí thư rất hài lòng. Ông nói với bí thư tỉnh ủy “Cậu kỹ sư tài giỏi thế mà chỉ làm phó phòng là không hợp lý. Tỉnh cần đề bạt cương vị cao hơn để anh ta cống hiến cho tỉnh, cho đất nước nhiều hơn”. Bí thư tỉnh ủy hứa sẽ sớm đề bạt Phạm Thức, nhưng rồi bận nhiều việc nên lãng quên. Nhưng Tổng bí thư thì không quên. Mấy tháng sau ông gọi điện hỏi đã thăng cấp cho cậu kỹ sư người Quảng Ngãi chưa thì bí thư tỉnh ủy trả lời đã thăng chức Phó giám đốc sở Nông Lâm và cho đi học trường Nguyễn Ái Quốc rồi. Thực ra sau khi trả lời đại với cấp trên như thế, bí thư tỉnh ủy mới giao cho phó bí thư thường trực đưa quyết định thăng chức cùng giấy giới thiệu nhập trường, giục anh nhập học luôn.

Tổng bí thư Lê Duẩn đã nói rất đúng. Khi được giao trọng trách mới, chàng kỹ sư trẻ đã sớm có những cống hiến. Cống hiến đầu tiên là giải tỏa hơn 100 nghìn tấn Supe lân ế ẩm nhiều năm. Lãnh đạo tỉnh đã nhiều lần kêu gọi tìm cách giải tỏa các kho phân lân để thêm nguồn thu cho tỉnh mà chẳng có ai “bắt nhời”. Nhưng Phạm Thức khi lần đầu tiên nghe bí thư tỉnh ủy kêu gọi đã trăn trở tìm cách thực hiện. Anh đã mục sở thị các kho, xem tình trạng, chất lượng hàng tồn đọng. Tìm về các địa chỉ tập thể, cá nhân đã sử dụng supe lân có hiệu quả. Tiếp đó, viết bài giới thiệu tác dụng của supe lân với đất đai và cây trồng đăng báo Vĩnh Phú, báo Nông nghiệp và báo Nhân dân. Sau khi có loạt bài trên các báo, kỹ sư Phạm Thức báo cáo với bí thư tỉnh ủy ý tưởng giải tỏa 200 nghìn tấn supe lân. Anh đề nghị tỉnh tăng cường cho mỗi huyện một cán bộ kỹ thuật nông nghiệp, giúp địa phương sử dụng supe lân. Sau một năm, khi tình hình chuyển biến, thấy rõ hiệu quả, mới rút cán bộ về tỉnh. Chưa đầy 6 tháng, số phân lân tồn đọng đã được giải tỏa. Nhưng quan trọng hơn là năng suất lúa, hoa màu và cây ăn quả đều tăng 30-40%. Đất, ruộng được cải tạo tăng độ màu mỡ nên không chỉ mùa đầu mà sau đó vẫn tiếp tục cho sản lượng cao hơn trước đây. Một kết quả đáng kể nữa là các cán bộ kỹ thuật về giúp cơ sở cũng có thêm kinh nghiệm thực tế. Có những đồng chí được huyện xin giữ lại đã thành cán bộ chủ chốt của huyện và tỉnh sau này.

Lần đầu tiên Phạm Thức được thường vụ Tỉnh ủy mời lên hội ý là lúc nhá nhem tối vì chuyện đột xuất: Xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương “bỏ quên” 1000 ha lúa chín rũ ngoài đồng không ai gặt. Những năm tám mươi, thế kỷ trước, đói kém, người dân phải lên miền ngược cách xa cả trăm cây số mót khoai, sắn để chống đói, trong khi cả ngàn ha lúa chín rũ ở ruộng mình lại không ai ngó ngàng. Có chuyện thật mà như bịa ấy là vì tệ rong công, phóng điểm. Giá trị ngày công quá thấp. Có gặt cả nghìn ha lúa về, đến tay người làm thì cũng chẳng được là bao nên họ không gặt. Cùng với thông tin đó, Thường vụ tỉnh ủy giao cho phó giám đốc sở Phạm Thức trực tiếp chỉ huy điều hành công việc thu hoạch lúa. Ngay sáng hôm sau Ban chỉ đạo cuộc “chữa cháy” do Phạm Thức làm trưởng ban, Chủ tịch huyện Tam Dương làm phó ban, được thành lập. Chỉ sau nửa tháng, 1000 ha lúa “bỏ quên” đã được thu hoạch, phơi khô quạt sạch đưa vào kho. Thời gian điều hành công việc, tháo gỡ cho tỉnh một tình huống khó khăn, Phạm Thức còn ngộ thêm những điều về nông nghiệp, nông thôn. Trên đất ruộng vừa gặt, bà con xã viên không trồng rau, trồng khoai tây tranh thủ thời gian giữa hai vụ lúa. Mặc dù sản phẩm làm được bà con toàn quyền sử dụng. Vì trồng rau rất bấp bênh. Khoai tây cũng không phải là lương thực, thường hay ế ẩm nên bà con không mặn mà. “Giá như trồng được vụ ngô?” Nghe anh nói vậy, Chủ nhiệm Hợp tác xã nói ngay: “Nếu làm được vụ ngô thì thì chúng tôi làm từ đời tám hoánh”. Thời gian giữa hai vụ lúa là ba tháng, để làm được vụ ngô phải ba tháng rưỡi. Nghĩa là còn thiếu 15 ngày. Lấy đâu ra 15 ngày để người nông dân có thêm một vụ ngô? Có vụ ngô là khắc phục được nạn đói. Câu hỏi đó, ý nghĩ đó cứ bám riết anh. Cả khi ăn, khi ngủ. Rồi một đêm không ngủ được, anh chong đèn viết, vẽ đến ba giờ sáng thì tìm ra đáp án. Ngay sáng hôm đó đến cơ quan anh nói ngay với mọi người ý tưởng của mình: Trước khi gặt nửa tháng người nông dân gieo hạt ngô vào một thửa đất khác, hoặc gieo ngay trên bờ ruộng, khi cây ngô đã cứng cáp đem trồng vào ruộng vừa gặt. Như vậy ba tháng sau khi thu hoạch ngô bà con lại cấy vụ mùa. 

Để có mầm giống, anh ngâm 5kg ngô hạt, đợi hạt nảy mầm là ươm vào đất ướt như đất gieo mạ. Dùng dao kẻ thành ô, mỗi hạt ngô một ô. Mục đích để khi tách từng cây cho dễ. Nửa tháng sau thì bứng từng cây ngô trồng vào luống đất đã cày. Điều kỳ diệu là cây ngô trồng ở đất sền sệt đủ độ ẩm nên phát triển nhanh và năng suất hơn ngô gieo ở đất bãi. 

Từ kết quả đó, anh dẫn một tổ công tác về xã Hợp Thịnh làm điểm ngô xen giữa hai vụ lúa để rút kinh nghiệm làm đại trà toàn tỉnh. Tác giả đặt tên ngô bầu để nhắc nhở mọi người cái bầu đất là vô cùng quan trọng. Nếu làm vỡ bầu thì cây ngô không sống được. Đã từng biết Phạm Thức là vị “Tư lệnh” xuất sắc trong chiến dịch thu hoạch 1000 ha lúa tại địa phương nhưng khi nhìn cánh đồng hôm qua còn vàng rộm lúa chín mà hôm nay đã xanh rờn ngô non, người dân Hợp Thịnh cùng các đại biểu về dự lễ trình diễn trồng ngô bầu đều ngỡ ngàng như chuyện cổ tích. 

Bây giờ sau hơn 40 năm, trồng ngô bầu đã trở thành chuyện đương nhiên hàng năm của bà con nông dân các tỉnh phía Bắc. Rất nhiều người không biết chuyện  có người trăn trở để tìm ra 15 ngày để đủ thời gian làm vụ ngô bầu. Nhưng lãnh đạo tỉnh và các huyện, các xã ở tỉnh Vĩnh Phú không quên. Trong ký ức của họ, đó thời chưa xa. Từ chỗ thiếu đói, nợ thuế nông nghiệp triền miên, nhờ nguồn thu hàng nghìn tấn ngô hạt mỗi năm mà họ có của ăn, của để. Họ coi anh kỹ sư người MIỀN NAM là ân nhân, là thần tượng, là vị thánh của họ. “Ơn này đáng lập bàn thờ, thờ sống anh!”. Câu nói đó được cán bộ và người dân Hợp Thịnh nhiều lần nhắc tới. Bây giờ nếu ai về Hợp Thịnh hỏi về chuyện cây ngô bầu vẫn được người dân vui vẻ kể lại với niềm tri ân tác giả không hề phai nhạt.

Sau vụ ngô bầu thành công, vang dội, Phó thủ tướng Võ Nguyên Giáp, phụ trách khoa học kỹ thuật của chính phủ, đã về thăm, khen ngợi và khuyến khích Phạm Thức tiếp tục có những sáng tạo giúp tỉnh, giúp đất nước. Thủ tướng chính phủ tặng Bằng khen và 15 nghìn đồng. Ở thời điểm đó 15 nghìn đồng có thể mua được 7 chiếc xe máy MOKICK.

Cứ tưởng là chuyện về cây ngô bầu như thế là mỹ mãn, nhưng rồi một tình huống, một khó khăn lớn xuất hiện. Một lần nữa Kỹ sư Phạm Thức lại trăn trở tìm cách khắc phục. Ấy là từ khi tách Vĩnh Phú thành hai tỉnh: Vĩnh Phúc và Phú Thọ, hầu hết ruộng tốt, màu mỡ đều ở Vĩnh Phúc, còn Phú Thọ nhiều đồi núi, ruộng đã ít lại lầy thụt, chỉ cấy được một vụ nên thiếu lương thực trầm trọng. Cũng như trước đây ở Hợp Thịnh, chỉ có trồng ngô mới có thể khắc phục được tình trạng thiếu lương thực. Nhưng trồng vào đâu? Chẳng lẽ đưa lên đồi? Phải tìm cách đưa xuống ruộng, dù là lầy thụt! Phạm Thức tự hỏi và trả lời thế. Anh nhờ người cưa tre đóng bè, tự mình chống bè ra giữa ruộng lầy, mân mê từng gốc rạ trong bùn, nước. Một ý nghĩ lóe lên: Các gốc rạ chính là giá đỡ cho các bầu ngô! Và cái ý nghĩ như tia chớp ấy đã bừng lên niềm hy vọng. Cây ngô bầu trên ruộng lầy xuất hiện ở xã Vân Đồn, huyện Đoan Hùng, Phú Thọ. Việc ủ mầm làm bầu cũng như cách làm ở Hợp Thịnh, nhưng ở ruộng lầy Vân Đồn thì phải vén 4 đến 5 gốc rạ vào nhau tạo thành giá đỡ một xô đất nhão đã trộn phân chuồng hoai mục rồi trồng bầu ngô vào đấy. 

Đến nay tỉnh Phú Thọ và các tỉnh có ruộng lầy thụt hàng năm vẫn duy trì trồng ngô bầu. Bí thư tỉnh ủy Phú Thọ, Hoàng Xuân Cừ thời kỳ đó, đã nói: “Trồng ngô bầu trên ruộng lầy thụt là chiếc chìa khóa vàng giúp người nông dân miền núi xóa đói giảm nghèo”. Một lần nữa kỹ sư Thức lại được Ủy ban nhân dân tỉnh tặng  tặng Kỷ niệm chương Hùng Vương. Đây là lần thứ ba, anh được tặng Kỷ niệm chương Hùng Vương. Nhẽ ra anh còn được tặng vài chiếc nữa, nhưng quy định của tỉnh chỉ tặng tối đa cho mỗi cá nhân ba chiếc. Cho đến nay, anh cũng là người duy nhất được tặng ba kỷ niệm chương Hùng Vương!

*

Bề ngoài, kỹ sư Phạm Thức có vẻ lạnh lùng, nhưng anh là người rất tình cảm, thương người. Có lần về huyện miền núi Thanh Sơn, nghe báo cáo có một người chặt gỗ lim đang bị kiểm lâm bắt giữ. Mặc dù rất bức xúc vì cây lim hơn trăm tuổi nơi rừng cấm bị đốn hạ, nhưng thủ phạm lại là một quân nhân, vợ vừa mới đẻ mà nhà không còn gạo ăn nên anh ta đã làm liều. Khi bị bắt anh ta đã khóc vì ân hận, xin bán con trâu duy nhất của gia đình để nộp phạt. Nếu phải đi tù thì đề nghị cho người em thay thế. Phạm Thức bảo ai phạm lỗi thì người đó phải chịu, không có chuyện thay thế. Tức thì người em quỳ xuống chắp tay xin được chịu tội thay anh. Nếu anh tôi bị xử phạt thì xấu hổ với đơn vị bộ đội quá. Hơn nữa, đi tù không tiếp tục ở bộ đội thì không có tiền phục viên để mua con trâu khác...Trào nước mắt trước sự chân thật của hai anh em, nên anh Thức đã đề nghị trên tha tội cho họ. Mấy năm sau, anh bộ đội phạm lỗi ấy phục viên, mang một lồng gà tìm đến nhà anh để cảm ơn. Anh nhận một con cho anh ta vui lòng. Còn hai con xin trả lại, vì không có chỗ nhốt. Bác bắt em xách gà về người ta cười cho? Không phải xách về, cậu xách lồng gà theo tôi. Đã thấy ông mặc com les đạo mạo, nay mặc áo ba lỗ, quần sooc lửng, anh bộ đội phục viên hơi ngỡ ngàng nhưng lại thấy ông thật gần gũi thân thiết. Hai con gà miền núi béo múp nên các bà hàng gà ở chợ tỉnh tranh nhau mua. Anh bộ đội phục viên nhận số tiền nhiều hơn cả tiền mua ba con gà ở Thanh Sơn. Dạo đó bác còn cho em 200 nghìn đồng, số tiền đó mua được 20 con gà thế này, vậy mà bây giờ em có chút quà thì bác cũng từ chối khéo? Không phải từ chối khéo, đã giúp nhau ai lại tính toán chi ly. Anh vỗ vai nói với đồng chí bộ đội phục viên thế.

Sau đó vài tháng, một vị trong ban thường vụ Tỉnh ủy đến thăm, biếu anh Thức một túi quà cùng cái phong bì nằng nặng. Vị ấy khen anh là người tình nghĩa đã tha lỗi cho người dân nghèo lỡ chặt gỗ quý. Rồi vị ấy cũng muốn anh tha lỗi cho đứa em ruột của mình là trưởng phòng vật tư nông trường TD đã dại dột làm điều sai trái. Gia đình và bản thân vị ấy không bao giờ quên ơn. Anh Thức đã trả lại quà và nói trường hợp của em trai vị ấy không thể tha thứ được. Cậu bộ đội vì túng quá mà làm liều và cũng lần đầu vi phạm. Còn em trai ông ta lại tái phạm, đã được tha thứ một lần rồi. Ôi anh! lần thứ hai thì vẫn tha được mà. Miễn là anh thông cảm là xong mà? Nhưng Phạm Thức không thể thông cảm được.  

Ở Phú Thọ nhiều người hay gọi Kỹ sư Phạm Thức là nhà phong thủy, là giáo sư, là thầy vì sự tinh thông hơn người của anh. Và kỹ sư Trần Đăng Lâu, từng làm Giám đốc Vườn quốc gia Xuân Sơn, sau đó là Chi cục trưởng chi cục Kiểm Lâm tỉnh Phú Thọ là một trong những người hay dùng danh xưng này. Trước khi thực hiện dự án Khôi phục và phát triển môi trường sinh thái Đền Hùng 5 năm, nghe Ban quản lý khu di tích Đền Hùng kêu khổ vì hơn 500 ngôi mộ trong khu di tích mà 10 năm vận động di dời không xong. Anh Lâu bảo cứ nhờ “giáo sư” Thức là xong tất. Giáo sư Thức? Có phải là ông Phạm Thức Giám đốc Sở nông nghiệp không? Đúng rồi. Anh đã nghe ông Bí thư tỉnh ủy nói về ông Thức chưa? Chưa, nhưng em nghe tiếng ông này giỏi lắm. Bí thư tỉnh ủy đã nói “Anh Phạm Thức nhìn thấy cái mà chúng ta không nhìn thấy, làm được cái chúng ta không làm được, biến những cái không thể thành có thể…”. Cho nên việc mà các anh 10 năm không làm được, ông ấy sẽ làm trong vài tháng, thậm chí là vài tuần. 

  Quả thật, sau khi nghe Ban quản lý Đền Hùng đề nghị giúp đỡ, kỹ sư Phạm Thức không từ chối. Anh đến khu vực có mồ mả để xem xét thực trạng, sau đó anh tìm hiểu tình hình một số gia đình có mồ mả trong khu di tích và anh đã tìm ra lời giải. Anh mời lãnh đạo  cùng mặt trận Tổ quốc các huyện, xã họp trước, sau đó phát giấy mời tất cả các gia đình có mồ mả về nghe một nhà phong thủy nói chuyện. Mọi người vô cùng phấn chấn, thú vị về những kiến thức phong thủy mà họ được nghe. Trước khi nói về phong thủy anh hỏi: Ở đây có bao nhiêu hộ kinh tế khá giả? Không có. Hộ có thu nhập trung bình? Có vài chục (trong tổng số 300 hộ). Số hộ nghèo? Hàng trăm cánh tay giơ lên. Có bao nhiêu gia đình có con học đại học? Không có. Có bao nhiêu học sinh cấp ba? Có hai gia đình. Và câu hỏi có bao nhiêu gia đình con cái bỏ học, thất học thì rất nhiều. Ai cũng ngỡ ngàng. Cái sự lo lắng giống nhau thì đã đành mà cái sự nghèo, túng cũng giống nhau. Không có ai giàu có, không có con ai đỗ đạt, trưởng thành. Hầu hết là bỏ học từ cấp một, cấp hai. Vậy mà lâu nay không có ai để ý, không có ai đi tìm câu trả lời? Nếu “nhà phong thủy” không nhắc tới thì không biết bao giờ họ mới hiểu được điều này?

Là người am hiểu Phong thủy, Phạm Thức dẫn câu ngạn ngữ “Nhất mồ cha, nhì nhà ở”, liên hệ với mồ mả các gia đình ở trong khu di tích Đền Hùng là số không (0) về mọi phương diện. Việc di dời mồ mả ra khỏi khu di tích là rất cấp thiết. Cấp thiết cho khu di tích, nhưng cấp thiết trước hết là cho chính các gia đình có mồ mả. Bởi, uy linh của các Vua Hùng cao vời, tỏa sáng, chói lòa như mặt trời. Để mồ mả tổ tiên cạnh các Vua Hùng là lép vế, là đưa các cụ vào thế khó xử thì làm sao mà phù hộ độ trì cho con cháu được?

Sau cuộc gặp gỡ nghe “Nhà Phong thủy” nói chuyện mọi người hào hứng tự nguyện di dời mồ mả ra khỏi khu di tích lịch sử Đền Hùng. Thực tế đã kiểm chứng, mấy năm sau khi di dời mồ mả tổ tiên, cuộc sống của các gia đình họ đều đã khởi sắc. Kinh tế phát triển. Nhà cửa khang trang, con cháu học hành tấn tới. Không còn tình trạng bỏ học, thất học như trước nữa.

*

Kỹ sư Phạm Thức đã từ giã cõi trần ở tuổi 83. Anh đi xa đã một năm rồi mà tôi và nhiều bè bạn vẫn không quên được cảm giác ngỡ ngàng, hụt hẫng. Ai cũng trân trọng quý mến sự cởi mở chân thành và rất thẳng thắn của anh. Những kỷ niệm đáng nhớ về anh thì nhiều, nhưng mỗi khi nghĩ về anh tôi cứ nhớ về cuộc gặp gỡ bạn bè trước khi anh nghỉ hưu, cuối năm 1997. Hôm đó anh Thức đã nói anh sinh ra ở Nghĩa Hành, Quảng Ngãi nhưng 13 tuổi đã theo Ba Má tập kết rồi học tập trong nước, và nước ngoài. Sau khi được đào tạo thành kỹ sư nông nghiệp anh gắn bó với nông nghiệp, nông dân trung du, đất Tổ cho đến nay. Anh nói mình đã toàn tâm, toàn lực phấn đấu và đã đạt được một số kết quả. Tuy vậy, cũng còn những hạn chế, những tồn tại rất mong bè bạn cảm thông. Và anh kết luận: “Suốt cả cuộc đời vì đất Tổ, mà sao vẫn thẹn với tri âm?”. Một vị Bộ trưởng, là bạn cùng lớp, cùng trà với anh, có mặt tại cuộc gặp đó đã nói đại ý anh đừng băn khoăn, những điều anh làm được thật nhiều, thật thiết thực cho quê hương đất Tổ và cho cả nước. Hiếm ai làm được như anh. Nếu có thể đổi được, ông sẵn sàng đổi cho anh Thức ngay. Nhưng nếu anh Thức làm bộ trưởng thì chắc gì đã có cây ngô bầu? Chỉ cần có cây ngô bầu thôi, anh đã là người hùng rồi. Và vị ấy đọc câu thơ:

Mỗi năm một vụ ngô bầu

Kỹ sư Phạm Thức công đầu ai quên! 

Mọi người vỗ tay hoan hô câu thơ hay và rất ý nghĩa. Cho đến bây giờ, tôi và những bạn bè thân mến của kỹ sư Phạm Thức vẫn thuộc nằm lòng câu thơ đó.

Nguồn Văn nghệ số 22/2022


Có thể bạn quan tâm