April 20, 2024, 7:23 pm

Mối lương duyên Nhà văn – Nhà giáo

NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20-11

Nếu yêu văn, mê viết, lại có năng khiếu, thì ai cũng đều có thể thành nhà văn, dù người đó là nông dân, công nhân, kĩ sư, bác sĩ, cán bộ, người lính... Nhưng, ở nước ta, thì dường như... nhà giáo trở thành nhà văn nhiều hơn cả. Trong số gần 800 nhà văn được giới thiệu trong Nhà văn Việt Nam hiện đại (Nxb Hội Nhà văn, 1997), có khá nhiều nhà văn xuất thân và trưởng thành từ bục giảng nhà trường; trong số gần 250 tác giả mà phần đông là nhà giáo có bài được chọn vào Tuyển tập Thơ thầy giáo và nhà trường (Nxb Giáo dục, 1999), nhiều người lại là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam hoặc các Hội Văn nghệ địa phương. Xưa, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đoàn Thị Điểm, Bà huyện Thanh Quan, Nguyễn Đình Chiểu... đều là những nhà giáo giỏi - nhà thơ hay; nay, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Nguyên Hồng, Ngô Tất Tố... trước khi cầm bút đã từng cầm phấn, hoặc vừa dạy học vừa viết văn. Phải chăng đó là mối lương duyên nhà văn - nhà giáo ở một đất nước văn hiến, hiếu học, lại có truyền thống yêu văn thơ và tôn sư trọng đạo? Đó là mối lương duyên của những con người cùng chung một hoạt động tinh thần cao quí vì con người, cùng mang thiên chức “kĩ sư tâm hồn”. Cũng là mối lương duyên của những con người cùng lao động sáng tạo bằng những dòng chữ và trang viết - trang giáo án hay trang văn. Từ trong bản chất, hai con người đó - nhà giáo, nhà văn - có những điểm tương đồng, những mối liên hệ gắn bó, khiến họ có thể xích lại gần nhau, cùng đi trên một con đường, để đến một lúc nào đó, một số nhà giáo đã trở thành nhà văn như một điều tự nhiên, hợp với qui luật. Chỉ có điều, họ là những con người riêng, với những hoàn cảnh riêng không giống nhau, nên con đường của các nhà giáo đến với văn để trở thành nhà văn cũng khác nhau, phong phú, đa dạng. Và đây mới chính là điều đặc sắc, thú vị.

Thông thường, các nhà giáo dạy khoa học xã hội, đặc biệt là các thầy giáo dạy văn dễ có điều kiện trở thành nhà văn, nhất là các nhà văn trên lĩnh vực nghiên cứu - lí luận - phê bình - dịch thuật như Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Nguyễn Lương Ngọc, Trương Chính, Lê Trí Viễn, Đỗ Đức Hiểu, Huỳnh Lý, Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ, Phương Lựu, Nguyễn Đăng Mạnh, v.v... Nhưng ở một số nhà văn lại có hiện tượng ngược lại: Thạch Quỳ, Vương Trọng, Đặng Hấn... vốn là thầy giáo dạy Toán lại thành nhà thơ được nhiều người hâm mộ. Hoá ra thơ không quay lưng với Toán…

Trường hợp nhà lí luận phê bình Phương Lựu đến với văn cũng có ít nhiều quanh co và nghịch hướng. Thời trung học, ông được gọi vui là “Petit Pythagore”, rất ghét mà cũng rất dốt môn Văn. Nhưng “ghét của nào, trời trao của ấy”, đi lưu học, ông phải chấp nhận sự phân công học ngành Văn, thế rồi vì buồn chán, ông lao vào đọc tiểu thuyết cho nguôi, từ Hồng Lâu Mộng đến Jean Christophe v.v... và văn chương cứ ngấm vào người ông lúc nào không biết.

Cũng xuất phát từ yêu cầu cao của nghề dạy học, nhưng ở nhà lí luận phê bình Nguyễn Đăng Mạnh lại dường như có phần thuận chiều hơn. Ít người biết ông thích vẽ và vẽ cũng được. Thời trẻ tưởng có thể làm thơ, sau thấy bất thành nên ông đã bỏ và đến với nghiên cứu văn học… Lại có những người giàu chất nghệ sĩ lãng tử nhưng do yêu cầu cách mạng đã tự nguyện cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp giáo dục, và họ đã trở thành những Nhà giáo Nhân dân, những nhà văn có tên tuổi như Giáo sư Hoàng Như Mai, Giáo sư Lê Trí Viễn... Trong trường hợp này, còn có thể kể thêm nhà lí luận phê bình Văn Tâm, nhưng đây là do chính ông đã chuyển hướng ngòi bút của. Và với tư cách nhà giáo - nhà văn, ông đã đóng góp cho nhà trường và cho văn học những tác phẩm có ích như Tản Đà - khối mâu thuẫn lớn, Giảng văn Văn học lãng mạn, Góp lời “thiên cổ sự”...

Nhiều nhà giáo cũng đã trở thành những dịch giả nổi tiếng như Huỳnh Lý, Thuý Toàn, Phạm Mạnh Hùng, Cao xuân Hạo, Thái Bá Tân, Nguyên Tâm, Đoàn Tử Huyến, Ông Văn Tùng v.v... Họ muốn đem hương sắc của loài người đến để làm đẹp thêm vườn hoa văn học của nước nhà, như Đoàn Tử Huyến đã bộc lộ: “Nhờ duyên may biết chút ngoại ngữ, tôi như con ong có đôi cánh mỏng, thỉnh thoảng bay ghé qua cánh đồng văn học xứ người hưởng hoa thơm cỏ lạ, có khi cần cù còn nhào được ít mật về để đồng bào mình cùng thưởng thức…”. Trong xu thế toàn cầu hoá và hội nhập với thế giới hiện nay, một ước muốn như vậy thật đáng ghi nhận và trân trọng.

Đội ngũ các nhà văn - nhà giáo trên địa hạt nghiên cứu - lí luận - phê bình - dịch thuật khá đông đảo và đóng góp của họ vào nền văn học hiện đại hơn nửa thế kỉ qua cũng thật to lớn, có ý nghĩa. Nhưng nhiều nhà giáo còn trở thành những nhà văn trên lĩnh vực sáng tác và đóng góp của họ cũng không nhỏ, con đường trở thành nhà văn của họ cũng rất phong phú, đa dạng. Từ những nhà văn như Nguyễn Thị Ngọc Tú, Phong Thu, Nguyễn Kiên, Ma Văn Kháng, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Huy Thiệp, Hoàng Minh Tường, Nghiêm Đa Văn, Trần Hoài Dương, Nguyễn Khoa Đăng, Lê Cảnh Nhạc... đến những nhà thơ như Định Hải, Phan Xuân Hạt, Lê Đình Cánh, Nguyễn Vũ Tiềm, Trần Quốc Toàn, Nguyễn Thái Vận, Nguyễn Bùi Vợi, Hoàng Vũ Thuật... mà các trang viết đầu tiên đã được bắt đầu từ giữa những giờ soạn bài lên lớp, đến nay đã trở thành thân quen đối với bạn đọc. Tác phẩm của họ ít hay nhiều còn in bóng một thời dạy học, ấm nóng “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”. Những hồi ức kỉ niệm về mái trường thân yêu và thế hệ trẻ mà họ đã từng dạy dỗ vẫn là cái vốn quí đầu tiên không thể thiếu cho những sáng tác sau này, cho dù họ viết về đề tài nhà trường hay đã chuyển ngòi bút sang một đề tài khác.

Còn có thể kể thêm nhiều trường hợp nhà giáo thành nhà văn. Con số đó là khá lớn và hẳn là còn nhiều gương mặt đẹp, nhiều con đường đến với văn chương thú vị. Nhưng bấy nhiêu cũng đủ để chúng ta thấy rõ và tự hào về một mối lương duyên đẹp đẽ đã gắn bó nhà giáo - nhà văn với nhau để có đội ngũ những nhà văn - nhà giáo, một nét đặc sắc trong nền văn học dân tộc và bộ mặt văn hoá - giáo dục của nước nhà. Xin được khép lại bài viết bằng ba gương mặt đẹp của nhà giáo - nhà văn trong khoảng 10 năm gần đây: đó là thầy giáo Nguyễn Khoa Đăng, ngoài 70 tuổi, đã vượt qua bệnh tật hiểm nghèo để cho ra đời 2 kịch bản phim nhựa được công chiếu đình đám một thời cùng 5 cuốn tiểu thuyết hay nhất trong đời viết văn của ông; là thầy giáo Nguyễn Thế Quang chỉ bắt đầu viết văn sau khi nghỉ hưu nhưng trong 10 năm ông đã thành danh bằng tiểu thuyết lịch sử với 4 cuốn viết về Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Hoàng Thị Loan, Võ Nguyên Giáp và đoạt 2 giải thưởng của Hội Nhà văn và của Văn học ASEAN; là cô giáo trường làng Nguyễn Hải Yến ở Hải Dương đã thành “hiện tượng” của cuộc thi truyện ngắn 2018-2020 của Tạp chí Nhà văn và tác phẩm, được xem là “một bàn phím bản lĩnh” và là một trong hai tác giả đoạt giải nhất cuộc thi với chùm truyện Hoa gạo đáy hồCửa sông thiên đường

Nguồn Văn nghệ số 47/2020


Có thể bạn quan tâm