April 24, 2024, 3:54 am

Mỗi ban mai thấy một khung trời lạ (Tiếp theo và hết)

“Bõ công bác mẹ sinh thành ra ta”

Những thiên địa tiểu thần tiên đó, là một miếng thiên đàng đánh rơi hoặc một giọt mĩ miều giời cao bị đày xuống trần gian. Bõ công bác mẹ sinh thành ra ta để được đến đó. Như cái danh hiệu “địa điểm buộc phải đến trước khi chết” gây nhiều tranh cãi, song, lắm lúc tôi “ưỡn ngực” nghĩ, đến được chỗ đó là sướng lắm rồi. Đến với bao nhiêu là kì quan thiên nhiên văn hóa của loài người rồi, chết cũng chả nuối tiếc gì. Chúng tôi vẫn nói đùa như vậy, mỗi khi bàn về ngữ nghĩa thổn thức của cụm từ: “bõ công bác mẹ sinh thành ra ta”.

Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ. Con tôi đi đến một quốc gia được tiếng là văn minh, hấp dẫn và đắt đỏ nhất hành tinh để du học, tôi bảo: mày được đi thế, được tiêu tốn tuổi trẻ ở xứ ấy, tao cũng thấy sướng cái đời thằng được mày gọi là bố. Và nhớ mẹ tôi hay hỏi: con đi đến đâu, con vui thế nào và oách thế nào, thế là lại bắn ảnh vào zalo khoe mẹ nữa. Là mẹ vui đến mức nở mày nở mặt, dù chẳng cần khoe điều đó ra với ai cả. Con hãy đi thay phần của mẹ, đi hộ mẹ. Mẹ tôi học hết lớp 6 và chưa bao giờ đi học nữa. 10 tuổi, tôi vẫn ngày ba bữa cơm độn sắn với bà ngoại và mẹ. Bà tôi khi lâm bệnh, trong mơ, liên tục giơ hai tay lên trời, gắng sức bình sinh cố giữ cái bọc tiền tưởng tượng và kêu cứu “cướp cướp!”. Du lịch, thời đó là khái niệm chưa bao giờ hiện diện, giờ con cái bắt đi, thì sức tàn lực kiệt mất rồi.

Mẹ nói đúng và bố tôi thì nói ngược lại mà vẫn đúng. “Tao phải xin lỗi mày vì đã sinh ra mày, chứ lẽ ra mày vẫn là tiên ở trên giời. Giờ bị đày xuống hạ giới ô nhiễm, tắc đường, lạc vào bể khổ cuộc đời - là vì tao. Mày bị thế là vì tao”. Nói rồi ông cười ha hả, chả biết thật hay đùa, song nghĩ kỹ cũng thật hơn cả sự thật.

Cậu bạn ở Sài Gòn, gọi tôi lên gác hai, khóc: “Thầy Hoàng ạ”, hắn là nhà báo, bằng tuổi tôi nhưng học lớp tôi dạy về nghiệp vụ báo chí, “em đẻ một đứa thôi, chứ bố mẹ bắt vợ chồng em đẻ đứa nữa em thấy có tội lắm. Bắt nó ra đời khổ được sao? Đời nó chắc chắn khổ hơn em, vì em thành đạt thế này. Mà em vẫn khổ quá. Tối mặt tối mũi, ra đường là bụi bặm, tai nạn bất đắc kì tử, nhìn đâu cũng thấy một cuộc sống đầy rủi ro. Từ thực phẩm bẩn đến ô nhiễm không khí, đến tội phạm và dịch bệnh COVID-19 hành hoành. Các đứa con kia của em, em không cho chúng ra đời đâu. Anh nói khó thuyết phục bố mẹ em nhé”. Ai nói cũng có cái đúng. Và cái đúng nhất, là đã sinh ra ở đời, thì nên tiêu tốn tuổi trần gian một cách hiệu quả nhất. An lạc, tích cực. Thanh thản và tận hưởng từng tia nắng ban mai mà Thượng đế đã ban tặng. Hãy lắng lòng để biết rùng mình “khoái cảm lạ lùng”, khi đột ngột gió heo may về. Hãy hào hứng khoe với bạn bè bằng niềm đăm đắm khôn tả, khi thấy gió chướng thốc thổi rung rinh ngoài bụi lau miền Tây Nam bộ. Từng ngày trôi qua mà không thấy tội lỗi hay sơ sẩy gì, cuộc dồn đuổi của “lão bệnh tử” chưa sấn tới hoặc len lén tới rồi nhưng chưa tác yêu tác quái. Thế là vui lắm rồi. Và nhâm nhi những miếng trần gian.

Có lần tôi đến Saint Petersburg (Nga), đi cùng với Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Anh hùng vũ trụ Phạm Tuân, lại có lần dự Hội nghị thượng đỉnh về Kinh tế thế giới với nguyên thủ 60 quốc gia, họp ở vùng Viễn Đông. Tôi ở một bán đảo lừng danh sang trọng và không tắm biển, không ăn buffet năm sao. Cũng không chụp ảnh chung với những người tôi ngưỡng mộ kia. Đơn giản là tôi muốn tĩnh lặng, để biển vùng Vladivostoc ngấm gió mặn vào mình. Nhẩn nha với những gã lang bạt khoác trên mình bộ da chó sói và rủ khách xa đi ngắm hổ Siberia hoang dã tuyệt đối với tớ không. Sáng ra thổn thức xin chụp ảnh với một cô sinh viên đẹp như tiên giáng trần làm tình nguyện viên bồi bàn cho sự kiện trọng đại của loài người.

Chiều về, một chiếc siêu xe do một nữ sỹ quan an ninh lái đưa nhà báo đi dự tiệc. Cô ấy và cỗ xe BMW X6 chống đạn hàng thửa đã khiến tôi thảng thốt: đón một gã xắn quần móng lợn thì có nhất thiết phải đi xe này và người này lái không. Hôm ấy, ông Putin tiếp quan khách xong (tôi không được tham dự) còn đi theo đường ngầm từ phòng VIP ra thẳng đáy biển thăm Hạm đội Thái Bình Dương; nghe nói, ông lái tàu ngầm dạo chơi rất hoành tráng. Áo ghi lê lỉnh kỉnh thiết bị thoạt trông như áo chống đạn của tôi, bộ máy ảnh ống kính nã lên nền trời như pháo cao xạ của tôi, chắc trông nó gợi cái gì đó bạo lực quá, nên bị các chú an ninh soi đi soi lại, soi tái soi hồi. Đi bộ ra hiên nhà, quay về cũng bị soi. Vì dãy hành lang có các vị Thủ tướng ở. Thú vị nhất là các chú sỹ quan trẻ mắt xanh tinh tường bắt tôi tháo từng ống kính với body (thân) của máy ảnh ra. Ngắm chán, soi chán, các chú bảo, bác chụp thử một kiểu em xem. Tôi bấm ra ngoài biển xanh. Cho xem ảnh. Các chú bảo, ảnh này có sẵn trong máy mà, biển chỗ nào chả xanh với cát và chị em nần nẫn tắm táp. Bác bấm đúng cái mặt em lúc này, rồi cho em xem. Nó ra ảnh và nó kêu tắc bụp mà không nổ bùm như bộc phá hay súng phóng lựu, thì em mới tin đó là cái máy ảnh đem đi làm nhiệm vụ của nhà báo.

Đêm ấy, tôi đi dọc bờ biển đến khi trời sáng. Lại vẫn thổn thức nghĩ câu ca cũ của người Việt ta: “Bõ công bác mẹ sinh thành ra ta”. Các buổi đi thuyền trên sông Volga, trải nghiệm đêm trắng phương Bắc, thăm Cung điện mùa Đông, Mùa Hè, tôi cũng chẳng đi, vì đi nhiều rồi. Ngồi ngẫm về đường trời hôm nay, lại vẽ vòng xướng tên mình lên lần nữa, thông qua chiếc thẻ lên máy bay được bổ sung vào bộ sưu tập. Gần đây, kinh tế khó khăn, tôi lấy thẻ lên máy bay để thanh toán tiền với kế toán, còn bản chụp cái thẻ ấy thì “in ảnh” ra (gần giống hệt) để lưu giữ.

Lời dạy từ bên kia bán cầu

Có lần, tôi ở homestay lạnh cóng ở gần biên giới nước bạn Bolivia. Gã chủ nhà đội mũ đỏ, mặt kiêu hãnh như một bậc đế vương ngồi trong ánh đèn dầu lom dom mà giới thiệu về bao la cõi thống trị với xiết bao thần dân của mình vậy. Hắn gảy đàn tích tịch tình tang rồi hát. Cá ở hồ nước lạnh, lạnh đến mức không lớn nổi, chỉ vừa đủ để ăn lủm một miếng là hết cả con. Tôi vơ hết 15 con trong một lần gắp đũa. Vị đắng của nó quả là đến thuở hai tay chắp bụng vẫn nhớ. Lại lẩn mẩn hoài hương ở bên kia vỏ trái đất. Nhớ mẹ già kẽo kẹt lo cho thằng cu bạt gió hay bị gió tuyết làm cho tróc da rồi đen sạm hết cả mặt mũi. Ở quê, mẹ tôi hay đọc cái thành ngữ, “vay đĩa nhộng, trả đũa tôm” để nói về các trò láu cá tròng ghẹo nhau của bốn anh em trứng gà trứng vịt chúng tôi. Hôm nay, đói, ta vay anh một đũa (một lần gắp) vào đĩa đựng nhộng. Mẹ tôi là công nhân dâu tằm tơ, quê tôi hay ăn nhộng tằm. Nhộng tằm đại ý là kén tằm non, tròn dài, trơn nhẵn, gắp giỏi lắm thì được 1-2 con trong một lần. Lúc anh đến đòi lại, thì tôi phải trả một đũa tôm, đàn tôm nhỏ (như đàn cá biển hồ Titicaca), chúng râu ria góc cạnh xẹp lép, bám dính, gắp một cái thì lên cả… 50 con!

Cá ở hồ nước ngọt treo trên “lửng trời” cao nhất của thế giới Titicaca mà chúng tôi thao thiết dưới chân các dãy tuyết sơn đi bắt được kia dù bé xíu, song, bù lại, chúng đắng ngọt đến ám ảnh. Đến hoang đường. Tôi nhẩm nhoi nghĩ, hay là lúc kiếm ăn dưới làn nước lạnh căm căm kia, bọn chúng đã kịp ních đầy bụng đủ thứ rau thơm, gia vị, các loài thảm mộc và cả khoáng chất kì bí trứ danh nào đó tít dưới rong rêu. Rồi mới đĩnh đạc lung linh ánh bạc, mắc lưới trên đại hồ? Và, cứ mặc trời đất bao la tẩm ướp sẵn các chú cá “toàn thây” không mổ và moi ruột, các chàng nàng đành đạch trườn lên bàn tiệc. Tôi đi đánh cá với Clever (con trai nhà chủ) và về nấu nướng.

Họ hỏi tôi, bên kia vỏ trái đất, cuộc sống của “mày” đi ngựa hay đi ô tô, ở nhà trên đảo cỏ nổi nênh hay nhà cao tầng, người chết thì chặt ra cho chim ăn hay đốt xác tiễn hồn về giời? Họ thờ mẹ Trái đất, mỗi ngày ăn cả nắm lá cô ca cô la và nhất định phải tìm chỗ đất thịt rồi thảy vào đó ba lá cô ca hoặc khô hoặc tươi. Để mời Mother Earth (Mẹ Trái Đất). Tôi bảo, lá cô ca, cây cô ca, ở nước tôi là thứ bị luật pháp cấm trồng và sử dụng, như với cây thuốc phiện opium, như với heroin ấy. Ôm một bó thế này là đi tù như chơi. Trước khi lên máy bay về nước, tôi lột ngược ba lô, nhá nốt từng cọng lá cô ca để chống lại các cơn đau đầu váng óc của hội chứng độ cao, cũng là tránh bị rắc rối về luật pháp khi qua cửa soi an ninh. Vậy mà, lạy trời, tháng sau giặt quần áo rét, vẫn còn dăm ba lá khô giòn trong áo di lê.

Đêm, năm lần chăn vừa lót ổ vừa đắp đến nặng trĩu mà vẫn buốt giá. Thỉnh thoảng tôi giãy bành bạch để thoát khỏi sự tưởng tượng quái dị là: hình như máu mình đông thành các viên đá lạnh đỏ đọc rồi ấy? Gió ngoài núi tuyết thổi vào, rít qua kẽ mái nhà, nghe rợn tóc gáy. Sivano, bố của cậu bé Clever - ông chủ nhà 42 tuổi đen nhẻm rủ rỉ: “Hoàng, anh ngủ chưa?”. Và anh ta lại thắc mắc không thôi về bên kia bán cầu, nơi tôi sinh ra và lớn lên. Tôi bảo, gầm trời này chỗ nào cũng ái ố hỷ nộ, người giỏi thì tinh tướng và hay bị ghét, người nghèo thì hay hèn và đôi lúc phải hạ. Trâu buộc thì ghét trâu ăn, quan võ lại ghét quan văn dài quần. Nói vui nửa đúng nửa nói văng mạng vậy, ai ngờ cu cậu buồn ra mặt.

“Em phải bỏ vợ con ở hòn đảo này, con em bỏ học, tiếng Anh giờ chỉ nói được qua chào hỏi và mời ăn cơm là hết cỡ, nó nói tiếng Bồ Đào Nha đấy chứ. Tiếng Quechua (người Việt hay đọc là Quê-choa) thì là tiếng mẹ đẻ rồi. Tiếng Anh mới du lịch được, anh ạ. Em đi làm thuê, bay sang thành phố Lima (thủ đô khá sầm uất của Cộng hòa Peru). Nhưng ở phố, họ coi thường mình quá, vì họ giàu nên họ nghĩ họ có quyền khinh khi. Vả lại, thuê nhà, rồi bụi bặm đông đúc, sống cứ phải đề phòng như con thú đã bị thương nhiều lần. Bao nhiêu cái hư đốn của phố thị nữa. Em nghĩ buồn và tại sao đời mình phải khổ thế? Vậy là về nhà, lấy dây chun buộc long lỏng giữa cánh cổng gỗ và trụ cổng vào với nhau, để khi mình kéo thì nó mở cánh cổng ra, buông tay thì dây chun nó tự đóng vào. Thế là một cuộc cách mạng trong cánh cổng. Đàn cừu, đàn ngựa ngoài kia không vào phá vườn nhà, mà cổng lúc nào cũng biết nghe theo ý mình. Ai cũng mở được, quên đóng cũng không sao. Thế là cả vùng này làm theo.

Rồi em lái thuyền ra, học người ngoài thành phố Puno cách họ làm du lịch. Em sửa nhà, làm thêm phòng tầng 2, đắp đất đá thôi mà. Trồng nhiều hoa. Ở đây toàn dốc núi cao. Không có đường đi xe, không có xe cộ và cũng không có lối nhẵn để kéo va li có bánh xe. Thế là em luôn phải cho các con xuống bến thuyền vác va ly cho khách, homestay đẹp đẽ trên facebook, đón người khắp nơi. Các mỏm đá hình muông thú ở hòn đảo này, ai nhìn cũng mê mẩn. Họ rất thích văn hóa của Đế chế Inca từng thống lĩnh vùng rộng lớn (mà nay là nhiều quốc gia Nam Mỹ), với các ruộng bậc thang tròn như sân bóng của người ngoài hành tinh. Em nghe họ ca ngợi, mỗi tầng ruộng là một vùng tiểu khí hậu để thử nghiệm tới hơn bốn trăm loại khoai tây Peru đủ màu sắc và hương vị. Thế là em chế biến thực đơn ở tại bếp nhà em với khoai tây đủ loại. Em dùng mạng xã hội để giao tiếp với thế giới bên ngoài, nhưng phải lên đỉnh núi chỗ đền thờ Mẹ Trái Đất mới có sóng 3G. Không đâu bằng quê nhà, tha hương ngoài Lima, em thấy tuổi trẻ của mình trôi đi thật đáng hổ thẹn. Tiêu tốn cuộc đời theo cách đó, thật sự đáng để xót xa quá. Đời có dài gì đâu anh, bạn bè em khối người đã chết rồi...

Sivano ngủ thiếp đi. Tôi trằn trọc: hóa ra, cuộc sống với các vật lộn, ra đi rồi hồi hương và sinh kế, rồi tìm sự an yên trong lòng sau nhiều mất mát phố xá. Kiểu như thơ viết cho gái quê ra phố thành cái gì đó lẳng tình hoặc kỹ nữ (tôi cứ nghĩ thế dù thật không phải thế): “Sòng đời thua nhẵn cả thơ ngây” (Nguyễn Bính).

Ô hay, ở nơi nào cũng vẫn giống nhau. Dẫu là ở bên này hay bên kia bán cầu, xa xôi hết cỡ có thể... Dù được học hay không, dù nói thứ ngôn ngữ nào, cứ trải ngần ấy năm cõi người, là ai cũng được rung chuông và thấm thía hết. Triết lý cuộc đời dài ngắn, mất còn, sinh diệt, nhân tình thế thái của một vị Giáo sư tài danh với một ông trưởng bản không biết chữ, không biết nói tiếng phổ thông, chưa bao giờ tiếp xúc với “thế giới ngoài kia”… cơ bản là có gì đó giống nhau. Tự ngẫm nghĩ, tự nhìn các cuộc sinh hạ đỏ máu cuống rốn sơ sinh và các cuộc mai táng người quá cố một đi không bao giờ thấy trở lại, tự nghe cơ thể mình từng bước lớn lên, trưởng thành, sắc dục và lụi tàn, dần dà, tự khắc, người ta có một bộ khung trải nghiệm “khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già”…

Sivano, sao phải đi nửa già vòng trái đất để ta được anh dạy ta cái điều sơ đẳng ấy nhỉ?

Nguồn Văn nghệ số 45/2021


Có thể bạn quan tâm