April 24, 2024, 10:16 pm

Mỗi ban mai thấy một khung trời lạ (Tiếp theo kỳ trước)

“Đi” là trốn chạy sự nhỏ bé đến hoang mang của kiếp người? Những chuyến đi khiến người ta luôn phải đứng trước các chiều kích của: sướng, khổ; mất, còn; chết, sống; kỳ vĩ và mong manh; thiên thần và những kẻ móc túi; thanh nữ và các cô điếm buồn; khách sạn sáu sao và các khu ổ chuột; các triền đồi cỏ mượt sạch như sinh ra cho thánh thần tiên phật và những khu rác rến dưới ống cống thành phố; không có một chỗ nào chưa bị phân rác phủ kín để đặt chân dò dẫm; rồi người ta đốt các thi thể người khét mù giữa thiên la địa võng củi bên bờ sông Hằng, xác người và xác xúc vật lập lờ, bầy chó hoang chạy nhông nhông trên bờ chờ đợi. Đến trong mơ, tôi vẫn nghẹt thở vì chạy trốn khỏi các nơi trải kín phân súc vật ở xóm ngõ, đường sá, sân sướng như thế của Varanasi.

Giống như một cuốn tiểu thuyết viết: “Nếu chỉ còn một ngày để sống”, nếu như bước một bước nữa và đếm một hai ba là bạn sẽ “bùm”. Chết, tan xác pháo. Thì bạn sẽ làm gì vào cái ngày trước khi đếm một hai ba đó? Về thăm mẹ lần cuối hoặc ôm các con thêm một lần? Nói ra những lỗi lầm giấu kín và dũng cảm xin lỗi sau bao năm trốn tránh? Hay ăn một bữa trứ danh rồi chết cũng làm con ma no? Hay hiến hưởng các khoái lạc như con quỷ đói ngồi mút xương của chính mình để “uống những miếng trần gian trong tủy cạn”? Loài người ít ai không bị câu hỏi này ám ảnh và cũng ít ai trả lời thẳng thắn rồi làm theo sự mách bảo thông minh của lý trí và cảm xúc. Người ta dường như đã quên việc tha thứ, bao dung, quên mất câu “được mất dương dương người Tái thượng”. Sông lớn cuồn cuộn chảy về Biển Đông, lớp lớp sóng xô vùi lấp hết anh hùng, thành bại dại khôn rồi cũng thế. Cái sát-na sống này là quý giá hơn hết thảy mọi sân si.

Nhưng nói là buông bỏ cũng không đúng. Đời đủ dài để sân si và cũng đủ ngắn để không sân si. Đủ dài để tranh đoạt và cũng đủ ngắn để bao dung “tha thứ, tha thứ và tha thứ”. Có lẽ, ít ai nói câu này mà không bị hiểu lầm, dù với tôi nó đúng vô cùng. Đời người thật mỏng manh, cô độc - cô độc và mỏng manh đến hoang mang rợn ngợp. Đi mãi một chiều (one-way) về cõi già, yếu, chết. Chết chẳng mang được cái gì. Người Việt Nam ta hay tổng kết là vòng tròn nghiệt ngã: sinh lão bệnh tử. Các cụ thì cay nghiệt dạy người ta đàng điếm tí cũng chẳng ai trách móc: “Lẳng lơ chết cũng ra ma/ Chính chuyên chết cũng khiêng ra ngoài đồng”, “Sống ở đời ăn miếng dồi chó/ chết xuống âm phủ biết có hay không”. Rắn già rắn lột, người già người chui tọt vào săng (quan tài, hoặc đài hóa thân phóng hỏa thành tro bụi).

Cảm giác bất lực và cô độc, nhỏ nhoi của con người (chắc là) thành lý do quan trọng nhất để họ quyết tâm khám phá thế giới, khám phá cảm xúc.

Như tỷ phú lừng danh Richard Branson (tôi đã được ông, Sứ quán Anh và cộng sự mời “độc quyền” phỏng vấn ông khi ông sang Việt Nam), tháng 7 năm 2021, ông vừa bay vào vũ trụ chuyến đề-mô (thử nghiệm) hình thức du lịch ra ngoài không gian. Tập đoàn Virgin của ông “đóng” máy bay mẹ, tàu vũ trụ, tên lửa đẩy; kinh doanh luôn cái khoản bay ra khỏi tầng khí quyển, du lịch ngoài không gian. Giá vào độ hơn 5 tỷ đồng/chuyến. Loài người không bao giờ chấp nhận sự nhỏ bé của mình. Bằng cách họ đi, trải nghiệm và chinh phục đỉnh núi, đáy biển, vào trong bụng quả đất và ra ngoài vũ trụ, lên nơi cao nhất của vỏ trái đất là đỉnh Everest, nơi sâu nhất của đại dương là rãnh Mariana. Dẫu, nói thẳng: nếu vũ trụ là Thái Bình Dương, việc khám phá vũ trụ của loài người vẫn ở mức vừa ra khỏi bờ ao. Nếu vũ trụ là một sân bóng đá tiêu chuẩn, thì trái đất là hạt thóc cắm ở vệt bùn nhão vương trên lá cỏ nào đó ở kẽ sân. Việc khám phá đáy biển và đại dương nói chung, thì đang ở tình trạng được so sánh rất thú vị trong cuốn “Lược sử vạn vật” best-seller, như hai gã khùng dùng 2 cái máy xúc đi ì ạch trong đêm, không có đèn, để lầm lũi tìm hiểu… vỏ trái đất. Việc du lịch vào không gian của Tập đoàn do ông Richard Branson làm chủ, mới chỉ là bay ra khỏi tầng khí quyển trái đất, mà tầng này nó mỏng đến mức nào so với vũ trụ? Thôi, so với trái đất nhé, nếu trái đất thu nhỏ lại bằng một quả bóng tiêu chuẩn đặt trên bàn học làm giáo cụ trực quan của con trẻ, thì tầng khí quyển kia chỉ là hai lớp sơn bóng quệt mỏng dính trên bề mặt thôi...

Loài người không đi được xa, nên đành đi gần để chống lại cô đơn, cô độc, hoang mang vì sự nhỏ bé hữu hạn của kiếp phận mình. Nếu tính trong muôn loài, con người đã quá tội nghiệp, chưa tính hàng trăm tỷ ngôi sao trong vũ trụ, chỉ tính riêng trái đất xinh đẹp của chúng ta, con người quá yếu đuối. Chịu khát được 3 ngày, chịu đói được 3 tuần, là chết. Nhịn thở được 3 phút, là chết. Băng giá một tí, không có lớp lông giữ nhiệt như con thú, là mất nhiệt, chết. Nóng một tí, là chết. Quả đất vốn đã bé nhỏ, bay vài chục giờ là hết “nửa vòng trái đất vẽ tầng mây”. Từ đầu nọ sang đầu kia rồi, muốn đi tiếp thì quay về. Vậy mà, có đến 95% diện tích của trái bóng xanh bé xíu kia, loài người không sinh tồn được: băng giá, chịu; nước biển mặn, chịu không uống nổi; núi cao, chịu vì không khí loãng chả thở được. Vài nơi trù phú thì mật độ dân số chen chúc và ô nhiễm. Như Tokyo, hơn 40 triệu dân, giá nhà đất đắt nhất thế giới, lại sểnh ra là… động đất. Như Bắc Kinh, khói bụi ô nhiễm trai gái hẹn hò bên sông chả nhìn thấy nhau. Như Indonesia, tắc đường và nhếch nhác, hơn trăm núi lửa vẫn đang gầm gừ hoạt động.

Nản quá, quẩn quanh và ngắn ngủi đến tội nghiệp quá, thế là loài người buộc phải nghĩ cách thoát ra khỏi cuộc sống tù túng và vốn dĩ nhỏ bé - cô độc kia. Người ta mắc cái tâm thức truyền kiếp này và cứ bị nó dụ đi trong các cuộc xê-dịch các cấp độ, các biến thể mà đôi khi người trong cuộc không hề biết. Các cuộc “thiên di” trong mỗi phận người này, nó không phải là cuộc gia tăng dân số cơ học với đoàn người tràn về đô thị để mưu sinh. Không phải bay như bầy chim đi từ từ Bắc xuống Nam bán cầu để tránh rét. Càng không phải nhiều vạn con sơn dương phủ kín các hoang mạc Phi châu để đi tìm tìm nguồn nước. Chẳng phải bản năng kiểu “ấn tượng bãi đẻ” tự khắc sinh ra trong não của loài rùa biển, dẫu phải vượt Thái Bình Dương và 99% bỏ xác dọc đường, chúng cũng bằng mọi giá về đúng cái bãi cát mà xưa kia nó đã được sinh ra để… đẻ trứng. Nỗi khát và nghiện xê dịch của những người ưa khám phá, nó khác cách thiên di của muôn loài. Mà nó nằm trong xúc cảm tự thân chống lại cái nhỏ bé hữu hạn từ tổ tông truyền lại.

Có khi là một tỷ phú đi du lịch. Có khi là kẻ vừa ăn chắt hà tiện, vừa đi vừa làm bồi bàn hay là làm kiều nữ phục vụ quán bar để có tiền trang trải cho việc… lang bang đi cảm nhận thế giới. Họ đi trong cái sống gấp gáp vội vã, trong sự tận hưởng từng giọt sống ngọt lịm mà lắm khi lấm láp do đấng xa xanh ban tặng. Không nói ra, nhưng ai cũng vội vàng và thấy mọi thứ rất vô thường. Họ bầu chọn các điểm đến “before you die”, tức là trước khi bạn chết bạn phải đến đó. Vì nó đẹp, nó hay, nó lạ, nó khác thường, rồi cũng là vì bạn đang đi về cõi chết. Tức là một cuộc chạy đua với tử thần đấy chứ.

Chắc là tôi cũng thế. Có tiền là đi, không có tiền cũng ủ mưu mà đi. Chẳng bán nhà cửa, chẳng bỏ vợ con bố mẹ mà đi đâu, nhưng tranh thủ được là lẩn đi như chuột nhắt hèn nhát. Ích kỉ đấy mà cũng chẳng ích kỉ gì cả, có ai là không như thế đâu. Có người mời là đi, chẳng ai mời cũng nghĩ lý do mà đi. Che Guevara bảo: trong đầu chàng đã có sẵn một tiếng gọi mơ hồ về việc cất bước ra đi rồi, chẳng cần ai dụ dỗ gợi ý nữa đâu. Đi chẳng phải để mưu sinh, để khoe mẽ, để làm nghề. Đi là đi thôi.

Triết lý vặt:

Những chuyến đi làm người ta khiêm tốn hơn

Có lần, ở Cappadocia, Thổ Nhĩ Kỳ, dậy từ 4 giờ sáng. Sửa soạn để bay lên trời với khinh khí cầu xanh đỏ tím vàng rợp kín không gian. Trung bình, mỗi ngày có tới sáu nghìn người trên khắp hành tinh đến đây để bay. Vì bên dưới đẹp quá, và vì trời sinh ra con người vốn chả biết bay, cũng chỉ mới biết đứng thẳng để hay nhìn thấy trời cái hồi tổ tiên còn ở rừng châu Phi cách đây chưa lâu lắm. Và tôi đã ngồi bấm điện thoại tính: hơn 17 nghìn ngày (tính đến hôm đó) tôi đã sống trên trái đất này (trước đó là gì và sau đó là gì thì chịu), tôi đã đón hơn 17 nghìn bình minh. Nhưng chỉ có bình minh ngồi khinh khí cầu nhìn mặt trời ló khỏi các dãy núi mềm gồ ghề sau khi núi lửa phun trào - với rừng đá hình chim bồ câu, rừng đá hình linga / dương vật, hình nấm trắng xám kỳ vĩ - hôm ấy được gọi là cổ tích.

Bốn bề, vung vãi hàng trăm khinh khí cầu khổng lồ như một trời đầy kẹo xanh đỏ cho các cô Tấm ngẩn ngơ nhấm nháp hoặc giữ làm thứ quà sặc sỡ cho riêng mình. Vậy là ta cứ sống và mỗi ngày “cơm trưa rồi lại cơm chiều, quanh quẩn ngày hai bữa cơm”, rốt cuộc những ngày đáng nhớ nhất trong album ảnh, trong kí ức để kể chuyện của mỗi người, chắc chắn là ngày “di chuyển” hoặc sau quá trình di chuyển. Hạnh phúc là đường đi chứ chưa chắc chỉ là điểm đến. Đi làm, đi du lịch, đi đến một nơi khác lạ. Ngày được lưu giữ vĩnh viễn trong đầu, trong tim, trong bộ ảnh in ra giấy và bộ ảnh trên các ứng dụng lưu trữ đám mây khổng lồ của tôi (và quý vị): chỉ chủ yếu là về những chuyến đi. Vì sao vậy? Vì nó là thứ khác lạ. Nó là phấn thông vàng bay trong không gian, phấn thông đẹp ma mị rồi lại còn thụ phấn sinh sôi, lại gieo thương nhớ và thanh lý các món nợ dường như từ các kiếp trước…

Có lần, tôi đã ngồi ở một thành phố xa xôi bậc nhất mà một gã nhà quê xứ Đoài trên đất Việt như tôi có thể đến. Chắc chắn thế, vì nó ở châu Mỹ bên kia bán cầu, song nó lại còn chếch xuống Nam Mỹ đi theo đường cạnh huyền của tam giác bay lượn mang tầm vũ trụ. Về nguyên tắc, nếu xuất phát từ Việt Nam, khó có hành trình xuyên lục địa nào xa hơn thế. Bay mấy chục tiếng, đến Brazil là Nam Mỹ rồi, còn bay ngang qua lục địa châu Mỹ, rời Đại Tây Dương để đến Thái Bình Dương, ghé bến Cộng hòa Peru, bay tiếp đến Lima, rồi cất cánh bằng con chim sắt qua hành trình nội địa đến Puno City. Thành phố ấy nằm bên bờ hồ Titicaca, hồ nước ngọt cao nhất thế giới mà thuyền bè có thể đi lại, con người có thể sinh sống được. Hơn tám nghìn cây số vuông mặt nước. Cậu bạn người Puno xa xôi bảo, mày biết không, dãy núi tuyết mờ mờ góc hồ bên kia là nước Bolivia đấy.

Chợt tôi gặp một gã trung niên, cũng tầm tuổi tôi. Râu vểnh, mặt đẹp. Lái một chiếc xe mà nhìn vào nó tôi còn thấy nao lòng hơn là thấy các đường cong bốc lửa Nam Mỹ kiểu vũ điệu Sam-ba của kiều nữ Sao Paulo. Tôi hỏi, sao vòng ba của phụ nữ xứ này đẹp thế? Hay tại họ ăn nhiều thịt bò? Từ sân bay về, cậu thấy không, bảng hiệu nhiều nhất là quảng cáo thịt bò. Nhìn ngon điên dại và tảng thịt bò án ngữ cả góc trời. Chủ quán mang ra các tấm bìa hình con bò có đánh số từng ô khoảnh và khách chỉ tay số mấy là khúc thịt nướng từ bất cứ bộ phận nào (nầm, đùi, sườn, đuôi…) của chú bò sẽ được xèo xèo mang ra bàn. Quả thật, công nghệ nuôi bò và chế biến các món từ bò của Brazil rồi Peru, với tôi, ngon nhất thế giới. Tôi ăn kễnh bụng, rồi vẫn bảo: nếu ăn nhiều thịt mà vòng ba đẹp kinh điển thế, thì linh cẩu với chó rừng đẹp nhất. Thế thì do yếu tố chủng tộc, cu cậu đuối lý buông một câu mơ màng.

Đang tranh luận thì một vòng ba mĩ miều khác ngồi vào ghế đối diện. Nàng khiêm tốn mà sao tôi vẫn thấy sự kiêu hãnh và cả sự thách thức trong cái buổi bình minh nhìn ra bảng lảng sương khói hàng tám nghìn cây số vuông mặt nước Titicaca. Chỗ này, độ cao hơn 3.300m so với mực nước biển, tôi đôi lúc vẫn choáng váng thở bình ô-xy vì hội chứng độ cao. Túi quần túi áo, ba lô, va ly lồm bồm toàn lá cô ca nhai rau ráu để thêm đô-ping chống đau đầu, chóng mặt, buồn nôn. Anh bạn nháy mắt, đừng choáng, vì vòng ba mĩ miều đó là người yêu của gã nhà giàu kia. Tôi nhìn cái xe ô tô đẹp lộng lẫy, mui trần, và lúc này nhận ra, cả cô em và cỗ xe kia đều quyến rũ, khó mà… biết cái nào hơn cái nào. Gã “quá niên trạc ngoại tứ tuần” vểnh râu, rút xì gà ra hút và cùng nàng hỉ hả. Bất giác, anh ta làm tôi nhớ da diết cái xe của mình ở quê. Đàn ông, không ít người có thể hình dung loài người vẫn tồn tại mà không có đàn bà, song họ khó có thể tưởng tượng thế giới vẫn thế này mà không có ô tô. Nghề di dịch chuyển, làm tôi và nhiều người nghiện xe ô tô (nghiện lắm thứ thế).

Đang lúng túng với các vẻ đẹp xiêu lòng từ da thịt đến công nghệ, thì anh bạn người Puno xin phép đứng dậy. Bảo, sao? Vì tớ ngứa mắt thằng này, cả khu này ghét nó hay khoe hoang tinh tướng. Gầm trời này còn bao nhiêu cái hay, cao nhân tắc hữu cao nhân trị. Nó cứ khoe khoang như không còn việc gì để làm nữa ấy. Tiểu nhân đắc chí tiếu hi hi, cậu ạ.

Sang bàn khác ở rất xa “nó”. Bất giác, anh bạn quay sang hỏi: ở quê cậu, người ta có hay khoe khoang rồi ganh ghét nhau không? Mỗi người được lấy mấy vợ, có hay ghen tuông và dạo phố với xe hơi và người đẹp chỉ để gửi thông điệp “ta đây!” ngồi trên đầu thiên hạ không? Tôi giật mình: có chứ. Gầm trời này chỗ nào chả giống nhau. Nhưng cậu mà thấy nó khoe khoang ưỡn ngực, tức là cậu cũng để cái GATO vào trong lòng rồi đấy. Hãy nhìn cỗ xe như một tòa lâu đài công nghệ, đứa ngu ngồi lên đó là xúc phạm công nghệ của loài người. Kệ, nó có xúc phạm mình đâu nhỉ? Nó dẫn gái đi cho oai, chứ không phải vì tự thân tình yêu nó dành cho nàng, nàng sẽ bỏ nó mà theo cậu sớm thôi. Tôi cười phá lên, cố phiên dịch từ GATO và nói về sự bao dung tha thứ cho cái thằng nói tiếng của thực dân Bồ Đào Nha (từ khi họ sang đánh phá Đế chế Inca, xâm chiếm thuộc địa Nam Mỹ hồi mấy trăm năm trước).

Lúc sau, bạn tôi mỉm cười. Gầm trời này, chỗ nào cũng giống nhau, xa xôi hết cỡ hay láng giềng ngày đụng mặt chục lần, thế cả thôi.

…Những con thuyền làm bằng cỏ với lau sậy vàng óng cong hai đầu như thuyền gondola ở kinh thành trên sóng nước Vơ-ni-dơ (Italia) cứ chênh chao trên mặt hồ xanh biếc. Rong rêu vàng lơ thơ như đuôi chó đuôi chồn khiến người ta có cảm giác Titicaca có vẻ nông. Chim hoang dã giật thột bay tứ tán, chúng hốt hoảng như bị bắt quả tang làm điều gì xấu hổ lắm. Các hòn đảo làm bằng cỏ hiện ra lềnh bềnh. Đảo bằng lau sậy, nếu không neo, nó trôi vèo cái từ Cộng hòa Peru sang Nhà nước Đa Dân tộc Boilivia. Trên mỗi đảo vài hộ gia đình sinh sống và hàng năm họ vẫn phải bổ sung cỏ và lau sậy kẻo đảo sẽ chìm. Mấy thế kỉ nay, hơn 40 hòn đảo cỏ vẫn nổi nênh như thế.

Ấy là chuyện riêng có, mấy chục hòn đảo có cư dân sinh sống lạ nhất địa cầu. Chứ còn người đẹp, xe đẹp và người đàn ông râu vểnh kiểu kia thì ở đâu cũng thế.

Tôi nhớ đến sự khoe khoang từng có của mình, bạn bè mình và quê hương mình. Bên kia bán cầu, có ai biết đến góc trời Nam Mỹ với cỗ siêu xe, người siêu đẹp và buổi sáng rầm rì hài hước này của chúng tôi không? Không. Nhưng chúng tôi cũng làm gì mà cần đến cái sự “biết” của ai đó. Cứ sống thôi. Nhưng giá mà những người trong cuộc đều thấm thía: “Thanh xuân như một chén trà”, lên mặt làm gì. Một hòn đá khi được thượng đế hỏi “điều gì quan trọng nhất”, nó chả buồn giả lời và chỉ mải mê nghe tiếng rạn vỡ trong cơ thể nó. Một con chim ăn thịt khi được hỏi, nó chỉ gục gặc cái đầu và tiếp tục dùng móng vuốt cùng mỏ sắc nhọn xé thịt con chuột chết mới bắt được. Thơ xưa bảo: “Túi da thối đeo dạ xông trầm”, phường giá áo túi cơm, cứ sạch sành sanh vét cho đầy túi tham. Rồi “chiều chiều quạ mới hỏi diều/ chỗ mô vắng vẻ có nhiều gà con” (để đi ăn cắp). Ở một nơi xa xôi nhìn về, ở tít trên tầng cao nhìn xuống, thấy tất cả cuộc sống kia như cái sa bàn tí tẹo và câm lặng, thấy cảm thương và tê tái vô cùng. Một thái độ sống đúng với sự hữu hạn và quý giá từng sát - na của kiếp người, là chuyện dài và khó. Nó không chỉ là bản năng, nó phải ra đời từ giáo dục hoặc tri thức hoặc các lối nghĩ thật thà nào đó. Tôi chỉ thoáng nghĩ vậy, chứ đâu có dám chắc là mình biết về điều đó.

Ở góc trời nào đó, ai đó vẫn vênh vang coi mình là chúa tể, “ta là một là riêng là thứ nhất”. Rồi được đà làm những điều kệch cỡm. Nếu muốn họ ngừng lại, hãy cho họ đi và trải nghiệm cái dài rộng vô biên của địa cầu. Và lòng người thương mến mến thương. Những chuyến đi, “Du lịch khiến con người trở nên khiêm tốn hơn. Chúng ta biết được mình nhỏ bé thế nào trong thế giới này” (Gustave Flaubert), một câu nói mà được các cuốn sách cùng mọi người hay trích dẫn. Tôi tìm kiếm qua Google thì ông Gustave Flaubert là một tiểu thuyết gia được coi là lớn nhất của phương Tây (người Pháp, sinh năm 1821), ông viết theo phong trào văn học hiện thực và lãng mạn. Càng đi, tôi càng thấm thía cái sự khiêm tốn nhờ khám phá thế giới kia.

Thế nên, câu hay nhất tôi học được ở một sân bay Trung Đông, trong một lần vật vạ ngồi phòng cầu nguyện với các bạn Hồi giáo (sân bay nào cũng có biển bảng, ký hiệu, phòng cầu nguyện riêng) chờ chuyến bay kế tiếp, ấy là: “Các chuyến đi xa làm người ta khiêm tốn hơn”; “Mua đồ ít, đi du lịch nhiều”; “Mua cái gì cũng làm bạn tốn tiền, nghèo đi. Chỉ có bỏ tiền mua một hành trình trải nghiệm đích thực là làm bạn… giàu lên”. Tôi dịch có thể chưa chuẩn, song đại ý là như vậy. Nếu không gặp quá nhiều sự tranh đoạt, lừa lọc, tinh tướng xó làng ở các vùng đất xa xôi (và nhỏ bé đến tội nghiệp) của người đời, nếu không chìm vào thiên nhiên bát ngát và đẹp diệu kì, chắc không bao giờ tôi nghĩ nhiều về sự bao dung và tha thứ đến thế. Tha thứ đến mức kể không ai tin và chính tôi cũng không tin mình làm được như thế. Biển có nhiều cát thế nào thì vũ trụ có nhiều vì sao cỡ đó. Và chúng ta không hề đơn độc, người ngoài hành tinh (alien) đã và sẽ còn đến ghé thăm. Nghe câu đó và đến các địa danh bí ẩn, kỳ vĩ đến mức chắc là “do người ngoài hành tinh tạo tác”, tôi luôn nghĩ: mình cần phải nghĩ lớn, chả làm được lớn thì có sự tha thứ và ham học lớn là đủ.

Có lần đứng trước tấm biển “nơi đây hàng triệu người đã bị giết bởi Pôn Pốt”, tôi đã nghĩ đó là một tấm biển cần xác lập kỉ lục thế giới về sự mất ngủ của lương tri Người cho nó. Có lần “mặc niệm” trước việc đốt xác, chặt xác người cho chim ăn để mai táng ở Ấn Độ, Tây Tạng, tôi đã nghĩ: truyền thống bốc mộ sau ba năm của các cụ nhà ta có “văn minh hơn” không; “gây ấn tượng mạnh” hơn hay nhẹ hơn so với các quốc gia và vũng lãnh thổ khác? Và đứng trước các cảnh đẹp như ở Lưỡi Quỷ (Na Uy), Hồ Thánh Thần (Tây Tạng), Thác Iguazu (Brazil) hoặc Núi Thiên Thần (Thụy Sỹ), Trương Gia Giới, Hàng Châu (Trung Quốc), Cappadocia (Thổ Nhĩ Kỳ) rồi Tiger’ Nest (Bhutan), Kruger, Petoria, Mũi Hảo Vọng, Cape Town (Nam Phi)… tôi đều thấy dậy lên trong mình cái câu ca dao ngày cũ. “Tay cầm bầu rượu nắm nem/ mải vui quên hết lời em dặn dò”. Rồi, “bõ công bác mẹ sinh thành ra ta”.

Cảnh quá đẹp, mây ở Quái Hồ và Hồ Thánh Thần xứ Tạng phải được đặt cho chúng một cái tên riêng. Nước ở đây là nước mặn dù nó chỉ là băng tuyết tan từ đỉnh núi xuống thôi mà. Hồ rộng như biển và xanh hơn ngọc bích, xanh đến mức tôi phải bò xuống bờ hồ tuyết phủ ở độ cao chừng 5.000m so với mực nước biển mà sờ thử. Sờ xem nó có phải là nước hay là miếng ngọc xanh cứng hơn cả đá phiến?

(còn nữa)

Nguồn Văn nghệ số 44/2021


Có thể bạn quan tâm