April 23, 2024, 11:26 pm

Mỗi ban mai thấy một khung trời lạ

Trong những chuyến bay dài xuyên lục địa, vượt các đại dương thăm thẳm và… đẹp hư ảo, lướt trên đầu các đám mây muôn hình vạn trạng, tôi - nay 47 tuổi - đã luôn hào hứng như một trai tơ 17. Với kẻ lữ hành, mỗi ban mai là một khung trời lạ hiện ra, đó chính là ân sủng của Thượng đế. Có khi, “sáng thức dậy núi đã đầy trong mắt”, lắm lúc “đương cơn mơ còn vọng tiếng nai chiều”. Có giấc ngủ trên hành trình bay gần hai chục giờ đồng hồ mà vẫn có wifi trên mười nghìn mét cao. Lúc nào cũng túc trực cô em chu đáo đến mức hành khách hễ đưa mắt nhìn là em nhất tề miệng cười như trái mơ non. Rằng là “em có thể giúp gì được cho ông không”. Tôi, mái tóc hoa râm giấu đi sự hí hớn tuổi mười bảy khi được du sơn du thủy, bèn lơ đễnh mỉm cười: “Em cho ta xin một ly vang đỏ”. Cô bọc chai rượu lạnh tay trong khăn trắng muốt: “Em mời ông”. Trời ạ, dịch vụ năm sao trên chín tầng giời có khác. Mỗi lần ngỏ ý xin là được nguyên một chai rượu nhỏ xinh, chứ không phải là một ly đâu. Đã thế, lần tới tôi xin cả chai rượu nặng, uống thừa đút túi áo gi lê cùng với chai vang thừa kia nữa…

 

Tao đẻ ra mày, tao cũng không thể nào nghĩ mày lại… du thủ du thực cỡ ấy

Không biết có phải vì uống rượu tây miễn phí với cái bụng sân si quá mức không, mà đêm ấy, giấc ngủ ở độ cao nhất mà người bình thường của trái đất có thể có được (10km so với mực nước biển), tôi đã mơ rất oái oăm. Tòa lâu đài bay hai tầng chở được hơn tám trăm hành khách bỗng được người ngoài hành tinh bẻ lái. Nó vĩnh viễn lạc vào trong vũ trụ. Nàng cứ thế bay lộng lẫy không bao giờ dừng lại. Như một thứ rác vũ trụ tinh khôi, như một cục thiên thạch trắng ngà nhẵn thín bảy tỷ năm tuổi, hẳn rồi, còn đắt hơn đồng đen và kim cương… Rác vũ trụ mới vẫn phát wifi với dịch vụ năm sao, cứ chênh chao sặc sỡ như cỗ quan tài đỏ tươi và vàng rực. Lướt qua cổng làng ra với Bà mẹ Cánh đồng trong một cơn gió tươi nào đó. Mà gần tám trăm người chúng tôi ngồi trên lục bản mộc khảm rồng phượng ấy cười nghiêng ngả, bốn bề bát ngát ánh sáng huy hoàng của Thái dương hệ, giống như các phượt thủ ngồi trên cỗ xe địa hình mui trần độ chế kì dị mà hào hển đắc ý băng qua thác ghềnh.

Tỉnh dậy, tôi mỉm cười với giấc mơ quái dị và nói như mẹ tôi, “phỉ phui cái mồm nói dại”. Đứa cháu xem video tôi nhảy ra khỏi máy bay, rơi tự do hai nghìn mét mới bung dù bay lượn ở ngã ba biên giới Brazil - Argentina - Paraguay, mới bèn chat zalo mà hỏi bác già: Bác ơi, hôm nhảy dù ấy, hôm đó bác có đóng bỉm không? À, cháu biết rồi, chắc cái khăn quàng cổ kia của bác sẽ bay vĩnh viễn ra ngoài tầng khí quyển và trở thành rác của vũ trụ. Rồi hai anh em nó cãi nhau, làm gì cái khăn ấy nó bay lên được đến mặt trời vì cách những gần một trăm triệu dặm, lại nóng mấy nghìn độ, có mà ra tro.

…Chợt, qua viber, cô chủ phòng vé thở hắt ra một tin nhắn: anh Hoàng ơi, anh còn nợ chúng em một trăm triệu đồng đấy nhá, chưa kể phí xin visa 7 nước trong chuyến này. Nghe hơi hoảng tí, song vẫn ưỡn ngực lấy lại tự tin, ngẩn tò te giả lời nàng bằng một câu tu từ “tầm như anh mà không có một trăm triệu đồng để đến nỗi ăn quỵt của em ư? Em cứ ghi nợ nhé. Anh cho trợ lý trả ngay khi anh xuống khỏi… chín tầng giời”.

Có mà xuống địa ngục.

Tinh tướng vậy nhưng lúc về nước, nhìn ông bố già cả đời chưa nhận một khoản lương bao giờ là tôi đã ít nhiều tiu nghỉu. Tiền không còn xu dính túi, mà nói ra chẳng ai thèm tin, vì đã chót đi Đông đi Tây áo ghi lê giắt toàn rượu ngoại thơm nứt mũi với các phom chai thủy tinh đẹp thừa sức để trưng bày (tôi thì không trưng bày mà uống hết rượu bao giờ cũng thả vào đó một cọng vạn niên thanh kèm nước lã để nó xanh um năm này qua năm khác). Thành thử ra, đi chơi vân vi trên vỏ địa cầu về, có lần, bố già bảo: “Mày đi du thủ du thực thế, tao cứ tính, mất béng nó mảnh đất ngoài phố Mía rồi con ạ. Vả lại bọn đi nhiều, tim phổi phải thay đổi áp suất không khí, phải trải nghiệm nhiều thứ khác biệt, bao giờ cũng chết sớm”.

“Tao đẻ ra mày, tao cũng không nghĩ mày lãng tử bất phóng bất phú thế. Và tao cũng hơi trục lợi nhờ cái bát nháo ấy của mày”. Nói rồi, hai cái đầu bạc cười hơ hơ. Thỉnh thoảng ông lại bảo, đi đâu đó đi mày ơi. Đi đâu hả bố? Thì cứ lên xe, cứ đi là được, đi đâu có quan trọng gì. Bố ghét cái nhà nhà mình đến thế sao? Không, cứ ra khỏi nhà là bố vui, vì bản chất loài người là như thế, chỉ khác cái là người ta có nhận ra hoặc nhận ra rồi có nói ra không mà thôi.

“Và đi là cách để thấy yêu ngôi nhà của mình hơn, con ạ. Thôi, mày có đưa bố mày đi không thì bảo….”, cụ gãi đầu gãi tai và đi sơ-vin. Gớm, “xuất môn như kiến đại tân”, ra khỏi nhà bao giờ cũng như tiếp đại quan khách mới, dẫu quần xoóc cũng cứ phải áo bỏ cắm… thùng.

Tôi đã đi, thật sự đôi lúc thoáng tự hỏi rồi lại quên và bao lần vẫn tiếp tục thoáng tự hỏi mãi: mình nghiện đi từ bao giờ và vì sao lại thế? Hồi nhỏ, đọc những gì cụ Lê Quý Đôn rồi cụ Tư Mã Thiên viết, thấy có cái câu đại ý (không nhớ rõ là cụ nào viết hay là cả hai cụ đều viết - gần giống nhau): nếu không đọc ba vạn cuốn sách và không đi hết các núi sông trong thiên hạ, thì đừng mong viết lách được gì ra hồn. Ông nội là nhà Nho thì bắt mài mực Tàu viết chữ Hán, Nôm từ nhỏ: “Nhân bất phong sương vị lão tài”, không banh xác ra với sương gió cuộc đời thì bao giờ khôn được, con ơi!?

Thế là nghe các tiền bối xúi, đi. Năm 2000, vừa tốt nghiệp Đại học được 18 tháng, tôi đã đi hết các tỉnh thành của Việt Nam, rồi có năm đi cả chục quốc gia, có tuần đi trên tàu bay 8 lần. Lắm lúc, cũng chẳng tin là mình an toàn trở về. Sau này nhiều người đút chân gậm bàn đọc các cuốn sách tôi viết còn tỏ ra nghi ngờ về sự không tưởng của chuyến đi số phận kia - ý là tôi bịa tạc về những gì mình chứng kiến, may là tôi quay video chụp ảnh lại và nhân chứng còn sống cả, chứ không - biết giải trình thế nào! Lắm lúc, thảng thốt đi vào các miền hoang rậm quyến rũ “lành ít dữ nhiều”, tôi đã viết thư cho người nhà kiểu như lời tạ từ vĩnh viễn “mình đi chuyến này, nếu có mệnh hệ nào…”.

Sau này, nhờ cái chân đi bát nháo chi khươn đó mà dự án nào, dù của ta hay của Tây, của bộ ngành hay của tỉnh thành, của tòa báo hay đài truyền hình, của giảng dạy hay viết sách, họ đều mời tôi tham gia ở lĩnh vực “đi”. Tức là mời dẫn chương trình thì phải ở rừng sâu thác cao, bản làng hoang rậm; mời giảng dạy khi đi thực địa vào Vườn Quốc gia, với các ngõ ngách hóc hiểm; mời điều tra thì sang tận châu Phi, mời đi viết báo sang tận châu Mỹ, Ấn Độ hay xứ vạn đảo Indonesia kéo dài từ Đông Nam Á đến sát sạt Úc châu. Đấy là chưa kể, các tổ chức, các nhà báo ở quốc tế, họ thành lập cả hội nhóm và tìm địa chỉ người “có hoa chân” để mời hợp tác. Chị nọ giới thiệu anh kia, có năm tôi tham gia tới chục đoàn đi xuyên lục địa và tiếp đủ các loại nhà báo quốc tế… Có khi kiêm từ lái xe, đặt đồ ăn, đến dẫn chương trình và trả lời phỏng vấn rổn rảng - dẫu tiếng Anh của mình chỉ đủ để “tán gái” thôi.

Thế là từ chỗ tôi chọn “đi”, cái “đi” đã quay lại chọn tôi làm đủ thứ “nghề”. Và, tiến tới, nó thành nghiệp. Gieo tính cách, gặt số phận có lẽ là thế.

“Thẻ xướng tên người ta lên với Vũ trụ bao la - đổi lấy bạc lẻ sao được!”

Tôi thì phản đối cái trò đi để khoe ảnh, khoe hộ chiếu rồi có lúc bịa ra đủ thứ để cho thêm phần oai oách (nhưng, tôi cũng ít tỏ ra khiêm tốn giả vờ). Cũng từng nói chuyện trên tivi về cái nguy hiểm của việc cổ súy cho lối sống “xách ba lô lên và đi” một cách cẩu thả. Đi thế là vô trách nhiệm với mình và bố mẹ mình, “có ngày bị chúng nó hiếp, có khi bị hiếp rồi mà không dám kể ra” - có lần tôi đã nói vậy, dù biết là lo lắng hơi thái quá và sẽ khiến vài người phật ý. Dẫu sao, giờ ai đó hỏi lại, tôi vẫn giữ quan điểm đó. Nếu cứ đi bừa đi, thì tức là đi mà chẳng thu lại được gì nhiều cho thân xác và tâm hồn, để nhăm nhăm khoe khoang, thì nghĩa là đi không vì giá trị tự thân của cái việc đi. Thế thì đi về dễ tay trắng trên mọi nhẽ.

Nói vậy, tôi cũng hồn nhiên, nên báo chí truyền hình mà hỏi là cứ trả lời thẳng băng, thành thử cũng hay khoe mình được đi đây đi đó làm việc nọ việc kia, gặp ông ấy ông nọ “oai như cóc chết”. Nhưng sâu xa, thật sự, tôi đã thấy mình đi vì bản thân các vận động nội tại, đôi khi có gì đó cơ huyền của con người và số phận đã đưa đẩy cái thằng mình. Với tình yêu, có tình yêu vĩnh cửu, nhưng cũng có thứ tình cảm mà người ta cần nhau như một thói quen. Ăn xong mà chưa có chén trà thì thấy bữa ấy nó chưa kết thúc có hậu, cảm giác chưa thể nào tròn vẹn được, ấy là gã nghiện chè. Chứ không phải chén trà là tình yêu đích thực của họ, dẫu là nó có ngon kiểu “Uống trà Mạn Hảo, ngâm nôm Thúy Kiều” đi nữa. Nhiều người ngộ nhận giữa việc du sơn ngoạn thủy “tao nhân mặc khách” với cái phong trào “check-in” chụp cái ảnh cho bằng thiên hạ.

Tôi xin phép không bàn chuyện này nữa. Nếu muốn nghe lý luận về du lịch, lên internet gõ vài từ khóa, nghe Tây, Tàu, ta phán loạn xị ngậu với các hình ảnh tươi mát và các cô em chăm sóc người xem từ “cái tăm ngụm nước” kèm theo lời đề nghị hãy ấn nút đăng ký video để chúng “iem” thu tiền từ mạng xã hội nhé. Tiền tỷ đấy bác ạ. Các cái đó không sai cũng chẳng đúng, nhưng người ta nói rồi, nên tôi không nói nữa.

Chỉ nghe những thanh âm khi xoang xoảng, lúc thẽ thọt trong mình, mỗi lúc có một cái duyên lành hay sự xúi giục mơ hồ nào đó từ trong sâu thẳm để “anh chàng bèn làm họa mi cất bước ra đi”. Thế thì mới nên đi. Chứ cứ cóp đủ tiền, lao ra sân bay hay sân ga, có chuyến tàu bay tàu hỏa nào sắp xuất bến mà còn mở bán vé thì… bước lên, có ai ngồi cạnh thì bắt chuyện, lên mạng hỏi han, ai cho ngủ ké thì đến nằm nhờ trên sô-pha… - thì có gì đó không giống cái đi của lữ khách đích thực tí nào. Cũng đừng ai bảo đó là cách đi của… nhà thơ, bởi dân làm thơ thực thụ, họ tỉnh táo hơn người thường, thế nên thơ của họ mới gói được xúc cảm của bao người ở bao nhiêu vùng đất và bao nhiêu thế hệ.

Khi đã nghiện xê dịch, cảm giác mơ màng nhất là ngồi lau máy ảnh các loại như chiến binh sửa soạn vũ khí. Ngồi xếp đồ đạc lắt nhắt kĩ càng kì khu cho bộ sưu tập các valy lớn bé; túi đeo ngang, đeo chéo, đeo hông; áo túi hộp gi lê chống trộm, chống nước kiêm phao cứu sinh và trang bị cả còi cứu hộ; rồi dụng cụ sinh tồn và các loại lều, bạt, hòm nóc ô tô, xe máy. Và có hôm, nhìn chiếc valy yêu thích nhất của mình chi chít cũ mới vô số các miếng dán của xiết bao hãng hàng không, tôi đã rùng mình với cái hạnh phúc không gì tả nổi. Tất cả sống dậy, quá khứ ùa về như âm binh gào thét. Run rẩy rờ trên từng miếng dán, như miếng salonpas mà mẹ tôi hay cắt nhỏ dán chi chít ở lưng bà mỗi khi trái gió trở trời. Rờ rẫm trên các miếng lọ lem, có khi lấm bùn phủ kín 5 mặt của valy, tôi cứ như một ông già tóc bạc da mồi rờ rẫm bên các bia mộ của các mối tình xưa cũ (kiểu như trong bài hát “đắp mộ cuộc tình”). Bởi ký ức tràn về. Bao nhiêu lần bay, là bao nhiêu lần người ta vỗ tay khi cất cánh hoặc hạ cánh thành công (chuyện này càng phổ biến ở nước ngoài sau vụ máy bay MH370 bị mất tích bí ẩn hơn cả lạc vào Tam giác Quỷ Bermuda; và không hiểu sao việc vỗ tay này hầu như không tồn tại ở Việt Nam mỗi khi máy bay cất cánh hay hạ cánh), là một lần câu chuyện số phận lại gióng lên trong tôi. Trong hàng triệu chi tiết máy và hàng triệu kiểu thời tiết, hàng tỷ tâm trạng của phi công hôm đó, một sơ suất nhỏ là đủ tan xác pháo. Lần nào thắt dây an toàn ở ghế máy bay, tôi cũng nghĩ, có thể đó là chuyến bay cuối cùng mà tên tuổi mình được xướng để bước lên bầu trời. Để rồi sau mỗi chuyến bay an toàn, tôi luôn nghĩ, mình đã sống thêm một kiếp phận nữa.

Và đó là lý do để không cái cuống vé lên máy bay nào tôi không giữ lại, dẫu rằng các cô kế toán giương mục kỉnh của một số cơ quan có bảo: anh không nộp cuống vé thì không được thanh toán công tác phí đâu. Không thanh toán thì thôi. “Thẻ chuyển kiếp luân hồi” của người ta, thẻ xướng đại danh của người ta vào trong vũ trụ cơ mà, đời nào đổi lấy vài đồng bạc lẻ lẳng lơ “chạm vào túi anh A chưa ấm chỗ, nó lại vào túi anh B” được cơ chứ.

Có lần tôi leo lên một cái máy bay phản lực có từ thời thế chiến thứ hai. Không cánh quạt quay trên đầu như Doraemon hay như máy bay lên thẳng thông thường. Mà nó lại rất giống cái tàu bay giấy. Tiếng nổ của nó như xé toang bầu trời, chắc các chú em người Brazil ở gần thác nước biên giới lớn nhất thế giới Iguazu (giáp ranh cả hai nước Argentina và Paraguay) ấy đã độ lại rồi. Chắc là không còn hạn đăng kiểm đâu nhé. Vèo, gừ rừ rừ ừ... Tôi được tàu bay bế bổng lên cao bốn nghìn mét. Rồi chú ta chỉ trỏ ra hiệu (chứ ở cao và lạnh thế, máy bay gào rú như không tặc, có mui, lại không đóng cửa bố ai mà nói được), kia là Thủy điện lớn nhất thế giới Itaipu (với sản lượng điện lên đến hơn 103 triệu MWh, sau này đập Tam Hiệp của Trung Quốc giành ngôi thứ nhất, nó xuống hàng đệ nhị) chặn con sông Itaipu - sông  biên giới giữa Paraguay và Brazil, kia thác nước có lưu lượng dòng chảy lớn nhất thế giới Iguazu.

Hoàng hôn lộng lẫy, dường như nắng gió biên thùy bao giờ cũng khác nắng gió nội địa. Gã Nam Mỹ đen nâu lừng lững nhởn cười ẩy túm tôi ra khỏi tàu bay từ độ cao bốn nghìn mét. Nếu không thuê trước một gã phi công bay cùng và đeo tới 8 cái máy quay thể thao siêu nét thế hệ Gopro mới nhất để ghi hình cú du hí để đời ấy, thì chắc tôi kể chuyện này chẳng ai tin. Và đó là lần đầu tiên, tính đến giờ phút này, tôi biết thế nào là cảm giác “cửa thiên đường” cận kề cái chết. Như đứng tim ngừng thở vì sợ và vì choáng. “Con lợn cạo” 64kg rơi với tốc độ bao nhiêu ki-lô-mét trên giờ ở độ cao 4.000m xuống vùng thiên nhiên ngã ba biên giới mỹ miều bậc nhất địa cầu này thì chắc cánh toán học tính nhẩm vài giây là ra. Tôi chịu.

Tôi, người trong cuộc chỉ biết là, khi dù bung ra, tôi đã lập tức nghĩ mình cần phải về xin lỗi mẹ già ở quê cách đó nửa vòng trái đất, xin lỗi chính mình với tư cách là thằng đàn ông học chữ Nho từ nhỏ với triết lý nam tử “tam thân” (thân mình không chỉ là của mình, mà còn là của bố mẹ mình và con cái mình, nên phải “thân trọng thiên kim” - lúc nào cũng phải cẩn trọng). Nghịch dại và đáng nhớ quá. Lúc bay lượn hai chục phút vẫy vùng gào thét như cánh chim bạt gió hoang mang. Úp mặt xuống mây, sông, thác nước, đập thủy điện và ruộng rẫy như bức sơn kỳ thủy tú của ba quốc gia Nam Mỹ bên dưới, tôi vừa lo sợ vừa lẩm bẩm tự sướng “bõ công bác mẹ sinh thành ra ta”. Thì vút! Dù bật làm sao đó, tôi bị kéo “bay tự do” vút lên đỉnh trời rồi rơi và “bung lụa” chết đi sống lại lần thứ hai. Thế rồi vòng vèo và bệt mông xuống lớp cỏ mượt ở một thung lũng xa lạ. Ơn trời, không nát bấy thành món hăm-bơ-gơ.

(còn nữa)

Nguồn Văn nghệ số 42/2021


Có thể bạn quan tâm