April 19, 2024, 12:24 am

Mộc tinh

Ngày, ngày máu rừng vẫn đang chảy.

Ngày, ngày người ta vẫn hỏi nhau:

“Lâm tặc là ai?”                                        

Từ Khuôn Lình lên Thượng Pha của người Nùng chỉ một quăng dao, nhưng đi qua hết đường đó phải mất nửa buổi, vì đó là đường mòn vắt qua keng đá, người Tày làng dưới gọi là Cạm Bẻ (rào chắn dê). Ở đấy, từ xưa là rừng bạt ngàn nghiến, lim, lát... Vào thời cột ngoàm chôn đất đến cột đục xâu xiên kê đá tảng, dân bản địa cũng chỉ dùng toàn gỗ mềm: xoan, kháo, dổi, chò ổi, lát, muồng muồng… vì các loại gỗ này vốn không bị mối mọt ăn, dễ gia công phù hợp với dụng cụ dao, búa, cưa, đục thời bấy giờ. Phải đến những năm bảy mươi thế kỷ trước, bắt đầu là mấy nhà người xuôi lên khai hoang xây dựng vùng kinh tế mới và những người khá giả bắt đầu đúc gạch, nung vôi làm nhà xây, mới bắt đầu dùng đến nghiến, lim để làm xà vượt, khung, chấn song cửa. Cũng chẳng suy chuyển mấy đến rừng nghiến vì số người có điều kiện xây nhà cấp bốn trong địa bàn chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Minh họa của PHẠM HÀ HẢI

Sau sự kiện chiến tranh biên giới, dân đói, người ta bung ra phá rừng, lấy đất để trồng cây lương thực, lấy cái ăn, thế là bao nhiêu rừng, kể cả rừng gỗ quí cũng bị tàn phá… Gỗ quí một phần bị đốt, một phần được tận thu để làm vật liệu xây dựng. Vào những năm cuối của thế kỷ hai mươi, công tác bảo vệ rừng được đề cao, với lực lượng kiểm lâm hùng hậu từ trung ương đến địa phương thì cơ bản rừng nghiến, lim tập trung đã không còn, chỉ còn lại ở những nơi xa, hẻo lánh được khoanh lại thành Rừng cấm, Khu bảo tồn…

Riêng cây nghiến còn sót lại nơi Cạm Bẻ vẫn sừng sững thách thức với thời gian. Bởi nó là cây Slấn (cây miếu thờ). Người già kể, ngày xưa, nơi đây là một đám nương lúa. Một ngày kia, nơi búi dưa hấu đang thì chín, ngay bên cuống quả còn rỏ nhựa, có một đồng bạc trắng cùng một mẩu giấy viết vội “Tôi có việc qua đây, đang ốm, mệt xin chủ nương mua một quả ăn đỡ khát”. Một đồng bạc trắng mua một quả dưa, một cái giá quá lớn, chứng tỏ đây là một “tài có” (1), đã gây sự chú ý của chủ nương, lần theo vết cỏ gẫy rạp đến hết nương lên mấy gộp đá, ông ta thất kinh thấy một người nằm chết bên cây nghiến non. Chức dịch tổng, xã và trưởng thôn sở tại vào nghiệm thi, thi thể nằm đè lên một cái túi nặng chịch, mở ra, ai nẫy bàng hoàng, đó là những thỏi vàng. Mảnh giấy với nét chữ rắn rỏi, chứng tỏ đây là một “sính sáng (2), “Tôi họ Lộc, mang ít của cải về quê… đến đây lực đã kiệt, số đã vận… Âu cũng là số trời, muốn số của cải để lại cho đất này. Ai có duyên gặp tôi đây, hãy dùng một phần mười của này chôn cất và thờ cúng tôi, còn lại giao làng, xã làm công quĩ giúp những kẻ chẳng may gặp khốn khó, hoạn nạn. Thư chỉ ghi họ, không để lại tên, quê quán. Nhưng, có một sự lạ, chủ nương cũng họ Lộc… Hay đấy là lộc từ tổ tiên xa xưa giao sứ mạng này cho thế hệ mình? Gia đình họ Lộc bèn mời thày Tào cao tay ấn nhất vùng làm đám ma tử tế, cả họ đội tang, y như người thân của mình. Số tiền còn dư góp vào làng, dựng một miếu thờ ngay bên cây nghiến non. Cây nghiến trở thành chứng nhân, chứng kiến những đổi thay của trời đất và con người trải qua bao thế hệ, giữa lòng cộng đồng nó đã thành tinh, mấy ông có chữ gọi là Mộc tinh.

Khoảng giữa thập niên sáu mươi, người ta bài trừ mê tín dị đoan. Ban chủ nhiệm hợp tác xã đã quyết định hạ cây nghiến để xẻ lấy mấy thanh xà làm nhà hội trường, nhiều người sợ nên đã phải phân công những người cốt cán trong đội sơn tràng… Không hiểu sao, cả buổi chiều chỉ phát xong dây dợ, dựng được đà thì màn đêm buông xuống. Họ ngủ tại lán cạnh gốc cây, đang chập chờn vào giấc ngủ. Bỗng nghe tiếng lao xao của tốp người. Xa xa, một ngọn đuốc to, sáng rực, đang tiến lại gần họ… Mấy người bấm nhau, căng mắt nhìn, ai nấy chột dạ, hay là làng có chuyện gì nên đang đêm phải cho người đến gọi. Nhưng, sao thế kia? Người gì mà lừng lững đi qua dốc qua khe thẳng bằng như trên đường cái quan… Trong số họ, có một cậu là con của một người làm Pựt, anh ta bỗng buột miệng: “Chợ lẻo pây đu bối cẩn tàng” (ma đi chơi không cần đường). Thế là cả hội tá hỏa, dắt díu nhau về làng trong đêm.

Từ đấy, không ai dám bén mảng đến gốc cây đó nữa.

Mấy năm gần đây, dân giàu lên nhanh, người người làm nhà xây, nhiều nhà ba, bốn tầng. Cộng thêm bên Tàu hút lượng hàng thớt nghiến lớn nên nhu cầu bỗng tăng vọt, giá cao ngất ngưởng. Thế là cuộc chiến giữa người giữ và phá bắt đầu, nó như một trò ú tim. Trong giới lâm tặc lan truyền một lời thách: “Đố ai hạ được cây nghiến Cạm Bẻ”. Hàng chục năm, câu đố đó chưa ai giải được. Ngay cả khi con đường liên xã mở rộng vòng tránh qua sau núi, nơi gốc cây nghiến trở nên rậm rạp, cũng không ai dám chặt hạ vì dùng búa phải mất mấy ngày vừa phát ra tiếng động lớn, nếu lộ ra bị tịch thu trắng, còn bị phạt nặng.

Cách đây bốn năm, trong số người lên mua tre, nứa, mỡ, xoan đồi rừng có một người khá đặc biệt, anh ta còn trẻ, trên bốn mươi mà tóc bạc trắng, hay ngửa mặt nhìn trời, mấy ông về hưu bảo, anh ta có dáng ngưỡng thiên, đó là Tú Bạc, anh ta vốn là một chiến sĩ công an quản giáo. Số phận Tú Bạc ngoặt sang hướng khác bởi một sự tình cờ, do cuộc gặp gỡ với một người tù làm nghề buôn gỗ, anh ta bị gãy cầu do một phi vụ “được ăn cả, ngã về không”, mất mát quá lớn, khiến anh ta phát khùng, cho rằng những kẻ bảo kê ăn tiền anh ta đã nuốt lời hứa, bèn khai ra tất tật đường dây ăn chia từ thôn lên xã lên đến huyện… những lời khai chẳng ai hỏi khi ra tòa. Còn bị đe, nếu khai lung tung ra sẽ tính thêm tội vu khống, tòa chỉ kết tội trên số lượng hàng vi phạm, chiếu khung hình phạt, anh ta đành ngậm bồ hòn chịu cái án ba mươi sáu tháng tù. Vào tù, mới có thời gian ngẫm lời tay thày bói mù ở chùa Hương, “cậu vượng cung tài, nhưng suy cung lộc… dẫu làm được bao nhiêu của cải cũng sớm đội nón ra đi, thậm trí còn mang họa. Đặt thêm một tờ hai trăm ngàn nữa, anh ta hỏi: “vậy tôi phải làm sao phát huy được tài năng”, tay thầy bói mù cầm tờ tiền, đưa lên mũi ngửi: “cậu có lòng thành như vậy, tôi chẳng giấu gì, cậu hãy tìm người để phò, để nương nhờ lộc người ta”. “Làm sao để nhận ra người tài” tay thày bói lặng im. Đặt thêm tờ hai trăm nữa. “Cậu hãy nghe đây, đây là bài thơ về nhân tướng học, nếu có duyên chỉ nghe một lần là thuộc và ngộ được” ông ta dạy thêm: “Sợ nhất là kẻ anh hùng… sợ nhì là kẻ bần cùng liều thân. Nếu cố kết được hai kẻ này về mình thì trăm việc chắc thắng chín mươi”.

Trong một lần gặp, nhác thấy thần thái Tú Bạc, anh ta bỗng nhớ đến lời dạy của tay thày bói, như vớ được của, liền tìm cách xin gặp riêng, khai ra lô thớt nghiến giá gần tỷ bạc đang cất giấu dưới ao, mùa này nước cạn có nguy cơ bị lộ. Thế là phi vụ làm ăn đầu tiên giữa một người tù và người coi tù được được khởi sự và hoàn thành trót lọt.

Tú Bạc bị kỷ luật, bị ra khỏi ngành vì tội bật đèn xanh cho hai tù nhân “trốn trại ra ngoài ba ngày”. Thế là họ thành hai thày trò, với sự phò tá đắc lực của tay buôn gỗ vượng tài suy lộc, anh ta thiết lập đường dây buôn gỗ. Đầu tiên, Tú Bạc mở mấy xưởng chế biến gỗ ở những nơi trọng yếu, dần dà, tiến dần về nơi còn nguồn hàng lớn… Khu bảo tồn, Vườn quốc gia. Anh ta hăng hái xin đất, bỏ vốn trồng rừng tận nơi vùng sâu, mà trồng ra trồng chứ không lem nhem như mèo cào của mấy lâm trường. Mời lãnh đạo tỉnh, báo đài lên thăm, đưa tin về những cánh rừng xanh tốt của mình. Rừng cây được hai tuổi, để động viên những người trồng rừng, Tú Bạc phát không cho mỗi gia đình đối tác một cưa lốc để tiện tỉa cành, cắt dọn những thân gỗ chết mục, lõi còn sót lại, tận dụng làm củi, sẵn sàng mua lại những khúc gỗ lớn nhỏ đó với giá cao hơn giá củi. Một lần lên Cạm Bẻ, thấy một tốp người ì ạch khiêng một chiếc tủ đứng bằng gỗ ép, qua keng đá, anh ta lân la hỏi chuyện, vỡ ra, chiếc tủ mua triệu chín, thuê người khuân vào thôn mới ráp lại hết triệu hai, ấy là chưa tính tiền bữa rượu thịt “lau, rửa tủ mới”. Anh ta nói với trưởng thôn:

- Anh sống trong rừng gỗ quí mà để bà con phải mua tủ gỗ ép vừa đắt vừa chóng hỏng lại nặng nề, coi sao được.

Trưởng thôn gãi tai:

- Lực bất tòng tâm, mấy tay có tiền thì đi làm ăn nơi xa, còn mấy anh muốn học, muốn làm tại quê, lại thuộc hộ nghèo lấy tiền đâu đi học và mua máy móc.

- Anh yên tâm đi, tôi cho anh mượn một xưởng mộc đang không có việc làm, có cả thợ lành nghề vận hành. Anh chọn người và địa điểm, sau đó cho người ra khuân vác từ đường cái vào, sáu tháng đầu làm thử, tôi đào tạo thợ cho anh không lấy tiền, chỉ lấy sản phẩm, ưu tiên bán lại cho bà con trong thôn. Sau sáu tháng, nếu cảm thấy làm ăn được, tôi bán xưởng cho anh. Xưởng gỗ đi vào hoạt động, lô hàng đầu tiên là bộ bàn ghế học sinh tặng cho phân trường cấp I, rồi bộ bàn ghế cho nhà họp thôn… Tú Bạc trở thành người bạn đáng tin cậy của người làm rừng nơi vùng cao. Trong hội nghị tuyên dương những gương mặt làm kinh tế giỏi, Tú Bạc lọt vào tốp mười của tỉnh, được Phó chủ tịch Liên đoàn lao động gọi là “đồng chí Tú”. Danh bạ điện thoại trong máy của anh ta có số của nhiều vị trong giới “đại gia”, vị nào cần gỗ nghiến hoặc cho mình hoặc cho “người nhà” cứ phôn cho, y rằng: “Rất khó anh à… đấy là mặt hàng độc mà… Nhưng với anh, em đâu dám chối từ…”. Thế là có ngay số hàng theo yêu cầu, cả với tấm gỗ bằng bàn tay cũng có đủ dấu búa.

Để áp được lưỡi cưa vào lớp vỏ sần sùi của cây nghiến Slấn, Tú Bạc phải mất gần ba năm. Chi hậu cho cậu Chướng bói, cúng thần linh thổ địa đặt quẻ, xin đổi cây nghiến bằng vàng mã. Lựa ngày mưa to, có sấm sét, điều hai thợ giỏi nhất, trong ba chục phút phải cưa được ba mạch vào thân cây nghiến có đường kính mét tư. Hai mạch cắt thành một khối gỗ hình tam giác, một mạch phía đối diện, sao cho không được đổ ngay, rồi lẳng lặng ra về, không được để lại dấu vết. Chục ngày sau, có người đến báo, cây nghiến Slấn đã bị đổ. Trưởng thôn tức tốc báo xã và kiểm lâm, cây nghiến đã bị ai đó cưa trước đó đến chục ngày, vết cưa đã khô, khó có thể tìm ra thủ phạm. Bèn lập biên bản để nguyên hiện trạng cho đến khi nó tự mục… trở về với đất… Trưởng thôn than:

- Phải đến mười đời trưởng thôn mất ăn, mất ngủ để canh giữ không công khối tài sản này! Người già trong làng quả quyết: “Không phải điều với tra gì cả, thằng nào chặt sẽ bị trời phạt, chẳng sớm thì muộn sẽ lòi mặt ra thôi”.

Là người sành sỏi trong giới gỗ, nhưng lần này, khi đạp chân lên thân cây gỗ, Tú Bạc vẫn thoáng giật mình, gai gai người, hình như có một tia chớp lóe nhanh từ phía chân trời. Nhưng, anh ta nghĩ, có lẽ là sự xúc động của mình trước thành quả, nó đẹp quá, thẳng băng không gợn một vết sần, lại đổ rất đẹp trên địa thế thuận lợi…! Phải nhanh chóng làm thịt ngay. Về thợ, giao mấy tay dùng hàng đen mới dai sức, nếu chẳng may bị lộ cũng dẻo mép nhận tội, chỉ làm thuê cho ông chủ giấu mặt. Phương tiện, loại bỏ cưa Tàu vì tiếng máy nổ to hơn xe Minsk, không dùng cưa Nhật vì chỉ chạy được liền bốn tiếng phải nghỉ vì nóng. Tú Bạc cho người tức tốc về Đà Nẵng lùng mua hàng được đưa từ bên Lào về, đó là cưa lốc hiệu Husquavena của Vương quốc Thụy Điển nước công nghiệp gỗ tiên tiến nhất thế giới. Cưa Husquavena có thể chạy một mạch hai mươi bốn giờ liên tục không nghỉ, có thể vừa chạy vừa tiếp xăng như kiểu tiếp xăng trên không của không lực Hoa Kỳ.

Vừa nghe thời tiết vừa chọn ngày lành. Đúng ngày đông chí, sương mù dày đặc, lớt phớt mưa, chục thợ lành nghề nhanh chóng tiếp cận hiện trường. Dựng rạp che bạt, quây chăn bông bốn phía, máy nổ mini phát điện và chạy máy bơm nước. Điện sáng, bơm phun nước, đồng loạt bốn máy cưa cùng hoạt động, cách xa ba trăm mét không nghe tiếng, Tú bạc thở phào nhẹ nhõm, nhủ thầm “Những tấm chăn bông, những tia nước phun trực tiếp đã triệt được bảy mươi phần trăm tiếng ồn, đúng là trời cho ta tay quân sư...”. Lạy trời, trong hai ngày này đừng có ai bén mảng vào đây, nếu đã vào được sẽ phải chi phong bì rất hậu để “Không nghe, không thấy gì”.

Mười lăm ngày sau, có người báo, con đường qua núi đá sang xã bạn, tự nhiên đầy vết người đi còn mới, mà thôn ta thời gian gần đây không ai có việc gì phải qua đấy?... Cây nghiến Slấn, chỉ còn trơ gốc và những mạt cưa vương vãi. Mấy cán bộ Kiểm lâm lên xem xét, lần theo dấu, phát hiện ra, mấy chục cục thớt hình lục giác được giấu kỹ trong hang đá. Bèn lẳng lặng rút lui, lên phương án đón lõng để tìm ra thủ phạm. 

Mấy cậu kiểm lâm thu mình, co ro nép vào hốc đá vì lạnh, có ánh đèn pin loang loáng đi tới, nghe tiếng rì rầm của phụ nữ, họ bấm nhau im lặng, đến đầu con dốc, cách họ chừng chục mét bỗng có tiếng ngã “huỵch”, tiếng lăn “lộc… cộc” của mấy cục gỗ… Tiếng “Alối” cất lên vẻ đau đớn, mấy ánh đèn pin châu lại. Có tiếng phụ nữ cất lên thảng thốt: “Nắm pền dá lố” (Không nên rồi). Mấy cậu kiểm lâm bật dậy, cùng chạy đến “Cần hâư, pền lăng dá” (ai đấy, bị sao rồi) một cậu thốt lên “Bân ơi! a lùa” (trời ơi, là thím). Họ từ người đi rình bắt trở thành người cứu nạn, khiêng người phụ nữ bị xảy thai về trạm xã.

Người công an điều tra, ý tứ để cân đường, hộp sữa lên mặt chiếc tủ, từ tốn:

-  Chị đã đỡ chút nào chưa? Tôi có thể hỏi chị mấy câu được không ạ?

-  Cám ơn anh, tôi đã đỡ nhiều rồi. May nhờ mấy cháu… kiểm lâm.        

Tay Thuận người xã dưới ra tự thú, nhận mình là chủ mấy chục thớt nghiến trên, do đi tìm cây thuốc, tình cờ nhìn thấy, không biết của ai bỏ lại trong hang. Tiếc của trời, nên đã thuê mấy bà trong làng khuân ra, giấu cạnh đường cái, nếu ai hỏi mua thì bán. Lời khai “không biết của ai, chưa biết bán cho ai” anh ta mang đến tận tòa án huyện, không thêm bớt một lời. Nhận án phạt sáu tháng tù giam.

Mãn hạn tù, trong cuộc rượu, tay Thuận nói với mấy người bạn, “cái gốc cây nghiến Slấn vẫn còn đáng giá tiền triệu, nhưng tớ sợ rồi, không dám dây vào nữa.” Mấy người bạn tán vào:

- Cái phần thân có giá bọn họ hưởng rồi, đây là phần bỏ đi, cả kiểm lâm cũng không quản, sợ gì? Về bên âm, ta thổi xôi, mổ gà cúng thần linh thổ địa là được. Ông đang mỏi cứ đứng ngoài, bọn mình vẫn có phần cho ông.

*

Có tiếng xe công nông nổ “pành pành” ngoài cửa, người chủ xưởng mộc trẻ bước ra, một gốc cây to chặt, băm nham nhở nằm chình ình trên móc kéo:

- Anh có mua khúc gốc này không?

- Cái khó là chưa biết bên trong như thế nào, xẻ ra dùng được việc gì. Anh cứ nói giá thử xem!

- Chúng tôi phải dùng bột nở nhồi vào để làm bở đá, không làm om gỗ, công chặt, nhiều người khênh qua keng, thuê xe công nông chở… cộng vào mất triệu tám rồi!

- Thế này nhé, là bạn bè làng xã với nhau, tôi cũng cùng đánh bạc, trả anh nguyên tiền công như vừa nói, cộng thêm hai trăm tiền rượu, vị chi tròn hai triệu, được chưa!

Gần cả ngày, người thợ mộc trẻ vào ngó, ra ngắm khúc gỗ, nó dài khoảng mét rưỡi, tròn chằn chặn, nhưng to đầu thót đuôi, làm gì được đây, không khéo mất không hai triệu bạc. Anh ta rút điện thoại. Tú Bạc phán: nếu như cậu tả, gỗ ấy tiện làm độc bình là hay nhất, cái khó là quê nghèo này chẳng ai dám bỏ ra đến mấy triệu để chơi độc bình. Thôi, cậu cứ tiện đi, tôi sẽ mua giúp với giá cậu đã mua, cộng thêm tiền công, nếu đẹp, tôi trả thêm. Nhưng phải đúng theo kích cỡ tôi ghi cho cậu, không được sai đến một phân nhé.

Tú bạc suýt bật lên tiếng khen, nó quá đẹp, cả đời làm gỗ chưa thấy cái độc bình đẹp như vậy, nếu được gia công thêm…

-  Cậu để dùng hay đã hứa bán cho ai?

-  Anh nói quá, phận như em, chạy ăn từng bữa có điên mới chơi độc bình, trên thôn này có cho không họ cũng không dám nhận vì đặt ở đâu!

- Thôi, anh giữ lời hứa, cậu lấy bao nhiêu tiền?

- Em đã mua vào hai triệu, tiện mất bốn buổi, tiền công tiền thợ cũng phải hơn một triệu rưởi. Em xin anh ba triệu rưởi được không? Tú xởi lởi;

- Thôi cậu đã nói vậy, anh trả cậu năm triệu, cộng thêm năm trăm, cậu cho xe công nông chở ra cho anh ngay bây giờ được không?

Cậu thợ khéo tay nhất, mất trọn hai buổi, như anh phó ảnh làm photoshop mài, vuốt, tỉ mẩn rà từng chi tiết hoa văn tự nhiên trên thớ gỗ. Xong việc, anh ta gọi ông chủ vào, lật tấm vải che ra, cả hai nắm lấy tay nhau xuýt xoa. Vợ Tú thịt gà, thắp hương cúng tổ, trình ra chiếc độc bình. Điện tay quân sư về ngay. Anh ta há hốc mồm:

- Hả! Anh lấy đâu ra của báu này? Nó như một cái đèn kéo quân, bốn phía hiện ra mây, trời, hoa, lá, chim bay, cá lượn, đặc biệt nhất là hình con hổ dáng hùng dũng như đang chực nhảy lao ra với cái mồm há rộng với cặp nanh nhọn hoắt.

- Vật này đến Hà Nội anh cứ hét trên trăm, vẫn có kẻ đốt đuốc đến tìm, anh ơi!

- Bậy nào, chú đánh giá thấp anh thế, đến nước nào mà phải cho nó đi. Chị mắng yêu.     

Nhưng. Nó chỉ được ở với Tú Bạc có mười lăm ngày.

Anh đi công tác, ghé qua thăm. Chiếc độc bình đã hớp hồn chị. Với anh chị, Tú Bạc còn coi trọng hơn ruột thịt, vẫn là ngẫm lời dạy của tay thày bói chùa hương, qua tay quân sư: “Hãy đọc ra được đối tác nào đang suy mà sẽ thịnh để phò, đấy là của để dành đó”. Ngày ấy, anh mới chuyển công tác từ cơ quan một tỉnh bên Tây Bắc về, mới là trưởng phòng của một sở. Hai đứa con đang theo học đại học dưới Hà Nội, đang phải nợ Ngân hàng mấy chục triệu. Hôm ấy, anh và chị đèo nhau đến xưởng mộc mua ít đồ gỗ, đặt toàn hàng rẻ tiền. Ngồi nói chuyện, mới hiểu hoàn cảnh. Dưới gậm bàn, tay quân sư khẽ đạp vào chân Tú ra hiệu, để anh ta lo. Tay quân sư xởi lởi:

- Thế là anh em ta cùng cảnh rồi, em với anh Tú cũng mới lên đây được hai năm. Những ngày đầu cũng khó khăn lắm, may nhờ bà con giúp đỡ. Quay sang Tú bạc:

- Anh nhỉ, còn bộ bàn ghế và hai cái giường, khách bảo một tháng nữa xây nhà xong mới lấy, tạm cho anh trước đi, vừa giải phóng nhà xưởng đang chật chội. Tú đỡ lời:

- Anh không phải lo tiền nong ngay, vả lại mang sang đấy, cũng là chỗ để em sang ngồi uống nước với anh chứ.

Thế là thành thân nhau. Tú Bạc đã dang tay cưu mang anh. Những chuyến đi Hà Nội, thường ghé qua các cháu: “Chú có cho cháu chút ít tiền, chúng mày không được kể với bố mẹ, nếu bố mẹ biết cấm chú là thiệt đó. Việc của các cháu là phải học giỏi, thành nghề, có tiền, để nếu khi chẳng may chú gặp vận hạn còn phải nuôi”. Các cháu ra trường, có việc làm ổn định, thu nhập cao. Anh chị lên như diều gặp gió, cho đến như hôm nay, cơ ngơi này, phải nói cho công bằng, một phần lớn là nương nhờ bóng anh chị, Tú không quên, bao lần anh đã che chắn khỏi những phen mười mươi đổ bể.

Đã ba lần anh giục, chị vẫn chưa dứt ra được, cặp mắt long lanh, ươn ướt dán chặt vào hình con hổ đang chực lao ra. Tú buột miêng:

- Chị thích nó lắm à?

Bỗng chị mở túi xách tay, nói như hụt hơi:

- Chú ơi, nó đã hớp hồn chị, hãy dành nó cho chị đi. Rồi rút ra một xấp tiền, đây chị cho chú mười triệu, để chú mua chiếc khác. Đất như sụt dưới chân Tú Bạc, định tìm lời từ chối nhưng lắp bắp mãi không ra. Anh bước vào:

- Thôi, chú đã cho thì mang lên xe đi.

Tú Bạc như sực tỉnh giấc chiêm bao, xót xa. Nhưng, “chị là vua, trong chuyện gia đình, đến anh, mười phần cũng còn phải nhún nhường tám phần, còn mình chỉ là cái đinh rỉ. Thôi, chịu đầu hàng số phận vậy”. Anh ta nhăn nhó gọi người lấy tấm chăn bọc kỹ, ôm lên xe. Chiếc xe ra khỏi ngõ, không nén được một lời rủa theo: “Đồ tham lam, rồi sẽ chẳng giữ được bao lâu đâu”.

Nhà anh đông khách, những két nhựa đựng vỏ bia liên tục được khuân ra. Những lời tán dương chiếc độc bình lan ra đến chợ, đến câu lạc bộ thơ của mấy ông rỗi hơi, có cả bài và ảnh đăng trên Tạp chí văn nghệ của tỉnh…

Chị là người sung sướng nhất.

Nhưng. Chưa được một trăm ngày kể từ khi chiếc độc bình đến ngự tại vị trí trang trọng nhất, bên tả bàn thờ thì có chuyện. Ông tự nhiên bị đau đầu bên trái, tê tê bên chân phải, rồi liệt hẳn, đêm nằm gặp toàn ác mộng, có đêm tự nhiên vùng dậy, hốt hoảng. Họa vô đơn chí. Thằng con trai đang yên, đang lành ở với bố mẹ, tự nhiên bỏ đi ăn, ở với con bồ, mà đó là một đứa lăng loàn chồng bỏ, mở quán cà phê tại cổng cơ quan. Cậu Thục bói, sau khi xem số tử vi cho các thành viên trong nhà đã phán:

- Bà năm thìn, đang vượng. Nhưng ông sinh năm hợi, cháu sinh năm tỵ đang gặp hạn lớn… cậu ta dừng lời, vẻ đắn đo.

Bà đặt thêm một tờ năm trăm ngàn.

- Ông và cháu cùng nằm trong tứ hành xung “Dần - Thân - Tỵ - Hợi”. Bà xem mình có rước cái gì thuộc hổ vào nhà không, tỉ như xương, da, cao hổ… Suýt nữa bà đã thốt lên: “Trời ơi, con hổ trong chiếc độc bình”, may mà kìm lại được. Chưa tin, bà lên tận cô Sình, cô là người Dao, bị mù, tận khuổi Hẻo tít trong vùng sâu. Bà vừa bước chân vào nhà, định cất lời chào thì cô đã phán: “Dâm hải tài, cấn cấn cướp cướp háng tàu mào chủn” (ở tận đâu về, vội vội, vàng vàng, giống như hùm đuổi”.

Bà bảo tay lái xe lẳng lặng gói chiếc độc bình vào tấm chăn rồi để xuống nhà xe. Kể thực thà với người làm thày tào bên họ ngoại mọi chuyện. Ông ta nói, nếu theo sách, nhà ta đã phạm đến Mộc tinh, hạn lớn lắm, trước hết hãy gỡ từng phần. Lúc đem chiếc độc bình vào nhà đã thắp hương khấn tổ tiên, bây giờ cất nó đi cũng phải thắp hương làm lễ, cho nó nhiều tiền, của, nếu nó chịu đi là may… Nếu nó chịu đi, phải đưa trả về nguyên quán của nó.

Thế là trên tầng bốn nhà chị, liên tục trong nhiều ngày, khói hương nghi ngút, tiếng “ờ… hớ… ơ… hơ… hơ…”, tiếng “chát… chát…” của cây “Kim cang” (3) dội lên như lệnh xung trận trong điệu pựt, tiếng đàn tính thánh thót và lời then rủ rỉ trong bài giải hạn của người Tày. Tiếng nhị, tiếng trống, tiếng ngân nga, trầm bổng của giai điệu chầu văn trong lễ hầu đồng ba mươi sáu giá của người Kinh. Chốc chốc gạo, tiền vung ra ngoài cửa sổ, từ trên không trung, theo gió, rơi lả tả như lá vàng đầu đông.

Ngày đưa Mộc tinh trở về Cam Bẻ, không khí như đám đưa ma. Mấy bà ở chợ quả quyết, riêng tiền sắm đồ lễ ở quầy hàng tứ phủ đã mười ba triệu, bằng cả một căn nhà gỗ thường ở làng.

Một tháng sau, ông đỡ nhiều, chống nạng đi lại được. Cơ quan cho nghỉ dài hạn để chữa bệnh. Thằng con cũng trở về nhà chăm sóc bố ốm, sau khi để lại cho cô chủ quán cà phê một chiếc xe tay ga.

Tai họa chưa buông tha nhà chị.

Tú Bạc gửi tin về: “Em đã bị công an Bộ, phối hợp Interpol bắt. Do đường dây làm ăn liên quan đến nước ngoài. Hết đường cãi vì có nhiều bức ảnh chụp quả tang… họ đã theo dõi mấy năm nay rồi. Phần em, không phải lo, có chết cũng bảo vệ chị. Còn phần bên cầm búa, bên kẹp chì, anh chị hãy sớm liệu, chậm là nguy.” Chị rũ xuống:

- Trời không cho ta đường sống rồi.

_______

(1) Tài có, Tài ché là người có bit tài, uy tín lớn... được cộng đồng vì nể, như anh Hai, chị Hai ở Nam B

(2) Sính sáng, là người thông thái, có kiến thc rng trong nhiu lĩnh vc.

(3) Kim cang, là vt dng trong hành lễ của người làm Pựt, gõ "cốc" xuống bàn khi chuyển làn, hoặc khẳng định một lệnh được ban ra.

Nguồn Văn nghệ số 27/2020


Có thể bạn quan tâm