April 25, 2024, 9:40 pm

Mở ra một cánh cửa…

 

Tập thơ mới nhất của Trần Thị Lưu Ly hấp dẫn ngay từ tên gọi: Thêm muối vào lời. Thả cái “cụ thể” vào cái “trừu tượng”, thả cái “vật thể” vào cái “phi vật thể” đầy hàm ý, mà vẫn “xuôi chèo mát mái”, là cái tài đầu tiên của người đặt tên cho đứa con tinh thần của mình.

Bốn từ rất đắt này được gợi ý từ một khổ thơ trong bài thơ Lời yêu tháng năm với nhiều ngẫm ngợi: “Ý tứ nhạt nhèo suông trượt đến kinh/ Thêm muối vào lời díu dan thầm thĩ/ Ta tìm ai mà nôn nao thế nhỉ/ Hay ta ở đây mà ai đang đi tìm!

Nói không quá thì tên gọi của tập thơ này giống như việc mở ra một cánh cửa để đi vào thế giới thơ của Trần Thị Lưu Ly. Thế giới ấy là thế giới “Muốn yêu thương tất cả mọi người” (Khát vọng). Thế giới ấy là thế giới mà tác giả biết ơn thân mẫu mình đến nỗi “Mẹ giờ xa vắng hóa thành hương thơm” (Cửa sông) và “Vật đổi sao dời mẹ sang kiếp khác/ Thương con váy hóa cánh buồm” (Người kéo đàn rong bên sông Tam Bạc). Thế giới ấy là thế giới mà ngày nào cũng “Tơ non mỗi sớm bàng hoàng ban mai” (Hoa doi). Thế giới ấy là thế giới hòa nhập sức sống của vạn vật trong sự chuyển động không ngừng: “Cát đồng vọng với gió tràn, nắng rướm/ Cộng hưởng cùng ào ạt sóng triều lên” và “Dư nhiệt còn ấm mãi cát mồ côi” (Cát vọng); nhất thể hóa cái khó hình dung và cái dễ hình dung, cái bên ngoài và cái bên trong; “Từ siêu thực bồi đắp vào hiện thực/ Hoa phượng đỏ dưới trời, đỏ cùng máu trong ta” (Ký ức). Thế giới ấy là thế giới thường trực những đổi thay khó lường: “Cổng thành phố như mọi đêm vẫn mở/ Sao mây đen theo gió chắn trời/ Tàu vội vã luồn qua mây trắc trở/ Còi như tiếng người hú gọi khan hơi...” (Dự cảm). Thế giới ấy là thế giới đầy băn khoăn, dằn vặt cốt để cho đời sống thanh thoát từng ngày: “Cơ thể trĩu nặng làn hơi ẩm ướt tù đày/ Làm sao tinh thần cất cánh bay” (Xuân qua thì) và đôi khi là sự ngờ vực hoàn toàn có lý do của nó: “Tình yêu ai thiên táng, tình yêu ai thủy táng/ Liệu có nghỉ yên trong ẩn ức/ Sau bức tường trắng răng cưa và rặng cây già/ Hạt xá lị màu gì sau mỗi chuyến đi xa” (Shangri-La). Thế giới ấy là thế giới tranh chấp không khoan nhượng của hai thế lực toàn cầu, cũng là vấn đề ở tầm toàn cầu và hiện thực của nhân loại: “Vẫn lam lũ xé giằng giữa văn hóa tinh thần và văn minh vật chất” (Mưa Quảng Châu). Thế giới ấy là thế giới đầy rẫy bi kịch muôn thuở: “Toàn cầu hóa, những cuộc thập tự chinh thần kinh phân lập/ Thánh chiến đức tin gạn hết máu ra từ những hình hài/ Loài người sinh ra đã mang hình thánh giá/ Câu rút nỗi cô đơn trần ai” (Lịch sử nhập môn)...

Trong Thêm muối vào lời, nhiều câu thơ của Trần Thị Lưu Ly mang giá trị “luận” rất cao, đọc lên thấy thấm thía. Đây là ví dụ thứ nhất trong Như áng mây trôi: “Dường như là chẳng có đúng có sai/ Chỉ còn phù hợp hay không phù hợp”. Đây là ví dụ thứ hai trong Phần còn lại của thiên nhiên: “Chính trị thành triết học giúp loài người tồn tại/ Là phần còn lại của thiên nhiên”. Đây là ví dụ thứ ba trong Trò chuyện với người xa: “Hạnh phúc cũng thường im lặng/ Nở sinh từ những khuyết hao”. Đây là ví dụ thứ tư trong Chuyện cây: “Một giọt đắng/ Ngậm thêm một giọt đắng/ Cho đắng cay thắp sáng ngọn đèn”…

Nói Trần Thị Lưu Ly giàu nữ tính trong thơ là thừa, nhưng vẫn không thể không nói đến một phẩm chất gần như là thiên tính của chị. Chỉ có nữ tính và tình người sâu nặng mới giúp chị nhìn một vật (cái đinh) vốn bình thường và cứng rắn thành khác thường và mềm mại như thế này: Tìm gì, ơi phù vân những nẻo vợi xa/ Tình yêu đừng như tiếng thở dài quạnh quẽ/ Đêm cần trăng và chiếc đinh trên tường cũng muốn nở hoa  (Không trăng 2000) và: Hơi người thân thiết nuôi mình/ Làm tươi tắn cả chiếc đinh trên tường (Nhà ống)

Ngay cả khi dẫn 2 câu “Thế giới của đàn bà là ngôi nhà/ Thế giới của đàn ông là thế giới” để khởi đầu cho Không trăng 2000, độc giả đã nhận ra ngay thiên tính của phụ nữ rồi.

Với tình yêu, Trần Thị Lưu Ly quan niệm: Dù “Đời người một thoáng đi về mấy đâu” thì vẫn phải “Chung hết một câu đá vàng” (Với anh). Và trong tình yêu, chị đã trải nghiệm hai câu thơ về đôi lứa thật sâu sắc, đáng nhớ: Em giản dị tối đa thành tối thiểu/ Chỉ còn hai đứa mình đông đảo lúc xa nhau (Không đề 2)

Dấu ấn trú quán và nguyên quán trong thơ Trần Thị Lưu Ly cũng được bộc lộ rõ rệt. Đó là một Hải Phòng với: “Một Hải Phòng kềnh càng mang thai sinh thành Tam Bạc/ Người kéo đàn rong bìu díu khúc sông này” (Người kéo đàn rong bên sông Tam Bạc) và “Thành phố nơi chúng mình được sinh ra có những con đường nương theo chiều gió biển/ Hàng cây nghiêng ghé mái hiên nhà/ Từ khoảng lặng nốt trầm lòng canh chừng hướng bão/ Lá tơi bời, gió ào vào khoảng trống kiếm tìm ta” (Thành phố, phượng và cát). Đó là một Phú Thọ với: “Ta lớn lên trong mắt người cơm áo bạc nỗi lo/ Đất trung du cằn, nước chảy xuôi tìm về miền khác” (Trung du).

Thơ ăn nhau ở cách nói. Nhiều khi cách nói tạo ra sự khác biệt, tạo ra dấu ấn. Mắt meo con viết tặng con trai Thế Phiệt là một bài thơ như thế. “Con là mặt trời của mẹ” hoặc “con là mặt trời bé con” thì nhiều người nói rồi. Nhưng vẫn cái ý ấy những triển khai theo cách này, thì chắc hẳn là chưa: Dáng mẹ qua mắt con mong mỏi/ Gom vu vơ rồi rõ rệt thành hình/ Ngồi bên bếp nhà mình/ Rình hơi ấm từ tay bà nhóm lửa/Mặt trời trốn trong miệng con đấy nhé

Chợt òa lên rạng rỡ: Mẹ về!

Thơ Trần Thị Lưu Ly nhìn chung được cả ở chữ, ở nghĩa và khả năng xâu chuỗi thành những tứ thơ. Quan trọng hơn là chị đã thổi hồn vào chữ, vào nghĩa, khiến cho những câu thơ luôn tươi mới, có hồn vía, dễ đi vào lòng người. Và tôi cũng chợt hiểu vì sao chị thường viết chậm, thường rất nghiêm cẩn trong khi làm thơ.

Nguồn Văn nghệ số 38/2020


Có thể bạn quan tâm