April 25, 2024, 1:35 am

Minh định lại tác giả từ một bài thơ được chép trong Quốc sử di biên

Thơ vua Thành Thái được sách vở nhắc đến nhiều chủ yếu là 2 bài thơ chữ Hán. Đó là bài không có đầu đề với câu mở đầu là “Võ võ văn văn y cẩm bào” và bài Thăng Long thành hoài cổ được cho là do vua ngự chế vào năm 1902 khi vua ra Hà Nội để tham dự lễ khánh thành cầu Doumer (Long Biên). Ngoài ra, còn có 2 bài cùng chung nhan đề là Cảm hoài được Thành Thái sáng tác năm 1947. Gần đây nhất, nhà nghiên cứu Phan Thuận An đã công bố, giới thiệu, phiên dịch một tập thơ chữ Hán của vua Thành Thái có tựa đề là “Canh tý thi tập” (1900). Tập thơ này gồm 14 bài thơ.

Nhưng nhiều năm qua, mọi người thường nhắc đến thơ vua Thành Thái chủ yếu qua bài “Võ võ văn văn y cẩm bào” vì có lẽ là ấn tượng nhất trong số thi ca đó. Xin nhắc lại bài thơ:

Phiên ân

Võ võ văn văn y cẩm bào,

Trẫm vi thiên tử độc gian lao.

Tam bôi hoàng tửu quần lê huyết,

Sổ trản thanh trà bách tính cao.

Thiên lệ lạc thời dân lệ lạc,

Ca thanh cao xứ khấp thanh cao.

Can qua thử hội hưu đàm luận,

Lân tuất thương sinh phó nhĩ tào.

 

Dịch thơ

Quan võ, quan văn lãnh cẩm bào,

Ta làm Thiên tử lãnh gian lao.

Ba chung rượu đỏ dường dân huyết,

Một chén trà xanh tợ cốt cao.

Trời nhỏ lệ như dân nhỏ lệ,

Tiếng ca cao múa khóc càng cao.

Chiến tranh thế sự thôi đừng nói,

Thương tiếc mà chi phó mặc tào.

(Tôn Thất Sa dịch)

Viết trong các loại sách, báo, thông tin khác nhau, nhiều người vẫn tin rằng đây chính là sáng tác của vua Thành Thái. Gần đây nhất, báo Văn Nghệ số Tết Canh tý 2020, ở trang 24, tác giả Chử Văn Long có bài Từ một bài thơ của vua Thành Thái cũng có giới thiệu lại bài thơ này. Trong thực tế, trước đây đã có một số tài liệu đề cập và bác bỏ tác giả bài thơ trên là vua Thành Thái. Trong Giai thoại làng Nho ngay từ bản in lần đầu 1963, khi đề cập đến bài thơ này, tác giả Lãng Nhân cũng đã chú thích là “bài này, về sau vua không nhận là ngự chế, có lẽ vì thấy lời lẽ có phần xa sự thật1. Trong Tinh thần trào phúng trong thi ca xứ Huế (1973), Hoàng Trọng Thược cũng đề cập đến việc vua Thành Thái phủ nhận mình là tác giả của bài thơ ấy và nói với Lê Thanh Cảnh rằng,  Kinh lược Bắc Kỳ Hoàng Cao Khải bấy giờ đã mượn tâm trạng của nhà vua để làm bài đó2.

Tuy nhiên, dù có chú thích thế nào thì nhiều người vẫn cứ cho rằng bài này là của vua Thành Thái. Có lẽ vì lý do bài thơ giàu tính nhân văn lại gắn với tên tuổi của một vị vua yêu nước? Mới đây nhất, xem Quốc sử di biên, chúng tôi mới phát hiện sử quan Phan Thúc Trực đã chép lại một bài thơ “song sinh” với bài thơ trên nhưng lại xác định rằng đây chính là bài thơ của vua Minh Mạng. Trong Quốc sử di biên, Phan Thúc Trực có chép, Bính tuất năm thứ 7 (1826), “Vua lại làm thơ đề ở điện Cần Chánh có bài3:

Phiên ân

Trung ngoại thành liêu đấu cẩm bào,

Thùy tri thiên hạ dĩ ngoa ngao.

Sổ bôi mỹ tửu quần sinh huyết,

Bán trản hòa canh bách tính cao.

Thiên lệ lạc thời dân lệ lạc,

Ca thanh cao xứ khốc thanh cao.

Quân môn vật vị diêu thiên lý,

Cô vọng hoàng ân thị nhĩ tào(4)

 

Dịch thơ

Quan lại trong ngoài khoác gấm bào,

Ai người thiên hạ đã lao đao.

Rượu ngon đầy chén, máu trăm họ,

Canh ngọt bát lưng, cốt khổ lao.

Trời đẫm lệ cùng dân đẫm lệ,

Lời ca cao tiếng khóc thêm cao.

Cửa vua chớ bảo xa nghìn dặm,

Quên cả ơn vua mấy kẻ nào?

 (Hải Trung dịch)

Quả là kỳ lạ! Hai bài thơ có số chữ giống nhau chỉ 24/ 56 chữ, nghĩa là có 32 chữ khác nhau, nhưng thực chất là một nội dung. Điều đáng ngạc nhiên là ở đây có sự trùng khít về vị trí phân bố các chữ giống nhau. Hai bài thơ quá giống nhau về nội dung, tư tưởng và cả việc sử dụng hình ảnh so sánh tu từ:

- Ở hai câu đề, hình ảnh đầu tiên là cảnh bá quan khoác gấm bào nhưng nào biết đâu xã hội còn nhiều khốn khó: bài của vua Minh Mạng là thiên hạ lao đao; bài của vua Thành Thái là trẫm cô độc, gian lao.

- Ở hai câu thực (là cặp đối) thì giống nhau hoàn toàn, chỉ khác là nhau ở một số chữ nhưng hình tượng vẫn thế: lấy chung rượu (tam bôi, sổ bôi) ví với máu muôn dân (quần sinh huyết, quần lê huyết); lấy bát canh, chén trà (Sổ trản thanh trà, Bán trản hòa canh) so với cao cốt bách tính (bách tính cao).

- Đến hai câu luận (là cặp đối) là giống nhau hoàn toàn, chỉ khác nhau ở hai chữ khốc (khóc thành tiếng) và khấp (rơi nước mắt), 2 chữ này cũng đều 1 nghĩa, so sánh:

+ Bài Minh Mạng là: Thiên lệ lạc thời dân lệ lạc/ Ca thanh cao xứ khốc thanh cao.

+ Bài Thành Thái là: Thiên lệ lạc thời dân lệ lạc/ Ca thanh cao xứ khấp thanh cao.

- Hai câu kết cuối cùng có sự khác nhau nhưng đích khái quát và mở rộng đều hướng đến đối tượng là quần thần (nhĩ tào, mà nghĩa đen của nó là bọn bây, chúng bây, các ngươi). Xem xét toàn bộ nội dung, sự tình trong bài thơ để thấy rõ hai câu kết:

+ Nếu kết theo bài Thành Thái thì hiển ngôn của hai câu cuối là: chiến tranh thế sự về sau sẽ bàn luận, thương xót chúng dân giao phó cho các ngươi (Can qua thử hội hưu đàm luận/ Lân tuất thương sinh phó nhĩ tào).  Ở đây, câu này có vẻ chưa ổn vì nếu nói rằng giao phó hết việc chăm dân cho “các ngươi/ các khanh”, thế vai trò của “trẫm” (vua) thì sao đây?

+ Nếu kết theo bài Minh Mạng thì hiển ngôn của hai câu cuối là: đừng cho rằng cửa của hoàng cung xa xôi đến nghìn dặm, mà các ngươi có kẻ quên cả ơn vua. Kết này hợp lý hơn so với sự tình.

Trở lại toàn bộ nội dung, có thể khái quát nội dung bài thơ Minh Mạng như sau: quan lại sung túc mà không biết người dân còn khốn khó, phải nhớ rằng sự hưởng thụ của các ngươi là từ “huyết cốt” của dân mà ra cả; trời cao cũng khóc với nỗi thống khổ của dân đó, hãy nhớ là đừng tưởng chốn triều đình xa xôi mà các ngươi có thể vong ơn.

Có thể nói, những câu cuối của bài Minh Mạng khá sát hợp với thực tế từng diễn ra trong thời gian trị vì của vua Minh Mạng. Trong chính sử, rất nhiều lần vua đã trị tội các quan địa phương không làm tròn chức phận, địa bàn quản lý không gần hoàng cung nên chủ quan càn quấy, nhưng vẫn bị phát hiện những việc sai trái. Năm 1835, Quảng Bình, Quảng Trị mất mùa nặng, nhưng các quan ở tỉnh không vào trình tấu, đề xuất, đến khi  vua có chỉ dụ cứu đói thì tắc trách, chậm trễ, thực hiện qua loa khiến để nhiều người chết đói. Vua tức giận xuống dụ rằng: “Từ ngày trẫm lên ngôi đến nay chỉ lấy việc yêu thương, nuôi dưỡng lê dân làm lo, nay bọn Trần Danh Bưu có chức phận trách nhiệm chắn dân, mà lòng còn đố kỵ, xem dân như cừu thù, tội ấy không thể nói sao cho xiết5. Sau đó, vua phái quần thần đến tận địa phương để tuyên chỉ, đưa các vị quan này về giao bộ Hình nghiêm xét trị tội.

Đó chỉ là một dẫn chứng trong rất nhiều dẫn chứng nói tới việc vua Minh Mạng trách tội, xử trí các viên quan đã phụ ơn vua, tưởng triều đình ở xa không biết, nhiều việc không kịp thời đến trình tấu để xảy ra hậu quả xấu. Kết bài thơ vừa có ý nhắc nhở, vừa răn đe: “Cửa vua chớ bảo xa nghìn dặm/ Quên cả ơn vua mấy kẻ nào?” là vì thế.

Bài thơ này được Quốc sử di biên xác nhận là đề trên điện Cần Chánh. Điện Cần Chánh là nơi các vua Nguyễn tổ chức thiết thường triều, giải quyết chính sự hàng tháng (mỗi tháng 4 lần), cũng là nơi tiếp sứ ngoại giao của triều Nguyễn. Ngoài ra, một số cuộc yến tiệc quan trọng cũng thường được tổ chức ở đây. Điều đó cho thấy, bài thơ này được đề lên điện Cần Chánh lại càng có một ý nghĩa đặc biệt, có tính giáo huấn, nhắc nhở bá quan khi đến triều chính.  Phan Thúc Trực6 đã nhiều lần bàn luận chính sự với vua Tự Đức ở ngôi điện này nên ắt hẳn ấn tượng với bài thơ mà chép lại vào Quốc sử di biên của mình.

Trở lại bài thơ mà nhiều người cho là của vua Thành Thái, Hoàng Trọng Thược từng viết là vua Thành Thái cho rằng Kinh lược Bắc kỳ Hoàng Cao Khải bấy giờ đã mượn tâm trạng của nhà vua để làm bài này. Ở đây, có lẽ Hoàng Cao Khải cũng chỉ nhân cớ “mượn tâm trạng của nhà vua” để viết lại và chỉ có thể là “cải biên” bài của vua Minh Mạng mà thôi. 

Nhân đây, cũng xin nói thêm là, năm 2008 khi thực hiện biên soạn phần thơ Hán Nôm cho sách 700 năm thơ Huế7, đã từng biết đến chú thích của Lãng Nhân và Hoàng Trọng Thược, tôi tiếc bài thơ nên vẫn đưa vào sách vì không thể bỏ qua một bài thơ đầy tâm trạng như thế và cũng ghi tác giả là vua Thành Thái. Đến đây có lẽ cũng nên minh định rõ và tôn trọng việc vua Thành Thái đã bác bỏ bài thơ trên là của mình.

_________

1. Lãng Nhân, Giai thoại làng Nho, Nam Chi tùng thư xb, Sài gòn, 1972, tr. 512. 

2. Dẫn theo Phan Thuận An (Thành Thái, Canh tý thi tập, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2007, tr.10).

3. Phan Thúc Trực, Quốc sử di biên, tập trung, Viện Sử học dịch, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2019, tr.197.

4.  Phần chữ Hán là do chúng tôi tự soạn.

5. Quốc sử quán triều Nguyễn, Minh Mệnh chính yếu, Viện sử học dịch, tái bản, Nxb.Thuận Hóa, Huế, 2007, tr.305.

6. Một vị quan được vua Tự Đức đặc cách phong làm Kinh diên khởi cư trú, viên quan duy nhất luôn gần gũi với vua trong triều chính và được vua tin cậy ban ấn lệnh để có thể tự do ra vào cung cấm.

7. Nhiều tác giả, 700 năm thơ Huế, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2008 [Nguyễn Phước Hải Trung biên soạn phần thơ Hán Nôm].

Nguồn Văn nghệ số 35+36/2020


Có thể bạn quan tâm