March 28, 2024, 5:19 pm

Miên man theo bánh xe thồ…

KỶ NIỆM 77 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2021)

Gia đình tôi định cư yên ổn ở thành phố Hồ Chí Minh gần hai chục năm nay. Tháng 9/2021 vừa qua, cả nhà bị mắc Covid-19.

Dù đã chuẩn bị sẵn tâm lý, sống ở “vùng đỏ đậm đặc” của dịch bệnh khó mà đảm bảo an toàn, nhưng khi đối diện với sự thật nghiệt ngã này, tôi bị sốc nặng, hoang mang, lo lắng... F0 ở thành phố này có đến hàng chục ngàn người, ngay trong cơ quan tôi cũng có mấy trường hợp, nhưng việc cả gia đình cùng dính bệnh là điều tôi chưa bao giờ lường trước. Tôi gọi điện cho anh bạn là bác sĩ Viện Y học dự phòng Quân đội xin tư vấn rồi quyết định gia đình sẽ chia đôi lực lượng. Vợ và con trai lớn của tôi triệu chứng nhẹ hơn, xin cách ly, điều trị tại nhà. Tôi và con trai út có nồng độ virus SARS-CoV-2 thuộc dạng đậm đặc, phải vào Bệnh viện Quân y 7A (Quân khu 7) điều trị.

Chiếc xe cấp cứu chuyên chở bệnh nhân Covid-19 của Bệnh viện Quân y 7A đến đỗ ở sân chung cư. Dù đã tự nhủ bản thân phải mạnh mẽ để làm chỗ dựa tinh thần cho cả gia đình, nhưng khi nhìn hai dòng nước mắt của vợ chảy dài trên má trước lúc cánh cửa căn hộ khép lại, bóng mây của nỗi lo sợ cứ ập xuống tâm can tôi. Tôi quay đầu bước theo nhân viên y tế, tránh để vợ con nhìn thấy đôi mắt của mình đỏ hoe... Tôi vừa bước đi thì lực lượng chức năng cũng giăng dây, dán biển báo phong tỏa căn hộ, phun khử khuẩn thang máy và những nơi chúng tôi đi qua. Kể từ giây phút này, vợ và con trai lớn của tôi phải cách ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài, còn tôi và con trai út thì phó thác số mệnh cho bệnh viện…

Với những bệnh nhân Covid-19 phải nhập viện, mọi cuộc ra đi, hoặc ra đi để trở về, hoặc ra đi không hẹn ngày về, đều có chung đặc điểm là không có bất cứ ai đưa tiễn, không có bất cứ người thân nào bên cạnh. Cảm giác cô đơn và nỗi sợ là kẻ thù lớn nhất.

Chiếc xe nổ máy lao đi. Tiếng còi cấp cứu dội vào các bức tường bê tông vọng lại thứ âm thanh nhoi nhói, buôn buốt tâm can… Chưa bao giờ tôi rơi vào trạng thái chông chênh như lúc này!

Vào bệnh viện, hàng ngày chứng kiến những bệnh nhân nặng phải chuyển vào cấp cứu, hồi sức trong phòng áp lực âm, nơi được coi là “ánh sáng cuối đường hầm” của sự sống, tôi choáng thực sự. Càng choáng hơn khi có những người vừa mới cười nói với nhau đó mà vài ngày sau đã nghe tin, thi thể họ đã được chuyển vào nhà xác để đưa đi hỏa thiêu.

Sống - chết, đi - về… trong các bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 là lằn ranh rất mong manh. Con số hơn 1 triệu F0 và 23.400 người chết vì Covid trên cả nước, trong đó phần lớn là tại tâm dịch Sài Gòn (tính đến hết tháng 10-2021) đã nói lên tính chất khốc liệt, nghiệt ngã trong cuộc chiến giành giật mạng sống cho bệnh nhân trong các bệnh viện nơi tuyến đầu. Trong môi trường khắc nghiệt ấy, đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế nói chung, thầy thuốc Bộ đội nói riêng, phải làm việc đến mức không còn khái niệm về thời gian. Tất cả các bệnh viện dã chiến và bệnh viện chuyển đổi công năng điều trị Covid-19 do Bộ Quốc phòng và các Quân khu, Tổng cục Hậu cần quản lý, ngoài cán bộ, chiến sĩ quân y, số lượng bộ đội, dân quân tham gia phục vụ lên đến hàng chục ngàn người. Là bệnh nhân F0, tôi thấy rõ, cuộc chiến này khốc liệt không kém chiến trường khói lửa những năm chiến tranh. Trong cuộc chiến này, tôi là một “thương binh”. Rất may là tôi đã rời “chiến trường” trở về bình an. Tôi mang ơn những thầy thuốc quân y. Những tháng ngày cấm trại thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, điều trị bệnh nhân F0, họ vừa là bác sĩ trị bệnh, vừa là chuyên gia tâm lý trấn an bệnh nhân, vừa là người nhà chăm sóc những bệnh nhân nặng, không còn khả năng tự lo các sinh hoạt cá nhân…

Và không chỉ những người thầy thuốc bộ đội, mà hàng ngàn người lính Binh Nhì dũng cảm chiến đấu với “giặc dịch” bằng nhiều cách thức khác nhau cũng là ân nhân của hàng triệu cư dân thành phố này trong những ngày qua. Đó chắc chắn không chỉ là cảm nghĩ của riêng tôi. Binh Nhì ở đây không chỉ là những chiến sĩ mang cấp hàm binh nhì, mà nói chung những quân nhân trong độ tuổi binh nhì. Họ là những hạ sĩ quan, chiến sĩ, học viên các học viện, nhà trường trong toàn quân. Ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, vào thực hiện nhiệm vụ tại tâm dịch, đôi khi những cử chỉ vụng về, những động tác có phần “ngây ngô” của những chàng lính trẻ lại chính là chất xúc tác lan truyền cảm hứng mạnh mẽ cho người dân…

Vào thời điểm dịch bệnh bùng phát giữ dội, toàn thành phố thực hiện Chỉ thị 16+ với phương châm “ai ở đâu, ở yên đấy”, mọi công việc đảm bảo an sinh xã hội đều do bộ đội đảm nhiệm. Hình ảnh đáng yêu của những chàng binh nhì đứng tần ngần trước quầy hàng băng vệ sinh phụ nữ trong siêu thị được lan truyền trên mạng xã hội, đã chạm đến trái tim của hàng triệu phụ nữ. Trước khi thực hiện nhiệm vụ đi chợ, làm shipper chuyển hàng cho dân, có lẽ chưa bao giờ những chàng lính trẻ phải đi mua những mặt hàng đặc biệt này, kể cả những chàng đã có người yêu (!)

Trong bối cảnh ấy, tôi nhận được tin nhắn của nhà văn Võ Thu Hương, Chánh văn phòng Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh: “Em có viết một bài về nhóm chiến sĩ quân y gửi anh xem, nếu được, anh gửi đăng báo giúp để động viên tụi nhỏ. Dễ thương quá mức luôn anh à”. Bài báo của Võ Thu Hương kể về hai chiến sĩ quân y Nguyễn Xuân Quân và Nguyễn Văn Khang, học viên lớp DH50A của Học viện Quân y. Họ được tăng cường cho Trạm y tế lưu động số 10 tại phường Tân Thuận Đông, quận 7. Hàng ngày, họ đến chăm sóc các F0, tuyên truyền phòng dịch, hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm, giải quyết các tình huống y tế… tại khu chung cư nơi nhà văn Võ Thu Hương sinh sống. Hằng ngày liên tục, nữ nhà văn trực tiếp chứng kiến hai chàng lính trẻ hỗ trợ đưa những bà bầu sắp đến kỳ sinh nở đi bệnh viện, sẵn sàng các tình huống đỡ đẻ khi cần thiết, chăm sóc các cụ già, vận chuyển bình ô xy cho các F0 trở nặng… Thực tế ấy nằm ngoài sức tưởng tượng của nhà văn. “Nếu chỉ nghe kể lại, chắc em sẽ nghĩ đó là những chi tiết trong tác phẩm văn học. Khi trực tiếp chứng kiến tụi nhỏ làm những việc phi thường ấy một cách tận tụy, em không cầm được nước mắt. Bộ đội mình tuyệt vời quá!”.

Một trong những hình ảnh được dư luận dành tình cảm đặc biệt cho Bộ đội Cụ Hồ trong tâm dịch là những chiếc xe thồ. Nhiều người thắc mắc, không hiểu bộ đội lấy đâu ra loại phương tiện thô sơ, từng được sử dụng vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực… từ thời Điện Biên Phủ? Liệu đưa xe thồ vào thành phố này có phát huy được tác dụng? Thực ra, xe thồ đã được bộ đội các đơn vị chủ lực thuộc Quân khu 7, Quân đoàn 4… sử dụng cả chục năm nay. Các cuộc diễn tập chiến đấu, hành quân xa, mang vác nặng với quãng đường cơ động hàng trăm ki-lô-mét trong điều kiện địa hình phức tạp, các đơn vị bộ binh đã sử dụng xe thồ làm phương tiện vận tải hậu cần rất đắc dụng, đôi khi tiện lợi và hiệu quả hơn cả vận tải cơ giới. Việc sản xuất hàng loạt chiếc xe thồ là thao tác khá đơn giản ở các đơn vị. Họ tận dụng những chiếc xe đạp cũ, “độ” thêm một số bộ phận nữa là xong, tải trọng mỗi chiếc lên đến 3 tạ. Chiến sĩ ở các đơn vị sau thời gian huấn luyện tân binh, ai cũng có kỹ năng điều khiển xe thồ. Thế nên khi đưa về thành phố vận chuyển hàng hóa giúp bà con, bộ đội ta vận hành ngon ơ. Các con hẻm sâu, ngoằn ngoèo, ô tô không vào được, nếu sử dụng sức người mang vác sẽ không xuể. Những khó khăn này xe thồ giải quyết được tất! Sau khi bốc hàng xong, chiến sĩ xe thồ chỉ việc gập hai cái cáng chở hàng lại, nhảy tót lên yên, đạp về nơi tập trung. Khỏe re! Và rồi hành trình theo vòng quay của những bánh xe thồ đã lọt vào ống kính của nhiều nhiếp ảnh gia, nhà báo và cộng đồng. Hình ảnh những chàng lính trẻ áo đẫm mồ hôi, gò lưng đẩy - đạp xe thồ trên các con phố vắng hoe mùa Covid, đã gây thổn thức cho biết bao trái tim đồng chúi, đồng bào, nhất là… phái đẹp.

Cuối tuần qua, tôi phóng xe máy vè vè dọc đường Trường Sa bên bờ kênh Nhiêu Lộc. Mới chỉ có mấy tuần thành phố cho phép mở lại các dịch vụ kinh doanh ăn uống tại chỗ mà quán xá, nhà hàng đã tươm tất, nhộn nhịp. Biết tôi là bộ đội, ông chủ quán cà phê bên bờ kênh xởi lởi kéo ghế ngồi gần. Ông khoe, con gái ông là bác sĩ trẻ, vừa tốt nghiệp đại học, mấy tháng vừa rồi xung phong lên tuyến đầu chống dịch. Chả biết ông tơ bà nguyệt se duyên thế nào mà sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về, cháu xin phép ba mẹ cuối năm nay được dẫn người yêu về nhà giới thiệu. Ông mở zalo cho tôi xem con rể tương lai. Đó là một chàng trai đĩnh đạc, cao lớn, phong độ, trên bờ vai là đôi quân hàm thượng úy, đứng cạnh hai chiến sĩ bên chiếc xe thồ chất đầy các bao gạo trong con hẻm ngoằn ngoèo. Chàng công tác ở Quân khu 7, còn nàng là bác sĩ ở thành phố này. Trong thời gian chỉ huy bộ đội đi giúp dân chống dịch thì chàng gặp nàng. Theo vòng quay của bánh xe thồ, họ tìm thấy một nửa của nhau…

Bất giác, tôi ngước lên vòm cổ thụ bên đường. Trong nắng ban mai, những chú chim nhảy nhót chuyền cành thi nhau lích chích ríu rít như chào đón một ngày bình thường mới. Kìa bản nhạc quen thuộc đang phát ra từ chiếc loa nhỏ xíu gắn trên tường quán cà phê: Gặp mặt nhau đây chốn này hò hẹn thủy chung sắt son… Ra giêng anh cưới em…

Nguồn Văn nghệ số 52/2021


Có thể bạn quan tâm