April 25, 2024, 10:08 pm

Miên man cùng Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương

 

Tôi nhiều lần được trò chuyện miên man với nhà văn Tô Hoài. Trong câu chuyện cũng thường nhắc tới Ma Văn Kháng. Có lần ông cụ nói: Sau tôi và hơn tôi trên trang viết về Tây Bắc, về đồng bào thiểu số là Ma Văn Kháng đấy! Mà anh thấy sao? Ma này đang đi đến đâu? Rồi lại hỏi: Ma Văn Kháng dạo này thế nào?

            - Dạ có lẽ đang từ phong tục, thế sự chuyển dần sang độc thoại rồi đối thoại.

            Bậc lão thành cười tít, rung rinh, rồi như chợt ngắt cơn, hỏi luôn:

            - Đối thoại à? Đối thoại gì đấy?

            - Dạ, đối thoại chính trị, đối thoại với cõi nhân sinh.

            Uống một ngụm nước đưa tay với một quyển sách như thói quen, như để trấn tĩnh, giọng ông hồ hởi mà thì thầm:

            - Cẩn thận nhé. Liên Xô mới tan, mà chưa ai dám gọi là hệ thống ta ở bên ấy sụp đổ. Bao giờ người ta công khai gọi đấy là sự sụp đổ của một hệ thống, thì cậu mới xì ra cái ý đối thoại chính trị trong văn chương nhé! Cứ ngẫm ngợi đi đã. Ma Văn Kháng sẽ là tay chứng minh cho luận điểm của nhà nghiên cứu đấy.

            Tôi không nghĩ là Ma Văn Kháng và cả những Nguyễn Trọng Oánh, Thái Bá Lợi, Nguyễn Minh Châu, Xuân Thiều, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Quang Thân với cả Nguyễn Xuân Khánh, Hoàng Quốc Hải từ cuối thế kỷ trước, đến Trần Quốc Tiến, Sương Nguyệt Minh, Khuất Quang Thụy, Nguyễn Bắc Sơn, Nguyễn Đắc Như, Văn Lừng, Lê Thanh Kỳ, Trần Văn Miều… đầu thế kỷ XXI này đã tự nhiên mà chuyển dần chuyển mạnh sang lối viết đối thoại chính trị - đối thoại văn hóa là để chứng minh cho ai. Các ông đã viết theo sự chiêm nghiệm và đúc kết của mình, với một tầm vóc tư tưởng - thẩm mỹ đã trưởng thành vững vàng và cả một sự mạnh dạn đột phá, thể nghiệm riêng của mình. Còn tôi, thì chỉ là người quan sát, phân tích rồi tổng hợp và khái quát mà thôi.

            Bạn đã đọc, xin hãy đọc lại, đọc thêm Ma Văn Kháng, nhất là ở tập hồi ký Năm tháng nhọc nhằn năm tháng nhớ thương này sẽ nhận ra nhiều chuyện, nhiều điều mà nghĩ tiếp về văn chương và cuộc đời. Tôi tin là chúng ta sẽ có dịp mà đồng ý với nhau hơn, rằng: Văn thi gia đích thực của mọi thời là ai, nếu không phải là những người có sứ mệnh thiêng liêng là cất lên tiếng nói bằng hình tượng nghệ thuật, để giúp muôn dân cùng hiểu đến tận cùng những nhọc nhằn của mọi kiếp nhân sinh, rồi từ đó, mà khuyến nghị, nhắc nhở nhau rằng: Hãy yêu thương thông hiểu nhau nhiều hơn như không biết mấy là vừa mà cùng nắm tay nhau “xây lại đời ta” như nhà thơ Tố Hữu kêu gọi từ giữa thế kỷ trước.

            Thế là nhà văn làm chính trị, làm đổi mới phong hóa à?

            Vâng. Nhà văn chính danh, là một nhà chính trị hiền minh, là một nhà văn hóa đích thực mà. Họ thực hành tư tưởng chính trị và văn hóa chính trị theo thiên chức và phương thức riêng mà thôi.

            Tập hồi ký này của Ma Văn Kháng được viết ra từ cả hai nguồn cảm hứng thật rõ, là: (1) Nói về những nhọc nhằn; (2) Kể lại những yêu thương. Ta có thể so sánh những nhọc nhằn mà ông đã trải, với cả khối yêu thương mà ông được nhận và ban phát. Có người còn muốn nhắc và hỏi, mà liên hệ đến Nguyễn Đình Thi, Kim Lân, Bùi Hiển… rồi cả Chế Lan Viên với nhiều nhà khác, rằng: Nếu các vị đó cũng cho ta đọc hồi ký của họ nhỉ…

            Về phương diện này, tôi nghĩ là Ma Văn Kháng có mạnh dạn hơn, và hình như có may mắn hơn. Thật không rõ ai có vốn hơn ai, cũng không dễ mà cho rằng vị này có khối tình đồng bào đồng nghiệp đồng chí, tình dân tình nước… hơn vị khác. Nhưng quả là thời thế đã gợi mở, đã “cho phép” Ma Văn Kháng thêm điều kiện khách quan mà có tập hồi ký thật lắm chuyện miên man mà rất chụm ý, rất có tứ để mà nghĩ tiếp này.

            Tôi cũng không cho là Ma Văn Kháng đã khéo léo hay đủ sự tinh tế với nhạy cảm để chỉ kể lại một số nỗi nhọc nhằn, cơ cực mà ông và bạn nghề ông đã trải qua như đói ăn và thiếu mặc, chỗ ở lại chật chội, đi khám bệnh phải chen chúc… Bởi kể lại được vậy, cùng lắm, mới là giỏi cái giỏi của một cây bút thạo nghề. Hơn hẳn sự thạo nghề, ở nhiều trang đoạn viết về các thầy Khánh Tình dạy văn đang hay thì lại bị vùi dập dúi dụi mà vẫn vươn lên như một người cộng sản chân chính; thầy Doãn Thanh - một trí thức ngay thẳng cần cù suốt đời nghiên cứu văn hóa Mông, góp phần hoàn thiện chữ viết cho người Mông, lại xuất bản sách và đào tạo hàng trăm cán bộ dân tộc vùng cao Tây Bắc và những công chức, cán bộ… khác; nhà văn đã vẽ ra bức tranh thật tỉ mỉ và có chất biểu trưng của xã hội ta một thời lắm biến động phức tạp. Đó là một bức tranh đầy tâm trạng, có đủ bi ai, phẫn uất, buồn thương, mai mỉa… Điểm thú vị là qua bức tranh ấy, ta thấy rõ hành trình trở thành một trí thức mẫn cán, tận tụy để rồi có một nhà văn Ma Văn Kháng về sau. Phải rồi, Ma Văn Kháng, chính ông là một khối trí lự hơn người. Ông đã mấy lần tự nhận rằng ông có nhiều may mắn… Ông khiêm dung và giàu lòng thương mến thì nhận thế thôi, không hẳn vậy đâu. Chính sự vươn lên từ bao nhiêu nhọc nhằn và cả đau đớn nữa, những đứa con tài năng của đời sống dân tộc này như ông đã thành các văn thi gia đương đại hàng đầu. Rồi như để trả ơn trả nghĩa với đời, các ông đã cất lên tiếng nói chính trực và ôn tồn mà phân giải, mà dìu đỡ cho bao kiếp người đang nghèo đói và bức xúc đấy. Vả chăng, là nhà văn nhà thơ, các ông các bà không làm những việc đại loại như thế và cao cả như thế bằng quyền năng đặc biệt của nghệ thuật ngôn từ, thì ông Trời và bà Đất còn biết cậy nhờ ai nữa đây?

            Có trí lự thì có tầm vóc và tư thế với lời lẽ vừa nghiêm cẩn vừa phải chăng? Trung thực với chính mình và với tổ chức, chí tình chí nghĩa với bạn bè, đồng chí mà mạnh dạn thẳng thắn viết, quả nhiên, hồi ký của Ma Văn Kháng đã không chỉ hấp dẫn người đọc bằng nhiều sự việc có chi tiết cụ thể. Cần phải hiểu lại cho đúng, đó là vì mục đích mà nhà văn đã tự đặt ra khi viết thiên hồi ký này. Đương nhiên, trong hơn 500 trang sách của mình, ông không chỉ viết - kể - bình về một số con người - nhân vật đã từng gây xôn xao mà qua đó, như một phép thử đối với xã hội (trước hết là giới công chức, trí thức và các cán bộ quản lý, chỉ đạo). Hồi ký như thế, là hồi ký phân giải và bình luận chính trị - xã hội một cách tự nhiên ngẫu hứng hay có chủ định đây? Nếu đọc kỹ và soi chiếu hướng viết, nội dung viết này với nội dung và tính cách các nhân vật trong trong Đám cưới không có giấy giá thú, Mưa mùa hạ, Một mình một ngựa… của Ma Văn Kháng, ta sẽ thấy có sự nhất quán trong tư tưởng chủ đề của toàn bộ sáng tác của ông hơn, ta nhận ra: Sự đồng ý đồng tình đến mức ngợi ca cảm phục và sự phê phán, căm giận đến mức như nguyền rủa của nhà văn hoàn toàn có căn nguyên xã hội rộng lớn và phụ thuộc vào tư tưởng thẫm mỹ, nhãn quan trí thức của cá nhân ông sau nhiều năm ông đã thực sự trải nghiệm và nung nấu.

            Trong Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương tác giả đã có giọng hồi ký nhìn chung là ôn tồn, chậm rãi, nhẹ nhàng mà từ đó, người đọc nhận ra vẻ bùi ngùi, có chỗ là rưng rưng đầy xót xa, lại cả thương mến và trân trọng. Và thỉnh thoảng vọt thoát ra khỏ sự đều đều của nhịp điệu văn xuôi ấy, lại vang lên trong mức đủ nghe như thì thầm muốn nén bớt nỗi bi thương, đôi lời chát chúa, đáo để ra trò.

            “Đáng sợ thay là sự ghen ghét, tị hiềm của kẻ có chữ, có văn tài. Đức nhỏ mà muốn ngôi cao, tài nhỏ mà muốn làm việc lớn, nói như người xưa, là cái mầm của họa lục đục”. Thỉnh thoảng, thỉnh thoảng thôi, tác giả Năm tháng nhọc nhằn năm tháng nhớ thương lại buông ra một câu ngắn gọn như một tiếng thở dài, một lời cảnh báo như thế.

            Là người am hiểu, thông thuộc giới văn nghệ - trí thức, cố nhiên Ma Văn Kháng hiểu rõ những người ông muốn biết hay đã quen lâu. Nhưng ông dường như chỉ chú ý đưa ra những kỷ niệm đẹp, những hành động tốt của họ. Đấy là đức và hạnh của ông. Các vị đàn anh như Nguyễn Tuân và Nguyễn Thành Long, đồng lứa như Phong Lê (và Vân Thanh), rồi Cao Tiến Lê, Hữu Thỉnh, Vương Trí Nhàn, Bùi Bình Thi... đến lứa sau như Nguyễn Ngọc Thiện, Trần Đăng Suyền… (có tới dăm chục người cơ đấy) đều được ông nâng niu trìu mến. Tôi biết là trong số đó có người sướng âm ỉ hồn nhiên khi được ông động bút. Thì cũng đúng thôi, gắng gỏi mãi, được tướng công ban cho lời khen ngợi, lại tỏ lòng tin trước toàn quân, ai chả bồi hồi sung sướng?

            Nhà thơ Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam là người không mấy khó hiểu mà lạ thay, khi nhắc tới ông, người ta lại tranh cãi với nhau. Ma Văn Kháng viết về Hữu Thỉnh thoải mái thế này:

            “Tôi thường nói vui: Hội ta với kiểu tổ chức hiện thời, nếu không có Hữu Thỉnh thì rất gay go; mà nếu có Hữu Thỉnh thì cũng… rất mệt. Quả thật, làm việc với Hữu Thỉnh rất mệt. Có lần, vào một cuộc họp của Ban Chấp hành, Nguyễn Khoa Điềm cười nói: “Nào, để xem đêm hôm qua gió mùa Đông Bắc về, anh Hữu Thỉnh có nghĩ thêm ra được những việc gì nữa nào? Hữu Thỉnh là người biết nghĩ, biết tìm ra công việc và biết cắt đặt công việc đâu vào đó” và: “Hữu Thỉnh làm việc bất kể giờ giấc ngày đêm, tháo sức ra mà làm, bận bịu đến mức không còn thì giờ để… buồn, mặc dù như anh nói, nhiều lúc rất buồn

            Rồi như cũng bị lây nhiễm, bị ám ảnh từ nỗi đoạn trường của Hữu Thỉnh, hay là cũng từ chính sự từng trải, nghiệm sinh của mình, mà tác giả Năm tháng nhọc nhằn năm tháng nhớ thương đã miên man:

            “Và tôi thực sự thấy ngượng ngùng, muốn lánh mặt trước cái hiện trạng đáng xấu hổ là các nhà văn đối xử với nhau thật bạo liệt, tàn tệ. Rất khác với vẻ hào hoa tao nhã, lịch sự, có văn hóa được thể hiện trên những trang viết, ở đây là sự thô lậu, lỗ mãng, bất cẩn, dung tục đến ghê sợ”.

            Các văn thi gia từng bày tỏ lập trường, thái độ, tình yêu thương quý trọng và cả nỗi giận dữ… thông qua ngôn từ và hình tượng nghệ thuật. Cuộc đối thoại với đời của họ như thế, đôi khi cũng còn được diễn ra trong hồi ký (và tự truyện). Cách đối thoại của Ma Văn Kháng ở đây rõ là thẳng thắn. Tôi nhận ra cả nỗi ưu phiền đau đớn của ông nữa. Nhân có lần được hỏi về Ma Văn Kháng, tôi có thuật lại ý trên của ông cho mấy bạn hưu trí. Có người đăm chiêu: Đời vẫn thế mà, đâu chỉ có mấy ông văn thơ… Nhưng các ông là người có chữ mà để đến nỗi cảnh ấy à? Một ông hưu trí khác nói thêm: Nhưng mà các ông đừng bỏ cuộc nhá.

            Có những tác giả làm cho cuộc đời xinh tươi hơn lên; cũng có những tác giả khiến cho con người thông tuệ hơn nữa; và cũng có những nhà thơ nhà văn đã gợi giúp cho công chúng, quần chúng của mình biết hành động đúng đắn hơn nên có hiệu quả hơn…

            Có phải Ma Văn Kháng, bằng sự mẫn cảm của một nhà văn đích thực nên qua hàng vạn trang in của mình đang cho phép ta nghĩ rằng trong ông có cả mấy nhà như thế? Cái đích thực ở một nhà văn nơi ông được dồn tụ từ cả mấy nguồn mà ông từng trải, có hăm hở và cả buồn tiếc…, là: một thầy giáo giỏi, một công chức mẫn cán (ông là Thư ký của một Bí thư tỉnh ủy), một người giàu lòng thương mến và có năng khiếu quan sát, có nghệ cầm bút bẩm sinh… rồi mới thành nhà văn. Đọc hồi ký của ông, ta quý ông hơn như quý một nhà văn tiêu biểu đương đại là vì thế.

Nguồn Văn nghệ số 27/2019

           

 

 

            


Có thể bạn quan tâm