April 20, 2024, 5:46 pm

Mẹ Minh

52 năm tuổi đời, hơn 30 năm tuổi nghề, dù bầu nhiệt huyết với nghề vẫn căng tràn, dù tình yêu thương với những đứa trẻ dân tộc nghèo vẫn đầy ắp nhưng cô giáo Đoàn Thị Lệ Minh, giáo viên Trường Mẫu giáo Tân Xuân, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận buộc phải từ giã bục giảng vì căn bệnh tiểu đường biến chứng.

Xa trường, xa đàn em thơ, cô nói mình buồn đến não nề, tâm trạng châng lâng, chơi vơi hàng tháng trời không hết. Nhiều khi nhắm mắt cố ru mình vào giấc ngủ nhưng lại luôn vẳng bên tai tiếng cười nói, tiếng hỏi bi bô của lũ trẻ lên năm lên ba càng làm nỗi nhớ trường lớp trở nên da diết.

Cô giáo Đoàn Thị Lệ Minh và các em học sinh

Chạy ăn từng bữa nhưng quyết không bỏ nghề

Cô nói mình yêu lũ trẻ quê nghèo khó, yêu cái nghề vất vả, áp lực nhưng đồng lương lại tỉ lệ nghịch với công sức bỏ ra. Thế mà, bao năm qua vẫn bám trụ không rời. Nay đành đoạn tuyệt vì bệnh tật ập đến.

Ngày ấy, hơn 30 năm trước cô đã phải đứng trước sự lựa chọn giữ nghề sống trong nghèo đói hay bỏ nghề tìm kiếm cơ hội tốt hơn?

2 con nhỏ, người chồng thất nghiệp, người anh trai cũng bị bệnh lâu ngày thế nên đồng lương cô giáo mầm non lúc ấy chỉ đi chợ được hơn chục ngày là hết veo. Cô phải kiếm việc làm thêm bằng cách đêm đêm khi công việc giáo án, đồ dùng học tập đã xong, cô cột sinh tố để mai tranh thủ giờ trưa đi bán. Không ít lần cô phải đấu tranh “Mình là cô giáo mà đứng bán hàng rong ngoài cổng trường trung học liệu có sao không?”. Nhưng nhà không còn gạo, con bệnh đau không có tiền mua thuốc nên cô phải ráng dẹp bỏ đi sĩ diện của mình.

Ngoài bán sinh tố, cô còn nuôi heo, gà, vịt. Thế nhưng bao phen dịch bệnh làm gia đình đã nghèo khó lại còn điêu đứng hơn.

Ôm trẻ vào lòng để xem quần áo sáng nay đi học có thay? Đến nhà cõng học sinh ra lớp

Trường mầm non Tân Hà nơi cô giảng dạy có một làng dân tộc người Rai. Nhiều đứa trẻ vùng này tuy còn nhỏ nhưng sớm phải tự lực vì ba mẹ thường đi rẫy vài ba ngày mới về. Ở nhà, đứa lớn (cũng chỉ bậc tiểu học) chăm đứa nhỏ nên quần áo, mặt mũi, đầu tóc các bé cũng chẳng lấy làm sạch sẽ như những trẻ em người Kinh. Những sáng mai, khi con trẻ tới trường đứa đầu trần chân đất, đứa mũi còn thụt thò chỉ biết đưa tay quệt lem nhem bên má bốc mùi tanh nồng. Đứa quần áo nhàu nhĩ bốc mùi khai vì chiều qua không tắm và đêm ngủ lại tè dầm… Cô Minh lại cần mẫn để sẵn thau nước bên thềm rửa tay chân, mặt mũi cho chúng. Có đứa cô còn ôm vào lòng để xem quần áo đã bốc mùi chua? Hay bay mùi khăm khẳm của nước tiểu hồi đêm?

Bên góc lớp là bị đồ cũ mà cô đi xin của nhiều người đã được giặt thơm tho làm đồ dự phòng. Những bé đã được “thẩm định” có vấn đề được cô tắm rửa và thay đồ sạch sẽ. Có những hôm, gần đến giờ vào học nhưng vẫn vắng vài em. Đoán biết trẻ ngủ quên vì không có ba mẹ ở nhà đánh thức. Gửi vội lớp cho đồng nghiệp, cô chạy vào làng đánh thức và cõng học sinh ra lớp.

Nhẫn nại dạy trẻ đi vệ sinh để xóa bỏ thói quen đi trên cát

Cô Minh cho biết, người dân nơi này quen đi vệ sinh trên cát và lấy que để chùi. Đám trẻ con cũng học được từ ba mẹ điều ấy. Dù nhà vệ sinh sạch sẽ, dù đủ cả cây rửa, giấy lau nhưng nhiều em vẫn nhất quyết ra cát ngồi hoặc đi vào nhà vệ sinh hẳn hoi nhưng không chịu lau chùi mà quẹt lung tung trây đầy lên cả bức tường sơn trắng. Cô Minh nói: “Nếu không bằng tình yêu thương sẽ không đủ kiên trì, can đảm, không đủ nhẫn nại để tập cho các em thói quen tốt”.

Không tính bằng ngày mà bằng tháng đôi khi cả năm, cuối cùng chúng cũng quen dần và có ý thức giữ gìn vệ sinh, chăm sóc bản thân tốt hơn trước.

Dạy từng điều nhỏ nhất

Vào học, sau mỗi bài dạy cô nói mình thường lồng vào bài để dạy kỹ năng sống cho các em. Hầu như đứa trẻ nào vùng này cũng thiếu vốn sống do phụ huynh phần bận công việc, phần cũng chẳng biết đường đâu mà dạy con. Cô nói, dạy cho trẻ đủ điều vì chúng luôn thiếu. Dạy từng cách nói năng thưa gửi, dạy đi đứng, nói cười, dạy cả cách xưng hô với bạn, trả lời với cô và người lớn tuổi. Dạy cả cách ngồi ăn, cách gắp thức ăn vào chén đưa lên miệng sao cho gọn gàng…

Đám trẻ yêu cô, chúng cũng cảm nhận được tình yêu thương chăm sóc mà cô giáo dành cho mình nên đứa nào đứa ấy nhiều khi cứ tíu tít gọi cô là Mẹ Minh.

Những buổi trưa không ngủ để đổi lấy niềm vui cho đám trẻ

Những buổi trưa, trước khi các em ngủ, cô thường đọc thơ, ca dao và kể chuyện thông qua đó tiếp tục dạy trẻ những bài học về đạo đức. Giờ trẻ ngủ, cô lại cặm cụi làm đồ chơi, trang trí phòng học, góc học tập, sân chơi để các em giải trí. Chỉ vào nơi có những chiếc xích đu bằng lốp xe ô tô, là con đường dích dắc từ những miếng gỗ nhỏ, cà kheo cho bé đi làm bằng hai hộp sữa bên trong đã bỏ xi măng trộn cát và cột thêm hai sợi dây.  Xích đu làm bằng lốp xe máy cũ, chiếc vòng đẹp mắt để trẻ ném vào chai được bẻ bằng những cọng thép cũ dán giấy màu bên ngoài. Chiếc thang dây được cưa ghép bằng những đoạn tre nhỏ. Những chiếc bao được may một cách chắc chắn để vỏ cát, vỏ đậu cho trẻ đấm bốc. Một số vòng hoa để ném bóng trúng đích. Những cái chong chóng bằng lá dừa, những bộ đồ quần áo cho búp bê với đủ màu sắc… Cô Minh nói: “Đó là công viên mi ni của bé”. Nhờ có công viên này, mà mỗi ngày đến trường của những đứa trẻ vui hơn. Cũng nhờ công viên này mà đã “dụ” được những đứa trẻ không muốn đi học đến trường.

Thế nhưng, để có niềm vui níu chân trẻ mỗi ngày, là biết bao đêm trằn trọc lên ý tưởng, biết bao ngày đi gom vật liệu và biết bao buổi trưa không ngủ để ngồi làm.

Nhường cơm xẻ áo để những bữa ăn của trẻ đầy đủ hơn

Những đứa trẻ không có điều kiện ở lại bán trú, cô đã cùng một số đồng nghiệp vận động thêm một số Mạnh Thường Quân giúp đỡ các em nghèo. Bản thân cô, mỗi khi có được số tiền bồi dưỡng từ việc dạy trẻ em dân tộc, cô cũng trích lại một phần để tăng thêm khẩu phần ăn cho các em mặc dù cuộc sống của cô vẫn còn khó khăn chồng chất. Có người thắc mắc đã giàu có gì mà giúp đỡ người khác, lo cho mình trước đi. Nhưng cô nói: “Cuộc sống biết bao nhiêu mới đủ, khoản tiền đó xem như bổng lộc nên chia sẻ mỗi người một ít làm vui”. Ngoài tăng thêm chất lượng phần ăn cho trẻ, cô còn hỗ trợ một số đồng nghiệp khó khăn trong trường.

Cô hiệu trưởng Đoàn Thị Bạch Mai đã từng nói về giáo viên của mình: “Dạy trẻ dân tộc rất khó bởi các em quen được sống tự do nên kĩ năng sống đơn giản nhất cũng thiếu. Để dạy được các em vào nề nếp rất cần đến giáo viên tâm huyết nên cô Minh luôn là lựa chọn số một của nhà trường”. Phụ huynh thì luôn khẳng định: “Không được học cô Minh là sự thiệt thòi lớn”.

Nguồn Văn nghệ số 29/2020


Có thể bạn quan tâm