April 25, 2024, 12:58 pm

Mê lộ trong hành trình tha hương

 

Tháng 9/ 1998, tôi gặp và quen nhà văn Nguyễn Một trong Hội nghị Viết văn trẻ tại Hà Nội. Tuy 30 tuổi mới viết truyện ngắn đầu tay nhưng Nguyễn Một nổi tiếng khá sớm so với bạn bè, nhất là sau vụ tiểu thuyết Đất trời vần vũ của ông bị Cục xuất bản tạm ngưng phát hành nhưng sau đó lại được giải cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà Văn Việt Nam.

Năm 2006, ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Nhà văn Nguyễn Một (Trần Viết Sanh) sinh ngày 14 tháng 12 năm 1964 tại A Đông, Duy Phú, Duy Xuyên, Quảng Nam. Đây là vùng đất “xôi đậu” trong thời chiến tranh, các trận đánh nhau diễn ra như cơm bữa. Cha bị bắn chết khi ông còn trong bụng mẹ. Chưa được bốn tuổi, mẹ bị viên đạn lạc bắn ra từ lô cốt của lính Mỹ, trút hơi thở cuối cùng khi đang ôm con ngủ. Máu mẹ đỏ loang khắp người ông, đứa con sau này trở thành nhà văn. Cha mẹ mất sớm trong thời chiến, Nguyễn Một được ông bà ngoại và người cậu ruột cưu mang nuôi nấng. Sau, ông lưu lạc vào tỉnh Đồng Nai, làm phóng viên báo Tiền Phong từ năm 1998 đến năm 2007 rồi về làm truyền thông cho Công ty cổ phần ô tô Trường Hải tại thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài hai tiểu thuyết đình đám là Đất trời vần vũNgược mặt trời, sự nghiệp truyện ngắn Nguyễn Một cũng khá dày, nó tạo thành một mô-týp riêng, nhiều người trong giới cho rằng không cần xem tên vẫn biết đó là Nguyễn Một.

Trong nghiệp viết văn, việc tạo được dấu ấn về cá tính sáng tạo là điều rất khó, bởi nó có được một cách tự nhiên, người sao văn vậy, chứ không cố mà thành. Chính vì nhà văn Nguyễn Một sinh ra và lớn lên trong một hoàn cảnh ám ảnh đặc biệt với những ngọn đòn số phận đau thương như thế nên hầu hết kết cấu truyện ngắn của ông đều chứa một tỷ lệ các thành tố ký ức khá lớn. Yếu tố cốt truyện của Nguyễn Một vì vậy khá riêng, đó là nghệ thuật gắn kết con người với không gian, thời gian quá khứ (đa phần là những qua khứ đã diễn ra trên quê hương), những biến cố, xung đột thường hòa quyện, gợi dẫn, nối kết chặt chẽ, nặng về nhân hơn là quả. Tất cả tạo thành một nhịp điệu quen thuộc trong các truyện ngắn của ông.

Con số 36 truyện ngắn được tuyển chọn trong tập sách này có chủ ý, mang tính biểu tượng, tổng của hai chữ số này là một số đại lão dương và bản thân nó cũng là bội số của 9. Một quá trình khá trọn vẹn vừa tạm khép lại, giáp vòng và đó cũng vừa là điểm khởi đầu mới, cho chu kỳ mới. Một chi tiết nhỏ như vậy cũng nói lên được tính kỹ lưỡng của nhà văn Nguyễn Một, một người con của quê hương Quảng Nam.

Tất nhiên cũng nên hiểu mỗi truyện ngắn trong tuyển chọn này là một sinh thể nghệ thuật đã được khẳng định hoặc đánh giá cao của các hội đồng nghệ thuật uy tín. Chẳng hạn, hai truyện ngắn Trước mặt là dòng sông, Kẻ vô học được tặng thưởng truyện ngắn hay của báo Văn nghệ, ba truyện Chim bay về núi, Chuyện tình trong rừng cấm, Trung quân là những tác phẩm đã được giải truyện ngắn của Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai. Có truyện đã được hãng phim Truyền hình Việt Nam dựng thành phim và đã công chiếu rộng rãi.

“Soi rọi nơi sâu kín của tâm hồn con người, đó là sứ mệnh của người nghệ sĩ”, tôi nhớ Robert Schumann đã nói như vậy, khi đọc truyện ngắn Nguyễn Một, tôi cũng thấy sứ mệnh ấy nơi ông thật rõ nét. Tác giả không nặng lắm về xây dựng tính cách nhân vật hay tái hiện một hiện thực nào đó, ông chú ý đến những dòng tâm tưởng, những ngóc ngách trong tâm hồn con người. Dòng nhân văn chảy xuyên qua các truyện ngắn của Nguyễn Một vì vậy mà trở nên gần gũi với con người, với yêu thương và nỗi đau, với gìn giữ và mất mát, với vun vén và tan vỡ. Tất cả những điều đó ở bên trong con người, qua ngòi bút Nguyễn Một nó hiển hiện dịu dàng và dữ dội trong vùng ngôn ngữ và ánh sáng rất gần với thi ca.

Thử khảo sát một số truyện trong tập sách Truyện ngắn Nguyễn Một.

Xứ người là truyện ngắn khá rõ nét về độc thoại trần thuật, nhân vật nghệ thuật “tôi” ở đây cũng có thể hiểu là lời trần thuật của tác giả. “Tôi ra đi. Cái tình nghĩa quê hương, mà cậu tôi bỏ công giáo dục từ nhỏ, chẳng hề lóe sáng trong sự mông muội của đầu óc đã tê liệt vì đói khổ…”, “Và chính lúc ấy, bất chợt tôi nhớ những giọt nước mắt nóng hổi của người con gái quê nhà. Tôi khẽ rùng mình, bởi vì đây là lần đầu tiên tôi nhớ nàng sau ba năm bôn tẩu xứ người”… Ngôn ngữ tác giả được tái tạo như một sự lưu giữ ký ức chứ không phải hiện diện như là trò chơi tưởng tượng. Điều làm cho người đọc bị hấp dẫn bởi truyện ngắn này là việc chế ngự những xúc cảm và sức mạnh chế ngự ấy lại có được từ tư thế tinh thần, từ những tình cảm đối với quê nhà yêu dấu.

Dù với cốt truyện khá đơn giản nhưng tôi lại thích truyện ngắn Pho tượng tình yêu. Thời gian, không gian truyện và cả ngôn ngữ đều rất phù hợp. Truyện ca ngợi tình yêu có thật trong cái thời mà hôn nhân chỉ là sự gả bán, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, thời mà con người chưa có quyền yêu và được yêu. Không chỉ tôn vinh phẩm chất thủy chung, vượt qua tất cả của tình yêu, nụ cười của người thợ điêu khắc già trước khi trút hơi thở cuối cùng còn là một minh họa cho nghệ thuật gây ảnh hưởng tới xúc cảm của người khác ấn tượng hơn rất nhiều những câu chuyện dài dòng khác.

Truyện ngắn Lửa bên sông là tác phẩm duy nhất không thuần trong dòng độc thoại trần thuật, nó có sự pha trộn với những hóa thân mang tính lịch sử. Truyện liên quan đến vùng đất Đồng Nai thuở ban sơ và những bước chân lưu lạc Nam tiến của người dân Ngũ Quảng. Chuyện liên tưởng về cụ tổ họ Nguyễn với cuộc đời nhiều dông gió, thăng trầm của mình đã truyền ngọn lửa tinh thần của mình đến các thế hệ cháu con sau này.

Tóm lại, qua 36 truyện ngắn trong tuyển tập này, nhà văn Nguyễn Một đã khắc họa khá sâu những ngóc ngách và đường dẫn trong các mê lộ của hành trình tha hương mà bản thân mình đã trải nghiệm với một phận người đi qua nhiều cung bậc bi thương.

Nếu có chút gì đó cần nói thêm thì quả thật tôi không thích mấy với tiêu đề cuốn sách Truyện ngắn Nguyễn Một, nó có vẻ như một cuộc tổng kết quá sớm, không gợi về nghệ thuật, học thuật trong việc đặt tiêu đề. Sở dĩ có một chút gợn đó vì là bạn viết cùng một lứa miền Đông ra Bắc dự hội nghị viết văn, tôi biết bút lực nhà văn Nguyễn Một còn rất sung mãn, theo tôi được biết, ông có 2 quyển sách sắp xuất bản và đang viết một tiểu thuyết dài hơi. Hy vọng sau tập truyện khá thành công này ông sẽ cống hiến nhiều truyện ngắn xuất sắc đầy cá tính hơn nữa.

Nguồn Văn nghệ số 11/2021


Có thể bạn quan tâm