April 25, 2024, 2:46 pm

Mấy suy nghĩ về xây dựng văn hóa trong chính trị

 

            Văn hóa là những giá trị thuộc về con người, của con người, do con người sáng tạo ra, mang tính người, chất người, là giá trị người. Ở đâu có hoạt động của con người thì ở đó có văn hóa. Chính trị là một loại hình hoạt động của con người, vì vậy trong chính trị có văn hóa, gọi là “văn hóa trong chính trị”. Đối với bất kỳ quốc gia nào, chính trị vẫn là yếu tố tác động mạnh mẽ nhất đối với công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước, phát huy văn hóa dân tộc. Đồng thời, một thể chế chính trị tiến bộ, văn minh phải được đặt trên nền tảng của văn hóa, mà biểu hiện rõ nhất là quyền lực chính trị được kiểm soát bằng một cơ chế hiệu quả; đi đôi với không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo và quản lý nhà nước phù hợp với xu thế phát triển của văn minh nhân loại.

 

Việt Nam tham dự cuộc họp giữa 11 nước tại Tokyo, Nhật Bản về CPTPP. Ảnh: TODAYonline.

1. KIỂM SOÁT QUYỀN LỰC ĐỂ NGĂN NGỪA SUY THOÁI

       Nền văn hóa Việt Nam có mặt mạnh nổi trội là văn hóa trong giữ nước và mặt yếu nổi rõ là văn hóa trong phát triển. Ngày nay, đối với nước ta, phát triển là mục tiêu quan trọng nhất. Chính trị lúc này phải tập trung cao nhất cho mục tiêu phát triển của dân tộc và đất nước trên cơ sở giữ gìn truyền thống văn hóa giữ nước và đặc biệt phải liên tục xây đắp văn hóa phát triển.

Hoạt động chính trị giải quyết vấn đề quyền lực, mối quan hệ giữa nhà nước và nhân dân, là một lĩnh vực rộng, bao gồm nhiều nội dung, và qua mỗi thời kỳ khác nhau có thể có một số nội dung nổi bật khác nhau. Nhưng nhìn chung, qua mọi thời đại, nội dung quan trọng nhất của chính trị vẫn là vấn đề quyền lực. Văn hóa trong chính trị thực chất là mối quan hệ giữa con người và con người trong việc nắm giữ và sử dụng quyền lực. Quyền lực thuộc về ai, sử dụng quyền lực cho mục đích gì và kiểm soát quyền lực ra sao? Đó là những câu hỏi phải giải quyết trong quá trình xây dựng văn hóa chính trị.

Với tình hình thực tế hiện nay, việc xây dựng văn hóa trong chính trị ở nước ta cần có những bước đi tích cực để trên nền tảng mọi quyền lực đều là của dân, xây dựng một nhà nước dân chủ pháp quyền kiểu mới, thật sự của dân, thực hiện tốt việc kiểm soát quyền lực, xây dựng bộ máy trong sạch, liêm khiết, hết lòng bảo vệ và phục vụ nhân, nỗ lực phấn đấu cho mục tiêu phát triển dân tộc và đất nước.

Trước và trong thời phong kiến, quyền lực được cho là của thượng đế, của trời; vua là con trời. Trung quân là ái quốc. Học thuyết của Khổng Tử cũng đã góp phần không nhỏ cho tư duy này. Thực ra thì quyền lực là của cộng đồng. Cộng đồng giao cho người đứng đầu để những người đó điều hành cộng đồng nhằm bảo vệ và phục vụ buôn làng, chống xâm lăng, chống thú dữ và thiên tai, địch họa… Nhưng trong thực tế lịch sử thì nhiều triều đại, nhiều thế lực chính trị đã chiếm giữ quyền lực, cầm quyền không giới hạn và sau đó giao lại cho con cháu tiếp nối. Tư tưởng “dân vi bản” là một tư tưởng tiến bộ thời bấy giờ. Nhưng trong chế độ quân chủ, dân là thần dân, bầy tôi trung thành của vua, “dân vi bản” là thể hiện sự quan tâm, chiếu cố của vua. Trong thời đại Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh thần “dân là gốc” đã có bước tiến bộ nhảy vọt, thay đổi về chất so với trước đó. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, “Dân là gốc, dân làm chủ”; đạo đức Hồ Chí Minh là “vì dân”, suốt đời phục vụ nhân dân; phong cách Hồ Chí Minh là “trọng dân”, kính trọng và lễ phép với nhân dân. Toàn bộ tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh tựu trung lại trong một chữ DÂN.

Với chân lý khách quan mọi quyền lực thuộc về nhân dân và với tư tưởng Hồ Chí Minh, hệ thống chính trị và nhân dân phải xây dựng cho được một nhà nước thật sự của dân. Tiếp tục công việc xây dựng nhà nước pháp quyền, bảo đảm cho luật pháp ở vị trí tối thượng, mọi tổ chức và cá nhân phải thượng tôn pháp luật, không có tổ chức hay cá nhân nào đứng trên pháp luật. Đây là một tư tưởng tiến bộ. Tại Châu Âu, tinh thần thượng tôn pháp luật đã có từ thời cuối chế độ phong kiến, sớm hơn Châu Á. Tại Trung Quốc, tinh thần thượng tôn pháp luật đã được nói đến từ thời Tần Thủy Hoàng, nhưng trên thực tế không thực hiện được, vì vua vẫn luôn đứng trên pháp luật.

Nhà nước pháp quyền mà tác giả muốn nói trong bài này là nhà nước pháp quyền kiểu mới. Pháp quyền phải trên cơ sở của dân quyền, chứ không phải là pháp quyền để cai trị dân. Dân ủy quyền cho nhà nước nhưng không mất quyền. Dân giữ sở hữu quyền lực, còn nhà nước có quyền sử dụng theo giới hạn được nhân dân ủy quyền. Kiểm soát việc sử dụng quyền lực, nói gọn là kiểm soát quyền lực, là việc nhất thiết phải làm. Nếu không như vậy thì quyền lực tự nó sẽ làm thoái hóa nhà nước và đảng cầm quyền. Quyền lực luôn có hai mặt. Thứ nhất, đó là một công cụ, phương tiện rất hữu hiệu để bảo vệ và xây dựng đất nước, bảo vệ và phục vụ nhân dân, nếu như nó được trao cho những người có đủ nhân cách. Thứ hai, nó luôn làm thoái hóa con người và bộ máy đang nắm giữ và sử dụng quyền lực, nếu như trao cho những người không đủ nhân cách hoặc không có cơ chế kiểm soát quyền lực.

Nếu trao quyền lực nhiều hơn nhân cách của người sử dụng quyền lực thì thoái hóa đạo đức cán bộ là một điều chắc chắn. Một người lúc đầu có thể tốt, nhưng sau khi đã có quyền lực thì dần dần không còn tốt nữa, mà trở nên hư hỏng một cách rất tự nhiên. Sở dĩ có tình trạng đó là vì con người luôn có hai mặt: văn hóa và tự nhiên; trong đó có những bản năng vốn có. Khi có quyền lực thì dễ đi quá giới hạn cho phép theo các ham muốn bản năng, thành thoái hóa. Quyền lực càng cao và càng lâu thì nguy cơ thoái hóa càng lớn.

Thực tế lịch sử Việt Nam cũng đã chứng minh hầu như tất cả các triều đại phong kiến, kể cả những triều đại danh tiếng lừng lẫy, đã từng có công lao lớn đối với dân tộc, nhưng sau khi nắm giữ quyền lực một thời gian thì thoái hóa đến mức phải sụp đổ. Nguyên nhân chính của sự suy thoái đó chủ yếu là do không kiểm soát được quyền lực.

Từ giữa thập niên 80 của thế kỷ XX, Đảng và Nhà nước ta đã có chủ trương đúng đắn về công cuộc đổi mới, nhờ đó mà đứng vững và có những bước tiến lên như đã thấy. Tuy nhiên, công cuộc đổi mới cũng còn phải tiếp tục nhiều nữa trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là đổi mới giáo dục và văn hóa trong chính trị, bắt đầu từ tư duy. Đổi mới căn bản nền giáo dục và văn hóa trong chính trị vừa là nội dung rất căn bản, chiến lược, vừa là đột phá để tiến lên một cách vững chắc. Hơn 30 năm qua chủ yếu ta mới đổi mới trên lĩnh vực kinh tế, dù cũng mới đi được một chặng đường, sắp tới phải quan tâm nhiều hơn cho nền giáo dục và văn hóa chính trị của nước nhà để có thể tiến lên cường thịnh.

        Khi quyền lực đã được kiểm soát tốt thì nguy cơ thoái hóa đạo đức cán bộ sẽ được ngăn chặn về cơ bản. Đồng thời với đó là việc đổi mới cách lựa chọn và sử dụng cán bộ. Từ đó, đất nước sẽ có một đội ngũ cán bộ công chức đủ phẩm chất và năng lực để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ và bền vững.

 

2. CẤP THIẾT ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC LÃNH ĐẠO VÀ QUẢN LÝ

         Quản lý không có mục đích tự thân. Quản lý là để rộng đường phát triển và tránh những rủi ro, khủng hoảng. Cuộc sống phải tiếp tục đi tới, công tác quản lý phải vươn lên đáp ứng kịp và tốt cho yêu cầu đó. Cuộc sống không thể dừng lại để đợi chờ công tác quản lý. “Quản lý đến đâu thì cho phát triển đến đó” là quan điểm không tiến bộ. Mà quản lý phải theo kịp sự phát triển. Đồng thời, công tác quản lý nhà nước phải hướng đến bảo đảm quyền dân chủ, tự do và quyền con người, từ đó mà thúc đẩy sự phát triển của con người, trước nhất là tư duy độc lập của họ. Sự hạn chế dân chủ và tự do ở các nước phương Đông chịu ảnh hưởng nặng và sâu từ thời phong kiến, đến nay còn những quốc gia và vùng lãnh thổ chưa hoàn thành công cuộc giải phóng tư tưởng khỏi “xiềng xích” ấy. Trong đó cũng có một phần do ảnh hưởng của các nhận thức sai lầm về CNXH không như bản chất chân chính cần có của tư tưởng ấy.

Lâu nay công việc của nhà nước trên nhiều lĩnh vực vẫn nặng bao cấp, bao sân, chồng chéo; nhà nước trực tiếp làm thay xã hội, dẫn đến không còn đủ thời gian và điều kiện cho những công việc chính; còn xã hội thì bị thụ động, không phát huy đầy đủ được sức mạnh nội sinh, cuối cùng nhà nước và xã hội đều bị yếu đi. Để khắc phục tình trạng đó, cần phân biệt rành mạch công việc quản lý nhà nước với các hoạt động sự nghiệp và dịch vụ công nhằm làm rõ trách nhiệm giữa Chính phủ và xã hội. Công tác quản lý nhà nước cần chuyển mạnh từ chỉ huy tập trung sang việc tạo khung pháp lý trên nền tảng nhân văn và hỗ trợ, tạo điều kiện, khuyến khích cho xã hội hoạt động tự làm.

Với đặc điểm của nước ta, để xây dựng văn hóa trong chính trị nói chung và nhà nước pháp quyền dân chủ kiểu mới, cần quan tâm đúng mức việc đổi mới Đảng và phương thức lãnh đạo của Đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như các đảng Cộng sản cầm quyền ở các nước khối XHCN trước đây được tổ chức và hoạt động theo các nguyên lý và nguyên tắc của một đảng kiểu mới do Lê-nin sáng tạo ra. Lý luận của Lê-nin về đảng kiểu mới phần lớn đã hình thành từ hơn một thế kỷ trước. Lúc đó, mục tiêu chính là giành và giữ chính quyền. Do vậy, đảng là đảng để giành chính quyền. Đảng cần phải thống nhất cao về ý chí và hành động, để “khi tiến đánh thì triệu người như một”. Để tạo ra sự thống nhất về tổ chức, đảng ấy phải thực hiện theo nguyên tắc tập trung. Lê-nin giải thích sự tập trung ấy trên cơ sở của dân chủ. Nguyên tắc tập trung dân chủ ra đời từ đó, được coi là nguyên tắc cơ bản để đảng hoạt động. Tuy nhiên, trên thực tế, khi cán bộ của đảng được giao quyền lực, thì rất nhiều trường hợp, thậm chí là khá phổ biến, sự tập trung đã được thực hiện không trên cơ sở của dân chủ, mà từ một sự tập trung cao hơn.

Một đảng để giành chính quyền thì sẽ có nhiều đặc điểm khác với một đảng lãnh đạo văn hóa phát triển. Ví dụ, muốn phát triển vượt lên, thì cần phải có tư duy vượt trước, mà tư duy vượt trước thì lúc đầu là của thiểu số. Còn đa số bao giờ cũng là tư duy trung bình. Nếu lấy đa số để phủ quyết thiểu số thì tư duy vượt trước không ra đời được. Cho nên, để phát triển được, từ nay Đảng cần phải xử lý tốt mối quan hệ giữa đa số và thiểu số. Công việc thì quyết định theo đa số, nhưng ý kiến thiểu số thì cần được tôn trọng, bảo lưu và được tiếp tục trình bày nhiều lần sau đó trong các sinh hoạt nội bộ và trong hoạt động khoa học.

Trước đây, theo quan điểm của Mark, giai cấp nào đại diện cho phương thức sản xuất tiến bộ nhất thì nên để cho giai cấp ấy lãnh đạo cách mạng. Với phương pháp luận đó, ngày nay, trong thời đại hậu công nghiệp và kinh tế tri thức, vai trò của trí thức đang đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến nhất. Để thực hiện được sứ mệnh của mình, Đảng cần chú trọng đến vai trò của trí thức trong liên minh giữa công nhân, nông dân, trí thức và doanh nhân, tạo nên sự gắn bó mật thiết giữa Đảng và trí thức.

       Trước khi giành được chính quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo bằng các giá trị văn hóa. Đó là những chủ trương phù hợp với văn hóa và lợi ích dân tộc, thể hiện mong muốn và ý chí của nhân dân. Đó là những tấm gương về sự chân chính bởi nhân cách và đạo đức hy sinh dũng cảm vì tổ quốc và nhân dân. Đó là phương pháp tôn trọng ý kiến độc lập của người khác, kiên trì thuyết phục, lắng nghe nhau, đối thoại một cách bình đẳng để làm rõ chân lý. Ngày đó, Đảng đã phát huy tối đa sức mạnh của văn hóa dân tộc, thực hiện đại đoàn kết toàn dân, không phân biệt giai cấp, tầng lớp, dân tộc và tôn giáo, để thực hiện thắng lợi công cuộc giành độc lập. Với phương thức lãnh đạo thuyết phục bằng các giá trị văn hóa, Đảng đã chứng tỏ được tính chân chính của mình, được nhân dân ủng hộ và đi theo, từ đó, Đảng đã trở thành người lãnh đạo dân tộc một cách tự nhiên. Ngày nay, cần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng theo hướng quay trở lại phát huy kinh nghiệm truyền thống vốn có của Đảng như trước đây, là lãnh đạo theo phương pháp thuyết phục bằng các giá trị văn hóa thay cho việc trực tiếp sử dụng quyền lực. “Đảng là đạo đức, là văn minh”, “Đảng là trí tuệ, lương tâm và danh dự”. Đó là quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Lê-nin. Đạo đức, văn minh, trí tuệ, lương tâm và danh dự đều thuộc phạm trù văn hóa. Như vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh và cả Lê-nin, thì Đảng xuất phát từ bản chất văn hóa.

Đổi mới phương pháp công tác tư tưởng cũng là bộ phận của việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Ngày nay công tác tư tưởng không thể áp đặt một chiều mà ngược lại phải dân chủ, tôn trọng tư do tư tưởng, tự do ngôn luận, đó là các quyền tự do cá nhân thiêng liêng của con người. Mà đã tôn trọng tư do tư tưởng, tự do cá nhân thì người làm công tác tư tưởng không được quy chụp quan điểm của người khác khi họ khác mình, thậm chí trái với mình. Khái niệm an ninh tư tưởng cần phải được hiểu và giải thích trong giới hạn đúng đắn, không được lạm dụng làm ảnh hưởng hạn chế tự do tư tưởng và ngôn luận, làm mất quyền thể hiện chính kiến của đảng viên và công dân. Sự đa dạng về văn hóa và tư tưởng hình thành môi trường có phản biện, có bổ sung và điều chỉnh đối với tư tưởng và cách sống của mỗi người, nhờ đó mà hoàn thiện tư duy.

          Trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, con đường để tiếp cận chân lý khách quan là sự trao đổi, thảo luận, tranh luận một cách bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau giữa các quan điểm và ý kiến khác nhau. Với sự áp đặt chính kiến, không có môi trường dân chủ để thảo luận bình đẳng, thì con đường tiếp cận chân lý sẽ bị trở ngại. Và khi ấy, con người sẽ trở nên thụ động, một chiều, không có độc lập suy nghĩ, do đó, không phát triển được tư duy, dẫn đến dân tộc và đất nước cũng không phát triển được.

Đổi mới công tác tuyển chọn cán bộ là công việc đặc biệt quan trọng của văn hóa chính trị, vì chính nó sẽ phát hiện và sử dụng nhân tài là nguyên khí của quốc gia. Nhân tài có thể đang ở trong hàng quán nhỏ, ở nơi bìa rừng, đồng nội... và họ không đem ngọc bán rao. Ông cha ta đã nói như thế từ lâu. Người làm công tác cán bộ phải đi tìm nhân tài đang ẩn dật. Ngày xưa cha ông ta đã làm thế. Chứ không phải nhân tài tự chạy đến với người làm công tác tổ chức. Lâu nay công tác cán bộ thường là sắp đặt theo ý muốn, ý chí của người lãnh đạo chứ không có tranh cử. Với cách sắp đặt dễ bị “hôn nhân cận huyết” và không tuân theo quy luật chọn lọc tự nhiên, nên thoái hóa là không thể tránh khỏi. Những năm gần đây một số cơ quan có tổ chức thi để chọn cán bộ, đó là hướng đúng nhưng xem ra vẫn còn nhiều thứ phải hoàn thiện, tránh hình thức. Cần chuẩn bị điều kiện để sớm mở rộng việc ứng cử và thực hiện tranh cử bình đẳng. Tăng quyền hạn và trách nhiệm của các đoàn thể trong việc giới thiệu người ra tranh cử. Sự lãnh đạo của đảng về công tác cán bộ chủ yếu là về tiêu chuẩn, điều kiện, tham gia phát hiện và giới thiệu nhân tài ra tranh cử, bảo đảm cho cuộc bầu cử diễn ra dân chủ và lành mạnh, hạn chế tối đa sự tác động tiêu cực từ đồng tiền.

Đối với mọi đảng cầm quyền đều có mối quan hệ trực tiếp nhất định với quyền lực nhà nước. Để góp phần kiểm soát quyền lực thì nội bộ đảng cần có Ủy ban giám sát do đại hội bầu ra để thực hiện việc sử dụng quyền lực của các đảng viên là cán bộ chủ chốt. Đây là việc cần đề xuất với đại hội toàn quốc lần tới của Đảng cộng sản Việt Nam.

..........................

(*) Nguyên Ủy viên TW Đảng, nguyên Phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo TW.

 


Có thể bạn quan tâm