April 25, 2024, 2:44 am

Mây núi Kỳ Sơn

Huyện miền núi rẻo cao Kỳ Sơn, Nghệ An, có một địa danh nhiều người biết nhưng không dễ đến được, đó là đỉnh núi Phu Xai Lai Leng, cao 2.711m so với mực nước biển, đỉnh núi cao thứ 11 ở Việt Nam, cao thứ ba trong dãy Trường Sơn. Phu Xai Lai Leng theo tiếng Thái có nghĩa là “lang thang đi đâu cũng thấy”, được ví như nóc nhà phía tây của Nghệ An, là “đèn trời”, “mắt thần” dẫn dắt dân bản dù đi xa đến đâu cũng biết đường trở về nhà, về bản.

Chinh phục đỉnh núi Phu Xai Lai Leng.

Lợp nên “nóc nhà” sừng sững ấy là những bản người Mông ở vùng núi cao, quanh năm mây mờ bao phủ; vùng lưng chừng núi là địa bàn cư trú của người Khơ Mú; vùng thung lũng gần sông suối là các bản người Thái; vùng Mường Xén và các xã dọc Quốc lộ 7 là địa bàn sinh sống của người Kinh, người Hoa… Quây quần dưới “nóc nhà” sừng sững, uy nghiêm ấy là rì rầm tiếng rừng, tiếng đất, là lời của các già làng, trưởng bản, của người học được cái chữ kể cùng cháu con những truyền thuyết từ xa xưa về miền đất phên giậu này, như truyền thuyết về đền Pu Nhạ Thầu (hay còn gọi là đền Chín Ô Chín Quai hay đền Nhà Trần, còn theo cách gọi của đồng bào Thái là đền thờ núi Bà Già hay núi Bà Tiên)…

Kể rằng, thuở xa xưa, công chúa La Bình, con gái của Sơn Tinh và Mỵ Nương, cháu ngoại của Vua Hùng, là người tài năng, giàu tâm đức. Nàng thích đi khắp núi rừng để bảo ban dân lành, giúp bản làng có cuộc sống yên vui. Khi qua đời, nàng được bà con chín bản, mười mường suy tôn là Mẫu Thượng Ngàn (mẹ của núi rừng) và lập miếu thờ ở bản Na Lượng, xã Hữu Kiệm…

Kể rằng, cũng tại bản Na Lượng, xã Hữu Kiệm, năm 1335 nơi đây từng là đại bản doanh của Đốc tướng Nhà Trần Đoàn Nhữ Hài nhằm chống giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi. Nhân dân địa phương đã hết lòng ủng hộ nghĩa quân, trong đó có một người phụ nữ cao tuổi động viên chồng con tham gia trận mạc, tự mình tham gia việc tiếp tế quân lương. Trước công lao của Đốc tướng Nhà Trần và bà mẹ nuôi quân, đồng bào Thái ở Na Lượng đã lập đền các vị và thờ chung với Mẫu Thượng Ngàn.

Tương truyền, trong kháng chiến chống quân Minh, một trong những trận đánh mở màn thắng lợi của nghĩa quân Lam Sơn là khi Lê Lợi đưa nghĩa quân từ Thanh Hóa theo đường thượng đạo, tiến về miền Trà Lân (tức vùng Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông ngày nay, theo sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi). Khi qua đền thờ Pu Nhạ Thầu, nghĩa quân được các vị thần báo mộng sẽ giúp đánh thắng giặc. Khi hạ được thành Trà Lân, nghĩa quân Lam Sơn và nhân dân đã tổ chức lễ tạ ơn tại đền. Câu thơ trong Đại Cáo Bình Ngô “Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật/ Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay” chính là mô tả chiến công ở miền đất này của nghĩa quân Lam Sơn với sự tham gia ủng hộ của quân dân miền tây Nghệ An thời bấy giờ.

Ngược thời gian theo chính sử, Uy Minh vương Lý Nhật Quang thời kỳ làm Tri châu Nghệ An (1041-1056) đã huy động nhân dân, binh lính khai khẩn đất đai, đắp đê chống lụt và mở mang giao thông lên vùng núi, trong đó có vùng Cự Đồn (Con Cuông), vùng Vĩnh Hòa (Tương Dương, bao gồm cả Kỳ Sơn ngày nay). Nhân dân các vùng nói trên biết ơn công đức của Uy Minh vương đã lập đền thờ và luôn coi đó là một trong những nơi linh thiêng, nghiêm cẩn nhất.

Cũng thuộc Kỳ Sơn nhưng vùng thung lũng Mường Lống, còn được gọi là Mường Lạc được phát hiện muộn hơn, tới tận năm 1865 bởi nơi đây vốn quanh co, hiểm trở, quanh năm mây mù, ẩm ướt “đốt rẫy cây không cháy”. Người già kể ngày xưa muốn vào Mường Lống, phải men lèn đá cheo leo, thăm thẳm, chân bấm lối mòn “chỉ đủ cho người và khỉ lọt qua” khi trời lạnh tái mà người thì vã mồ hôi vượt Cổng Trời…

*

Một vị lãnh đạo tỉnh Nghệ An hồi còn tại chức cũng như trong chuyến thăm Kỳ Sơn mới đây nhắc nỗi lo thường trực một thời của người đứng đầu tỉnh, trong đó có “vùng giáo không yên, vùng biên không ổn”. Với Kỳ Sơn, nỗi lo “vùng biên không ổn” kể như đã có từ ngày khai bản, lập mường, được minh chứng rõ rành kể từ khi Uy Minh vương Lý Nhật Quang khai khẩn đất đai và Đốc tướng Nhà Trần Đoàn Nhữ Hài kéo quân về cùng với quân dân địa phương dẹp giặc quấy phá, xâm lấn vùng phên giậu của nước nhà.

Quả vậy, Kỳ Sơn nằm ở vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng an ninh, đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào dài hơn 203km, địa hình rừng núi chiếm tới 95,4% diện tích tự nhiên của toàn huyện. Trên địa bàn có 23 tộc người, trong đó có 5 dân tộc anh em chủ yếu cùng sinh sống: Mông, Khơ Mú, Thái, Kinh, Hoa… Nỗi lo vùng biên ở đây không chỉ từ nội tại khó khăn, phức tạp mà luôn đến từ sự chống phá của các thế lực xấu bên ngoài “móc nối” với những người nhẹ dạ, cả tin, kể cả sau khi nước nhà độc lập và dựng xây chế độ mới. Các thế hệ cán bộ, đảng viên và người dân ở Kỳ Sơn gần như “thuộc lòng” câu chuyện chống phỉ Châu Phà (Vua Trời) hồi đầu những năm 60 thế kỷ XX do ông Vừ Chông Pao, già bản người Mông, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân kể lại và sách vở còn ghi chi tiết.

Chuyện rằng, trước tình hình phỉ nổi loạn, quân dân Kỳ Sơn triển khai nhiều phương án tấn công nhưng không sao nhổ được tận gốc. Đang lúng túng thì các ông Vừ Chông Pao và Vừ Dông Xênh được mời ra Hà Nội dự kỷ niệm Quốc khánh 2/9/1963 và không ngờ được Bác Hồ biết rồi hỏi thẳng câu chuyện. Ông Pao thưa với Bác “Vụ nổi loạn Châu Phà ở Kỳ Sơn, người Mông đi theo nhiều nhất, người Khơ Mú đi một số, người Thái, người Kinh không đi… Càng giáo dục thì càng đi nhiều, thật sự thành địch, đi cầm súng bắn lại bộ đội, bắn lại đồng bào mình bắt được thì xử tử hình, có súng thì xử tội 3 năm, đi theo địch nếu bắt được thì xử 3-6 tháng tù giam…”.

Nghe xong, Bác nói ngay “Không được, không được các chú ơi! Theo Bác, chúng ta phải xác định kẻ thù chính của ta là ai, bạn của ta là ai? Theo Bác, 54 dân tộc này là bạn của ta, ta không nên đẩy bạn trở thành địch. Nếu các chú làm vậy thì đánh địch suốt đời không hết! Ta nên ra kêu gọi đồng bào về theo cách mạng. Phải cảm hóa họ, giáo dục họ, đoàn kết họ… Các chú về mở hội nghị tại huyện mời tất cả các già làng có uy tín để truyền đạt lời của Bác…”

Ngay sau đó, một hội nghị tại khu tản cư của cơ quan chính quyền huyện ở bản Xốp Nhị đã diễn ra trong 3 ngày với đại biểu là tất cả các “đầu dòng”, “đầu họ” và những gia đình có con em theo phỉ. Hội nghị quán triệt chủ trương, chính sách khoan hồng của Đảng và Chính phủ, có phương pháp tìm chọn những đối tượng để kêu gọi mang súng trở về với nhân dân. Cùng lúc, Ban chỉ đạo chống phỉ, dẹp loạn của huyện được thành lập, các tổ đội lần lượt tỏa xuống các bản làng để tuyên truyền, vận động, tập trung vào các gia đình có người thân theo phỉ Châu Phà. Ông Pao trực tiếp đi tận Mường Lống vận động và thu được kết quả tích cực. Sau mấy tháng lần lượt 58 người quay súng trở về với dân bản. Đến tháng 7/1964, thổ phỉ Châu Phà cơ bản bị xóa sổ!

*

Trong khi miền Trung nói chung, xứ Nghệ nói riêng chưa mưa đã nắng, có thời điểm “10 ngày 3 cơn bão” thì lạ thay, Kỳ Sơn hầu như không có… bão! Lạ nữa là chỉ trong một huyện, nơi thì chịu ảnh hưởng của gió Lào khô nóng từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm, đỉnh điểm vào tháng 7, nơi thì khí hậu á ôn đới, độ ẩm cao, quanh năm mây phủ, như vùng Mường Lống, nhiệt độ cao nhất không quá 35 độ C, đêm giảm xuống còn 10-12 độ C, được ví như “Sapa xứ Nghệ”! Các gia đình nơi đây hầu như không phải mua sắm máy điều hòa nhiệt độ và ban đêm đi ngủ không phải mắc màn vì không thấy muỗi vo ve. Điều kiện thời tiết, khí hậu khó khăn, diện tích đất đai có thể trồng lúa nước quá ít (vùng thung lũng bằng chỉ chiếm 0,02 % diện tích đất tự nhiên toàn huyện) nên cuộc sống, lao động của đồng bào các dân tộc vốn đã khó lại càng khó hơn. Cái gọi là “kinh tế hàng hóa” ở đây xem ra còn lâu mới “ra ngô, ra khoai” thực sự.

Cách đây chục năm, huyện, xã động viên bà con nuôi “hàng hóa” lợn nít, gà đen, trồng bí xanh, khoai sọ, mận… Năm ấy, nhiều bản được mùa bí xanh. Ăn không hết, cho không ai lấy, bà con kêu lên xã, lên huyện, huyện gọi về tỉnh đề nghị “giải cứu” bí xanh. Tỉnh mừng lắm, cho công ty nông sản thực phẩm đánh xe lên ngay trong đêm. Nhưng thu gom tất tần tật chỉ được 2 xe, còn lại chạy xe không về xuôi! Rồi chuyện mận Mường Lống tràn ngập, rẻ như cho ngày nào và ngay trong chuyến đi mới đây của chúng tôi cũng thấy, cải bắp trồng ra để đó, chỉ thu hoạch gọi là, dù ai cũng biết cải ở đây thì ngon giòn hiếm thấy… Cái khó này kéo theo cái khó khác nhưng vẫn có biết bao lo toan, trăn trở để từng bước một, từng nấc một Kỳ Sơn phấn đấu xoa dần đi danh phận “một trong 62 huyện nghèo nhất cả nước”, “là nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh”…

Cây thuốc phiện từng là nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây, nhất là “thủ phủ” Mường Lống. Quả là một công việc không dễ dàng nếu không có đội ngũ cán bộ, đảng viên “không sợ khó, không sợ khổ, không sợ nghèo, không sợ nặng nhọc và đặc biệt không sợ hy sinh”. Đó là quá trình “cầm tay chỉ việc”, rồi đến “cho cần câu không cho cá” để thay cây thuốc phiện bằng cây mận, cây đào, các loại cây dược liệu, trồng cỏ voi, nuôi bò lai bên cạnh bò địa phương…, nghĩa là bằng mọi cách tạo ra nguồn thu đủ sức nuôi sống gia đình, học hành, chữa bệnh… Đặc biệt, từ năm 2000 đến nay, tuy cách làm thay đổi nhưng Kỳ Sơn vẫn duy trì phong trào có tên gọi rất cụ thể, thiết thực “Mỗi đảng viên giúp một hộ nghèo”! Ban chấp hành Đảng bộ huyện do ông Hoàng Xuân Lương, Bí thư lúc bấy giờ phát động và gương mẫu đi trước, làm trước. Ngoài giờ, ngày nghỉ, ông Lương đi xe máy vào bản để tìm cách giúp hộ nghèo. Theo đó, từng cán bộ, đảng viên đăng ký và trực tiếp nhận giúp đỡ một hộ nghèo từ việc giúp bà con thay đổi nhận thức, thay đổi cách làm, từ bỏ nếp sống lạc hậu, đưa con em đến trường, giúp một loại con giống, cây giống để tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm… Cán bộ, đảng viên “đeo bám” đến cùng, từng bước giúp hộ nghèo vươn lên, tự chủ trong cuộc sống và lao động, sản xuất. Không phải ngẫu nhiên phóng sự Mỗi đảng viên giúp một hộ nghèo của Truyền hình Nghệ An có số điểm cao nhất và đoạt huy chương vàng tại Liên hoan truyền hình toàn quốc hồi tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh hồi 2003. Ấy là những thước phim chân thực, về gương điển hình, cách làm hay, ở đâu, lúc nào cũng có thể học tập và làm theo được. “Vàng” là ở chỗ đó!

*

Ông Vi Hòe, Bí thư huyện 2 nhiệm kỳ nay cho biết, không còn cách nào khác, Kỳ Sơn phải tự đứng vững rồi đi lên từ rừng, giảm thiểu tình trạng phá rừng đi đôi với việc phát triển các loại cây kinh tế cao phù hợp với điều kiện sinh thái như pơ-mu, sa-mu, đinh hương, nghiến, săng lẻ… Ông mời chúng tôi tới xã Huồi Tụ thăm khu rừng trồng pơ-mu, sa-mu của ông Vừ Vả Chống. Vùng đồi núi này nằm ở độ cao hơn 1500 m so với mực nước biển, thuộc tiểu vùng khí hậu á ôn đới, quanh năm mây phủ. Ban đầu ông Chống chăn thả trâu bò, rồi chăm chỉ phát quang rừng, dọn vườn và từ năm 2003 bắt đầu trồng cây dài ngày như pơ-mu, sa-mu, cây ngắn ngày như chè, mận… Ông Chống cho biết: Từ “lấy ngắn nuôi dài”, gia đình ông đã có thu hoạch chè, tính ra mỗi năm thu trên dưới 40 triệu đồng, cơ bản đủ cho việc yên tâm chăm sóc, nuôi giữ rừng trồng pơ-mu, sa-mu và dự định các công việc khác. Ông cũng cho biết đến nay có thể thu hoạch một số gỗ pơ-mu và sa-mu nhưng ông chưa chịu. “Một cái cây mình trồng, mình chăm nhiều năm nay, đang xanh đang lớn, chặt đi tiếc lắm. Mà cứ thấy chặt cây giống như chặt tay mình nên khoan đã, cứ để cây lớn nữa”. Đoàn chúng tôi ai cũng bất ngờ khi ông Chống nói rõ rằng “Ở Huồi Tụ này a, ai chặt một cây là phải trồng một cây à, không nói lơ mơ…”.

Được biết, có rất nhiều đoàn công tác đã tới tham quan, nghiên cứu mô hình rừng trồng của ông Chống, nhằm nhân rộng ra trên những địa bàn phù hợp; hơn nữa, khách du lịch cũng đã lục tục kéo đến, các đôi gái trai trước ngày tân hôn cũng kéo nhau tới đây chụp ảnh cưới… Đến đây thì ai cũng hiểu vì sao ngay trên đỉnh núi, ông Chống đã “tính đường xa” cho san lấp một mặt bằng rộng chừng 2.500m2, đã lắp đặt 250m ống nước vừa phục vụ chăm sóc cây, vừa phục vụ sinh hoạt của du khách và người lao động nhằm đón đầu những “dịch vụ” mới sẽ mọc lên ngay trong khu vườn rừng này.

Một trong những định hướng lớn của Kỳ Sơn là xây dựng tuyến du lịch kết nối các vùng kinh tế nhằm khai thác những cái “riêng có”, hoang sơ thuần khiết của vùng miền núi, dân tộc như nét văn hóa tâm linh đền Pu Nhạ Thầu ở Hữu Kiệm, vùng thời tiết mát mẻ, phong cảnh hữu tình ở Mường Lống, tham quan hang động và thưởng thức ẩm thực ở Mỹ Lý hay đi chợ biên giới, ngắm rừng hoa ban ở Nậm Cắn…

Làm việc tại Mường Lống, ông Và Chá Xà, chủ tịch xã đề cập tới việc mở mang phát triển du lịch nơi đây và đề nghị đoàn “cho ý kiến quý báu”? Đoàn cho là “việc xã thì xã là rõ nhất” và nêu ý kiến tham khảo: Việc cần làm và làm được để mở mang, thu hút du lịch ở đây trước hết là quy hoạch lại đường làng, ngõ bản, nơi chăn nuôi gia súc, gia cầm sao cho ngăn nắp, sạch đẹp; tiếp theo là chăn nuôi đi liền với hệ thống dịch vụ nhằm tiêu thụ tốt sản phẩm, trong đó có việc chăm nom đàn bò thịt, kể cả bò chận phục vụ thi đấu, giao lưu, mở mang quan hệ không chỉ ở Tiền Tiêu hay Mường Xén mà tiến tới tổ chức “hội bò chận” gắn với các lễ hội truyền thống, các ngày lễ, tết.

Nguyên chủ tịch huyện Mùa Nỏ Tu, đương kim phó bí thư huyện Lỳ Bá Thái là những cán bộ người Mông vô cùng “say sưa” bò chận, rất thuận lợi để “đẩy” sinh hoạt văn hóa này lên một tầm mức mới, có thể phục vụ du lịch, tỏ chức thường kỳ, tạo phong trào chăn nuôi rộng khắp, tránh tệ nạn xã hội. Có hội, có việc, già bản hô một tiếng, cán bộ làm trước là dân bản ùn ùn theo sau. Hội xa thì có xe chở người, chở bò, nói liền, làm ngay. Mường Lống và một số nơi trồng nhiều cỏ voi, vừa giải quyết lao động, vừa có thức ăn chăm bò thịt, bò chận, giá một con bò chận từ 50-60 triệu đồng, khi được giá lên tới cả trăm triệu đồng, có người còn trả bằng đô-la Mỹ… Rõ ràng, đây là một “mũi” kinh tế - văn hóa cần duy trì và “mở” hơn nữa.

*

Già bản Lỳ Phà Chò nhắc đi, nhắc lại câu chuyện “cả trăm năm mới phá bỏ được thủ phủ thuốc phiện Mường Lống”! Chủ rừng pơ-mu, sa-mu Vừ Vả Chống nói loại cây này càng lâu gỗ càng tốt, dựng nhà hàng trăm năm không mối, không mọt! Ông Chống còn kể rằng, những tấm gỗ sa-mu lợp nhà, gặp nắng gió thì khô cong lên. Nhưng chỉ cần thời tiết thay đổi, trời sắp mưa là những tấm gỗ tự nở giãn ra, kín lại mái nhà, nỏ có chuyện thấm dột long tong nước mô nà!.. Đúng là ở Kỳ Sơn, không có chuyện gì, việc gì nhanh, vội mà dễ thành. Như chuyện xóa đói giảm nghèo, cố gắng vượt thoát khỏi “tiếng” huyện nghèo nhất nước càng không thể tính bằng năm hay chục năm mà phải lâu dài, bền bỉ. Như chuyện chàng trai Gia Ba Sử dày công luyện võ để giết được con hổ xám ác độc và bằng tài năng thổi khèn để giải thoát cho vợ khỏi lốt hổ, trở lại thành người trong truyện cổ của người Mông ai ai cũng biết, cũng thấm. Và khi Kỳ Sơn giữ “ổn biên giới”, giữ cho mái nhà phía tây Nghệ An và phía tây của đất nước hòa bình, hữu nghị, không bị “thấm dột” đã là công sức không thể đong đếm, không gì đánh đổi.

Xe bon bon đi tới Cổng Trời Mường Lống. Qua cửa xe thấy mặt trời vừa ló rạng dưới chân núi và mây trắng ùa về dưới lũng tạo nên một bức tranh buổi sáng vùng núi cao vừa quen vừa lạ, như thấy lần đầu cũng như đã từng quen thuộc đâu đó. Mây núi Kỳ Sơn hùng vỹ mà yên ắng lạ thường. Ai cũng muốn đi chậm chậm hoặc dừng lại, bước ra khỏi xe mà hít thở khí trời nhẹ bẫng, phóng tầm mắt tìm dãy Phu Xai Lai Leng vút xa như để tìm về nhà mình, bản mình trong mây trắng bay mơ, mơ bay níu gọi…

Nguồn Văn nghệ số 17/2021

        


Có thể bạn quan tâm