April 20, 2024, 10:02 am

Mấy mươi năm, một chặng dài

 

Sau chiến công bắt giặc lái Mỹ nhảy dù trên biển Tĩnh Gia, Thanh Hóa chiều 14/3/1966, anh lính Đỗ Minh Dương, tiểu đoàn 1, trung đoàn bộ binh 57, quân khu Ba “ngũ hỷ lâm môn”: Một, được thưởng huân chương Chiến công hạng 3. Hai, được thăng quân hàm thiếu úy. Ba, được kết nạp vào Đoàn. Bốn, được cấp trên cử đi dự lớp đào tạo sĩ quan cấp tốc cho chiến trường; xong, đón hỷ thứ năm, thăng quân hàm Trung úy, cuối năm 1968 được cấp trên điều về làm Trợ lý tham mưu Trung đoàn Lam Sơn, một trung đoàn chuyên làm nhiệm vụ huấn luyện bộ đội để chi viện cho các chiến trường miền Nam. Những tưởng từ đây đời binh nghiệp của anh sẽ hanh thông. Nhưng, “Đường trần phấp phỏng tôi đi/ Ngày mai ai biết những gì xảy ra…”

Kỳ huấn luyện tân binh năm ấy, chuẩn úy Trợ lý tác huấn tiểu đoàn 1, vì muốn dày thành tích nên đã ngầm chỉ đạo tổ báo bia ăn gian điểm. Dưới sự đạo diễn của Thuật, chiến sĩ báo bia cầm sẵn cái dùi trong tay lên giả vờ xem bia, rồi đạn trúng đâu không biết, cứ vòng 9 vòng 10 dùi lỗ. Kết quả, điểm xạ kích của Tiểu đoàn 1 đặc công đẹp như mơ. Cả Trung đoàn không ai nghi ngờ, mà cứ nghĩ lính đặc công thì phải vậy.

Tình cờ có người báo cho Dương biết. Kiểm tra, thấy tin báo chính xác, anh báo cáo với Ban Chỉ huy Trung đoàn. Giá anh dừng ở đó thì không sao, nhưng nghĩ tới những nguy hại mà căn bệnh thành tích của Thuật sẽ gây ra, Dương viết bài thơ Vòng mười gửi báo Quân đội nhân dân: “Xạ trường súng nổ, đạn bay/ Trên bia liên tiếp cờ quay vòng mười/ Vòng mười rồi lại vòng mười/ Tưởng rằng bắn thế thì vui vô cùng/ Nào hay việc chẳng đáng mừng/ Cờ thì quay tít mà lòng không vui/ Dấu que che mắt mọi người/ Muốn to thành tích nên dùi bia ra/ Hôm nay ta tập với ta/ Mai đi giết giặc dùi ra bằng gì/ Chưa giỏi thì luyện giỏi đi/ Giỏi rồi bắn trúng cần chi phải dùi”. (Ký tên: Minh Dơn, Trung đoàn 14 - Đoàn Lam Sơn).

Bài thơ được báo Quân đội nhân dân in trong mục Ống kính chụp nhanh.  Ngày báo phát hành, “sấm sét” nổ vang toàn quân. Cục Quân huấn, Quân khu, rồi Bộ Tổng Tham mưu lập tức cử người vào. Bộ Tư lệnh Đặc công gọi hết các “sếp” Trung đoàn ra bản doanh đóng ở Quần Ngựa, quần cho tơi tả. Trở về, Ban Chỉ huy trung đoàn ông nào ông ấy mặt méo xẹo. Dương gặp chào, không thèm đáp. Chính ủy Trung đoàn Nguyễn Mạo, người ngày thường lành như đất chỉ mặt Dương nói như quát: “Tất cả là do mày. Văn chương báo chí, làm hại cả Trung đoàn…”.

Kết quả, toàn bộ Ban Chỉ huy Trung đoàn nhận kỷ luật cảnh cáo. Trợ lý tác huấn tiểu đoàn, “tác giả” của màn kịch thành tích nọ, bị giáng cấp xuống thượng sĩ, suýt phải khai trừ đảng. Anh ta căm Dương đã đành, mà Ban Chỉ huy Trung đoàn từ bấy cũng không còn ai ưa Dương. Anh bị buộc ngồi chơi xơi nước.

Nghe tin nhà, mẹ bị bố dượng hành hung, dìm đầu xuống mương nước giữa trời rét, sinh bệnh lao. Dương xin nghỉ phép, về thăm mẹ. Anh nghiên cứu kỹ căn bệnh nan y, lập một phác đồ điều trị cho mẹ, tiêm thuốc gì, ăn thức gì… Nhờ thế mà mẹ khỏi hẳn bệnh.

Trở lại Trung đoàn, tính chuyện tương lai, Dương xin đi Hoằng Châu, Hoằng Hóa học lớp kế toán Trường Trung cấp Thủy sản, thời gian 18 tháng. Tốt nghiệp, Trung đoàn trưởng Vũ Thiện Đễ bảo anh: “Cậu được đào tạo như thế, chúng tôi tín nhiệm cậu như thế. Chuyện xảy ra, bố trí cậu về đâu cũng khó. Giờ tùy cậu quyết định”. Vậy nhưng khi Dương viết đơn xin đi chiến trường, ông Đễ không cho. Cuối cùng, anh đành phải giải ngũ, dù lúc này miền Nam đang rất cần những chiến sĩ như anh. “Ba năm rồi phục viên, sao vàng anh cất đi, anh về anh nuôi con…” (Lời hát dân gian). Con Dương chưa có, nhưng có mảnh bằng Trung cấp Kế toán anh được Hợp tác xã phân công làm Kế toán trưởng. Ba mẹ con đùm bọc nhau. Đây là thời gian mẹ anh sung sướng nhất, con trai lớn đã trưởng thành, có công ăn việc làm, được mọi người tôn trọng, con trai bé đang học cấp 3. Mong muốn cậu cả yên bề gia thất, bà giục Dương lấy vợ. Lấy vợ? Ừ thì lấy, có sao đâu, thế là chàng Dương ta cưới vợ…

Năm 1972, cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ diễn ra ác liệt. Dương nhận được thư của nhà thơ Mai Ngọc Thanh, Trưởng ban vận động thành lập Hội Văn nghệ Thanh Hóa, người anh quen hồi làm Trợ lý tác chiến trung đoàn Lam Sơn. Nhà thơ Mai Ngọc Thanh cho Dương biết, có một đoàn nhà văn từ Hà Nội chuẩn bị vào Thanh đi thực tế chiến trường. Ông ngỏ ý nhờ anh thu xếp để đi với đoàn. Thế là chàng Kế toán trưởng hợp tác xã nông ngư nghiệp Phú Thịnh từ bỏ nghiệp Kế toán như không. Chuyến đi ấy, nhà thơ Trinh Đường, một thành viên trong đoàn đã hoàn thành tập thơ “Về Thanh”, với hơn 100 bài thơ, trong đó có bài viết tặng Đỗ Minh Dương: “Nhớ bạn tôi về thăm Hải Lĩnh/ Nhà bạn kề bên núi Ngọc Sơn…”. Nhà thơ coi anh như bạn, còn anh coi ông như một người thầy văn chương. Hai người sau đó giữ quan hệ thân thiết với nhau cho tới năm 2001, khi nhà thơ qua đời.

Xong cái việc “… thổi tù và hàng tổng” ấy,  Đỗ Minh Dương không về quê, cũng không về Ban vận động, mà xin về báo Thanh Hóa. Anh ở báo Thanh Hóa 7 năm (1973-1980). Ở Tây Nguyên 2 năm (1980-1982) và ở báo Đồng Nai 18 năm (1982-2000). Công việc làm báo tạo điều kiện cho Dương đi nhiều nơi, gặp nhiều người. Sau mỗi chuyến đi, nhiều tác phẩm thơ văn báo chí của anh ra đời. Bài thơ Gặp em trong đêm hội diễn, giải C cuộc thi thơ báo Văn nghệ năm 1975-1976 được tác giả viết từ một chuyến đi như thế. Giải không cao, nhưng cũng là một dự báo. Tuy nhiên, từ dự báo này mà mãi tới hơn 40 năm sau (2017) bước vào tuổi 70 anh mới được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Nhà thơ Mai Ngọc Thanh đã có lần bảo tôi, tư duy báo chí làm hại tư duy thơ Đỗ Minh Dương. Nhưng theo tìm hiểu của tôi thì không hẳn vậy. Sau lần phải chịu sự hàm oan đầu đời, Đỗ Minh Dương còn phải chịu thêm hai lần hàm oan nữa. Một ở báo Thanh Hóa, một ở báo Đồng Nai. Lần nào cũng tầy đình, cũng đủ sức đánh gục nạn nhân. Vì thế, dù anh đã chọn sự im lặng, không trách móc, không kiện tụng, lặng lẽ sống, lặng lẽ viết, giữ một sự tĩnh tâm trước những hàm oan mà người đời buộc trói, thì muốn hay không tâm sức cũng phải đổ dồn vào việc giải quyết những hệ lụy mà những sự hàm oan gây ra. Trong điều kiện ấy, sáng tác được mười tập thơ: Hương gió miền đồi - 1980, Thư tình để ngỏ - 1990, Chạnh lòng - 1997, Tình yêu và định mệnh - 2001, Hành trình lục bát - 2003,  Với miền đất đỏ - 2007, Đợi chờ bình minh em - 2009, Đồng dao cho mình - 2013, Lục bát dọc đường - 2014, Vầng trăng đợi mùa - 2018, tạo dựng được tên tuổi như anh, kể cũng đã là một sự cố gắng. Và tôi thấy, trước những nỗi hàm oan cách, ứng xử của Đỗ Minh Dương không khác cách ứng xử của một người Thanh Hóa cổ là Mai An Tiêm trong truyền thuyết “Quả dưa đỏ”. Nhưng Mai An Tiêm thành công, còn Đỗ Minh Dương thì không, như anh tự nhận xét: “Ba mươi năm - một chặng dài/ Thuyền tôi đậu bến Đồng Nai lặng lờ/ Tài chưa đủ sáng cho thơ/ Đức chưa rọi thấu đôi bờ thực, hư…” Tuy vậy, trong mọi lúc, mọi nơi thơ luôn là bạn đồng hành, giúp anh giãi bày những nỗi niềm không thể ngỏ và khi ấy những nếm trải cuộc đời ánh xạ vào thơ anh khiến thơ anh bàng bạc những nỗi buồn muôn thuở của kiếp nhân sinh

“Văn ví như gạo nấu thành cơm, còn thơ là gạo chưng cất lên thành rượu”. Ăn cơm, người ăn có thể đoán biết được nguồn cội của cơm khi còn là những hạt gạo. Nhưng uống rượu thì không. Đọc thơ Đỗ Minh Dương, người đọc không biết cụ thể những gì anh đã trải, nhưng biết rõ anh là một người đa cảm, nặng tình.  “Chiến tranh, sống chết, lang bạt, phũ phàng đeo bám thơ anh. Tổ tiên, ông bà, cha mẹ, vợ con, bạn bè đeo bám thơ anh. Ngọn núi, dòng sông, mái nhà, rào dậu đeo bám thơ anh…” (Nguyễn Trọng Tạo). Thế nên mới có thơ thế này: “Tăng võng vải dù... thay những áo quan/ Người chôn cất trận sau thành liệt sĩ/ Bia gỗ đơn sơ cắm đầu mộ chí...Mấy chục năm sau đồng đội đi tìm…. Thế này: “Nhớ mùa gió bấc mưa thâm/ Áo tơi nón lá chân dầm ruộng sâu/ Buồn vui trộn cối giã trầu/ Nỗi niềm vấn chít khăn đầu nhà quê…. Lại thế này: “Bạn bè lác đác sao rơi/ Trái tim rỉ máu khóc người tài hoa…

Đỗ Minh Dương mạnh về lục bát. Lục bát của anh luyến láy, giản dị, tự nhiên và khá tài hoa. Có những câu tưởng ai cũng có thể viết: “Dáng con bé nhỏ xanh gầy/ Bỗng thành điểm tựa những ngày gian truân”. Nhưng hiểu anh rồi mới thấy đó là thơ bật ra từ ngõ tận. Năm ấy (1979), Đỗ Minh Dương vừa ly dị vợ xong, bị báo Thanh Hóa cho thôi việc. Từ quê nhà, anh ôm con nhảy tàu vào Nam, lên Tây Nguyên đầu quân cho nông trường cao su 19/8. Đêm chiếc xe đò chở hai bố con vượt đèo Phượng Hoàng, thằng bé bỗng lên cơn sốt. Đến giữa đèo, chiếc xe hỏng máy, nằm lại. Nhìn về xuôi Đỗ Minh Dương thấy một chiếc U-oát đang chạy tới, dù chỉ còn một phần nghìn tia hy vọng anh cũng ôm con nhảy ra giữa đường chặn chiếc xe lại xin đi nhờ. Trời không bỏ hai bố con anh. Chiếc U-oát dừng lại. Đấy là một chiếc xe công vụ, và những người trên xe đã có một nghĩa cử không thể nào tốt hơn là mở cửa xe, thu xếp chỗ ngồi cho hai bố con, đưa thẳng về Buôn Mê Thuột...

Chính từ những nghĩa cử này của cuộc đời, mà dù đã trải qua nhiều cay đắng, thơ Đỗ Minh Dương trước sau vẫn giữ một thái độ tích cực, đầy tin yêu: “Khi ngụp lặn giữa dòng đời đau khổ/ Ta vỡ ra bao ấu trĩ, dại khờ/ Như hạt giống âm thầm đau tách vỏ/ Vươn mình lên thành mầm biếc non tơ…

 

Nguồn Văn nghệ số 29/2019


Có thể bạn quan tâm