April 20, 2024, 2:48 pm

Mặt trái của việc dạy Ngữ Văn trên truyền hình

Đại dịch Covid-19 thực sự là một “cuộc chiến” mà tinh thần dân tộc, sự đồng lòng nhất trí đẩy lùi đại dịch là điều mà đất nước ta cần ngay lúc này để chống lại đại dịch nguy hiểm ấy. Covid-19 đã ảnh hưởng đến nhiều mặt của đất nước ta, trong đó có giáo dục.

Trong thời điểm này, các trường tiếp tục rà soát tinh giản nội dung kiến thức theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời tổ chức dạy học qua Internet, kênh truyền hình nhằm đảm bảo kiến thức cho học sinh hướng đến những kỳ thi quan trọng sắp tới. Trong hệ thống các môn học được giảng dạy trên kênh truyền hình có môn Ngữ văn. Dạy Ngữ văn trên truyền hình quả là một thử thách, bởi nó phản ánh được trình độ, kiến thức, khả năng truyền đạt, dẫn dắt… của giáo viên trước công chúng. Mặc dù các Sở Giáo dục và Đào tạo đã sàng lọc, lựa chọn những giáo viên ưu tú của tỉnh, thành phố, song vẫn tồn tại những vấn đề đáng nói. Hầu hết chúng ta đều tự đặt ra câu hỏi rằng: Liệu dạy Ngữ văn trên sóng truyền hình có thật sự nghiêm túc, đúng phương pháp và mang lại những hiệu quả như cách dạy truyền thống trên lớp hay chưa?

Tôi không có thời gian để xem nhiều những bài giảng Ngữ văn những ngày gần đây, tuy nhiên tôi cũng có xem qua một vài bài giảng trên các đài phát thanh - truyền hình như CTV (Cà Mau), DRT (Đắk Lắk), HANOITV (Hà Nội)… và nhận thấy rằng đâu đó vẫn còn tình trạng trình chiếu lên màn hình nội dung bài giảng, còn giáo viên đúng nghĩa là “biên tập viên” chỉ việc đọc lại những gì đã trình chiếu, hoặc nói đôi câu nhạt nhẽo, sơ sài, vòng vo, bằng giọng điệu dễ “ru ngủ” người xem. Tôi tự hỏi rằng học sinh đã thực sự cảm nhận được hết những điều mà giáo viên đã giảng hay chưa, hay xem trước quên sau. Tôi không cho rằng nội dung mà giáo viên chọn để trình chiếu lên màn hình là nông cạn, tầm thường, nhưng dường như các thầy cô chỉ hướng đến nội dung là nhiều, còn kĩ năng thì ít ỏi. Phải chăng do thời gian trực tuyến trên sóng truyền hình có hạn nên giáo viên không thể truyền tải trọn vẹn, hay nhất, súc tích nhất mà hiệu quả nhất những điều cốt lõi của bài giảng? Cái hay của một giáo viên dạy Ngữ văn là tận dụng thời gian ngắn ngủi của tiết học để truyền đạt điều thật sự cảm xúc, nói ra được cái mà học sinh cần nghe chứ không phải diễn giải lan man những điều mà ai cũng đã biết rồi, không phải đọc cho học sinh nghe trong khi những điều đó học sinh có thể tự đọc được từ những nguồn khác nhau. Chẳng hạn khi xem bài giảng Ngữ văn 9 trên CTV (Cà Mau) về bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương, tôi nghĩ rằng giáo viên đã đưa ra quá nhiều nội dung không cần thiết. Trong đó có phần “Mục tiêu cần đạt” (mục này học sinh có thể tự xem trên khung vuông trang 55), về tác giả Viễn Phương cũng đưa ra những kiến thức nhiêu khê, không súc tích, không cung cấp được những điều mới mẻ về Viễn Phương (những kiến thức cô giáo đưa ra học sinh cũng có thể đọc được từ chú thích *SGK). Bên cạnh đó, tôi cảm giác như cô giáo chỉ đọc lại những dòng được chiếu trên màn hình bằng giọng điệu chậm rãi, đều đều, nhạt nhòa đến mức khiến người xem buồn ngủ. Dường như nhiều giáo viên đã hiểu lầm dạy học trên kênh truyền hình cũng giống như dạy trên lớp, trình chiếu trên màn hình Tivi cũng như trình chiếu trên lớp học nên đã không ý thức được việc cần phải gom gọn kiến thức, xoáy sâu vào giảng và gợi mở hơn là đọc những gì sẵn có.

Trong thời điểm “nước rút” này, việc dạy văn trên truyền hình cần được giáo viên nhìn nhận nghiêm túc và có những phương pháp đúng đắn chứ không thể bê nguyên xi những bài giảng trình chiếu trên lớp học lên màn hình Tivi và “nói nhăn nói cuội” được. Về mặt kiến thức, giáo viên nên tóm gọn lại, biết lướt qua những chỗ mà học sinh có thể tự khám phá, chiêm nghiệm, nhấn mạnh những chỗ quan trọng gây khó cho học sinh, đồng thời phải truyền được “lửa” đam mê để học sinh quên rằng mình đang xem dạy Ngữ văn trên Tivi mà ngỡ đây là một bài giảng thực sự trên lớp. Thứ “lửa” đó sẽ có tác dụng thôi thúc học sinh yêu tác phẩm, có khát khao đi sâu vào tác phẩm để khai phá thế giới mà nhà văn mang đến. Đặc biệt là chú trọng vào kĩ năng làm văn của học sinh, đưa ra những lời khuyên phù hợp. Mục đích của việc học văn đối với học sinh THPT suy cho cùng cũng để làm bài văn đạt điểm cao trong kỳ thi sắp tới. Vì vậy, tôi nghĩ giáo viên nên hướng đến cách giải quyết một số dạng đề (Nghị luận xã hội và Nghị luận văn học), đặc biệt là câu Nghị luận văn học trong đề thi, chỉ cho học sinh nên vận dụng đơn vị kiến thức nào từ tác phẩm cho đề văn cần giải quyết. Kiến thức mà giáo viên cung cấp phải rõ ràng, thể hiện được quan điểm riêng nhưng hợp lí, không mơ hồ… như thế mới tạo được lòng tin cho học sinh. Thời điểm này học sinh khó có thể nhồi nhét thật nhiều câu chữ vào trong đầu, giáo viên phải biết cách mở ra nhiều khoảng trống cho suy nghĩ của học trò, tạo điều kiện để học trò huy động hiểu biết, tự thân nghiên cứu… từ đó nhớ lâu hơn, quan điểm mang màu sắc cá nhân hơn để khi viết văn tạo thành một “phong cách” nhất định chứ không hệt như những bài văn mẫu. Điều này tôi chưa thật sự thấy nhiều trên một số bài giảng mà tôi đã xem trên truyền hình.

Từ vấn đề này, tôi nghĩ rằng việc dạy Ngữ văn trên sóng truyền hình quả thực là một thách thức của giáo viên. Dạy Ngữ văn trên Tivi thật sự không phải là một cách thức tệ, nó thật sự phù hợp với hoàn cảnh này. Tuy nhiên nó phần nào phản ánh được sự khéo léo, cách dẫn dắt, giọng điệu truyền cảm “gây thương nhớ” của giáo viên. Dẫu sao thì cách dạy truyền thống vẫn hữu hiệu hơn cách dạy học “thời 4.0” này. Mong rằng dịch Covid-19 sẽ mau chóng đi qua trả lại một hệ thống giáo dục nghiêm túc, thống nhất và thật sự hiệu quả.

Nguồn Văn nghệ số 19/2020


Có thể bạn quan tâm