April 26, 2024, 5:10 am

Mắt đảo Sơn Dương

 

Đảo Sơn Dương, một hòn đảo thuộc xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Đảo nằm cách đất liền 4 hải lý, được coi như “Con mắt thần” giữa biển khơi án ngữ cửa ngỏ ra vào cảng Vũng Áng.

Một góc Dự án cảng Sơn Dương. Ảnh Internet

Đây là hòn đảo có vị trí chiến lược về quốc phòng, án ninh là chốt chặn quan trọng trên biển để bảo đảm an toàn cho tàu thuyền ra vào cảng Vũng Áng, cho hoạt động đánh bắt cá của ngư dân trên biển. Đảo có diện tích khoảng 1km2, còn giữ được nét đẹp hoang sơ với nhều hệ thống hang động và dốc đá tai mèo được phủ kín một màu xanh của các loài cây, thảm thực vật. Lần đâu tôi cứ hình dung ra đảo xanh mát này như một khu nghỉ mát lý tưởng hóa ra khi ra đây thì thấy thời tiết khá khắc nghiệt. Trên đảo chỉ có một cái giếng duy nhất được phép sử dụng vào mùa mưa còn mùa hè thì gần như khô cạn. Hiện tại đảo đã được đầu tư xây dựng một bể chứa nước ngọt khoảng 150m3 chưa thể tạm đủ cho sinh hoạt mùa hè. Trung bình ở đây hàng năm liên tục 6 tháng mua khô không hề có lấy một hạt nước.

Chúng tôi xuất phát từ cảng Vũng Áng trên chiếc ca nô của bộ đội biên phòng chở ra thăm bộ đội đảo Sơn Dương. Đây là đơn vị trực chiến thuộc bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh. Trên đường ra đảo đồng chí thượng úy lái ca nô cho tôi biết: Trước kia Sơn Dương chỉ là hòn đảo hoang vắng. Năm 1972 trong chiến tranh chống Mỹ ác liệt, một trung đội pháo của ban chỉ huy quân sự huyện Kỳ Anh được cử ra đảo để ngăn chặn các cuộc tập kích từ xa của máy bay và tàu chiến Mỹ. Đến nay, đơn vị đã phát triển thành đại đội có nhiệm vụ thường xuyên tuần tra, canh gác bảo vệ đảo và vùng biển quanh đảo không có dân định cư. Bà con ngư dân đánh cá khi có mưa bảo thường vào đây tránh trú. Tôi hỏi: Thế tiềm năng tương lai của vùng biển đảo Sơn Dương thế nào? Đồng chí thượng úy chỉ tay ra xa trong trùng trùng sóng vỗ và sâu thăm thẳm, ngăn ngắt màu xanh biển, anh nói: Vùng biển quanh khu vực đảo Sơn Dương được đánh giá có độ sâu lý tưởng môi trường trong sạch phù hợp cho nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch. Và đây cũng là một trong những trọng điểm để phát triển kinh tế biển. Nhưng điểm quan trọng nhất đây chính là “Con mắt thần”. Vâng, mắt thần. Qua ống nhòm của anh, tôi nhận thấy từ xa đảo Sơn Dương hiện lên trên thảm xanh cây rừng nổi bật phấp phới lá cờ đỏ sao vàng hồn tổ quốc đánh dấu chủ quyền đất nước. Khu doanh trại ngói đỏ, tường vôi trắng được dựng vững chắc tựa vào vách đá núi. Rồi cầu cảng của đảo với những người lính mặc quân phục xanh xếp hàng đón chào đoàn khách các nhà văn, nhà báo từ đất liền ra thăm. Có xa xôi gì đâu, chỉ 4 hải lý thôi mà các anh khao khát, hồ hởi đón chúng tôi như đón những người thân lâu ngày gặp lại và thấp thoáng phía đàng sau xa xa tôi còn nhận ra nhữn chú dê núi cặp sừng ngơ ngác nhảy nhót tưng bừng trên những tảng đá như cũng muốn reo vui cùng chủ nhân lính đảo…

Mũi ca nô chồm lên sóng vỗ, lòng chúng tôi rộn ràng náo nức, tất cả mọi người dường như bước cả dồn hết về phía mũi thuyền khi nhìn thấy những người lính xếp hàng ngay ngắn giơ tay chào nghiêm trang như một lời tuyên thệ. Dường như có một sức mạnh tiềm ẩn như ngân vang, như lan tỏa cùng đồng vọng vang lên như nhịp sóng biển khơi mỗi khi chào cờ tổ quốc. Mắt tôi bỗng nhòe đi. Có xa xôi đất liền gì mấy đâu, nhưng các anh phải thường trực ở đây ngày đêm mỗi năm chỉ có một lần phép. Nếu tính bằng đường chim bay thì có anh từ nơi đảo nhỏ này đến ngôi nhà thân yêu của mình, nơi đó có người vợ thân yêu, có đứa con bé bỏng, chỉ hơn 10km… Nhưng đằng đẵng năm trời mới một lần gặp mặt. Thỉnh thoảng gọi điện về cho người thân thăm hỏi động viên nhau cho bớt nỗi nhớ nhà. Nhất là những ngày tết cổ truyền dân tộc gần như 100% lính đảo phải ở lại trực chiến. Khi trò chuyện với đại úy Nguyễn Đức Cu, Đảo trưởng, anh cho biết: “Những ngày sắp tết có nhiều đoàn công tác ra thăm đón xuân sớm cùng lính đảo. Đó là những ngày rộn ràng nhất, bởi họ mang không khí mùa xuân, không khí đất liền đến với cán bộ chiến sỹ chúng tôi. Quà quý nhất là những cành đào, cây mai vàng gợi lên hình ảnh thân thiết ngàn đời của tết cổ truyền dân tộc”. Tôi hỏi: Thế tết các anh có gói bánh chưng không? - Có chứ. Đảo trưởng mở băng ghi hình cho chúng tôi xem hình ảnh các chiến sỹ đang sắn tay áo ra thịt chú dê núi – Đặc sản của lính. Và họ xúm xít cạnh nhau thái thịt, kỹ lưỡng rửa từng chiếc lá dong, những cân gạo nếp, đậu để chuẩn bị gói bánh chưng. Đặc biệt thịt lợn ở đây rất chắc, rất ngon vì không phải nuôi cám tăng trọng. Lợn săn chắc như “lợn nít” ở bản vùng cao, nuôi cả năm mà chưa nặng tới 10kg, chúng đi từng đàn chủ yếu tìm thức ăn ở các bãi chuối trong rừng đảo. Có con lợn mẹ tìm vào đó để quây ổ và cả bầy mẹ con đông đúc “cư trú” bất hợp pháp ở đó luôn, chỉ thỉnh thoảng dạo về doanh trại thăm lính rồi kéo cả đoàn vào rừng. Thế làm sao các anh bắt được? Tôi tò mò. Đảo trưởng cười: “Cái khó, ló cái khôn anh ạ. Chúng tôi đặt bẫy, tuy là lợn đi hoang, nhưng đều lọt vào “tầm ngắm”. Mắt lính đảo chúng tôi ước lượng tính toán được hết. Thích lợn cỡ nào thì có cỡ ấy. Anh nuôi ở đây giỏi lắm...”. Nói rồi anh chỉ cho tôi bếp trưởng, một sỹ quan chuyên nghiệp người đậm đà, săn chắc, nhưng rất nhanh nhẹn và vui tính. Nụ cười trắng xóa luôn thường trực trên gương mặt xạm nâu màu nắng gió của anh. Bếp trưởng lại là người tếu táo nữa chứ, đúng là anh nuôi vui tính. Anh vui vẻ: “Trưa nay được tiếp khách quý chúng tôi cho thuyền vào chợ mua thêm thức ăn để các anh được thưởng thức giao thoa giữa biển và đất liền, nhất là các món gia vị, bởi ở đây đã sẵn nguồn hải sản phong phú, nhưng phải có hương vị của vườn quê mới ra món ngon anh ạ. Tất cả phải vào chợ mua…” - Vào chợ?. Vâng, chợ ở đất liền vào bằng phương tiện gì? - Thuyền, bằng thuyền chạy máy đẩy. Nói rồi đảo trưởng chỉ tay xuống chân đảo tôi thấy 8 chiến sĩ đang gồng gánh chiếc thuyền gỗ lên bãi cát. Chiếc thuyền thật nặng bởi tôi thấy các anh căng mình ưỡn ngực. Đó là phương tiện thỉnh thoảng đi chợ khi có khách ra thẳm đảo, còn chủ yếu thực phẩm sạch ở đây đều có sẵn do tăng gia được. Bởi: “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”, như câu khẩu hiệu được viết nắn nót trên tường.

Trưa đó chúng tôi ngồi trò chuyện với mấy sỹ quan trên các ghế đá dưới bóng cây bàng xanh mát sân doanh trại. Đoàn có nhà văn Đức Ban, người viết rất hay về đề tài nông thôn và số phận con người thời hậu chiến, chiến tranh đi qua đã lâu nhưng những trang viết thấm đẫm tình người của ông vẫn chưa dứt những cơn báo động. Ông là người mê đắm với thiên nhiên, hay ông nói là đề tài “sinh thái”. Sinh thái xã hội, sinh thái nhân văn và sinh thái môi trường. Ông đặt vấn đề với đảo trưởng: Sao trước sân doanh trại các anh không trồng hoa cho đẹp mà toàn “tráng” xi măng, bê tông hết thế này. Trưa nắng chói chang hừng hực thì làm sao mà chịu nổi? – Chúng tôi chịu nỗi hết anh ạ - Một sĩ quan trẻ bắt chuyện hào hứng – Vì hoa ở đây không thể chịu nổi những cơn bão, kể cả cây cối. Sau trận bão số 10 vừa rồi, nhìn ra xung quanh ngoài những ngôi nhà kiên cố như lô cốt thì bạt ngàn cây cối ở đây bật gốc trống trải đến rợn người. Trống và trắng sỏi đá trơ trọi trên mặt đất. Chỉ có mấy cây dương uốn mềm ngọn dí xuống mặt đất, nằm rạp xuống mặt đất thì mới cưỡng dậy lại được, nhưng cũng tơ táp lắm, chuốt hết lá chỉ còn trơ lại cái cành dẻo dai xoắn như dây thừng… Và chúng tôi chịu nổi, khi đêm hè nóng bức không bật quạt vì máy phát chỉ có vài tiếng đồng hồ xem thời sự. Anh em ngoài những người trực chiến phải khiêng giường, khiêng phản ra sân ngủ đón chút gió hiếm hoi từ biển thổi vào. Nói thật là chắt chiu gió như chắt chiu nước ngọt vậy. Đêm, mắt đảo mắt người lính chong chong nhìn lên gặp mắt trời, mắt những ngôi sao ráo hoảnh!..

Câu ví von của chàng lính giỏi văn năm nào, giờ mới tốt nghiệp trường cao đẳng máy tàu ở Cát Lái (Tp. Hồ Chí Minh) thật chính xác và cũng thật gợi cảm làm cho nhà văn Đức Ban có chút bối rối khi cây bút ghi chép trong tay anh bỗng thẩn thờ choãi ra trên trang giấy trắng. Ông nắm lấy bàn tay chàng sĩ quan trẻ bằng tuổi con ông và vạch vạch vào đường chỉ tay, nắn nắn kẽ móng tay. Ông nói: Ở đây có cả đường chỉ tay của đường ngang, ngõ dọc, ở đây có cả vệt bùn của ruộng đồng cày ải. Nhưng nhìn mắt cậu thì tôi tin quá. Tôi đọc được cậu thấu hiểu thiên văn thời tiết, đọc được cả nhịp sóng không bình thường của biển cả. Huyết áp tâm thu của cậu là huyết áp của biển. Cậu đo được dư chấn của biển cả bằng giác quan thứ sáu của mình….

Vâng, đúng thế những người lính ở đây hình như có chung một nhịp đập trái tim bao niềm vui sướng khổ chia sẽ cho nhau như anh em một nhà...

*

Tôi cứ ấn tượng mãi hình ảnh một con người ngư dân ở xã Kỳ Lợi mà qua câu chuyện với đảo trưởng hiện lên thật rõ nét, thật hồn hậu như cổ tích huyền thoại. Đó là ngư dân Mai Bảo ở thôn Đồng Yên xã Kỳ Lợi mà những người lính nơi đây gọi cái tên thân mật trìu mến là “bố Bảo”. Căn nhà nhỏ của bố Bảo nằm giữa thôn trở thành nơi tập kết hàng hóa nhu yếu phẩm để ông Bảo chở ra cho bộ đội trên đảo. Tôi được nghe kể lại cái “duyên số” của ông Bảo gắn liền với lính đảo Sơn Dương. Chuyện là vào năm 1972, trong một đêm mưa tối trời gió lớn biển động dữ dội có ba người lính vào làng chài xóm ông Bảo nhờ người chở ra đảo Sơn Dương. Ngày đó chưa có thuyền gắn máy mà phải chèo bằng tay. Khoảng cách từ làng chài ra đến đảo gần 5 cây số. Nhưng đêm tối sóng lớn, nếu ra đảo vào thời điểm này rất nguy hiểm. Là ngư dân thường xuyên đi đánh cá gần đảo Sơn Dương, ông Bảo thấu hiểu những khó khăn vất vả của người lính đang làm nhiệm vụ trên đảo, chắc có tình huống gì khẩn cấp, nên ông vẫn quyết định chèo thuyền đưa các anh ra. Sau lần đó, nhà ông trở thành địa chỉ tin cậy để bộ đội trên đảo gửi gắm và nhờ cậy. Ngoài những chuyến tự nguyện đưa đón bộ đội ra, vào đất liền đều đặn hai ngày một lần không kể ngày biển động, ông một mình chèo thuyền đưa lương thực thực phẩm tiếp tế cho đảo. Ông coi việc chèo đò giúp bộ đội như một nhiệm vụ của mình không đòi hỏi một chế độ đãi ngộ nào cả. Có lần anh Tỵ, bộ đội trên đảo, bị rắn lục cắn. Nhận được tin báo, lòng ông Bảo như có lửa đốt. Nhưng thời điểm đó máy bay Mỹ đánh phá ác liệt. Ông một mình đi tìm y tá rồi chèo thuyền ra đảo. Máy bay Mỹ bổ nhào hai quả bom rơi gần thuyền nan khiến thuyền lập úp. Nếu lúc đó trên đất liền thì chắc chắn ông và cô y tá đã chết. Nhưng cũng may trên biển nên hai người chỉ bị ù tai choáng váng rồi ngoi ngóp lật lại thuyền chèo tiếp. Cảm kích trước tấm lòng của ông đã cứu sống mình, anh Tỵ nhận ông là anh em kết nghĩa… Lại có lần đã 28 tết, thời gian đó biển động liền hai tuần lễ, chẳng có thuyền bè nào ra biển được. Trên đảo lúc này có 12 cán bộ, chiến sĩ gạo đã hết ba bốn ngày chỉ cháo loãng cầm hơi. Ông Bảo quyết định cho gạo vào bao ni lông và liều mình chèo thuyền ra đảo. Mất gần 12 tiếng đồng vật lộn với sóng gió gấp 3 lần khoảng thời gian bình thường. Thuyền ông đã cập đảo mọi người ôm choàng lấy nhau nước mắt dàn dụa chan hòa với vị mặn mòi của biển cả, của tình quân dân thắm thiết…

Giờ đây người giáo dân xứ đạo ấy đã thành người thiên cổ. Về đất liền thắp nén hương cho ông, tôi thấy đôi mắt ông hiền từ gần chấp chới nhìn ra xa nơi ấy có đảo nhỏ thân yêu lấp lánh nắng bạc, nơi ấy có những người con của ông đang canh giữ đất trời quê hương, tổ quốc...

*

Bữa cơm trưa trên đảo thật vui, chúng tôi được thưởng thực những món đặc sản “cây nhà lá vườn” của đảo. Đặc biệt là món ốc, rất nhiều loại ốc to nhỏ khác nhau với nhiều hình thù thật ngộ nghỉnh theo sự hình dung tếu táo của lính. Đập vỡ vỏ ốc, chúng tôi xúyt xoa với vị béo ngậy lại ngọt ngọt, bùi bùi của ruột ốc đã được ngâm nước vo gạo trước đó và chính đích thân bếp trưởng đứng nồi hấp với lá sả thật thơm. Một món quà biển quý giá giống như quà của đồng quê gợi nhớ bao kỷ niệm thân thương. Một điều lạ tuy có “món nhắm” làm mồi thật hấp dẫn, nhưng không được uống rượu. Tuy vậy câu chuyện vẫn rất vui vẻ đầy chất lính tráng. Tôi nhận thấy mấy thiếu tá nhưng vẫn là “lính”, còn đảo trưởng mới là sĩ quan, tuy quân hàm đại úy. Thấy tôi thắc mắc, đảo trưởng giải thích: các đồng chí ấy là quân nhân chuyên nghiệp, phụ trách một mảng chuyên môn của mình như quân y, cơ yếu... Tôi có biết thêm lính đảo ở đây còn được giao một nhiệm vụ rất quan trọng nữa là công tác dân vận. Gần nhất là có xã Kỳ Lợi, quê bố Bảo. Cách đây mấy năm, nhân vụ ô nhiễm môi trường biển của Fosmossa, tình hình rất phức tạp, các anh đã thay nhau vào đất liền, xuống cùng ở với dân, nắm dân làm tốt công tác tuyên truyền. Vì dân Kỳ Lợi với lính đảo Sơn Dương có mối tình cảm đặc biệt. Ví như có lần tổ công tác của đảo đang tuần tra, đến gần 1 giờ sáng, chợt nghe tiếng kêu cứu ngoài biển, đã phát hiện thấy chiếc thuyền chết máy đang trôi dạt vào bãi đá ngầm. Mặc dù trời tối, sóng to, gió lớn, nhưng các anh đã vật lộn với thiên nhiên nguy hiểm đưa các nạn nhân vào bờ an toàn. Dân ở thôn Đồng Yên (Kỳ Lợi) ca ngợi mãi tấm gương quên mình của các anh: “Đêm ấy nếu không có bộ đội đảo Sơn Dương cứu thì bây giờ bầy tui xanh cỏ rồi. Các chú là những người sinh ra chúng tôi lần thứ hai”.

Trên đảo Sơn Dương, đài quan sát với ống kính hiện đại thu gọn vào tầm mắt cự ly hàng chục ki lô mét, phân biệt được các tàu lạ, theo dõi được sít sao hình trình đánh cá trên biển của ngư dân. Thu vào tầm mắt của anh là non nước biển trời tổ quốc. Và xa xa, cảng biển Vũng Áng nhô ra những cần trục khổng lồ, những ống khói cao vút của nhà máy nhiệt điện, luyện gang thép. Bất chợt hình ảnh con mắt đảo qua ống kính quan trắc, qua vòng ngắm hình tròn tiêu cự của cổ súng cao xạ phòng không, qua đôi mắt sáng ngời tinh anh lấp lánh nguồn vui của người chiến sĩ; Đảo Sơn Dương không còn chỉ là một chấm nhỏ trên bản đồ tổ quốc, mà đây là “Con Mắt Thần” án ngự một vị trí chiến lược trọng yếu, của an ninh, quốc phòng, là điểm tựa ấm áp của tình cảm quân dân….

Bất chợt vang lên trong tôi khúc hát về đảo xa mà các chiến sĩ trên đảo Sơn Dương đã ca vang trong buổi giao lưu văn nghệ trước khi chia tay đoàn chúng tôi: “Nơi anh đến là biển xa – Nơi anh tới ngoài đảo xa – Từ mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà...”

Nguồn Văn nghệ số 49/2019


Có thể bạn quan tâm