March 29, 2024, 10:21 pm

Mạng xã hội và “kiến tạo xã hội”

 

Chưa bao giờ quyền tự do ngôn luận của công dân được thể hiện rộng rãi với tần suất và cấp độ ngày càng cao, nhất là trên mạng xã hội như hiện nay. Và cũng chưa bao giờ những “rắc rối” từ quyền tự do ngôn luận trên mạng xã hội đang trở thành “vấn nạn” như hiện nay

Tự do ngôn luận là quyền cơ bản của con người trong bất kỳ xã hội nào. Nhưng để quyền này thực sự đóng góp vào quá trình phát triển cộng đồng, nó cần phải được chế định bởi pháp luật và phù hợp với môi trường văn hoá của cộng đồng; trong đó, vấn đề căn cốt nhất là thực hiện quyền tự do ngôn luận phải gắn với trách nhiệm công dân, trước hết là trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm đạo đức và trách nhiệm xã hội. Có thể thấy không ít “làn sóng” trên mạng xã hội, thậm chí cả trên báo chí chính thống, nhiều khi đan luồng vào những bức xúc, dù là bức xúc có thật của một số nhóm người nào đó, về những vấn đề ẩn chứa trong xã hội, trong cộng đồng, trong bộ máy thực thi công vụ mà lâu nay “ấm ức” khó nói ra, nay nhân cơ hội sự kiện nào đó để “xả” mối bực tức kiểu “giận cá chém thớt”. Trong trường hợp này thì về mặt nào đó, dư luận trên mạng xã hội cũng có vai trò tích cực là “cảnh báo” để kịp khắc phục. Nếu không, “ấm ức” trong xã hội dễ “tích tiểu thành đại”, dẫn đến những bất an khó lường! TẨY CHAY MẠNG XÃ HỘI LÀ… XA DÂN Một lãnh đạo tỉnh nọ đã phát biểu rằng: “Vô mạng facebook, các đồng chí nghe thông tin đa dạng lắm, sẽ thấy mình cần nỗ lực nhiều hơn nữa, biết chỗ nào người dân còn bức xúc nhiều, bức xúc vấn đề gì, vì sao họ bức xúc… để lắng nghe. Facebook còn là kênh tham khảo, nghe nhìn để điều chỉnh, cũng từ đó mà mình hiểu hơn được người dân của mình để kịp thời quan tâm, giải quyết… Thời đại này coi facebook là thứ nhảm nhí thì đích thị là những quan liêu ngạo nghễ rung đùi, tuôn những lời được kẻ nịnh thần tâng là “lời vàng ý ngọc” nhưng dân thì coi khinh vì nó xa lạ với dân…”. Đó là quan điểm phát triển trong môi trường và bối cảnh truyền thông số; không như những biểu hiện vô cảm, thờ ơ và quay lưng với thực tế như ý kiến của một lãnh đạo cấp sở ở Tp. Hồ Chí Minh dõng dạc tuyên bố “Chưa có ai thiếu ăn, khổ sở vì dịch”. Vị quan này vừa lạc hậu với các tiện ích của thời đại kỹ thuật số, vừa quay lưng với facebook, nên không biết lời nói của mình đã được ghi âm và lan truyền trên mạng xã hội, nên hậu quả là “tiền hậu bất nhất”, vừa phủ nhận hôm trước hôm sau phải thừa nhận và xin lỗi rối rít… Rất may nhận thức về facebook 

của không ít quan chức hiện nay đang thay đổi. Họ không nhìn facebook như những gì rác rưởi, bậy bạ; chỉ là những xuyên tạc, bóp méo, nói xấu, bôi nhọ… Thực tế, facebook đã là các diễn đàn mạng xã hội của gần 70% cư dân nước ta. Trong môi trường truyền thông số hiện nay, nghĩ sai về facebook là hiểu sai dân, là biểu hiện của bệnh quan liêu, kém cỏi… Đó là những người “mũ ni che tai” và chuyên nịnh hót, tâng hô nhau để trục lợi cá nhân theo lợi ích nhóm. Tất nhiên, thông tin trên facebook hay mạng xã hội nói chung cũng có tính hai mặt, cần được tỉnh táo nhận diện, phân biệt các sự kiện, vấn đề trong các luồng ý kiến tạo nên dư luận mạng xã hội; từ đó bóc tách với thái độ cầu thị nhất có thể. Tức là cần phải “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”. Ở Phương Tây thì truyền thông xã hội, mạng xã hội hay facebook và báo chí gần gũi nhau, thậm chí khó phân biệt và họ gọi chung là giới truyền thông; tuy rằng truyền thông trên mạng xã hội có tin giả (fakenews), có lắp ghép “chế biến” với dụng ý thiếu lành mạnh; nhưng ở Việt Nam thì báo chí chính thống gần như có sự khác biệt khá xa so với mạng xã hội hay truyền thông xã hội. Trong khi báo chí là cơ quan ngôn luận của tổ chức trong hệ thống chính trị, thì mạng xã hội lại là diễn đàn của đông đảo cư dân; mà hiện nay gần 70% cư dân tham gia mạng xã hội thì rõ ràng công chúng báo chí ngày một thu hẹp. Đó là một thực tế rất đáng suy ngẫm thấu đáo. Rõ ràng, để mạng xã hội hay facebook đóng góp tích cực hơn nữa, giảm thiểu những mặt trái của nó, thì mỗi cư dân tham gia các diễn đàn mạng xã hội cần đề cao trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm đạo đức và trách nhiệm xã hội của mình trước các sự kiện và vấn đề đang diễn ra, thận trọng hơn khi chia sẻ, comment hay like; đồng thời cũng nên chống những biểu hiện tẩy chay, quay lưng với facebook và mạng xã hội, coi đó là “thế lực thù địch”. Mặt khác, nếu hơn một triệu viên chức trong hệ thống chính trị hiện nay nhận thức, tham gia và hành xử đúng đắn trên mạng xã hội, thì bản thân các luồng ý kiến hay thông tin trên mạng xã hội dần dần được tích cực hoá; bởi các luồng ý kiến ấy sẽ cọ xát lẫn nhau, tương tác và đấu tranh để các luồng ý kiến khác nhau có thể được điều chỉnh theo hướng tích cực hơn. Nếu không được như trên, dư luận trong các hội trường, trên báo chí chính thống và dư luận trên mạng xã hội sẽ dần xa cách nhau, nhận thức và hành xử của các nhóm xã hội sẽ ngày càng khác xa nhau; trong khi, chúng ta đang rất cần một cộng đồng cố kết, nỗ lực thống nhất nhận thức và hành động vì một đất nước chấn hưng và phát triển. GÓP PHẦN “KIẾN TẠO XÃ HỘI”…

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng (2016-2020) đến nay, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã nhiều lần đặt vấn đề cần xây dựng Chính phủ kiến tạo và đề cập khái niệm “xã hội kiến tạo”, theo đó mà khuyến khích các giải pháp tích cực “kiến tạo xã hội”. Thiết nghĩ, xây dựng Chính phủ kiến tạo hay xã hội kiến tạo thì có thể từ các cấp độ khác nhau, nhưng trước hết và quan trọng nhất là sự kiến tạo bắt đầu từ nhân dân. Vấn đề này phải được đặt trong môi trường xã hội “công khai, minh bạch”. Môi trường công khai mà không minh bạch thì dễ tạo cơ hội cho những kẻ nói dối. Vậy nên công khai và minh bạch là tiền đề cho dân tham góp xây dựng và kiến tạo xã hội thông qua nhiều phương tiện và phương thức khác nhau, trong đó, tiện lợi và hiệu quả nhất là thông qua bao chí - truyền thông, đặc biệt là truyền thông xã hội và mạng xã hội. Trong môi trường truyền thông số, thì đây là cơ hội để cho người dân tham gia kiến tạo xã hội; bởi đó là những kênh để tập hợp nguồn lực, trí tuệ và tình cảm của đông đảo nhân dân. Kiến tạo xã hội có thể bắt đầu từ xây dựng, hình thành và kết nối ý tưởng, chọn lọc và đấu tranh loại bỏ những gì không hợp lý… Bởi vì từ bản chất của mình, truyền thông là phương tiện và phương thức kết nối xã hội, tập hợp trí tuệ-tình cảm của đông đảo cư dân tham gia can thiệp, giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội đang đặt ra trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Xã hội kiến tạo thường bắt đầu từ những đề xuất, ý tưởng, sáng tạo của công dân tích cực, có trách nhiệm trước cộng đồng mình, dân tộc mình. Kiến tạo xã hội là từ những ý tưởng, đề xuất của người dân và cộng đồng các tầng lớp nhân dân, được sự ủng hộ, thẩm định và bàn thảo sâu thêm ở tầng lớp tinh hoa và những người có trách nhiệm trong hệ thống chính trị. Kiến tạo phải thành chính sách, nhất là chính sách công. Cho nên vấn đề kiến tạo xã hội gắn với vấn đề phản biện xã hội đối với quá trình thiết kế, ban hành chính sách công ngày càng trở nên bức thiết. Nếu chúng ta biết tổ chức diễn đàn phản biện xã hội, làm cho vấn đề phản biện chính sách trở nên thường xuyên hơn, rộng rãi hơn, thì dư luận mạng xã hội sẽ ngày càng được lành mạnh hoá, tích cực hoá; vì công dân có cơ hội và có diễn đàn thể hiện, đóng góp nhiều hơn. Việc bày tỏ ý kiến, thái độ và quan điểm trên mạng xã hội khó tránh khỏi tâm lý tình huống, nhưng nếu mỗi người dân bình tĩnh nhìn nhận và luôn đặt lợi ích cộng đồng lên trên, lên trước, thì những cảm xúc, thậm chí bực bội cá nhân sẽ lắng xuống để nhìn lên và nhìn xa hơn... Mặt khác, những người và tổ chức có trách nhiệm biết lắng nghe nhiều hơn nữa, kịp thời hơn nữa, biết khai thác mặt tích cực của các luồng ý kiến trên mạng xã hội hiệu quả hơn nữa, thì những bức xúc trong dư luận sẽ sớm được giải toả, cộng đồng sẽ gắn kết hơn, việc điều hướng và tạo đồng thuận xã hội sẽ thuận lợi hơn. Một xã hội kiến tạo lành mạnh phải là một xã hội mà mỗi công dân đều bình đẳng và có thêm cơ hội, có thêm diễn đàn để tham gia kiến tạo xã hội bằng trí tuệ và cảm xúc của mình, vì lợi ích chung. Vấn đề này gắn với việc thực hiện và không ngừng mở rộng quyền tự do ngôn luận của công dân trên báo chí và truyền thông xã hội. Và trong môi trường truyền thông số với sự bùng nổ thông tin trên mạng xã hội, thì đó vừa là cơ hội vừa là thách thức không nhỏ. Cơ hội và thách thức này đối với mỗi cư dân, cả cộng đồng và cả với đội ngũ công chức cũng như bộ máy quản lý; trong đó, mỗi người tham gia mạng xã hội cần nhận thức sâu hơn về địa vị pháp lý và trách nhiệm công dân của mình.

(*) PGS, TS, Học viện Báo chí & Tuyên truyền

Nguồn Văn nghệ số 50/ 2021


Có thể bạn quan tâm