April 20, 2024, 9:58 am

Mái trường đầu tiên

Cuối những năm 50 thế kỷ trước, hầu hết các xã ở huyện Sa Pa đều chưa có trụ sở riêng cho những người hoạt động công quyền, mà hồi ấy, những người xông ra gánh vác công việc chung cho dân đều không có lương, hoàn toàn “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, và cũng hầu như không ai biết chữ, ngoài một vài cán bộ của Đảng làm lãnh đạo cấp huyện, nhưng cũng chỉ lớp bốn, lớp bảy là cùng.

Cha tôi, Mã Tả Xử là một người hăng hái dấn thân vào những công việc của xã hội. Nhà tuy thuộc loại bần hàn, cơ cực, nhưng cha rất thích đưa cán bộ về nhà mình, để được dịp gặp cán bộ Đảng, Chính phủ, được dịp học hỏi mọi điều mới mẻ, tốt đẹp, và nhân thể, mời cán bộ dạy học cho thằng con trai rất hám học chữ. Hồi ấy quê hương mới được giải phóng chưa bao lâu, cấp trên thường cử cán bộ về các thôn, xã, gọi là “hạ phóng”. Cán bộ “hạ phóng” chữ chỉ biết đến lớp hai, lớp bốn. Cán bộ này đến một thời gian rồi chuyển đi, cán bộ khác lại đến. Là cán bộ, họ không đi làm nương, làm ruộng với dân, nên nhiều lúc tranh thủ trâu đằm, tôi lại đòi cán bộ dạy học, tất nhiên là chữ Quốc ngữ. Nhưng cái kiểu dạy và học chẳng theo bài bản gì khiến tôi chỉ lõm bõm vài chữ, như ba từ “Cò mò cá” đọc liên tục suốt một ngày vẫn không thuộc.

 

Nhà văn Mã A Lềnh và các em học sinh miền núi quê hương ông

 

Năm 1958, mùa vàng trên các triền núi bao quanh những tràn ruộng bậc thang đang tỏa hương khoe sắc, thì một chiều, cha đi họp huyện về, bảo tôi phải đi học xa. Làng Mường Tiên có ba thằng: Tôi - Mã A Lềnh, Thào A Lử, là con trai ông Thào A Tủa, chiến hữu của cha tôi, và Giàng A Gà, người xóm họ Giàng. Nhưng đến lúc lên đường, không kịp chờ “Ăn cơm mới”, thì ông Tủa xui con trốn vào rừng. Chỉ có tôi với Giàng A Gà túc tắc đi theo ông Ủy viên thư ký Ủy ban xã mù chữ Cứ A Lồng dẫn lên huyện. Từ lúc cha bảo “phải đi học xa”, lòng tôi rộn lên niềm vui khấp khởi với bao ý nghĩ huyễn tưởng tốt đẹp, rằng nhà trường tôi tới sẽ là một nơi tráng lệ, quý phái sầm uất, hay có thể là một vùng tiên cảnh hoa thơm bướm lượn. Càng vào sâu trong lòng thị trấn, lòng tôi càng nao nức. Nhưng, tới đúng cổng trường, thì ông Ủy viên thư ký chẳng nói chẳng rằng, bỏ mặc chúng tôi đứng trơ ra giữa đường, chẳng giao chúng tôi cho nhà trường, cũng chẳng chào tạm biệt chúng tôi. May sao nom thấy một cậu nhầng nhầng tầm tuổi, tôi hỏi chuyện. Được một người đứng tuổi dẫn đến một căn phòng cuối dãy nhà dài trống huếch trống hoác, thấy kê một loạt những tấm phản, có thằng thì nằm dài, có thằng thì nằm úp mặt khóc thút thít. Chắc là nhớ nhà.

Buổi tối đầu tiên tôi với Gà cùng nhịn, vì chẳng ai chỉ cho đi ăn ở đâu; liệu có cơm ăn không. Cuối mùa thu trời tối nhanh. Chúng tôi đành leo lên phản nằm. Nhường Gà nằm trong, tôi nằm ngoài cùng vì phản không chiếu, không chăn, phòng ngủ lại không có cánh cửa. Gà nhanh chóng chìm vào giấc ngủ thì có người đến tìm tôi:

- Chú à. Chú dậy ăn tạm bát cơm!

Tôi nhỏm dậy. Hóa ra là thằng cháu, gọi tôi bằng chú, cùng họ, cùng làng, nhưng nó được đến trường sớm hơn vài tháng. Nó tên Mã A Vảng.

- Chú không đói. Trong đáy túi chú còn nửa nắm cơm nếp với con cá nướng. Cháu mang đi, đêm đói thì ăn!

Nó nói như sắp khóc:

- Cháu mừng quá. Thế là có chú ở bên rồi. Nhưng chú phải ăn, kẻo đêm rét, đói lắm đấy!

- Tốt nhất là cháu mang bát cơm về, rồi mang cho chú bát nước!

Nó nhanh chân chạy đi. Loáng sau đã thấy bưng bát nước tới.

- Hay là... chú sang bên kia ngủ chung với cháu cho đỡ rét! Cháu được phát cho chăn ấm rồi!

Thực tình tôi không thích cái mùi lâu ngày không tắm của nó.

- Chú ngủ đây với các bạn mới là được rồi. Cháu cứ về ngủ đi!

Thế là... cả một đêm, tôi biết thế nào là thức trắng; thế nào là nhớ nhà; nhớ những con trâu thân thiết; nhớ những chú bọ sừng mà tôi để chúng phải tự húc nhau; nhớ những con chim, con chuột, những lối đi hái quả đùm đũm...

Dần dần, nền nếp học hành, vui chơi được thiết lập. Ban đầu, chúng tôi học trong dãy nhà dài làm chỗ họp chợ, lối xuống nhà máy thủy điện. Sau đó, dãy nhà ấy dành cho hợp tác xã rèn nông cụ thủ công, nên chúng tôi chuyển về khu nhà trục chính. Đó là những căn nhà do những người từng theo Tây, đã phục vụ cho chế độ thực dân bỏ lại. Lớp chúng tôi học ở trên tầng. Trần nhà ghép những tấm ván gỗ nên rất ồn. Tầng trệt dưới có một gian là nơi tá túc của cả nhà thầy giáo Nguyễn Huy Khánh. Mãi sau này tôi mới biết thầy là em ruột của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Gia đình thầy có bốn người, vợ chồng thầy với hai cô con gái ngủ chung trên một chiếc giường hẹp. Giờ ra chơi, lũ học trò chúng tôi tha hồ nhảy nhót, kêu gào ầm ĩ, nên đã có lần thằng Thào A Hồ, lớn tướng, râu ria đã lún phún phải bưng mặt, khóc nấc lên từng chập, bởi vì lớp trưởng “không lãnh đạo được lũ mất trật tự”, để cô giáo Chắn, người Nùng, không mông, không ngực phải dỗ dành mãi.

Học không giỏi, nhưng chắc chắn nói tiếng Kinh chuẩn hơn chúng bạn, vì tôi có ý thức luyện tập thường xuyên, và cũng rất ham đọc sách. Có lần tôi vừa đi vừa lẩm nhẩm: Ác, ắc, oát, oắt, quát, quá, quýt, quyết, quyền... chung, chuông... trường, trượt... manh, mệnh, rượt, tuốt, đôi, đòi, đói...

- Đói lắm à?

Tôi ngước lên. Thầy Cấn Văn Hành đang ở sát trước mặt.

- Dạ không ạ. Em đang tập nói tiếng Kinh ạ!

- Ừ, tốt! Rất tốt!

Về cái chuyện đọc sách. Nhà trường không hề có một cuốn sách nào cho chúng tôi đọc thêm. Mấy cuốn giáo khoa thì các thầy giữ cả rồi. Có lần tôi ra giữa phố. Ở đó có một nếp nhà cấp bốn có treo một tấm bảng: “Hiệu sách nhân dân”. Trong nhà chỉ có mỗi mình bác Sơn. Bác Sơn gái thì đang làm cấp dưỡng cho trường chúng tôi, nên dễ quen. Không có tiền mua sách. Tôi nỉ non với bác. Thế là bác dúi tôi vào một xó kín, đưa cho một cuốn sách, nhưng dặn: “Đừng làm rách. Đừng làm quăn góc, kẻo không bán được”. Thế là một mình tôi, một chân trời mới mở ra. Lũ chúng nó, chín mươi chín đứa, chẳng ai thèm đọc sách. Hết giờ học thì đi đuổi chim, đi săn chuột. Trong trường, nhiều thằng con trai thường đeo lúc lắc súng cao su, hoặc cây cung trước ngực. Có thằng có đứa đã ham hí húi “chim chuột” nhau. Vì đọc sách “trộm”, nên có gì hay, tôi giữ kín trong lòng, chẳng dám khoe, chẳng dám phô phang với ai, nhỡ lộ ra thì phải đi tù chết. Được cái nói tiếng Kinh sõi hơn lũ bạn, nên thầy Khánh, thầy Châu vẫn gọi tôi đọc mẫu. Thầy Châu người Nghệ An nói đặc tiếng Nghệ: “Cạc em đả đụ chưa?” (Các em đã đủ chưa?) - Bao giờ vào lớp, thầy cũng hỏi câu đó, nên hễ đến tiết của thầy, là tôi liền trở thành “phụ giảng”.

Một lần thầy giáo bảo chúng tôi làm báo tường, “vì có một ông to lắm sắp đến thăm”. Báo tường là cái gì? Hóa ra là mỗi người viết một bài tùy theo ý nghĩ của mình. Viết xong, thầy bảo tôi thu về, rồi ngồi chép lại, trang trí tên đầu bài thật đẹp, bài chép phải viết thật nắn nót. Loạt bài báo tường ấy, nếu mang đi thi, chắc hẳn tôi phải được xếp loại chữ đẹp vào bậc nhất, nhì cấp thôn, xã. “Ông to” đến. Ăn mặc xuềnh xoàng như cán bộ nông thôn. Các thầy bâu lấy là phải rồi. Còn lũ học trò, nhiều đứa háo danh cũng bu sáp tới, chắn cả lối đi. “Ông to” đến bên cái bảng đen đóng chân đứng đọc những bài báo tường. Rồi “Ông” tấm tắc khen bài của Nông Văn Kinh. Bài nói đại thể “Khi chúng tôi mới đến trường thì quần áo rách rưới, tóc tai bờm xờm, chấy rận bu đầy người. Bây giờ được sống trong nhà trường xã hội chủ nghĩa nên ai cũng sạch sẽ, bảnh bao...”. Tôi là người chép bài, nên biết rõ tác giả bài đó; còn Nông Văn Kinh là bút danh. Nhà trường không có sân rộng, không có hội trường to, nên “Ông to” đứng giữa đường nói vài câu. Đường lát đá, may là thị trấn không có ô tô đi lại. “Ông to”, chính là Đại tướng Võ Nguyễn Giáp. Đại tướng dặn: “Các cháu phải đoàn kết, học cho giỏi để xây dựng quê hương, để phụng sự đất nước”. Mỗi người tiếp nhận những lời dạy của người lớn một kiểu. Mỗi người ghi khắc theo một cảm xúc riêng. Lời dạy của Đại tướng cắm chặt trong tâm. Nó hướng tôi đi tới những hành động cụ thể, nên tôi không bỏ cuộc. Còn nhiều bạn, họ không thể vượt qua cuộc sống xác thực, đành bỏ về với bản năng.

Gọi là trường được Nhà nước nuôi. Nhưng chỉ có lương thực, chắc là mười lăm cân một tháng, mà có gì ăn nấy. Mỗi năm một bộ quần áo sơ mi với đồ lót. Ba năm một chiếc áo ấm với một bộ chăn, màn. Biết vậy. Còn rau cỏ, nuôi lợn, củi đun thì lũ học trò chúng tôi tự túc.

Chưa kịp nhận bộ quần áo sơ mi mới. Chưa kịp nhận chiếc áo bông mới... Tiếc rằng tuổi thọ của “Trường Thiếu nhi miền núi Sa Pa” quá ngắn. Chỉ có hai năm. Chỉ tiêu một trăm học sinh nhưng không bao giờ đủ. Trường chúng tôi nhập vào với Trường Bổ túc văn hóa công nông, đóng ở thôn Làng Giàng, xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng, đối diện với cây cầu sắt nối sang Cam Đường. Học xong cấp Hai ở đây, Ma Lìn Chấn, quê Bắc Hà, tôi, Mã A Lềnh, quê Sa Pa, Thào A Páo, quê Bát Xát, và Lý Văn Đại, quê Bảo Thắng được chuyển sang học cấp ba Trường Bổ tục công nông Việt Bắc, đóng tại thành phố Thái Nguyên.

Mãi sau này tôi mới biết, cuối những năm năm mươi, Khu tự trị Thái Mèo và Khu tự trị Việt Bắc đều mở trường dành riêng cho lứa tuổi thiếu nhi các dân tộc thiểu số, nhằm nhanh chóng đào tạo cán bộ trong đồng bào. Tỉnh Lào Cai không nằm trong Khu tự trị nào, nên các đồng chí lãnh đạo tỉnh quyết định mở một trường, nuôi bằng ngân sách địa phương. Có thể vì nguồn ngân sách hạn chế, nên phải nhập. Đến như cấp tỉnh to nhớn như thế, cũng phải “nhập nhập, tách tách”, huống là một cái trường học. Nhưng dù sao thì Trường Thiếu nhi miền núi hồi đó cũng trở thành tiền đề cho hệ thống Trường Dân tộc nội trú dày khắp các huyện miền núi sau này. Bởi khi đã được là một anh cán bộ Ty Giáo dục Lào Cai, có lần tôi đã không ngần ngại nói với Trưởng Ty Phạm Hồng Phúc, rằng “muốn có cán bộ người dân tộc thiểu số, nhất thiết phải khôi phục lại Trường Thiếu nhi miền núi”. Thế là sau đó, Trường Thiếu nhi miền núi được mở tại thị trấn huyện lỵ Mường Khương. Và một lần, có chuyến công tác ở Hà Nội, tôi, một thằng cán bộ quèn, làm việc ở Ty Giáo Dục Lào Cai, trình độ học vấn chưa có bằng tốt nghiệp lớp 10, do bom đạn đế quốc Mỹ cày xới nát cả đường tàu hỏa, một thanh niên Hmông mới tập tọe làm công chức, mà dám bạo dạn xin được gặp bộ trưởng, trong khi những người cùng họp ngồi im thít, co ro trong xó. Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên cho gặp! Ngỡ tưởng Bộ trưởng phải cao to, phương phi, cân đai mũ áo, tai to như tai voi, mắt sáng quắc như đèn ló. Nhưng không. Bộ trưởng ăn mặc giản dị. Một căn phòng chật sách vở, tài liệu nhưng gọn ghẽ. Bộ trưởng hỏi thăm sức khỏe, gia đình, quê hương, rồi lắng tai nghe. Tôi nói về tình trạng nghèo đói, không biết chữ, không biết đất nước rộng dài đến đâu..., và tất nhiên câu chuyện vẫn luôn đau đáu trong lòng, để hy vọng được gặp Bộ trưởng, là mong Nhà nước và ngành Giáo dục mở lại hệ thống trường Thiếu nhi miền núi.

Ý tưởng nung nấu ấy cứ tiếp tục cắn rứt, nảy nở, là năm 1964, khi trở thành anh giáo làng, tôi đã vận động các em thuyết phục cha mẹ cho mang quần áo, lương thực đến trường đủ ăn trong một tuần. Rồi tôi huy động các em nấu cơm chung cùng ăn, cùng làm vườn, cùng chăn nuôi con gà, con chó, cùng đi đốn củi đóng thước bán cho người đi xuôi, kẻ lên ngược... Cứ thế một mô hình trường nội trú dần dần hình thành, cho đến ngày điều ước ấy đã thành sự thật…

Mã A Lềnh

Nguồn Văn nghệ số 47/2022


Có thể bạn quan tâm