April 20, 2024, 11:59 am

Made in “bên lề”

Bìa gấp Ngủ ở quán trà(1) của Hồ Minh Tâm có ghi: Hoạt động trong lĩnh vực Tư vấn Thiết kế, Tư vấn quản lý dự án đầu tư xây dựng… và [có làm thơ]. Cách giới thiệu này lấy công việc, nghề nghiệp làm cái trung tâm, còn thơ chỉ là cái bên lề. Cũng có thể hiểu, anh đã chọn cho mình vị trí bên lề khi đến với thơ ca.

Nhan đề thi tập “Ngủ ở quán trà”, ngỡ là có hơi hướm thơ thiền tịnh, kì thực, đọc 77 bài, chẳng thấy hương thiền ở đâu, chỉ thấy việc [có làm thơ] hoàn toàn khác với hệ hình mỹ học cũ, với những ứng xử ngôn ngữ rất khác biệt, vượt khỏi bản thân nó (ngôn ngữ), để phản ứng/ tương thích lại những giá trị đã ổn định. Đây là kiểu giễu nhại, tạo ra cái hài, rằng chuyện ngủ ở quán trà là ngủ ở quán trà, không có gì phải bàn luận, liên tưởng cao siêu. Liên kết nhan đề với nội dung bìa gấp [có làm thơ], người đọc sẽ mường tượng phần nào sự chơi của Hồ Minh Tâm: lật đổ, giải phóng những gì thuộc về trung tâm bằng tâm thế của kẻ bên lề và bằng sự giễu nhại hóm hỉnh. Tâm thế bên lề, xác định cái riêng cho mình khi đến với thơ trở thành nguồn năng lượng và cách thế chơi của Hồ Minh Tâm.

Hồ Minh Tâm chọn“góc ban-công cũ/ hai bức tường vôi một ghế bố/ ngồi ngắm trời xa thở ra thở vào/ & sống” (helf and helf), tức là chọn một vị trí hẹp, một tâm thế bên lề để nhìn ra bên ngoài. Vị trí này là nguồn cảm hứng sáng tạo của anh. Trong “Ngủ ở quán trà”, từ ngôn ngữ, hình ảnh, giọng điệu, đề tài,… đến kết cấu đều thuộc về khu vực bên lề. Dường như chẳng có gì to tát cả. Đó là chuyện muốn khuyên cái ban-công, nói với con thằn lằn, con chó nhà mình, con ruồi, bàn tay, khẩu chiến giữa tivi - tủ lạnh, từ đít tới đầu, lão ba gác, cơm bụi, đi khám bệnh,… không chạy theo cái lãng mạn, đèm đẹp, bóng bẩy, trau chuốt hay ẩn dụ tu từ, tượng trưng mà đưa vào đó chất đường phố, vỉa hè, từ địa phương, thậm chí cả những từ dung tục, kèm theo đó là giọng điệu bất cần, tếu táo, bỡn cợt, trêu đùa. Cuộc sống xù xì, góc cạnh thế nào thì cứ thế mà bày ra. Chữ nghĩa được thả lỏng, không theo một định hướng nào, tương tác tự do với đời sống. Đời sống hiện lên với những lát cắt, mảnh vỡ hết sức ngẫu nhiên. Đó là cách anh trả lại tính nguyên sơ của ngôn ngữ, đưa ngôn ngữ đến gần với đời sống, áp sát đời sống.

Cái trung tâm là cái cố định, không thể thay thế, quyền lực tối cao, còn cái ngoại biên là cái lệ thuộc, là cái phụ, là tấm gương để cái trung tâm soi chiếu, thể hiện uy quyền của mình. Do đó, cái tôi bên lề của anh thường tìm cách gây hấn với cái trung tâm bằng sự riêng khác mà nó đang sở hữu. Những vấn đề thuộc về tiểu tự sự như là nỗ lực kiến tạo lối viết, thái độ của anh, không chấp nhận cái có sẵn, quen thuộc, sáo mòn của các đại tự sự. Những câu chuyện manh mún trên các phương tiện thông tin đại chúng trở thành trung tâm của văn hóa, đẩy sự khác thường, dị biệt đến chỗ thừa nhận hiển nhiên. Con người mù mờ, lẫn lộn, không nhận biết được đâu là giá trị của cuộc sống. Xét về mối quan hệ tương hỗ giữa cái trung tâm và cái bên lề, cái bên lề luôn muốn tiến vào trung tâm, giải, phá vỡ, lật đổ trung tâm, để xác tín sự tồn tại của nó. Cái nhìn, tâm thế bên lề là sức mạnh của thơ anh, song anh không có tham vọng dùng nó làm bàn đạp để tiến vào trung tâm. Với anh, chỉ có cái khác mới đảm bảo cuộc chơi [làm thơ] không bị nhàm chán, rỗng tuếch. Anh chọn yếu tố giễu nhại như là một thủ pháp đặc trưng, xuyên suốt, tạo tính đa thanh, đa giọng điệu cho Ngủ ở quán trà. Anh biểu đạt sự giễu nhại rất tự do, thoải mái, lật đổ những quan niệm, tư tưởng sáo mòn, khước từ sự chỉn chu của ngôn ngữ. Các cách nói đời thường như: “may, chủ nợ tử tế”, “thời đại gì mà/ thiệt là... muốn nghỉ ngơi!” (Bài thơ về thời đại gì mà...), “mai. ừ! còn ngày mai... và sau ngày mai, sau nữa... còn gì?”, “cũng muốn nói chi thì nói”, “đồ khỉ!”, “điên thế chó nào được, thật đấy!”, “hơi bị siêu”, “đếch viết được”, “yêu cần chi nghe bố con thằng nào hướng dẫn”, “đìu cộ đừng hỏi khó!”,…; dùng từ địa phương: mần, ngó, chả, ceng, chi, mô,…; kiểu phá chữ phá nghĩa: Dgfvdbdjkgkl, dtgdjshfklsfis, cbjdy24ỳhdsknvkdj7 8394809bnscbdsfnkf, cvbcvmvnm gydgừkhỉtwecjbfhjfkf+-x/!?!; lối nói ngọng: yêng hùng, nhâng dzâng, kỳ dzĩ, dziệt dziệt dziệt/ liệt liệt liệt,…; hay chơi chữ: “ôi thương thời đất nước Đại Ngu!/ (đoạn này chả liên quan gì cả)/ ông ấy cũng đang nói thật/ thật đấy” (94000000000000 hạt mưa) [chú thích: Đại Ngu: tên nước dưới thời Hồ Quý Ly]… cho thấy các kiểu đùa nghịch với ngôn ngữ của Hồ Minh Tâm. Anh biết gia giảm đùa nghịch, đùa nghịch có mức độ chứ không quá đà, xơ cứng. Chữ của anh rất đặc biệt, trong nó luôn có hai phần đối chọi nhau: đời thường vì gần gũi với cuộc sống và tưng tửng vì sự giỡn của anh. Hình ảnh bóng tối trong thơ anh sống động, hiện hữu như một chủ thể (Bóng tối [2] & sự rón rén của nhộng). Cái tôi trữ tình của thi sĩ trở thành kẻ thứ yếu, còn bóng tối là kẻ chính yếu. Sự đổi ngôi vừa cho thấy tính phi lý, bất ổn của cuộc sống nhưng vừa cho thấy sự mềm dẻo của cái tôi. Bởi, đọc xong bài thơ, kẻ chính yếu bị bỡn cợt và trở nên méo mó, biến dạng trước kẻ thứ yếu. Còn kẻ thứ yếu trở thành kẻ phát ngôn, có quyền phản ứng. Quy luật xáo trộn, hoán chuyển vị thế liên tục này của anh là dấu hiệu hướng tới một cấu trúc đa tâm, không có sự phân biệt. Đó là cách thế chơi tạo cái mới về mặt tiếp nhận và làm khác mình của Hồ Minh Tâm. Hành vi giễu nhại vì thế là sức sống mãnh liệt và là giá trị của thơ anh.

Trong cuộc chơi với chữ, sự hoán đổi lệch pha giữa trục ngang và trục dọc đã bộc lộ cá tính sáng tạo của anh, lạ hóa thi ảnh, phá vỡ quy luật biểu cảm và kết cấu nhịp nhạc cu cũ: dùng cấu trúc đối sánh đồng đẳng để cấu trúc ấy tự mở rộng ngữ nghĩa, làm thay đổi hoàn toàn cảm xúc bài thơ; hạ bệ mình mà nâng giá trị của vạn vật thông qua kiểu giễu nhại kết cấu đối lập; kéo sự trang nghiêm, thành kính về với đời thường, rút ngắn mọi khoảng cách giữa cái trung tâm và cái bên lề; có khi anh trào lộng để phản tỉnh.

Hồ Minh Tâm “đủ cô đơn cho sáng tạo”2 chưa? Đọc Ngủ ở quán trà, cho thấy anh không chỉ đủ mà còn thừa cô đơn. Nỗi cô đơn tràn ngập. Có phải vì tiếng nói xuất phát từ bên lề, không được ghi nhận? Chắc chắn, đây không phải là lý do. Chọn lối đi bên lề, hẳn anh đã chấp nhận mọi trả giá để đổi lấy cái khác. Có phải hoàn cảnh đơn độc đang ám chiếu vào thơ anh, khiến anh luôn lặn sâu vào cái tôi bên trong để kiếm tìm sự khuây khỏa, giải thoát khỏi sự chật chội của cuộc sống? Điều này có vẻ khớp với nhiều nhà thơ. Hồ Minh Tâm cũng thế, nhưng vị trí bên lề đã cho anh sự diễn đạt, biểu hiện riêng. Anh lấy nỗi cô đơn của mình ra để cười cợt, trào tiếu, hay nói cách khác, anh xem mình là đối tượng để giễu nhại. Sự giễu mình này của anh như là hành vi tự nhận thức, giải thoát khỏi sự lặp lại, gây hấn, chống lại những đặc quyền của cái trung tâm, kiến tạo những sắc thái thẩm mĩ mới. Giễu mình để kiếm tìm một cái tôi khác, tuy nhiên trong quá trình phân rã, cuộc kiếm tìm này là vô hạn, nói như Lacan, không ai có thể tìm được cái tôi trung tâm, vì cái tôi này luôn được phá hủy và thay thế. Bởi thế, Hồ Minh Tâm phải cao tay thì mỗi sự giễu của anh mới không lặp lại. Sự giễu của anh thường được đặt trong thế đan xen, chuyển hóa, giao thoa liên tục giữa cái bi và cái hài. Từ cái bi của cá nhân, anh nói đến cái bi của xã hội, lịch sử. Trong nỗi đau, mất mát của bản thân, những phức tạp, trớ trêu của cuộc sống được cảm nhận đầy đủ hơn. Nhưng anh không trực diện phơi bày cái bi mà dùng cái hài, sự dí dỏm, hóm hỉnh để nói về cái bi, nhằm nâng đỡ tâm hồn, vươn đến những điều tốt đẹp hơn. Bè trầm là cái bi nhưng bè nổi là cái hài. Nhờ thế, người đọc đón nhận cái bi trong tâm thế nhẹ nhàng, thanh thản mà sâu sắc, thấm thía.

Đứng bên lề nhận diện cái vắng mặt, cái ẩn giấu của cuộc sống nên cái tôi của anh luôn bị ném về phía ấy. Anh đào sâu, đối thoại và hài hước, bỡn cợt với cái tôi bên trong của mình, bóc tách các bộ phận cơ thể, tìm sự tha hóa, chứ không vin vào thói quen, tính cách. Sự giỡn này xuất hiện nhiều lần trong thơ anh, đôi khi nó không biểu hiện trên bề mặt câu chữ mà thể hiện thông qua hành động, hành vi. Anh chơi/ giỡn với nỗi cô đơn, xem nỗi cô đơn là người bạn đồng hành, không thể thiếu. Níu vào nỗi cô đơn để sống một cuộc đời tự do, an nhiên, thuần khiết. Nếu nỗi cô đơn cho anh những nhận thức sống động thì người đọc thông qua sự phản tư này, tìm cho mình con đường chống lại sự xói mòn về nhân cách/ tính. Hồ Minh Tâm hoàn toàn thả mình trong nỗi cô đơn, ở lại với nỗi cô đơn chứ không hề có ý định vượt thoát nó. Trước cuộc sống hiển hiện vô số mảnh vỡ, hỗn độn, phức tạp, hình thức tự vấn này của anh là một nỗ lực vừa khẳng định vừa tiến tới phủ định chính mình. Anh không ngừng khẳng định bản ngã bằng những cuộc rượt đuổi đầy nghiệt ngã, trầy xước, rồi chính anh lại chấm dứt cuộc rượt đuổi ấy, tìm cho mình một phân đoạn khác, dù có thể khiến anh tiếp tục rơi vào hoang mang, hoài nghi và mang cảm giác nỗi chết chóc. Như vậy, kiểu “phản diễn dịch” trong tâm thế bỡn cợt, giễu nhại cũng là một vẻ đẹp riêng của Ngủ ở quán trà.

p riêng của Ngủ ở quán trà. Lại băn khoăn, không phải bài thơ nào người đọc cũng dễ dàng tiếp nhận, nhiều bài thơ sử dụng cấu trúc mở, các lát cắt không dính líu, họ hàng gì với nhau, tạo sự khó khăn trong tiếp nhận, buộc người tiếp nhận phải đọc đi đọc lại nhiều lần, đọc trong tâm thế, cái nhìn liên văn bản. Vậy trong dòng chảy thơ ca hiện nay, thơ Hồ Minh Tâm đã thực sự đáp ứng được thị hiếu của người đọc chưa hay vẫn đứng bên lề? Thử nhìn sang sân chơi của Inrasara, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Lê Vĩnh Tài, Lê Anh Hoài, Văn Cầm Hải, Lê Hưng Tiến, Nhã Thuyên, Nguyễn Thị Thúy Hạnh,… sân chơi của Hồ Minh Tâm có những lập ngôn riêng. Bên lề không có nghĩa là lép vế, bị động so với trung tâm, mà, đang khẳng định xu hướng, cái khác của riêng nó. Theo tôi, cái riêng khác ấy trước hết bắt nguồn từ sự tưng tửng, bỡn cợt đầy lạc quan của anh. Thứ hai, anh xác định vị trí bên lề, bởi vậy, mọi vấn đề bao trùm trong thi tập Ngủ ở quán trà đều giải mã từ vị trí này. Thứ ba, những vặt vãnh, bừa bộn được anh chọn làm điểm tựa bộc lộ cảm xúc, nên cảm xúc thường đến một cách ngẫu nhiên, bất ngờ, tạo sự chân thật, giản dị và đầy tính triết lý.

Nhà thơ Charles Simic đã nói: “Một nhược điểm của thơ là tham vọng ôm đồm mọi thứ. Trong ánh sáng lạnh lẽo của lý trí, thơ không có khả năng được sinh ra” (Trong ánh sáng lạnh lẽo của lí trí, Nguyễn Quang Thiều dịch). Nếu quá khích với cái bên lề, nhập cuộc tẩy trần ngôn ngữ một cách táo bạo, thơ dễ bị đánh mất cảm xúc. Với Ngủ ở quán trà, Hồ Minh Tâm đã cân bằng cái nhìn kép giữa kỹ thuật và cảm xúc, tếu táo nhưng không hời hợt, hoài nghi nhưng tin yêu, giản dị nhưng tinh tế, kín đáo nhưng nồng nàn, thân thuộc nhưng độc đáo, cô đơn nhưng cao khiết. Bởi, Ngủ ở quán trà được hát lên bằng chính tình yêu cuộc sống của anh. Nó chất chứa dấu ấn cá tính và số phận của anh - một thi sĩ không ngừng dịch chuyển, khám phá và lặn sâu vào đời sống.

________

1. Hồ Minh Tâm, Ngủ ở quán trà, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2015.

2. “Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo”, tên một bài viết của Inrasara..

Nguồn Văn nghệ số 15/2021


Có thể bạn quan tâm