April 18, 2024, 8:22 am

Lý Sơn – mùa biển động

Nằm cách đất liền 15 hải lý, vì vậy đường thủy là tuyến duy nhất đến với huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), một trong những hòn đảo tiền tiêu quan trọng của cả nước. Hòn đảo là vết tích còn lại của núi lửa với 5 miệng, được hình thành cách đây 25-30 triệu năm. Lý Sơn gồm 2 đảo: Đảo Lớn là Lý Sơn, hoặc gọi Cù Lao Ré, đảo Bé còn gọi là cù lao Bờ Bãi ở phía Bắc đảo Lớn, và hòn Mù Cu ở phía Đông của đảo Lớn.

Người dân đảo Lý Sơn thổi ốc u nghinh rước vong linh hùng binh, Hải đội Hoàng Sa trong “Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa”.

Thông thường đi biển người ta thường chọn thời gian sau Tết Âm lịch trở đi vì lúc ấy biển bắt đầu lặng, ít sóng. Lặng nhất là tầm tháng Ba, tháng Tư. Vì thế dân gian của cư dân làng chài mới có câu “Gió tháng Ba bà già đi biển”. Ngược lại 3 tháng cuối năm thường biển động, sóng to, tàu thuyền đi lại khó khăn. Vào thời điểm này, chỉ tàu, thuyền lớn của bà con ngư dân vùng cửa biển nước sâu mới đủ sức vươn khơi an toàn, còn tàu thuyền nhỏ, công suất tầm 8-15CV ở bãi ngang rất khó khăn khi vượt sóng gần bờ.

Theo lịch trình từ Sa kỳ ra Lý sơn vào ngày trời yên biển lặng sẽ chỉ mất 35 phút. Trên con tàu Hòa bình hôm đấy, trừ nhóm chúng tôi và hai đôi bạn trẻ là khách du lịch, còn lại là người bản địa. Trước khi xuống tàu bộ đội biên phòng đã yêu cầu tất cả hành khách phải đeo khẩu trang để phòng Covid. Đúng hôm biển động, sóng to, con tàu lắc lư, chao đảo, nhìn qua cửa kính tàu thấy sóng biển tung trắng xóa. Thay bằng 35 phút, phải hơn một giờ đồng hồ chúng tôi mới vào được bờ. Trời mưa nhỏ, rét hơn nhiều so với ở đất liền. Trên đường về khách sạn chúng tôi đi qua cầu cảng đang xây dựng khá khang trang em lái xe tên Thiệt bảo, khi xây xong đây sẽ là cảng chính cho các tàu khách, tàu du lịch, còn hai cảng kia dành cho các tàu cá.

Tôi đã đến Lý Sơn vào dịp mùa xuân mấy năm trước, khi ấy cây trên đảo xanh rì, khách du lịch về dự Lễ Khao lề thế lính đông như chảy hội, vất vả lắm mới tìm được chỗ nghỉ ở khách sạn. Giờ đi tử cảng về khách sạn, qua những trục đường bao quanh biển không còn thấy những hàng cây xanh thẳng tắp mà thay vào đó là màu lá úa do gió dập, những cành khô khẳng khiu, xám đen một màu chết chóc, mà nhiều trong số đó là những cây bàng vuông, một loại cây vốn hiên ngang trong gió bão. Lý Sơn vừa trải qua hai cơn bão số 9 và số 13 kinh hoàng. Khi bão số 9 đổ bộ, Lý Sơn trở thành huyện đảo đầu tiên hứng chịu những cơn cuồng phong…

Theo báo cáo của UBND, tính đến hết ngày 3/11, tổng thiệt hại do bão số 9 gây ra tại đảo là trên 215 tỷ đồng. Trong đó, có trên 1.800 ngôi nhà bị tốc mái, sập đổ; gần 100 phương tiện tàu thuyền, ca nô du lịch bị sóng biển đánh chìm và hư hại; cá thương phẩm tại 48 lồng bè bị chết; trên 300 héc ta hành bị hư hại hoàn toàn. Ngoài ra, một số trụ sở làm việc, trường học, cơ sở di tích, cơ sở hạ tầng như chợ, đường giao thông... cũng bị hư hại nặng. Em lái xe kể, em hơn 30 tuổi mà lần đầu tiên chứng kiến cơn bão khủng khiếp thế… Rất may là hai cơn bão vừa rồi chỉ thiệt hại tài sản còn người không sao. Chắc nhìn thấy sự ngạc nhiên trong mắt tôi, em bảo, năm 2009, Lý Sơn đã trải qua một trận bão lớn. Ngày ấy cây cối đổ gãy chết hết, dân đảo còn chủ quan, nhà cửa chưa chuẩn bị kỹ lưỡng nên thiệt hại cả người và của vô cùng lớn, sau bão hơn nửa đảo đói ăn. Giờ đây người Lý Sơn đã quen với việc chống bão nên dù nghèo đến đâu cũng cố xây cái móng nhà kiên cố, mái có đổ thì vẫn còn móng, mái nhà của từng hộ đều được chằng chống chắc chắn, cố định bằng xi măng và không chủ quan nên không bị thiệt hại về người là vì thế…

Đảo mùa biển động và lại mùa Covid nên hoang vắng vì không có khách du lịch. Mới tầm 6 h chiều mà trời đã tối sập. Cảng cá im lìm vì biển động tàu không ra khơi, đa phần hàng quán đều đóng cửa, chợ búa lèo tèo. Những địa điểm mọi khi tầm sau Tết thường đông nghịt người như hang Câu, Cổng tò vò bữa nay không một bóng người, đứng bên bờ biển chụp ảnh, gió thổi như muốn cuốn tung cả khăn áo. Sóng to, gió thổi tung những bọt nước trắng xóa li ti lên bờ khiến lúc đầu tưởng là mưa sau mới biết mình nhầm. Bãi cát chỗ hang Câu mọi khi thường để cắm trại đông như quân nguyên hôm nay vắng lặng. Các hàng quán bên đường đóng cửa im lìm. Nhiều người chỉ kịp lợp lại nhà cửa, còn cơ sở dịch vụ kinh doanh du lịch thì chưa thể hoạt động lại. Không khí thật ảm đạm. Tuy nhiên, khi đi qua âu tàu nằm ở phía bắc của đảo, dù trời đang mưa chúng tôi cũng không cầm lòng được. Âu tàu đang trong quá trình xây dựng để trở thành một cảng cá lớn. Các thuyền đánh cá đều đang trú ở đây nên cả âu tàu đỏ rực màu cờ Tổ quốc nhìn rất ấn tượng. Càng ấn tượng hơn khi giữa mưa, gió và biển đang cuộn dường như cái màu đỏ như cái màu đỏ ấy càng rực hơn thì phải.

Trời mỗi ngày một thêm gió, mưa quất ràn rạt nhưng đấy không phải là lý do ngăn cản chúng tôi lên cột cờ Tổ quốc trên đỉnh núi Thới Lới -  một trong 5 ngọn núi lửa trên đảo Lý Sơn đã tắt cách đây hàng triệu năm và là đỉnh núi cao nhất đảo Lý Sơn gần 170 m. Trước đó, năm 2013, cột cờ Tổ quốc đã được dựng tại nơi này, theo thiết kế cột mốc chủ quyền biển đảo Việt Nam, với chiều cao 25m, diện tích lá cờ 4 x 6m do Trung tâm hỗ trợ và phát triển sinh viên thuộc Hội Sinh viên Việt Nam huy động đóng góp xây dựng với tổng kinh phí xây dựng 800 triệu đồng. Năm 2019 Huyện Lý Sơn đã bố trí nguồn kinh phí gần 4 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh cấp và vốn đối ứng của huyện để thực hiện Dự án nâng cấp, cải tạo cột cờ này. Hiện nay, cột cờ đã được nâng lên 27,4 m, mặt hướng ra quần đảo Hoàng Sa. Cột cờ thân màu trắng được bọc ngang bởi khối màu đỏ mang sắc màu lá quốc kỳ, mặt hướng ra quần đảo Hoàng Sa. Cột cờ Tổ quốc trên đỉnh Thới Lới như “cột mốc sống” khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam là bất khả xâm phạm

Con đường dốc lên cột cờ Lý Sơn rất đẹp, giống như một đường cong cứ cao lên dần, chúng tôi qua cánh đồng trồng tỏi và trồng hành của người dân Lý Sơn. Những cây tỏi mới trồng thân nhú hơn hai găng tay màu xanh nhạt trông thật thích mắt. Mưa rét thế này rất phù hợp với cây tỏi. Mùa tỏi kế tiếp mùa hành, bắt đầu trồng tầm tháng 10 âm lịch và thu hoạch vào tháng hai, dịp Tết. Hành Lý sơn năm nay đúng dịp thu hoạch vấp ngay phải cơn bão số 9 nên những người trồng hành gần như mất trắng. Xe vẫn chạy từ từ lên đỉnh núi, từ xa đã nhìn thấy lá cờ tung bay phần phật trong gió. Lại nhớ có ai đó nói ngư dân Lý Sơn đi biển nhìn thấy lá cờ trên đỉnh Thới lới là yên tâm có Tổ quốc kề bên. Lên đến nơi, dừng xe, cột cờ sừng sững ngay trước mặt. Thấy mắt chợt cay cay khi thấy lá cờ trong bão gió đã bị rách nhiều chỗ nhưng vẫn bay phần phật, ngạo nghễ và kiêu hùng như tính cách của người Lý sơn, như người dân đảo kiên cường trước sóng gió bão bùng. Từ đây nhìn xuống thu vào tầm mắt khung cảnh của đảo giữa mênh mông biển cả, thấy biển cả và miệng núi lửa cách đây hàng triệu năm nay đã trở thành khu vực trồng trọt. Đứng lặng bên cột cờ Tổ quốc trên ngọn Thới Lới nhìn ra biển xa, hình dung ra những chiếc tàu chở đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải Hoàng Sa năm xưa sẽ hiểu vì sao nhiều nhiều người Việt Nam luôn coi đảo Lý Sơn - nơi cha ông đã ngã xuống để cắm mốc chủ quyền - là tượng đài nằm sâu thẳm trong trái tim và ký ức.

Trên đường về chúng tôi ghé thăm Nhà trưng bày Đội Hoàng sa Bắc Hải vắng lặng. Những vật chứng về chủ quyền, về lịch sử Hoàng sa, về lễ Khao lề thế lính Hoàng sa hàng trăm năm trước để ghi nhớ công ơn những người lính thuộc hải đội Hoàng Sa đã ra đi tìm kiếm sản vật và cắm mốc biên giới hải phận mà không trở về... nằm im lìm trong tủ trưng bày... Rất nhiều hình ảnh và hiện vật được phục dựng tái hiện cuộc sống, sinh hoạt của đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải với các hiện vật như xơ đay dùng để sửa chữa khi tàu thuyền bị hỏng, lu đựng nước, thẻ tre, dây mây, chiếu cói… Đặc biệt, nhà lưu niệm trưng bày rất nhiều bản đồ, tài liệu lịch sử, tranh ảnh liên quan. Trong bản đồ Nam Việt - sách Đại Nam thống nhất toàn đồ, biên soạn vào thế kỷ XIX, có ghi rõ quần đảo Hoàng Sa và vạn lý Hoàng Sa. Đây là những tư liệu quý và bằng chứng để khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Đằng sau những vật trưng bày ấy là số phận của bao con người, là minh chứng cho chủ quyền của chúng ta với Hoàng sa, Trường sa.

Em Hiền, một cô gái xinh xắn với giọng nói dịu dàng đã thuyết minh kỹ càng về các hiện vật trưng bày, cũng như vì sao lại có tên Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn soạn năm 1776, theo bản dịch của Viện Sử học, có đoạn: “Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng 2 nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy. Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất, hoặc người thôn Tứ Chính ở Bình Thuận, hoặc người ở xã Cảnh Dương, ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi, cùng do đội Hoàng Sa cai quản”. Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải ra đời từ đó. Hiền dặn chúng tôi qua Tết nếu rảnh nhớ quay lại Lý sơn dự Lễ Khao lề thế lính tưởng nhớ các bậc tiền nhân đã hy sinh vì lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc trên Biển Đông. Giọng Quảng Ngãi của em nhẹ như một lời rủ rỉ:

Hoàng Sa trời nước mênh mông
Người đi thì có mà không thấy về
Hoàng Sa mây nước bốn bề
Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa
”.

Nghe mà thấy rưng rung gì đâu.

Trời mưa liên tục nên hai thứ rất đẹp là bình minh và hoàng hôn ở Lý Sơn lần này chúng tôi đều không được trải nghiệm. Cả kế hoạch đi ra đảo Bé cũng bị hủy bỏ. Nhưng bù lại chúng tôi lại được ngắm một vẻ đẹp khác của Lý Sơn. Một vẻ đẹp bình thản đi trong bão going, dù sau Covid gần như du lịch tê liệt, tỏi, hành mất giá..

Buổi chiều trước khi về đất liền chúng tôi mặc áo mưa đi bộ lang thang ngắm biển, sóng ào ào vỗ bờ, gió tung bọt nước trắng xóa. Huyện đảo trồng rất nhiều bàng vuông, một loại cây kiên cường trong gió bão chỉ kém cây phong ba cũng nên. Nhiều cây bàng vuông bị tuốt hết lá trong cơn bão số 9 giờ đây những cành khô đã lác đác nứt chồi mọc những chiếc lá mới, những chiếc lá non mới nhú xanh biếc…

Tôi rút điện thoại chào tạm biệt em Thiệt, em Hiền.

Hẹn với Lý Sơn, một ngày mùa xuân sẽ quay trở lại…

Nguồn Văn nghệ số 6+7+8/2021


Có thể bạn quan tâm