April 19, 2024, 7:10 pm

Lý luận phê bình và thị hiếu thẩm mỹ công chúng

 

Ở đâu đó trong các cuộc bàn tròn nghệ thuật người ta hay nói đến hai phương diện lý tính, cảm tính trong lý luận phê bình, nói về sự phê bình có lý thuyết và không có lý thuyết, hoặc phê bình kiểu báo chí, phê bình kiểu hàn lâm… Đó là một điều đáng mừng vì đã xới xáo lên một vấn đề đang sốt dẻo…

Thực tiễn, nhiều tác giả lý luận phê bình đang thiên về lối cảm nhận, đánh giá tác phẩm trên bình diện chủ quan đem các thang giá trị mà nhà phê bình quan niệm rồi chiếu các thang giá trị đó lên tác phẩm để đo đếm, trong lúc thực tiễn lại có nhiều vấn đề nảy sinh từ bình diện thứ hai, từ vai trò tiếp nhận, từ thị hiếu thẩm mỹ của công chúng yêu nghệ thuật lại ít được chú ý đến! Nhận xét về chặng đường văn học đã qua, có tác giả cho rằng “… Có thể nói sự đổi mới của văn học nước nhà chủ yếu là nhờ độc giả. Cách đọc, cách nghĩ, cách bàn về văn học của độc giả những năm ấy đổi thay gần như là đột khởi. Tôi nghĩ rằng chính nhờ độc giả nên Đổi Mới văn học mới mở màn được ngoạn mục đến thế…”[1]

Một nhận xét gợi suy nghĩ. Nhân ý kiến này, chúng tôi muốn được trao đổi rộng thêm đôi điều về cái gọi là quan hệ giữa lý luận phê bình chuyên nghiệp, nhà sáng tác và công chúng độc giả trong việc phẩm bình, đánh giá các công trình văn chương, nghệ thuật    

Nguồn Internet

Trong lĩnh vực văn chương, gọi là “công chúng độc giả” là muốn nói đến “bạn đọc số đông”, “những người tiêu thụ món hàng thơ văn”, họ là một khối thống nhất và có chung một lý tưởng đạo đức, một xác tín thẩm mỹ, cho dù trên phương diện cá nhân có ông A văn hóa cấp 1, ông B đại học, ông C nông dân, bà D công nhân, ngài E tiến sỹ... Khi nói “công chúng độc giả” là muốn ám chỉ sự tích hợp các đặc điểm tinh hoa của cái số đông làm nền cho mọi giá trị nhận thức lịch sử nghệ thuật, văn chương. Ngày nay, xã hội phát triển sự cách biệt giữa công chúng độc giả và các cây bút lý luận phê bình trên nhiều phương diện văn hóa không còn quá xa vời như xưa, không còn là một phân biệt đẳng cấp trên dưới trong tiếp nhận nghệ thuật.  Công chúng đại trà kia, họ đều cảm nhận được cái hay, dở của nghệ thuật, thích thú khen chê và là những người mua chủ yếu các tác phẩm của các nhà văn mà họ yêu thích trước khi có sự phẩm bình, phân tích của các nhà lý luận phê bình, tuy nhiên họ không phô diễn ra được khá rạch ròi cái điều hay dở của từng cuốn sách theo những mô chuẩn lý thuyết mà thôi.

Một sản phẩm nghệ thuật được số đông công chúng ưa thích tất có hạt nhân “hợp lý” nào đó, việc đề cao sự bình giá nghệ thuật của công chúng là đúng đắn và cần thiết. Chúng tôi hoàn toàn không đề cao loại “văn chương đại chúng” ba xu một tập, cũng không xem thơ ca quảng trường có giá trị tuyệt đối, xem loạt vỗ tay đôm đốp của một buổi hề nhại là chân lý, mà ở đây muốn lưu ý đến cái thước đo thẩm mỹ thời nào cũng phải dựa vào là “lòng người”, là cái “nhân cách văn hóa” của đối tượng tiếp nhận, là độc giả. Vì rằng, nhà phê bình có am hiểu lý thuyết đến đâu soi vào văn chương cũng chỉ là thực hiện một liệu pháp nhỏ (mà người xưa gọi là bá đạo), nó chỉ thích hợp thời này và nơi này, đến thời khác nơi khác nó đã thay đổi. Nhưng không có lý thuyết mà có nhân phẩm, có tấm lòng, có kinh nghiệm sống, có chút am tường văn hóa thì thật giả, tốt xấu khó mà đánh lừa, soi vào văn chương vẫn là thực hiện một liệu pháp lớn (vương đạo). Trong lịch sử nghệ thuật, văn chương, không có tác phẩm nào thực sự vĩ đại mà quần chúng không ưa thích và ngược lại, không có tác phẩm nào được quần chúng ưa thích (thật sự) mà không có giá trị. Cái hiệu ứng thẩm mỹ mà tác phẩm đem lại cho công chúng quan trọng lắm, bao nhiêu nghệ sỹ lớn đều mong muốn đem tác phẩm của mình đến các hang cùng ngõ hẻm mong một sự tương tri, chẳng ai muốn thu hẹp sự cảm nhận tác phẩm vào một số nhỏ nơi “cổng cao rào kín”.  

 Một tác phẩm được nhiều người đón nhận thường là tác phẩm thoả mãn đuợc thị hiếu thẩm mỹ của họ. Thị hiếu này, không quay lưng lại tính tư tưởng, tính thẩm mỹ, tính thời sự của tác phẩm mà ngược lại. Cuộc sống xã hội thay đổi taọ điều kiện cho đời sống tinh thần cộng đồng có nhiều thay đổi theo, quần chúng bây giờ có những nhu cầu thẩm mỹ mới mà trước đây còn xa lạ hoặc chưa cho phép, có những vấn đề mà người ta quan tâm muốn khám phá mà trước đây chưa có điều kiện để thực hiện. Công chúng muốn được nhìn cuộc sống bằng con mắt đương đại, muốn nhà văn bằng hình tượng nghệ thuật giúp họ lý giải làm sáng tỏ nhiều điều mà họ đang phân vân. Cái việc bình phẩm, khen chê, những lời yêu cầu của bạn đọc quan trọng lắm, nhiều khi nó tác động lên người sáng tác, lên cả dòng văn học mạnh mẽ hơn nhiều những đánh giá có tính hàn lâm của những nhà phê bình chuyên nghiệp. Các nhà văn tiên tiến đều đánh giá rất cao “cách đọc, cách nghĩ, cách bàn về văn học của độc giả” một thời, hay nói một cách khác nhờ cái lý luận phê bình của độc giả thời ấy mà “văn học nước nhà có sự đổi mới”. Trong khi có nhà phê bình chuyên nghiệp mòn sờn khi tiếp cận văn chương bằng những luận điểm cũ kỹ, làm nó dẫm chân tại chỗ, các bạn đọc trong công chúng hấp thụ được sự đổi thay của xã hội, đã có được một bừng sáng tâm thế tác động giục giã các nhà văn giúp họ đổi mới sáng tạo, góp phần xuất hiện một thời kỳ văn học đổi mới đáng giá, đánh dấu một chặng đường phát triển văn học mới. Từ ý kiến trên, một hệ luận nảy sinh: Nhà phê bình thời nay cũng cần một kiểu tư duy phê bình mới, một cách đọc, cách nghĩ, cách bàn tiên tiến, nhưng cầu thị để bình giá văn chương ngõ hầu giúp nó tiến lên.

 Người viết phê bình cần tham bác tâm lý và thị hiếu quần chúng, cố nhiên không theo đuôi mà phải có tầm khái quát, đứng cao hơn, cần phân biệt những xu thế tích cực và những thói quen bảo thủ trong tâm lý quần chúng. Bằng sự hiểu biết chuyên nghiệp của mình cần làm rõ những thị hiếu nghệ thuật đang thịnh hành và cả những cái đang ở dạng tiềm thế, đón đầu và ủng hộ cái mới. Cũng lại có khi nhà phê bình cần dựa vào bạn đọc để kéo lại sự thăng bằng cần thiết khi có những sáng tác trong lúc chạy theo cái mới cực đoan trở thành xa lạ, đi ngược lại thẩm mỹ công chúng. Viết phê bình bây giờ dễ mà cũng khó là vì vậy. Có những tác phẩm nhờ phê bình mà khẳng định được giá trị theo thời gian, nhưng cũng có tác phẩm được phê bình nâng cao nhưng rồi người đời quên lãng. Chính thị hiếu thẩm mỹ của công chúng góp phần quyết định số phận và giá trị của mỗi tác phẩm nghệ thuật trong đời sống xã hội, nhà phê bình không thể thờ ơ với điều này khi muốn trở thành người bạn đường của nghệ thuật, văn chương.

Mối quan hệ giữa nhà phê bình, người sáng tác và công chúng không phải lúc nào cũng thuận chiều. Nhưng mâu thuẩn thường nảy sinh giữa người sáng tác và nhà lý luận phê bình, còn giữa người sáng tác và độc giả lại thường rất ít, và người sáng tác thường lắng nghe và trân trọng ý kiến độc giả. Độc giả thời nay có điều kiện giao tiếp đây đó, tiếp cận với nhiều nền văn hoá, nhiều phong cách sáng tạo, đồng thời vì họ đứng trong lòng cuộc sống, sự đổi thay nhanh chóng, sự va đập của đời sống vào chính bản thân đã tiếp sức cho họ trên nhiều lĩnh vực tiếp nhận cái mới. Người sáng tác để đồng hành cùng cái mới, để theo kịp cuộc sống, cũng phải thay đổi, bổ sung nhiều quan điểm nghệ thuật cũng như các phương thức sáng tạo. Trong bối cảnh đó, nếu nhà lý luận phê bình không nhạy bén, không lắng nghe tiếng phản hồi từ phía độc giả, cứ sử dụng mãi các công cụ lý luận ngày qua, đem các quy chuẩn cũ soi rọi vào các sáng tác, chắc sẽ có độ vênh. Sự bất tương thích này không giúp gì cho sự phát triển văn chương mà bản thân nhà lý luận phê bình cũng sẽ lạc ngũ trong dòng chảy nghệ thuật.

Cái tam giác Nhà lý luận phê bình – Người sáng tác - Độc giả, bấy lâu chỉ nói nhiều đến các mối quan hệ qua lại giữa Nhà lý luận phê bình và Người sáng tác; Người sáng tác và Độc giả. Còn quan hệ giữa Lý luận phê bình và công chúng độc giả, nếu không bị lãng quên thì cũng xem như một quan hệ xuôi chiều, thụ động mà lý luận phê bình bao giờ cũng xuất hiện với tư thế người cầm đèn, kẻ đứng trên. Thực ra giữa lý luận phê bình và độc giả có một mối quan hệ tương tác sinh động, cần biết khai thác, tạo một hoạt động tích cực để có thể giúp nền văn học phát triển mạnh mẽ hơn.           

         Dana Gioia, nhà lý luận phê bình Mỹ, nhận xét về sự suy thoái của phê bình thơ hai mươi năm trở lại, cái lý do ông lưu ý là “... càng ngày càng xa dần những phát triển quan trọng trong Thơ […], chỉ có một số ít nhà phê bình tên tuổi tiếp tục viết nghiêm chỉnh về thơ trong ngôn ngữ công chúng […], nhiều cây bút phê bình hàn lâm hướng nội bỏ luôn cả những lưu tâm và ngôn ngữ của văn hóa chung, những vấn đề nghệ sỹ, công chúng và truyền thống quan tâm, thành thử không có độc giả ngoài giới đại học, hầu hết các lý thuyết phê bình văn học (hiện hành) mang vẻ giả dối đến nỗi trở thành khô khan không hiểu được ngay cả đối với tầng lớp độc giả phổ quát khá thông minh”[2]

Trong ý kiến trên, chúng ta thấy vấn đề sự lưu tâm của công chúng, vấn đề hướng đến ngôn ngữ văn hóa quần chúng, xem đó là cơ sở và cũng là tiêu chí để đánh giá thành tựu lý luận phê bình, quả là điều có ý nghĩa khi ông nêu lên ngay cả đối với nền lý luận phê bình của chúng ta hiện nay./.

 


[1] Bảo Ninh - Cách tân trước tiên từ độc giả  (Văn nghệ Trẻ, số 31-2007)

[2] Dana Gioia - Ghi chú Thơ hiện đại Mỹ - Văn nghệ Trẻ, số31 (04-08-2007) – bản dịch Ngọc Nhung

Nguồn Văn Nghệ số 27/2019


Có thể bạn quan tâm