April 24, 2024, 1:08 am

Lưu giữ giá trị của quá khứ và hướng đến những điều tốt đẹp cho tương lai

Cách Thủ đô Hà Nội khoảng 90 km về hướng Tây Bắc, Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam (còn gọi là MEDDOM Park) tọa lạc tại xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình. Đây là sự kết hợp hài hòa giữa phong cảnh tự nhiên với nét quyến rũ mộc mạc của núi rừng Tây Bắc, cùng sự độc đáo riêng có của Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

 

Tòa nhà được thiết kế trang sách mở

Kiến trúc, cảnh quan hòa quyện với thiên nhiên…

Chuyên viên Phòng VHTT huyện Cao Phong Bùi Yến Minh và Giám đốc - TS. Nguyễn Thanh Hóa bên cạnh sa bàn Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam

Tôi đến huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình trong một ngày cuối Thu. Những vạt nắng óng vàng như mật luênh loang trải khắp các vườn cam đang sắp độ thu hoạch chạy tít tắp vào tận chân những quả đồi. Theo lịch hẹn, tôi được đồng chí Bùi Yến Minh – Chuyên viên Phòng VHTT huyện dẫn đi Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Tọa lạc ở huyện Bắc Phong, cách trung tâm thị trấn chừng 2 km, với tổng diện tích khoảng 34 ha, đây là tổ hợp công viên hiện đại hàng đầu tại tỉnh Hòa Bình và thuộc “top” các điểm đến hấp dẫn nhất Tây Bắc. Công viên được quy hoạch mang tính khoa học cao, với những hạng mục: Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam; Không gian hội thảo, sự kiện; Không gian lưu trú; Không gian ẩm thực; Cùng Trung tâm giáo dục kĩ năng sống và khu giải trí. Nơi đây là hệ thống kho lưu trữ di sản nhà khoa học Việt Nam đồ sộ, bảo quản hàng triệu di sản vật thể và phi vật thể của gần 3000 nhà khoa học Việt Nam, như: GS Tôn Thất Tùng, GS Trần Đại Nghĩa, GS Nguyễn Văn Nhân, GS Hồ Đắc Di…

Đón chúng tôi và trực tiếp giới thiệu về Công viên là Giám đốc điều hành - TS. Nguyễn Thanh Hóa. Anh tự hào chia sẻ với chúng tôi về Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam: “Được mở cửa đón khách từ cuối năm 2016, Công viên có không gian trong lành gồm hơn 80.000 cá thể của hơn 300 loài cây trồng theo quy hoạch. Các công trình được bố trí khoa. Tổ hợp văn hóa du lịch này giúp du khách hưởng được trải nghiệm các dịch vụ liên hợp, kết hợp với tham quan bảo tàng. Bên cạnh đó, với lối xây dựng các công trình theo trường phái tự nhiên và nghệ thuật sắp đặt, các kiến trúc sư đã tạo nên các “tác phẩm nghệ thuật” độc bản, nhưng hài hòa với tổng thể chung, như: Tòa nhà Cánh Bướm, Cánh Cam, con Công… Đặc biệt, tòa nhà Quyển sách được thiết kế giống hình một cuốn sách đang mở ra cùng bao tri thức gợi mở, khiến du khách tò mò và hào hứng muốn khám những gì chứa đựng bên trong đó. Đó là một kho tàng kiến thức khổng lồ, rộng mở. Ngoài ra, mỗi một công trình được thiết kế và đều truyền tải kiến thức khoa học gắn liền với các chuyên ngành khác nhau”.

Tòa nhà Cánh bướm

Trên chiếc xe ô tô điện hiện đại, TS. Nguyễn Thanh Hóa đích thân đưa chúng tôi đi thăm toàn bộ Công viên. Về mặt cảnh quan, Công viên nằm giữa núi rừng Tây Bắc bạt ngàn và hệ sinh thái đa dạng với hàng trăm loài cây, tạo nên không gian xanh và trong lành, được bao quanh bởi  những đồi cam Cao Phong. ­Nhiều loài cây đặc hữu ở các vùng trong và ngoài nước được di thực về đây, tạo nên một thảm thực vật với nguồn gen phong phú. Đặc biệt, có những loài quý như là Kim Giao, Nghiến, Lim xanh, Trò chỉ, Trò nâu… cũng hiện hữu nhiều trong Công viên Di sản này.

Công viên có nhiều dịch vụ đa dạng, phong phú mà du khách có thể trải nghiệm: Tham quan trưng bày về di sản các nhà khoa học Việt Nam, STEM, Nhà hàng, Khách sạn, Sự kiện, Hội nghị hội thảo, ngoại khóa học sinh, tour du lịch… Đồng thời đây cũng là tổ hợp các công trình phục vụ đa chức năng: bảo tàng, khu lưu trữ, nhà hàng, khách sạn… Mỗi công trình tại đây đều có kiến trúc độc đáo, được tạo hình, sắp đặt mang tính nghệ thuật theo những chủ đề về khoa học, nhưng vẫn hài hòa với cảnh quan thiên nhiên.

 

Những công trình văn hóa, du lịch kết hợp với bảo tàng hết sức mới mẻ

Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam hiện nay đã trở thành điểm tham quan quen thuộc với các du khách yêu thiên nhiên, thích khám phá, trải nghiệm những điều mới mẻ và quan tâm tới lịch sử khoa học Việt Nam. Đến với công viên, bên cạnh giá trị cốt lõi là di sản của các nhà khoa học, thì những công trình kiến trúc độc đáo tại đây là một trong những điều làm du khách ấn tượng nhất.

Công trình độc đáo, khu nghỉ dưỡng bungalow

Xe đưa chúng tôi tới một ngôi nhà mang hình dáng của một con Bướm khổng lồ, tòa nhà Cánh Bướm nổi bật lên giữa màu xanh của núi rừng Tây Bắc với màu sắc sặc sỡ và tạo hình ấn tượng. Chủ đề của tòa nhà là về âm nhạc, bởi vậy hai bên lối vào tòa nhà được trang trí theo hình những phím đàn piano, bên cạnh đó các họa tiết nội thất cũng mang những nét đặc trưng của âm nhạc từ cánh cửa, lan can tới tên các phòng dịch vụ: phòng Âm nhạc cổ điển, phòng Âm nhạc dân gian… được biết, đây là tòa nhà phục vụ các nhu cầu về ẩm thực, giải trí cho du khách với hệ thống nhà hàng, quầy bar, phòng hát, hội trường được trang bị hiện đại, đầy đủ tiện nghi, hứa hẹn sẽ mang tới cho du khách sự yên tâm, hài lòng khi sử dụng những dịch vụ tại công viên.

Tiếp đó, xe đưa chúng tôi tới khu khách sạn và lưu trú. Nơi này cũng có những thiết kế rất đặc biệt: Villa Cánh cam mang hình dáng một chú bọ cánh cam khổng lồ đang bò trên sườn đồi. Giám đốc Nguyễn Thanh Hóa cho biết: “Đây là không gian lưu trú với tiêu chuẩn 3 sao, được thiết kế theo chủ đề về thiên văn học. Du khách vừa có thể nghỉ ngơi, vừa khám phá những thông tin thú vị về các hành tinh: Trái đất, Sao Kim, Sao Mộc, Sao Thổ…”. Cùng với Villa Cánh cam, Villa Con công cũng là khu lưu trú dành cho du khách, mang chủ đề về các chòm sao: Thiên Ưng, Thiên Yết, Khổng Tước. Từ trên cao có thể nhìn thấy, giữa không gian xanh của núi rừng Tây Bắc, một con chim công to lớn, xòe chiếc đuôi rực rỡ sắc màu chào đón du khách tới tham quan. Phần đầu của chim công còn được kết nối với hệ thống trí tuệ nhân tạo, có thể quay đầu chào mỗi khi du khách tới nghỉ ngơi tại đây. Nằm cạnh villa Con công là khu vực 12 căn Bungalow, được đặt giữa những khóm tầm vông xanh mát, mỗi căn có một thiết kế riêng biệt mang chủ đề về một cung hoàng đạo, du khách có thể thoải mái lựa chọn cho mình một căn phù hợp với cung hoàng đạo của bản thân: Song tử, Song ngư, Cự giải, Bảo Bình…

Một công trình nữa cũng rất ấn tượng tại Công viên Di sản mà du khách không thể bỏ qua, đó là Nhà ngược, được cấu thành từ 10 khối container, tạo nên các phòng lưu trú ấm cúng, đầy đủ tiện nghi cho du khách. Phần ngoại thất của công trình được trang trí theo hình ngôi nhà úp ngược với nhiều sắc màu nổi bật, gây ấn tượng mạnh về thị giác và tạo nên một góc check-in tuyệt vời. Ngoài các công trình kể trên, du khách sẽ dễ dàng bắt gặp những công trình, tác phẩm nghệ thuật độc đáo khác trong khuôn viên của Công viên Di sản: Cầu Quy hợp mang chủ đề về hóa học; Nhà sàn Di sản với những nét văn hóa của nhiều dân tộc; Nhà cây Vương miện; Cầu treo Tình yêu…

Tòa nhà Cánh cam

Chúng tôi được TS Nguyễn Thanh Hóa cho biết: “Hiện tại, Công viên Di sản vẫn đang tiếp tục hoàn thiện (dự kiến cuối năm 2024) sẽ đưa vào sử dụng nhiều công trình đẹp, độc đáo, tiện nghi khác phục vụ nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng: Khách sạn Trái tim, Cầu Quy Hiếu, nhà Reception, Nhà Hậu cần; Cụm bảo tàng về các lĩnh vực khoa học... Trong tương lai những công trình kiến trúc độc đáo tại Công viên Di sản hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách thêm nhiều trải nghiệm ấn tượng và ý nghĩa”.

 

Thẳm sâu trong từng kỷ vật

Và cuối cùng, một điểm tham quan vô cùng ý nghĩa đối với mỗi du khách đến nơi đây là “Tòa nhà Quyển sách”. Nơi này được xem như “trái tim” của Công viên Di sản. Đây là nơi đang nơi lưu giữ và trưng bày hơn 1 triệu tài liệu hiện vật của gần 3.000 nhà khoa học thuộc hơn 40 chuyên ngành khác nhau. Tòa nhà được thiết kế theo hình một cuốn sách đang mở ra, tượng trưng cho tri thức và tinh thần hiếu học của người Việt Nam. Ở mỗi cánh của cuốn sách là câu nói nổi tiếng về sự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đường đời là cái thang không nấc chót, việc học là quyển vở không trang cuối cùng”, một thiết kế mang ý nghĩa nhân văn mà Công viên Di sản muốn truyền tải tới du khách. Nhìn từ trên cao tòa nhà Quyển sách còn giống như một cánh chim đang sải cánh, vút bay giữa núi rừng, đưa những di sản của các nhà khoa học Việt Nam đến với thế hệ mai sau.

Các khu trưng bày tại đây được bố cục một cách khoa học với các trưng bày: Thẳm sâu trong từng kỷ vật Giải thưởng Hồ Chí Minh của các nhà khoa học Việt Nam… Chia sẻ với chúng tôi, Giám đốc Nguyễn Thanh Hóa cho biết: “Công việc mà Ban lãnh đạo Công viên mong muốn, đó là không chỉ lưu giữ các hiện vật một cách lâu nhất, mà điều quan trọng là làm sống lại nó, bằng cách truyền tải bằng những câu chuyện về cuộc đời và quá trình làm việc cùng những đóng góp vô cùng giá trị của các nhà khoa học tới thế hệ mai sau. Nhưng để có được những hiện vật trưng bày và giới thiệu đến du khách thì quả là một công việc không hề đơn giản. Thời gian đầu, các nghiên cứu viên của MEDDOM phải đi gặp gỡ các nhà khoa học trong cả nước để sưu tầm các hiện vật. Có những nhà khoa học, các nghiên cứu viên phải đi lại, làm việc tới 5-6 năm thì gia đình mới hiến tặng. Bởi mỗi kỷ vật được tặng cho Bào tàng đều mang trong nó những câu chuyện lịch sử của cả một thế hệ, những câu chuyện khiến du khách xúc động tận đáy lòng. Thời thời gian gần đây, nhờ những nỗ lực bền bỉ của Ban lãnh đạo và cán bộ MEDDOM, nên các nhà khoa học trên khắp mọi miền đất nước đã tin tưởng, chủ động hơn trong viện hiến tặng các hiện vật giúp cho việc trưng bày của Bảo tàng trong Công viên trở nên phong phú, đa dạng và hấp dẫn”.

Đôi dép đặc biệt của PGS.TS Lý Hòa

Tôi tần ngần dừng trước một hiện vật kỳ lạ, đó là một đôi dép khác thường, chiếc chân trái đế cao 15cm và chiếc chân phải đế chỉ cao có 2cm?! Đem thắc mắc này hỏi, chúng tôi được hướng dẫn viên ở đây cho biết: “Đây là đôi dép của PGS.TS Lý Hòa, là nhà Vật lý, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh (1977-1990). Ông bị thương tật (phồng động mạch đùi trái) trong trận chiến đấu 1953 tại Mỹ Long, Trà Vinh. Ông phải điều trị suốt 5 năm với 38 tháng bất động, 16 lần mổ, qua 7 quân y viện từ Nam ra Bắc. Lần phẫu thuật thứ 16, tại Bệnh viện Việt - Xô, ông may mắn được một giáo sư Liên Xô giỏi về chuyên khoa tim mạch tham gia kíp mổ. Do chân trái bị thương tật nên chiếc dép trái của ông phải làm đế cao đến 15cm. Đôi dép là minh chứng cho câu chuyện cảm động về những ngày tháng phi thường vượt lên số phận của ông”.

 

Hướng dẫn viên bên chiếc hang quân y dã chiến được phục dựng lại

Bên cạnh đó, một hiện vật khiến chúng tôi tò mò không kém và muốn tìm hiểu, đó là một buồng dừa treo cao và được nối xuống bởi một sợi dây truyền huyết thanh nằm trong một cái hang… Được biết, đằng sau hiện vật này là cả một câu chuyện dài trong những năm kháng chiến chống Mỹ của bác sĩ Lê Sỹ Toàn… Bác sĩ Toàn trực tiếp tham gia chiến đấu ở cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng, Lào. Đội phẫu thuật tiền phương của ông luôn phải có mặt ở những nơi ác liệt nhất của trận đánh với nhiệm vụ “Ở đâu có thương binh là phải có cấp cứu và phục vụ”. Khó khăn đối với y bác sĩ ở tiền phương là không thể kể hết, nó khiến người nghe có cảm giác lạ lùng và xúc động tận đáy lòng. Chính những hang đá ở chiến trường đã trở thành những trạm quân y lưu động. Đây là một không gian độc đáo riêng có, mà có lẽ chỉ có các bác sĩ quân y Việt Nam mới sáng tạo được, trong một hoàn cảnh vô cùng gian khó của cuộc kháng chiến. Nhờ bố trí phù hợp nên việc thu dung, cấp cứu, phẫu thuật và theo dõi thương binh nặng trong hang đạt được nhiều kết quả tốt. Cũng chính nơi bệnh viện đóng quân có rất nhiều dừa, có lúc thiếu huyết thanh, bác sĩ Toàn và đồng nghiệp đã sử dụng nước dừa để truyền cho thương bệnh binh. Đây là một sáng tạo của các y bác sĩ Việt Nam từ thời chống Pháp và nó tiếp tục được phát huy, nhằm khắc phục hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn”.

Đó chỉ là hai trong rất nhiều câu chuyện xúc động tôi được nghe hướng dẫn viên kể lại. Còn rất nhiều câu chuyện xúc động, những khúc tráng ca khác ẩn sâu trong các kỷ vật được trưng bày ở đây. Mong rằng, một ngày nào đó, tôi sẽ có đủ thời gian để được hòa mình cùng thiên nhiên, chiêm ngưỡng vẻ đẹp, thưởng thức ẩm thực, cũng như được nghe thêm nhiều câu chuyện xúc động khác từ những hiện vật được trưng bày trong “Tòa nhà Quyển sách” kia.

 

Vĩ thanh

Chia tay Giám đốc - TS. Nguyễn Thanh Hóa và các cộng sự của anh, với sự hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa của Huyện ủy, UBND cũng như của Phòng VHTT huyện Cao Phong cùng với một Ban giám đốc trẻ trung, năng động và nhiệt huyết, mong rằng Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam sẽ đón được nhiều du khách tới tham quan và nghỉ dưỡng hàng năm. Đặc là thế hệ trẻ, các bạn học sinh, sinh viên khắp cả nước, họ tới đây để được xem, được nghe và hình dung lại những câu chuyện cùng những con người lịch sử, bởi chính những nhà khoa học đó đã đóng góp trí tuệ, công sức và cả máu xương của mình để xây dựng nên nước Việt Nam có được vị thế, cơ đồ như ngày hôm nay. Thời gian trôi qua, nhiều nhân vật của lịch sử rồi sẽ mất đi, nhưng lịch sử cần được ghi chép lại một cách cẩn trọng và bằng những hiện vật hết sức cụ thể, như những bản báo cáo, những bức thư, những kỷ vật và cả ký ức của người trong cuộc. Đó là những việc làm vô cùng tốt đẹp và mang giá trị nhân văn cao cả mà Ban lãnh đạo cùng toàn thể cán bộ, công nhân viên của Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam ở xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình đã làm, đang làm và sẽ làm tiếp, để bồi đắp thêm cho “Lâu đài lưu giữ giá trị của quá khứ và hướng tới những điều tốt đẹp cho tương lai”.

Hà Nội, ngày 17/10/2022


Có thể bạn quan tâm