April 25, 2024, 1:51 pm

Lung linh như thể tình yêu

 

Trong mênh mang thế giới nghệ thuật thơ, “cổ mẫu” trăng luôn biến ảo, gợi lên nhiều cung bậc cảm xúc cùng những sắc thái lung linh của tình yêu. Một cách tương đối, có thể thấy, khác với cái nhìn có phần tỉnh táo thiên về nắm bắt, phát hiện những chi tiết đời thường nhằm khái quát nên biểu tượng theo kiểu ánh trăng lừa dối (Nam Cao) của văn xuôi, các chủ thể trữ tình của thơ ca luôn nhìn thấy ở trăng vẻ đẹp thi vị mộng mơ, có sức quyến rũ như một tình nương: Trăng vú mộng đã muôn đời thi sĩ (Xuân Diệu)…

Với thi nhân, trăng tự bao giờ là người bạn tâm giao, tri âm, tri kỷ, ánh trăng huyền diệu là hệ sinh thái ngây ngất nuôi dưỡng những giai điệu tình yêu say đắm, dệt nên không gian ngọt ngào để muôn thuở lứa đôi gửi trao, tình tự.

Hà Minh Đức cũng đã chọn trăng để gửi gắm câu chuyện tình yêu của đời mình: mùa trăng là mùa hò hẹn, yêu thương. Từ những xao xuyến nhớ nhung, rạo rực thanh xuân đến những chiêm nghiệm, suy tư tuổi xế chiều. Vào mùa trăng, vì vậy, dưới hệ quy chiếu thi pháp, trước hết là sự biểu thị cảm thức thời gian bên cạnh những liên tưởng về không gian. Theo dòng ký ức, những rung động đầu đời được thức dậy với sắc hương nồng nàn, tươi trẻ: Có một ngày, thơ thẩn tìm em/ Như chú bé và cánh buồm đỏ thắm…/ Em xinh tươi với nụ cười thơ bé/ Tôi hiểu ra hạnh phúc ban đầu/ Tôi bên em những chiều gió thổi/ Em nghiêng nghiêng dáng nhỏ tóc bay/ Tôi nắm tay em dưới tán lá mưa rơi/ Nước chảy mát tràn qua đôi miệng trẻ. (Có một ngày như thế)

Em/ Nàng thơ/ bóng hồng trong Vào mùa trăng của Hà Minh Đức luôn hiện diện như một đốm sáng gợi mở những tâm tình, vừa chân thực đến từng chi tiết biểu cảm, vừa như một ảo ảnh xa vời. Nhà thơ đã đặt nhân vật trữ tình của mình vào giữa một khu vườn tình yêu với rất nhiều sắc màu thiên nhiên, tạo nên sự ám ảnh về một thứ “hương thơm tình yêu” vương vấn suốt cuộc đời: Tôi nuôi một giấc mơ thu từ hồi nhỏ/ Khi những cánh chuồn theo heo may bay xa/ Con chim lạ đến trong vườn tìm tổ/ Dây mướp vàng rủ xuống trước hiên nhà…/ Em bé nhỏ, thơm như trái chín/ Tôi hôn em với đôi môi trần gian (Đi hết một mùa thu).

Hình ảnh “làn môi thiếu nữ” ở đây là hương vị tình yêu, là nét đẹp thanh tân của tuổi trẻ, nó mang đến sự tươi tắn, sinh động nhằm dung hòa kiểu tư duy thiên về diễn giải ý tưởng của nhà thơ. Rất nhiều lần, Hà Minh Đức bằng sự tinh tế, nhạy cảm của trực giác đã khắc họa nên những hình tượng thơ giàu sức biểu cảm, gợi nhớ, gợi tình: Mùa đông ơi xa cách quá chừng/ Những kỷ niệm rung chuông thời thơ ấu…./ Hơi thở nhẹ với mùi thơm của tóc/ Đôi môi mềm võng xuống non tơ (Nỗi nhớ ngày đông).

Quá khứ tình yêu trong Vào mùa trăng, vì thế, đã trở thành miền giao cảm, miền thơ, nơi lưu giữ những bóng hình giai nhân với “đôi chân trần còn vương mùi cỏ”, “đôi mắt thẳm sâu”, “vầng trán thanh sáng”, mái tóc đen dày, những ngón tay mềm mại… Những “thi liệu” để nhớ để thương đã đưa đẩy dòng cảm xúc, tạo nên tư thế trữ tình mang phong thái hoài niệm của tác giả. Đó chính là sự chuyển hóa thời gian thành không gian trong thế giới nghệ thuật phức hợp của tập thơ. Từ chiều quá khứ, mạch thơ trở về hiện tại rồi lại đảo ngược trình tự, và “xáo trộn” cả dĩ vãng tương lai vào kết cấu đồng hiện. Trên nền chuyển động đa chiều đó của thời gian là sự đan cài các bức màn không gian đa sắc rất khó định vị bởi sự di chuyển liên tục các điểm nhìn cùng độ mờ nhòe giữa không gian thiên nhiên và không gian tâm tưởng, ngoại giới và nội giới. Ngoài cái tên Vào mùa trăng mang ý nghĩa “lồng ghép” hai yếu tố không – thời gian, tên gọi các tập thơ khác, những “bản gốc” được tinh tuyển, đều giàu chất thơ, có sức ám ảnh và chuyển tải được tâm thế cùng cảm quan nghệ thuật của nhà thơ: từ Đi hết một mùa thu đến Ở giữa ngày đông, từ Những giọt nghĩ trong đêm đến Khoảng trời gió cát bay, từ Ngoài trời còn mưa đến Chiều miên man gió, từ Tầm xuân nhớ nắng đến Lạc lối giữa mùa xuân v.v… Cả xuân, hạ, thu, đông, bình minh hay hoàng hôn, nắng ấm hay tuyết lạnh, bầu trời hay dòng sông… cũng đều trở thành sinh thái tình yêu, là ngoại cảnh nuôi dưỡng thế giới nội tâm phức điệu của chủ thể trữ tình, nơi lưu giữ những niềm vui, nỗi buồn, hạnh phúc và tiếc nuối của câu chuyện tình yêu. Đôi khi chỉ là cảm nhận vu vơ từ một thoáng tình cờ: Một chiều gặp em/ Mưa chợt đến/ Và chúng ta chụm lại/ Dưới mái hiên lặng lẽ giữa trời/ Tôi trộm nhìn em/ Em lại nhìn chốn xa xôi/ Bong bóng phập phồng/ Và lanh chanh những giọt mưa rơi…/ Mưa dịu dàng/ Mưa ân cần/ Sao ta chẳng quen nhau?/ Mưa lặng rồi/ Em đi về đâu? (Cơn mưa đầu mùa)

Ẩn sau cơ duyên “mưa nắng của giời” là những xao động êm ái từ một tâm hồn thi sĩ đa cảm, mộng mơ, dễ rung ngân dù chỉ một lần gặp gỡ ngắn ngủi giữa muôn ngả đường đời xuôi ngược… Trong vai giao tiếp của một người nam, tác giả Hà Minh Đức luôn hoài nhớ về người tình bé nhỏ, thơm tho với tất cả si mê, đắm đuối. Cảnh quan sóng nước và con thuyền tình ái của thi pháp ca dao được “cài đặt” như một ẩn dụ nhằm biểu đạt thứ cảm xúc trào dâng cơ hồ bỏ qua sự can thiệp của lý tính cùng những bất trắc tiềm ẩn, như một phép đối giữa làn sóng tương tư với sóng gió cuộc đời: Gió chiều thổi lá tung bay/ Em thơ thẩn như ngày bé nhỏ/ Lần đầu nắm những ngón tay/ Sao yếu mềm, và em run rẩy./ Tình yêu bước vào vòng đắm đuối/ Nhớ em sáng ngày đến thâu đêm/ Biển chiều trong cơn sóng lớn/Tôi bên em/ nghiêng một mạn thuyền. (Tình yêu chưa một lần hò hẹn)

Khát vọng được gắn bó dài lâu là lý tưởng của tình yêu nhưng điều đó rất ít khi được đền đáp, nó là mộng tưởng nhiều hơn thực tại. Sự thiếu khuyết muôn thuở mang tính qui luật đó đã phản chiếu trong Vào mùa trăng như một sự kết hợp giữa kinh nghiệm thế gian và hành trang cá nhân. Những chia xa, cách trở, ngậm ngùi, đơn côi, lầm lỡ… những tình thế ngoài mong đợi, song luôn trở đi trở lại trên hành trình tìm kiếm một nửa cuộc đời, một nửa yêu thương: Người con trai sợ nỗi cô đơn/ Vội vàng đi tìm hạnh phúc/ Bàn tay anh trong đêm lạnh giá/ Đã ủ trong đôi tay một người em gái/ Trái tim em tìm thấy lửa/ Trong mắt ai yêu thương/ Bây giờ anh lại ở đây/ Trên tay cầm một nhành lá/ Đã nhạt màu/ Chẳng còn gì thiêng liêng/ Để nói lời hò hẹn/ Chẳng còn gì nguyên vẹn/ Khi mùa thu sắp tàn/ Thương cánh chim rời tổ/ Theo chân trời lang thang (Người tình lang thang)

Nét tương phản giữa làn hơi ấm trong đêm lạnh giá với hình ảnh cánh chim lang thang giữa chân trời xa tắp, giữa việc nắm giữ một hạnh phúc có thật với cuộc theo đuổi viển vông là cấu trúc tình ý của bài thơ, đồng thời cũng là sự trả giá cho những hành vi khó bề thứ tha. Điều quan trọng là nhà thơ/ chủ thể của những tự sự tình yêu đã rất chân thành trước những sai lầm của chính mình. Đối diện với chia ly là chấp nhận buồn khổ, đơn độc, là cay đắng nhận ra ý nghĩa của tình yêu trong vòng xoay số phận. Con đường dẫn đến cuộc chia ly cũng đồng nghĩa với việc con người rơi vào trạng thái vô hướng, nhạt nhòa bản thể: Anh đã đánh mất tình yêu/ Như mất chính mình/ Còn em đang đi trong đêm/ Có thể gặp một tia sáng/ Hoặc để chính bóng tối chỉ đường/ Như kinh nghiệm biết nhận ra từ trong đau khổ. (Chia tay)

Là một nhà khoa học nhân văn, tác giả của hàng chục công trình nghiên cứu lý luận, phê bình giá trị về văn học, báo chí cùng với rất nhiều những sáng tác văn xuôi gồm bút ký, truyện ngắn, tiểu luận chân dung, thơ của giáo sư Hà Minh Đức nói chung và thơ tình nói riêng được “chiết xuất” từ một nền tảng tri thức rộng lớn, trí tuệ – cảm xúc hài hòa, mẫn cảm và sắc sảo…. Gắn bó sâu nặng với thời đại, đất nước và con người Việt Nam suốt thế kỷ XX nhiều biến động, câu chuyện tình yêu trong thơ Hà Minh Đức, theo đó, nhiều khi vượt ra ngoài giới hạn cá nhân, đúng hơn là vừa riêng tư, vừa thời cuộc… Trung thành với lối viết hướng nội, bỏ qua sự tô vẽ cầu kỳ, hoa mỹ, nhiều câu thơ gan ruột của ông thật xúc động, thấm thía. Hình bóng người bạn đời thủy chung, bao dung, chia bùi sẻ ngọt của tác giả hiện lên qua dòng hồi tưởng đầy yêu thương, trân trọng. Đi cùng thứ tình cảm sắt son ấy là những cảm nghiệm, suy tư về sự bất lực của mỗi nhân vị giữa cõi thế “ba phần tư nước mắt”: Một ngày thu đến với em/ Có hương thơm những bông sen trắng…./ Chiến tranh đến chia gia đình về đôi ngả/ Quê hương nửa thanh bình, nửa đạn bom tàn phá/ Những mỗi chiều buồn, mây bay lãng đãng/ Man mác bầu trời quê sơ tán/ Con đường về em là con đường xa/ Anh và em, hai bóng nhỏ/ Dễ xóa đi trong sóng gió cuộc đời (Với em)

Đặt tình yêu trong một hệ qui chiếu/ trường cảm nghĩ rộng lớn, kết hợp những trải nghiệm cá nhân với buồn vui, thăng trầm thế sự, nhiều bài thơ của Hà Minh Đức đã có được những khái quát mang chiều sâu triết lý về thân phận con người…

Bao trùm lên tập thơ là một nguồn năng lượng cảm xúc trẻ trung, nồng thắm. Khi trái tim đã có phần mệt mỏi được đánh thức bởi một người con gái, đó là phép màu mang đến sự hồi sinh. Những mỏi mòn chờ đợi được thay thế bằng nguồn rung động dạt dào, “những chiếc lá vàng năm xưa” đã biến thành “hoa lá sum vầy”, gió rét ngày đông đã bị xua tan bởi nắng ấm mùa xuân… Bút pháp trữ tình của nhà thơ ở đây là lấy cái nhìn từ bên trong để xoay chiều thời gian, phủ lên không gian một thứ men say tình yêu, đồng điệu, hài hòa giữa ngoại giới và nội tâm, đất trời và lòng người: Trăng non/ Vầng trăng hò hẹn/ Đôi phút giây quyến luyến/ Để thương nhớ một đời/ Xin đừng là trăng tỏ/ Vầng trăng em non trẻ/ Chưa biết đến thề bồi…/ Bầu trời bao la/ Sao chỉ có một vầng trăng/ Cho bao người chờ đợi/ Xin đừng là trăng khuyết/ Em vẫn là em/ Trăng non của mùa xuân/ Hò hẹn. (Trăng non)

Bên cạnh những thanh âm dịu dàng, sâu lắng, sau những dồn nén âm thầm người đọc lại bắt gặp một “tone” giọng ở âm vực cao, mạnh mẽ, quyết liệt đến không ngờ:

Sao em lại giận anh vào mùa đông?

Có em trong lòng

Anh thách đố ngàn cơn gió lạnh

(Sao em lại giận anh vào mùa đông)

Song, đó chính là nội lực, là “mã” tư tưởng chi phối đến các sắc điệu ngôn tình của Vào mùa trăng. Xuyên suốt tập thơ là khát vọng hướng đến một tình yêu không tuổi, nơi con người “giải minh” được thế giới và tìm được ý nghĩa lớn lao cho đời sống cá nhân trong dòng chảy thường hằng và vĩnh hằng, khoảnh khắc và mãi mãi.


Nguồn Văn nghệ số 24/2019


Có thể bạn quan tâm