March 29, 2024, 3:56 pm

Lửa vẫn cháy trong mỗi trang văn

Sau lần tấn công về Huế đợt 2, tháng 5 năm 1968, chiến trường Trị Thiên Huế bước vào thời kỳ cam go ác liệt. Quân số các đơn vị thiếu hụt. Bộ đội K “tư”, KX, K439… hy sinh, thiếu đói, sốt rét. Đêm đêm bộ đội du kích vẫn vượt qua chốt chặn của địch về làng xây dựng cơ sở, mua gạo, đậu phộng cứu đói…

Một lần có một tổ trinh sát vượt đường 12. Tới Khe Môn thì trời sắp tối. Họ dừng lại nhóm bếp nấu ăn, chờ đêm có trăng lên sẽ vượt đường. Củi ướt chưa bén, đang lúi húi quạt khói vì sợ máy bay OV10 của địch phát hiện, bất ngờ từ một con đường mòn xuất hiện một toán 5-7 người. Đi đầu là một tổ trinh sát đeo AK báng gấp. Phía sau có mấy người lưng đeo gùi bạt, súng K54, K59. Nhìn thấy khói bếp, một người đàn ông cao to hoảng hốt la: - Tụi bay muốn giết cả đám hử?... Ông già cầm cây ba toong xông vào quất lính túi bụi, và hất đổ hai lon gạo cháo đang nấu trên bếp… Lát sau người đàn ông ấy cúi xuống nhìn đám cơm gạo vương vãi trên mặt đất, nhận ra đấy chỉ là một ít gạo sấy của lính Sài gòn vất lại trên bãi mà những người lính của ông lượm được trên đường đi, nấu lẫn với vài cọng rau tai voi, tầu bay và vài con cá xanh chém được ở khe suối. Ông hỏi: - Tụi bay quân đơn vị mô? Một người lính sợ hãi trả lời: - Thưa thủ trưởng, chúng em là lính KX, nhận lệnh của ông Bậu, ông Duy sang trung đoàn đưa thư và xin gạo. Đói quá thủ trưởng ạ. Đã 3 tháng nay…

Ông già ấy vừa nhìn những hạt cơm vương vãi trên nền đất, rồi nhìn những người lính, rồi ông khóc: - Để lính đói như ri là lỗi của qua, của qua, các em ạ!... Rồi ông nhìn sang phía người đàn ông cũng cao tuổi đứng phía sau. - Ta có lỗi với Đảng, anh Hoàn ạ!... Nước mắt cũng rơm rớm trên mắt người đàn ông tên Hoàn ấy…

… Về sau này, những người lính mới hay người đàn ông cao to có gương mặt sẹo ấy, chính là trung đoàn trưởng nổi tiếng của Thừa Thiên - Huế, Thân Trọng Một. Còn người đàn ông cao tuổi thứ hai là nhạc sỹ Trần Hoàn (ở chiến trường có biệt danh là Hồ Thuận An), cán bộ tuyên huấn của tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế. Lưng người nhạc sỹ cũng đeo một chiếc gùi bạt, kèm theo cây đàn ghi ta. Họ đi họp ở trên quân khu về và bất ngờ gặp đám lính đói của KX. Ông Một và ông nhạc sỹ sai cậu công vụ chia sớt cho những người lính 5 lon gạo để nấu cơm chiều…

Một trong những người lính có mặt trong tổ trinh sát ấy, chính là nhà văn Đỗ Kim Cuông. Anh quê Thái Bình, 17 tuổi lên đường theo tiếng gọi Tổ quốc, và  suốt 9 năm liền  gắn bó với chiến trường Trị Thiên - Huế gian khổ và ác liệt. Anh tâm sự về những ngày tháng ấy: “Hàng trăm lần đi bám địch, gùi gạo, đào hầm, chuyển hậu cứ, giữ chốt, đối đầu với địch ở phòng tuyến Phong Sơn, điểm cao 140, bờ Nam sông Ô Lâu… Những trận đánh, những chiếc nồi bị đâm thủng, những chiếc bếp Hoàng Cầm, căn hầm chữ A sụt lở… Những nấm mộ không bia bảng ghi tên liệt sỹ; cũng có khi là mảnh xương khô… Có những lúc buồn da diết nghĩ về những bài học chiến tranh, về nhân dân, những điều nhiều khi không hề có trong bài giảng, sách vở. Đại đội, tiểu đoàn, từng lớp tân binh quê Hải Hưng, Thái Bình, Nam Hà rồi đến Hà Tĩnh, Hà Nội, Vĩnh Phú… đã ngã xuống trên vành đai Bắc Huế… Ngày tiểu đoàn được quân khu cho tái lập, cả đơn vị còn lại chưa tới ba chục tay súng. Một số bị thương lui về tuyến sau, còn phần đông đã ngã xuống trên các cánh đồng Hương Thái, Hương Thạnh, Hương Mai, Hương Vân, La chữ, Phú Ổ, Văn Xá. Họ nằm trong các lớp đất mầu mỡ giấu kín dưới tán cây rừng, không để lại dấu tích bia mộ. Ở đấy cứ mỗi độ thu sang trên những vùng đồi trọc hoa lau nở trắng một vùng...”

 Chính những cảm xúc luôn như ngọn lửa rừng rực ấy trong lòng đã làm Đỗ Kim Cuông viết, viết ngày viết đêm, viết như để tưởng nhớ đồng đội, như để lưu giữ lịch sử những năm tháng hào hùng mà gian nan, cay cực ấy… Để hôm nay anh trở thành tác giả của 14 bộ tiểu thuyết, 7 tập truyện ngắn, phần lớn đều viết về chiến tranh và đời lính chiến trường, cụ thể là đời lính mặt trận Trị Thiên - Huế. Có thể kể đến những tác phẩm tiêu biểu: Người đàn bà đi trong mưa (1987), Nửa vành trăng khuyết, Một nửa đại đội (1988), Hai người còn lại (1989), Thung lũng tử thần (1990), Miền hoang dã (1991), Vùng trời ảo mộng (1993), Chuyện tình ở biển, Mảnh sân sau u ám (1993), Tự thú của người gác rừng (1996), Giáp ranh (1996), Cát trắng (1997), Đêm ngâu (1999), Người dị hình (2000), Thủ lĩnh vùng sông Tô (2001)… Và cũng chính những tác phẩm này đã mang lại cho người lính ấy nhiều giải thưởng văn học quý giá: Giải A cuộc thi sáng tác văn học do Quân chủng Hải quân, Bộ quốc phòng tổ chức năm 1995. Giải A cuộc thi truyện vừa do Hội Nhà văn Việt Nam và tạp chí Tác phẩm mới tổ chức năm 1998. Giải “Cây bút vàng” do Hội nhà văn Việt Nam và tạp chí Văn nghệ Công an năm 1998….

 Và cũng chính văn chương đã góp phần tạo nên con người “chính khách” Đỗ kim Cuông: Bí thư Đảng đoàn, Phó chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Khánh Hòa, Tổng biên tập Tạp chí Nha Trang, rồi Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ - Ban Tuyên giáo Trung ương… Và hôm nay là Phó chủ tịch thường trực Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam!

*

 Tôi cùng lứa tuổi với ông, cùng đi lính vào những năm đất nước kêu gọi tuổi trẻ lên đường, và cùng vào chiến đấu ở mặt trận, chỉ có khác người lính quê bên bờ sông Trà Lý - Thái Bình là Cuông thì chiến đấu ở mặt trận Trị Thiên - Huế quê tôi, còn chàng thư sinh uống nước sông Hồng là tôi lại sang chiến đấu mặt trận Cánh đồng Chum - Lào. Khi hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi lại cùng cởi áo lính về học ở những giảng đường đại học sư phạm, và cùng học ngành ngữ văn. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế, Đỗ Kim Cuông về làm giảng viên Cao đẳng sư phạm Nha Trang. Tôi gặp anh ở đây trong lần đến thăm một người bạn học cũ từ hồi ở Đại học Sư phạm Hà Nội, cũng là lính từ mặt trận trở về, và cùng tổ giảng dạy với Đỗ Kim Cuông, là Trần Việt Kỉnh, phu quân của nhà thơ Lê Khánh Mai - Nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ Khánh Hòa. Nói thật buổi đầu, chúng tôi cũng chẳng nói chuyện văn nghệ văn gừng gì, mà ba thằng rủ nhau ra sân... đá bóng. Mấy buổi chiều liền. Tôi và Việt Kỉnh trước từng là cầu thủ trong đội tuyển trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Nhưng dè đâu, Đỗ Kim Cuông thoạt trông vẻ lủ khủ lù khù, vậy mà khi vào sân thì lại như mũi tên bay, va đập quăng quật, dê dắt, đánh đầu như cầu thủ chuyên nghiệp, “chẳng sợ bố con thằng nào”, …

 Rồi có một đêm, Cuông trải chiếc chiếu trước hiên nhà, pha ấm trà, ba thằng thong thả ngồi ngắm trăng suông và... đọc thơ. Cuông bảo vừa đi sưu tầm thơ ca dân gian dọc hai bờ con sông Hiền Lương trở về. Y không đọc thơ y mà đọc ca dao của quê hương tôi, giọng ngai ngái của Cuông đọc hay đến sởn da gà. Tôi bảo, tao cảm ơn mày quá, quê tao mà tao không trở về lượm lặt, lưu giữ những “hạt ngọc” này của ông cha để lại, mà khiến mày, một thằng quê mãi tận sông Trà Lý xa xôi vào đây, đánh nhau đã “tướt cù bơ”, nay lại đi sưu tầm những câu thơ, lời hát dân gian ông cha thế này, thật là còn quý hơn vàng…

Cuông cười, chẳng nói gì, hớp một ngụm trà trong chiếc ly nhỏ đã lung linh ánh trăng…

Sau đợt ấy, Cuông lên làm lãnh đạo văn nghệ Khánh Hòa, rồi ra Hà Nội. Cũng do Trần Việt Kỉnh mất sớm, nên chúng tôi ít có dịp gặp lại nhau. Dù vậy, mỗi đận ra nhà sách, dù ở Thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Nội, thấy trên giá có những tác phẩm mới nào của Đỗ Kim Cuông là tôi lại mua về đọc. Chiến tranh, súng đạn, quê hương Trị Thiên của mình… Đọc Cuông là gặp lại tất cả không khí ấy, cảnh vật ấy, và tình người, tình đồng đội mặn nồng ấy. Ngoài đời mến Cuông một, trong văn chương lại yêu Cuông mười, vì anh viết đúng chất lính của tôi, và lại viết về quê hương của tôi. Anh viết hay đến mức, làm tôi càng yêu quê mình nhiều hơn trong lửa đạn, và thấy như mắc nợ với Đỗ Kim Cuông, với máu xương của anh đã đổ những năm tháng chiến tranh trên quê hương mình, và với những trang sách anh viết về đời lính Trị Thiên hôm nay….

Cách đây không lâu, tôi có dịp cùng bạn bè về Bến Tre thăm anh Hai Nghĩa (Tức đồng chí Trương Vĩnh Trọng - nguyên ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng chính phủ). Anh Hai Nghĩa mừng lắm, nhất mực hỏi thăm Đỗ Kim Cuông. Là bởi ngày anh rời Bến Tre ra Hà Nội công tác, ở khu Vạn Bảo sát vách nhà Đỗ Kim Cuông, cũng vừa từ Nha trang ra Hà nội về công tác ở Ban tuyên giáo Trung ương. Anh Hai kể cứ chiều đến cơm nước xong hai anh em lại pha ấm trà Bắc ngồi tâm tình trò chuyện với nhau. Bởi đồng cảnh vừa từ địa phương chuyển ra công tác Trung ương, lại cùng đang xa vợ xa con… “Cuông nó là nhà văn mà cũng như tôi gốc nông dân, chân thành, mộc mạc lắm. Hồi đó nó chưa viết nhiều sách, có quyển nào lại tặng tôi cuốn ấy, đọc cả đêm mà chẳng muốn dừng…”

Lại cũng một dịp chưa xa, có một nữ doanh nhân xinh đẹp, là con gái một Trung tướng, nguyên phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân, biết tôi có thân quen với nhà văn Đỗ Kim Cuông, cứ nằng nặc bắt tôi tổ chức bữa cơm thân mật để chị được gặp nhà văn mình yêu thích... Thì ra bố chị nguyên là Phó tư lệnh quân khu Trị Thiên - Huế trong chiến tranh, nghĩa là thủ trưởng cao cấp của anh hạ sỹ Đỗ Kim Cuông ngày ấy. Ông rất yêu những cuốn tiểu thuyết, những tập truyện ngắn do người lính của mình là Đỗ Kim Cuông viết về chiến trường những năm tháng ấy, và thường tìm mua về cho cả nhà cùng đọc. Bởi thế nên những người con của ông, trong đó có nữ doanh nhân xinh đẹp này, từng nhiều đêm thao thức với những trang văn của Đỗ Kim Cuông, dần dần trở nên yêu mến nhà văn đã viết nên những trang sách máu thịt ấy.

Chị bảo, trong ấy luôn hừng hực ngọn lửa của người lính đã đi qua cuộc chiến tranh vĩ đại để giải phóng dân tộc…

Và với nhà văn, người lính Đỗ Kim Cuông, ngọn lửa ấy không chỉ soi sáng những năm tháng đã qua, mà còn tiếp sức cho anh, đồng đội và bạn đọc thế hệ của anh, cũng như các thế hệ sau này, những mạch nguồn yêu thương và tự hào trong những chặng đường tới!

Nguồn Văn nghệ số 44/2020


Có thể bạn quan tâm