April 19, 2024, 4:00 am

Lửa từ Dân

 

Những ngày cuối thu năm 2020, cả dọc dài dải đất miền Trung hứng chịu tang thương bão lũ. Cái cụm từ “chưa từng có”, “như chưa có bao giờ”, lại cất lên, thảng thốt, đắng mặn. Rừng nghiêng, núi lở. Đất sụt đá xô. Sông cuồng suối dữ... Cái sự khốc liệt xem ra như chưa từng có, như chưa có bao giờ! Lũ chồng lũ, tai họa chồng tai họa. Nơi này chưa nguôi dòng nước mắt, nơi khác đã vật vã nỗi đau...

 

Ảnh minh họa

Rồi, cũng như chưa có bao giờ - mà thật sự chưa có bao giờ - cái nghĩa đồng bào, tình người một nước lại ngời sáng, lan tỏa, nồng ấm đến vậy! Chẳng chờ người Miền Trung cất tiếng gọi, “người trong một nước” đã kết nối sợi dây trái tim đến với trái tim, cảm thông, sẻ chia, dấn thân, thiện nguyện…Lũ chưa qua mà tình người đã kịp đến. Bằng mọi nẻo đường, bằng muôn cách thức, kịp thời và hiệu quả…

Đúng là bằng muôn cách thức, những lá rách lá lành, những gà cùng một mẹ, những bầu bí chung giàn… đã tìm đến cùng nhau. Đồng tiền gói mỳ. Con thuyền tấm lưới. Viên thuốc mớ rau. Mái nhà cuốn vở… Tất cả hối hả khẩn trương. Bằng đường bộ, đường không, đường thủy… Bằng cả những cuộc đi bộ xuyên rừng, xuyên đêm. Bằng nương dòng máu Việt vượt ngàn trùng cách xa, vượt lên định kiến, nghi kỵ với sự cảm thông, thấu hiểu. Bằng tấm lòng đến với tấm lòng, trái tim đến với trái tim…

Không thể nào quên hình ảnh bếp lửa của đồng bào Tây Nguyên những ngày Miền Trung đang gắng gỏi gồng mình chống chọi bão lũ. Từ vùng bắc Tây Nguyên quê hương Đinh Núp, đến vùng nam Tây Nguyên quê N’ Trang Lơng, từ làng buôn đến phố phường, hàng hàng bếp lửa, rừng rực, cháy sáng. Đâu cần lời kêu gọi, người dân tự góp tiền, góp gạo, cùng nhau gói những chiếc bánh tét bánh chưng, nổi lửa thâu đêm kịp chuyến xe xuôi Miền Trung để tấm bánh đến với người dân đang đứt bữa giữa vùng lũ, sao cho tấm bánh vẫn dẻo thơm ấm nóng. Hình ảnh người dân Tây Nguyên, người làng buôn cùng người phố phường gói bánh bên bếp lửa cháy rực gợi về bao liên tưởng…Những nhịp chày hàng đêm trên sóc Bom Bo thuở còn giặc giã, để có thêm cối gạo giúp bộ đội ăn no đánh thắng… Những đuốc lửa xà-nu soi lối dẫn dòng người thuở theo Bok Núp lên núi lập làng kháng chiến…Những đêm bên bếp lửa nhà dài dân làng tụ họp, góp “hũ gạo nuôi quân”, nhường nhau “hạt muối Cụ Hồ”… Tính cộng đồng, nghĩa nguồn cội thành sợi dây bền chặt, kết nối, miền ngược miền xuôi, trong Nam ngoài Bắc, trong nước ngoài nước. Nhân dân là vậy. Người trong một nước là vậy. Đồng lòng, sẻ chia, xả thân và dâng hiến. Mỗi khi đồng bào mình gặp cơn bĩ cực, đất nước gặp vận nguy nan thì bất kể sang hèn, cao thấp, trọng nhau ở tình người, quý nhau ở tấm lòng. Những chiếc bánh thảo thơm từ truyền thuyết thời Hùng Vương gói trọn nghĩa tình người Tây Nguyên bỗng lung linh sống động một thông điệp hai chữ Đồng Bào, sáng, ấm, bền lâu.

*

Đằng đẵng hai năm rồi, đất nước gặp họa nạn, họa tiếp họa, nạn chồng nạn. Vừa thiên tai vừa dịch giã. Đại dịch mang tên Covid-19 gây nỗi kinh hoàng cho cả thế giới, cùng lúc gây bao thảm họa, tác động tiêu cực đến mọi lĩnh vực của đời sống, khiến xã hội thêm trĩu nặng lo âu, ngợp trong trạng thái hoảng loạn, cô đơn.

Thêm một lần Trời Đất muốn thử lòng người, cân đo sức người chăng?

Và lòng dân, sức dân thêm một lần Trời tỏ!

Qua từng cung bậc, dù ở khúc đoạn nào, thì lòng dân cứ hiển hiện, sáng đẹp. Không đâu và không khi nào lòng dân lại đồng thuận và phục tùng, bao dung và sẻ chia, như nước mình, ở thời điểm đại dịch bùng phát, cao điểm và đỉnh điểm. Dân mình là vậy, chính quyền luôn ở trên đầu, luôn đúng, chấp nhận, phục tùng vô điều kiện.

Không đâu và không khi nào, sự đồng cảm, sẻ chia từ lòng dân và sức dân lại muôn vẻ, phong phú, kịp thời, chẳng chút đắn đo, hơn thiệt, như ở nước mình, những ngày bí bách, ngay tâm điểm bịt bùng đại dịch. Từ đầu năm 2000, Hà Nội, Sài Gòn và nhiều tỉnh thành đã xuất hiện Quán cơm 2 nghìn đồng; Bữa cơm 0 đồng; Suất cơm tình thương; Nhà trọ miễn phí… Cũng từ năm 2000, xuất hiện nhiều hơn những cây ATM mì tôm, ATM gạo… những quầy nhu yếu phẩm “Ai cần thì lấy” của các nhóm thiện nguyện, người hảo tâm, những mạnh thường quân… Một người hô trăm người ứng, một người gọi ngàn người theo, cứ thế mà thành. Những ngày Sài Gòn đổ bệnh với nhiều tang thương mất mát, lại xuất hiện những ATM bình ô-xy, ATM hậu sự… Rồi trên những nẻo đường người tha hương chạy dịch về quê, những lúc tưởng chừng đuối sức, hụt hơi, đồng bào mình lại có mặt. Bất kể ngày đêm, nắng mưa, đèo cao dốc đứng, đồng tiền, hộp cơm, ổ bánh mỳ, chai nước, lít xăng, tấm áo che mưa, và lời động viên, an ủi… Chẳng có gì bất ngờ hay ngạc nhiên về sự tử tế thường trực trong đồng bào mình những ngày này, khi tâm thức cộng đồng, sự cố kết, sẻ chia của người Việt đã kết tinh thành văn hóa, mỗi đận nước nhà gặp thiên tai, binh lửa, dịch giã… lại phát lộ, bừng sáng. Kỳ lạ là cái tên gọi liên quan đến hình thức giao dịch đồng tiền - ATM - vốn nghiêm ngặt quy trình quy tắc, vào thời điểm bĩ cực lại trở nên gần gũi đời thường, thực dụng và hiệu quả tức thời đến thế! “ATM” thời dịch giã là thứ sản phẩm sáng tạo, chỉ dấu văn hóa, nguồn nhiệt giữ lửa, để đất nước này, trong những hoàn cảnh gian nguy, lại thêm nhiều ánh lửa…

Tâm thức cộng đồng, sự tử tế, những “ATM” thời dịch giã, lại gợi về những câu chuyện chưa xa. Thời kháng chiến chín năm, thuở chiến tranh đằng đẵng ba mươi năm, những tháng ngày “lụt Bắc lụt Nam máu tràn biên giới”… Ai ơi còn nhớ những lều tranh quán nứa ngang đường tản cư chạy giặc, trên đường công tác, dọc đường ra trận? Ai ơi còn nhớ những chõng tre ấm nước chè xanh, nải chuối, rá khoai? Thuở ấy tối đâu là nhà, ngả đâu là giường. Thuở ấy làng quê đâu cũng đồng bào mình nào ngại lỡ đường lỡ bữa! Cái thuở ban đầu dân quốc, cũng đâu xa, với những Tuần lễ vàng, Hũ gạo cứu đói, Hũ gạo kháng chiến, Áo ấm mùa đông chiến sỹ… Chuyện bao đời, chuyện muôn đời là sức dân – vận nước, sức dân xoay chuyển vận nước, tạo thế nước. Qua thăng trầm lịch sử, kết tinh thành thứ văn hóa, bền bỉ, lớn lao, làm sao mà đếm mà đo!

*

Chẳng ai mong thiên tai, dịch giã hay binh đao để được chứng kiến sức dân, chiêm ngưỡng lòng dân. Chỉ mong đất nước thanh bình để lòng dân thư thái, sức dân thịnh cường.

Trong Di chúc, Bác Hồ từng căn dặn những người lãnh đạo đất nước là sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi, phải lo khoan thư sức dân, bằng việc miễn thuế, giảm thuế. Hơn ai hết Người thấu rõ, “nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh”.

Thuở trước, sau công cuộc bình Ngô thắng lợi, Nguyễn Trãi từng mong muốn đất nước muôn thuở thái bình, “vua Nghiêu Thuấn”, “dân Nghiêu Thuấn”, “dân giàu đủ khắp đòi phương”, “khắp thôn cùng xóm vắng không có một tiếng hờn giận oán sầu”…

Chiến tranh, thiên tai hay dịch giã đều là môi trường nghiệt ngã, tàn khốc, vắt kiệt sức dân. Lòng dân thì vô cùng mà sức dân có hạn. Trong đại dịch, từ người lao động bình thường đến giới doanh nhân, nghiệp chủ; từ đồng bào miền ngược, miền xuôi đến thị thành; từ giới công chức đến lực lượng vũ trang… đã gom góp, phát huy, hội tụ sức người sức của, đằng đẵng suốt hai năm qua. Sức dân lo cho dân. Sức dân dồn việc nước. Sức dân bù đắp những hao hụt, khiếm khuyết, bất cập của chính quyền…

Dưỡng sức dân để không lâm vào tình huống suy kiệt nguồn lực, để nguồn lực được bồi bổ, sinh sôi. Dân giàu, nước mạnh. Sức dân vận nước. Sức dân là sức nước. Sức nước cũng từ sức dân.

Dưỡng sức dân để toàn dân thêm vững chí bền lòng tiếp tục hành trình vừa khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế, ngăn dịch thành công. Dưỡng sức dân bằng khoanh nợ, giảm thuế, miễn thuế, hỗ trợ vốn vay, bằng môi trường minh bạch, lành mạnh, ích nước lợi dân... Chính sách phải cụ thể, thiết thực, người dân, doanh nghiệp “tai nghe, mắt thấy, tay cầm”, không phải thứ “chính sách trên ti-vi”, như đã từng…

Dưỡng sức dân bằng việc ủng hộ, bảo vệ những doanh nhân tài trí, tử tế, nòng cốt của sức dân; dũng cảm loại bỏ những doanh nghiệp sân sau, những “cấu trúc”lợi ích nhóm.

Dưỡng sức dân bằng cơ chế thông thoáng, cởi mở, bằng chủ trương, chính sách phù hợp với bối cảnh “bình thường mới”, “an toàn mới”. Sức dân hưng thịnh, sức nước hùng cường, vận nước lại hanh thông. Sức dân - vận nước thước Trời may ra… Lửa từ Dân Tản bút của Uông Ngọc Dậu Chuyện bao đời, chuyện muôn đời là sức dân – vận nước. Sức dân xoay chuyển vận nước, tạo thế nước. Qua thăng trầm lịch sử, kết tinh thành thứ văn hóa, bền bỉ, lớn lao, làm sao mà đếm, mà đo…

Nguồn Văn nghệ số 4+5+6/2022


Có thể bạn quan tâm