April 25, 2024, 4:47 pm

Lựa chọn sách giáo khoa: Bộ “chuyền bóng” xuống cơ sở

 

Khi các nhà trường từ mầm non đến đại học ở Việt Nam đang nghỉ học để ứng phó với “thảm họa” Covid-19 đến từ tâm dịch Vũ Hán, thì Thông tư 1/2020/TT-BGDĐT về việc: “Hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông” đã dấy lên quan ngại không chỉ trong đội ngũ giáo viên mà còn cả phụ huynh học sinh.

Giáo viên Phòng Giáo dục và Đào tạo Can Lộc, Hà Tĩnh hội nghị trực tuyến về Chương trình sách giáo khoa lớp 1

 

Lúng túng, bị động

Ở tuổi chín mươi, nhà giáo nhân dân Bùi Thân vẫn tâm huyết, đồng hành với giáo dục. Gắn bó với giáo dục từ năm 1949, trực tiếp tham gia ba lần cải cách giáo dục (lần thứ nhất năm 1950, lần thứ hai năm 1956 và lần ba năm 1981), nhưng chưa lần nào lựa chọn sách giáo khoa, Bộ lại giao cho cơ sở. Là tác giả của hàng chục đề tài, hàng trăm bài báo,chủ biên, đồng chủ biên nhiều cuốn sách về lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là Cuốn sách dành cho cha mẹ có con vào lớp 1, nhà giáo Bùi Thân được mệnh danh là Chuyên gia lớp một. Năm 1995, đề tài: Dạy khoa học thường thức cho học sinh cấp một của thầy được dịch ra tiếng Pháp, để báo cáo tại Hội nghị giáo dục tiếng Pháp khu vực châu Á, Thái Bình Dương tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh. Với những đóng góp cho giáo dục, thầy được Chủ tịch nước phong Nhà giáo ưu tú (1988), Nhà giáo Nhân dân (2010). Cho nên, trao đổi của thầy về Thông tư 1/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể không lưu ý. Thầy khích lệ tôi: “Anh có điều kiện, nên tìm hiểu, điều tra thực tiễn tận cơ sở, lắng nghe một cách thấu đáo từ cán bộ quản lý giáo dục cũng như giáo viên, phụ huynh ở các cơ sở rồi có những phản biện khách quan với tinh thần xây dựng nhé!”.

Mang theo tâm nguyện của thầy, vượt qua nỗi sợ hãi vi rút, đeo khẩu trang lên đường, tôi đến một số trường tiểu học trên địa bàn Hà Tĩnh. Đang thời điểm nghỉ dịch, trường nào cũng vắng học sinh. Nhưng các thầy cô đến trường vệ sinh trường lớp và triển khai một số hoạt động, trong đó có việc tìm hiểu các bản sách giáo khoa lớp 1. Đây là lần đầu tiên các cơ sở giáo dục ở cơ sở tự quyết định lựa chọn sách giáo khoa, nên vô cùng lúng túng không chỉ ở cách thức, mà còn ở nội dung hoạt động.

Hiệu trưởng trường tiểu học Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh cho biết: “Giá như chúng em có thời gian  tổ chức dạy thực nghiệm ở các lớp học sinh, từ đó nhận xét, đánh giá sẽ khách quan, tin cậy hơn. Chứ chỉ đọc qua sách với thời gian ngắn, sẽ không tránh được chủ quan”.

Cô Nguyễn Thị Hải Lý (Hà Tĩnh) ngẫm nghĩ: “Từ ngày 1/7 khi Luật giáo dục có hiệu lực, việc lựa chọn sách giáo khoa thuộc thẩm quyền cấp tỉnh. Có lẽ chỉ vì vướng luật nên Bộ mới có Thông tư 1 này. Thông tư 1 chỉ thực hiện trong một năm. Cách thức này không chỉ làm khó cho cơ sở mà còn làm khó cho nhà quản lý. Tôi không hiểu là trong thời gian ngắn, các vị chuyên viên tiểu học sắp tới làm sao tiếp cận được cả năm bộ sách để chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện chương trình của các trường đây!”. Bởi thế không chỉ giáo viên mà nhà quản lý từ trường, phòng đến sở đều lúng túng không chỉ vì thụ động mà còn vì quá nhiều bất cập.

 

Những bất cập.

Chúng tôi đã đọc kỹ Thông tư 1/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 30 tháng 1 năm 2020. Thông tư gồm năm chương với 16 điều hướng dẫn đầy đủ các bước thành lập hội đồng, cơ cấu, tổ chức, quyền hạn các thành viên cũng như hoạt động của hội đồng trong lựa chọn sách. Thông tư cũng công bố khung thời gian. Trên văn bản giấy tờ, Thông tư 1 có vẻ hợp lý, nhưng khi đụng vào thực tiễn, lộ ra quá nhiều bất cập

Cô Nguyễn Thị Thu Thanh (Đức Thọ) phản biện: “Đến 15/3/2020, Thông tư 1 mới có hiệu lực. Nhưng chậm nhất là 30/4/2020, chúng tôi đã chốt quyết định lựa chọn bộ sách nào?! Như vậy, thời gian lựa chọn chỉ có bốn mươi lăm ngày, trong thời gian đó, còn bao nhiêu hoạt động, chúng tôi phải dạy học hai buổi ngày, mười buổi/ tuần, đó là chưa tính đến hiện nay, chúng tôi đang nghỉ dịch vi rút, mà ngày 30/4 là hạn cuối cùng, nên có vắt chân đến cổ cũng không kịp”. Lo sợ không kịp thời gian, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Tĩnh, các huyện Thạch Hà, Đức Thọ, Hương Sơn, Hương Khê… tranh thủ khi học sinh nghỉ học do vi rút, thì các thầy cô đến trường tìm hiểu các bản sách giáo khoa lớp một. Nhưng đến thời điểm hiện nay, theo phản ánh của một số cơ sở giáo dục, năm bộ sách để cơ sở lựa chọn có bốn bộ của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và một bộ của nhóm Cánh diều. Đáng tiếc, bộ của nhóm Cánh diều không có bản in mà chỉ có bản gửi qua mạng. Chúng tôi trao đổi vấn đề này với lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh thì nhận được phản hồi là không có kinh phí in!?

Chao ôi, nghe thông tin Dự án cải cách giáo dục chi rất nhiều tiền mà, vì lẽ gì mà Cánh diều lâm vào tình trạng thiếu kinh phí để ra nông nỗi ấy!?

Bốn bộ của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đáng tiếc đến thời điểm hiện nay vẫn chưa đủ các bản sách. Tại trường tiểu học Thị trấn Hương Khê bộ sách do nhóm Vì bình đẳng dân chủ trong giáo dục biên soạn không hiểu vì lý do gì vẫn thiếu ba văn bản: Giáo dục thể chất, Mỹ thuật, Tự nhiên và Xã hội. Tại trường tiểu học Bắc Hồng (Hồng Lĩnh) thiếu bản sách Hoạt động trải nghiệm và Giáo dục thể chất. Tình trạng này phổ biến cho 241 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh. Không đủ các bản sách, cơ hội lựa chọn hẹp đi là tất yếu.

Bất cập này, kéo theo bất cập khác. Mỗi trường chỉ được giao mỗi bộ sách một bộ, nên rất khó cho giáo viên. Cực chẵng đã, có trường nhân bản bằng pô tô, lại có trường sắp xếp thời gian cho từng giáo viên để luân chuyển sách, thành thử mỗi giáo viên chỉ có trong tay văn bản vài ba ngày thì làm sao nghiên với cứu!. Thầy Phan Nhật phàn nàn: “Ngay cả các Giáo sư đầu ngành như Hồ Ngọc Đại và Trần Đình Sử còn lên mạng cãi nhau nẩy lửa về cuốn sách Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục, không bên nào chịu bên nào, thì trong vài ngày, “cưỡi ngựa xem hoa” thầy cô tiểu học chúng tôi lướt qua kênh hình, kênh chữ đã hoa cả mắt!”

Theo điều tra của chúng tôi, trong 241 trường tiểu học ở Hà Tĩnh có 45 trường quy mô dưới 10 lớp. Thậm chí có trường chỉ có 5 lớp như trường Tân Hương Đức Thọ, dưới 100 học sinh. Với đội ngũ giáo viên 8 người, thì làm sao có thể lựa chọn được các thành viên hội đồng có năng lực thẩm định, và làm sao Chủ tịch Hội đồng  không run khi “chịu trách nhiệm trước sự lựa chọn” sách cho con em học!?

Hài hước hơn, thầy cô được giao lựa chọn sách giáo khoa, nhưng tiêu chí để lựa chọn thì UBND tỉnh ban hành. Đến nay, UBND tỉnh vẫn chưa ra được Bộ tiêu chí, nên các trường vẫn dài cổ ngồi chờ. Khi chưa có tiêu chí, mấy lâu nay, các trường trên địa bàn Hà Tĩnh tổ chức lựa chọn sách cũng chỉ là hình thức mà thôi… 

Đại diện Hội cha mẹ học sinh có nơi, có lúc là “cánh tay nối dài” của Hiệu trưởng, thậm chí còn là “chứng từ thanh toán” của nhà trường cho những khoản thu chi khó nói. Lần này, trong Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa có đại diện phụ huynh. Một vị đại diện phụ huynh thắc mắc: “Khi đưa chương trình VNEN về Hà Tĩnh, có ai hỏi phụ huynh đâu. Năm 2014, triển khai chương trình Tiếng Việt lớp 1 của Hồ Ngọc Đại cũng chẳng thấy hỏi phụ huynh. Vậy mà lần này, không hiểu sao lại có đại diện chúng tôi. Nói thật, chúng tôi biết chi chương trình với sách giáo khoa”.

Theo điều tra của chúng tôi, 241 vị Hội trưởng hội cha mẹ học sinh phần lớn là nông dân lao động, khoảng một phần ba trong số đó là cán bộ công chức. Nhưng không phải cán bộ, công chức nào cũng biết chương trình, sách giáo khoa! Thầy Bùi Thân buồn rầu: “Thì cho đủ mâm. Mặt trận mà”.

Như vậy, “quả bóng” sách giáo khoa được Bộ chuyền cho cơ sở. Tại cơ sở từ “đội trưởng” cho đến các “cầu thủ” chưa được huấn luyện làm quen với môi trường thi đấu, thành thử họ chỉ ngắm nghía quả bóng,  rồi ra sân run run chuyền qua chuyền lại, phần lo sợ “việt vị”, phần sợ bị thổi còi phạm lỗi, phần lo sút về sân nhà. Họ còn trăm nỗi lo sợ khác. Lo lỡ nói thật không khéo vạ miệng. Im lặng cho nó lành. Dẫn chứng rành rành ra đó. Cô Võ Thị Thảo - Giáo viên trường Phố thông dân tộc bán trú trường tiểu học và trung học cơ sở Tà Cạ chụp ảnh giáo viên lựa chọn sách giáo khoa lớp một, kèm theo nội dung phê phán chương trình sách gíao khoa mới đã bị Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Kỳ Sơn, Nghệ An kỷ luật với hình thức khiển trách thông báo toàn ngành và cho biết sẽ bị điều chuyển sang trường khác thuộc địa bàn khó khăn hơn.

Cho nên đừng tưởng cứ được chuyền bóng là sút!

Nguồn Văn nghệ số 11/2020


Có thể bạn quan tâm