March 29, 2024, 5:25 am

Lũ quét

 

Người đàn ông gùi sau lưng bế ống luồng đựng mật ong đi dọc con đường ven suối hướng về bãi sông đầu con thác Nhạn Cóm san sát lều quán. Bước đi khập khiễng, gương mặt rám nắng có vết sẹo dài bên má làm cho anh nom già hơn cái tuổi cận ba mươi.

Trời mới hoàng hôn mà trên bãi sông ánh điện, đèn măng sông đã sáng rực. Tiếng máy phát điện nổ xành xạch, tiếng người lao xao ồn ào. Đây là giờ người đào vàng tạm rời bè lên bờ đốt thổi cát, bụi quặng, nhặt nhạnh những vảy vàng thành quả của một ngày căng gân, căng sức cày ủi đất đá dưới sông lên đãi. Họ tràn vào quán mua bán, đổi chác, nhậu nhẹt và kháo chuyện.

Những người bán hàng rong trải nylon bày hàng lên. Có người từ thượng nguồn mang ba ba, trút, kỳ đà về bán. Một số khách buôn phát hiện ra người đàn ông liền bám lấy nhưng anh xua tay, lắc đầu bước nhanh về phía căn nhà cuối bãi có tiếng máy khâu xành xạch vọng ra. Đó là nhà thầy Lộc Văn Bình - Hiệu trưởng trường phổ thông cơ sở xã.

Thầy Bình bước ra sân đón, giọng vui vẻ:

- Ồ, Kim Hỏa! Mật ong à? Phạ ơi! Mật thơm quá ha. Để ta đỡ cho!

 

truyen du thi: lu quet hinh anh 1

Minh họa của họa sĩ Trịnh Tú.

Thầy giúp người đàn ông đặt bế xuống. Nhìn những ống mật đầy, thơm ngào ngạt, lòng thầy nao nao xúc động càng thương càng quý anh hơn. Một con người vượt lên bất hạnh mà sống, ngay nụ cười cũng méo xệch. Cười mà như khóc. Khác với những người đang đãi vàng, buôn bán kia, họ hùng hục, hối hả cày xới từng đống đất đá dưới đáy sông lên để tìm vàng, họ ồn ào cãi cọ nhau giành lấy những đặc sản quý để kiếm lãi, Hỏa lặng lẽ sống một mình trong rừng sâu đào ao thả cá, nuôi ong, trồng cây không màng đến cơn sốt tìm vận may đang sôi động khắp các bản dọc sông Nậm Pao này. Nhưng không phải tự dưng anh làm vậy, đấy là cả một câu chuyện dài…

*          *          *               

Tám năm trước, Hỏa tốt nghiệp cao đẳng sư phạm được phân về trường phổ thông cơ sở một xã sát biên giới. Anh chăm chỉ soạn giáo án, dạy dỗ tận tình, chu đáo được trò yêu, phụ huynh kính nể. Biết anh đã hoàn thành nghĩa vụ ở nơi xa xôi nhất, có nguyện vọng về gần quê giúp đỡ gia đình, thầy Bình có ý định đặt vấn đề với Phòng giáo dục huyện xin Hỏa về làm cốt cán cho trường mình thì tai họa khủng khiếp xảy ra. Một trận lũ quét bất ngờ trong đêm đã cuốn phăng bố mẹ cùng mấy đứa em Hỏa đang tập trung trên rẫy thu hoạch lúa.

Nhận được tin dữ, Hỏa tức tốc về. Nhưng chẳng còn gì nữa. Đá lở, cây đổ ngổn ngang như một bãi chiến trường. Hỏa đau đớn bỏ đi lang thang trong rừng. Cả bản đổ đi tìm. Hỏa không chịu về nhà, dựng cái chòi trên rẫy sống như một ẩn sĩ. Thầy Bình đêm nào cũng lên ngủ lại, lựa lời khuyên răn an ủi nhưng không làm sao cho Hỏa trở lại bình thường. Thầy cho các em học sinh lên giúp Hỏa trỉa ngô, trồng sắn, đào ao cá cũng để anh khuây khỏa, nguôi ngoai. Rồi thầy tự lên trường Hỏa, xuống Phòng giáo dục xin bảo lưu cho anh.

Tưởng bị loạn trí, bị trầm cảm, chẳng còn vãn hồi được nữa; nhưng không, dần dần Hỏa hồi phục thần kinh, sức khỏe khá lên. Hỏa biết rõ nguyên nhân dẫn đến lũ quét là do phá rừng, khai thác rừng bừa bãi làm cho rừng không đủ sức ngăn lũ nên thề không đốt rẫy mà ngày ngày chăm chỉ trồng cây trên khu đồi, khu rẫy của nhà như trước đây chăm chỉ "trồng người". Anh làm việc đó để thực hiện mong muốn của cha làm trang trại, làm VAC trên đất được giao và tìm nguồn an ủi cho vợi nỗi đau đớn tiếc thương những người ruột thịt.

Những kẻ lái gỗ, bọn lâm tặc thì chẳng đếm xỉa gì đến chuyện lũ quét, bảo vệ rừng, bảo vệ môi sinh môi trường. Bất chấp lệnh đóng cửa rừng, họ lùng sục tìm kiếm các loại gỗ quý như đinh hương, lát hoa, trường mật, chò chỉ… Nhỏ thì để cả cây, lớn thì xẻ ván cho xuống khe cánh bè rồi kéo ra sông. Họ nhè lúc bà con thu hoạch xong lúa rẫy, đổ ra sông ra bãi tìm vàng rừng vắng vẻ mới hành động. Một số người  trong đó có cả cán bộ xã bị họ lợi dụng, đồng lõa, hợp thức hóa cho bao chuyến bè chở gỗ rời khe Cóm về xuôi.

Hỏa theo dõi, phát hiện họ cưa mấy cây gỗ lát quý ở trên lèn đá đầu khe đã kịp báo cho Kiểm lâm biết. Thực ra, anh xuống nói với thầy Bình, thầy báo lại cho Công an phụ trách địa bàn. Công an và lực lượng Kiểm lâm phối hợp bắt giữ hai bè ngay khi nó vừa kéo ra cửa khe. Đâu ngờ việc ấy lại thêm tai họa cho anh…

Không lâu sau cái ngày bè gỗ bị bắt giữ, Hỏa xuống suối lấy nước, đang vừa đi vừa ngắm ngược nhìn xuôi, va phải hòn đá. Một tiếng "roạt" như xé vải, người bị nhấc bổng lên ném mạnh sang một bên, mặt đập vào đá sắc, một chân bị kẹp vào gọng kìm bằng hai thanh gỗ trắc cứng như sắt. Mắt hoa lên, máu đầm đìa, Hỏa bặm môi, cố sức kéo cái chân bị kẹp; càng kéo càng bị siết chặt, đau đến vã mồ hôi ứa nước mắt. Hỏa biết là bị mắc vào bẫy thú. Kẻ nào lại đặt bẫy ngay trên cái lối đi xuống suối của mình? Bẫy thú hay bẫy người? Chúng muốn ám hại mình chăng? Hỏa nghiến chặt răng cố gượng dậy, lấy hết sức gọi cấp cứu. Bỗng, trời đất chao đảo, Hỏa gục xuống không còn biết gì nữa…

Có những ngón tay mềm mại âm ấm lướt nhẹ trên đầu, trên mặt. Hỏa mở mắt. Một khuôn mặt trái xoan với đôi môi hình trái tim, đôi mắt lá răm hiện lên. Hỏa lắp bắp:

- Kìa Lìn!... Sao ta lại ở đây?...

- Anh Hỏa tỉnh rồi! Anh Hỏa tỉnh rồi chị Mai ơi!

Lìn reo lên, mắt rớm lệ, nói cho Hỏa hay: Hai cô bé đi lấy măng nghe tiếng kêu cứu phát hiện ra anh; anh được đưa về trạm xá cấp cứu. May có chị Mai là bác sĩ Trung tâm y tế huyện lên công tác xử lý kịp thời. Vết thương trên đầu trên mặt khá sâu nhưng không ngại, lo nhất là cái chân không khéo hỏng mất. Phải đưa xuống bệnh viện huyện thôi.

Nghe Lìn nói cùng đi theo chăm sóc và làm các thủ tục cho Hỏa vào viện, Hỏa chối đây đẩy bảo không việc gì phải đưa đi viện, cứ bôi mật gấu, bó lá thuốc ít ngày là khỏi. Hỏa từ chối vì Hỏa không muốn ai thương hại mình, vì Lìn là cháu gái ông Lữ Tài Ba, phó chủ tịch xã, tiếp tay cho bọn lâm tặc nhưng khôn ngoan thoát tội. Trước đây khi còn đi dạy Hỏa đã để ý đến cô. Những ngày về hè, về tết Hỏa thường rủ mấy bạn trai đến tà lạng nhà cô thổi khèn thổi sáo những điệu hát gọi bạn tình suốt canh thâu. Và, sóng tình như suối mùa xuân dâng đầy khóe mắt, Lìn lúng túng đỏ mặt khi gặp thấy giáo trẻ khỏe mạnh, tuấn tú. Trái còn ngày xuân cứ vờn vợt vào nhau. Nhưng hai người mới hẹn nhau một lần bên suối chưa kịp trao cho nhau nụ hôn, những lời thề thốt thì tai họa ập đến…

*          *          *               

Chiếc thuyền gắn máy đuôi tôm chở Hỏa rời bản xuôi dòng Nậm Pao về thị trấn trong buổi sáng đẹp trời. Hỏa được đặt nằm trên cái sạp tre lót chăn bông êm ái. Người lái khéo léo điều khiển cho thuyền qua thác không bị xóc nẩy mạnh. Lìn ngồi cạnh Hỏa, lo lắng nhìn Hỏa thiếp đi trong giấc ngủ nặng nề. Vết thương nặng, mất máu nhiều đã làm cho anh kiệt sức.

Làm xong các thủ tục cho Hỏa nhập viện, Lìn có thể về nhưng cô xin ở lại chăm sóc Hỏa. Anh ấy còn ai nữa ngoài tấm thân đang bị dày vò vì đau đớn? Hỏa không muốn sự có mặt của cô, lúc nào anh cũng giục cô về. Lời nói có vẻ gay gắt khó chịu. Cô mếu máo:

- Aỉ noọng cuống bàn, lừa pạn huổm hươn: Anh em trong bản như bạn trong nhà, tại sao anh không muốn em ỏ lại với anh? Em có điều gì không phải với anh sao? Em sẽ ở lại chừng nào anh lành vết thương đi lại được…

- Không! - Hỏa ngắt lời Lìn –  Bao người đang đợi cô ở trạm xá, cô về đi!...

Mặc Hỏa nói sao thì nói, Lìn vẫn ở lại. Những ngày bên cô, Hỏa cảm nhận được sự quyến luyến yêu thương chân thành, thông cảm đồng cảm sâu sắc từ trái tim nhân hậu ấm áp. Hỏa không kìm giữ được, bộc bạch với cô mối nghi ngờ chú cô là kẻ đã bày trò đặt bẫy. Lìn không ngờ ông ấy lại tham lam ác độc thế. Chả trách ông bảo cô không nên đưa Hỏa xuống bệnh viện cho nhiêu khê, cứ để lại trạm dùng thuốc dân tộc chữa sẽ khỏi thôi. Ông ta muốn cho Hỏa nằm dưỡng bệnh càng lâu càng dễ hành động mà! Trong thâm tâm còn muốn Hỏa trở thành kẻ suốt đời tàn tật để trả thù việc gây hại cho ông…

Thầy Bình nghĩ: Hỏa chữa vết thương cho rừng cũng là để chữa cho mình, vết thương trong tâm can không dễ gì liền sẹo, cần động viên, an ủi mang đến niềm vui bù đắp tổn thất, mất mát cho anh, nên nhân cơ hội Lìn có giấy gọi đi học Trung cấp y tế đã chủ động bố trí cuộc gặp hôm nay. Nào ngờ, khi chị Na (vợ thầy) buông cái áo đang may cùng Lìn mang rượu và mấy thứ đồ nhắm lên, Hỏa thay đổi thái độ, vội vàng đến bên bế lấy ra một ống mật, bảo:

- Cái này em biếu thầy chị, còn lại nhờ chị Na đổi cho em các thứ em ghi trong giấy... Thôi! Em phải về thôi, tối đến nơi rồi! – Hỏa băng nhanh ra ngoài cửa.

- Cái thằng! Mày ở lâu trong rừng biến thành con hươu con nai rồi đấy! - Thầy quay sang Lìn - Em đừng chấp làm gì! Nó vốn không phải vậy… Ta biết nó nặng lòng với em lắm, nhưng nỗi đau quá lớn làm con tim nó hóa đá mất rồi! Có nghị lực lớn mới tỉnh táo được thế. Khổ cho nó, tai họa liên tiếp giáng xuống. Gần đây nó càng buồn, càng ít tiếp xúc với mọi người vì chuyện ông Ba, chú em, đã chạy chọt thoát tội, chỉ bị xử phạt hành chính, đang tung tác ngoài sông.

Lìn gạt nước mắt, cố làm ra vẻ tự nhiên, mở túi xách lấy cuốn sách:

- Em hiểu mà! Em định đưa cho Hỏa cuốn sách này em về huyện tập huấn mua được nhưng Hỏa đi rồi… Em nhờ thầy…

Thầy Bình cầm cuốn sách, lướt qua dòng chữ ngoài bìa: "Các loại thuốc nam, cách trồng và chế biến", nét mặt thầy dãn ra:

- Ấy! Thứ này nó cần lắm đây, đang nhờ ta hỏi mua. Nhưng … - Thầy trao lại cuốn sách cho Lìn - Lìn giữ lấy, vài hôm đổi được hàng, thầy cùng em mang vào cho nó, em trao tận tay nó thì hay hơn .

*          *          *               

Ba ngày sau, trời còn mờ sương, thầy Bình và Lìn mỗi người gùi một bế các thứ vào cho Hỏa. Men theo con đường mòn dọc suối gần hai tiếng, họ đến "trang trại" của Hỏa. Căn nhà sàn bé nhỏ đơn sơ dựng trên khu đất khá bằng phẳng, bốn bề rợp bóng các loài cây trái. Trước nhà có mảnh vườn trồng rau, trồng hoa. Trước hiên treo những dò phong lan hoa tím, hoa vàng roi rói. Cạnh nhà, một dãy chuồng gà ken dày cọc nứa phòng chồn cáo. Đọ ong treo dày trên cây. Nhìn cơ ngơi này thấy rõ chủ nhân là người vừa có đầu óc kinh tế, vừa lãng mạn.

Dừng chân trước vườn, thầy Bình cất tiếng gọi, nhưng không nghe tiếng Kim Hỏa đáp lại. Thấy cửa liếp cài chốt, Lìn bảo:

- Chắc anh Hỏa ở dưới ao cá hoặc chỗ thả bò trong thung lũng, ta xuống đó coi.

Hai người mang gùi lên cầu thang, đặt xuống mái hiên, rồi quay trở lại men theo lối mòn trong rừng vào thung lũng. Chợt, Lìn đột ngột dừng bước chăm chú lắng nghe. Rừng sâu tĩnh lặng, nghe rõ tiếng sóc nhằn vỏ hạt dẻ trong hốc cây, tiếng suối róc rách dưới thung lũng. Có âm thanh gì là lạ khiến đôi tai con gái thính nhạy cứ phải căng lên để phân tích, đoán định. Lách cách! Lách cách! Roạt  Roạt!... Có ai đãi vàng dưới suối! Chả lẽ Lô Kim Hỏa?

Lìn ra hiệu cho thầy Bình bước khẽ. Chưa thấy rõ người nhưng đã thấy khúc suối màu nước vo gạo lờ đờ chảy. Rõ ràng ai đó đã giấu mọi người đãi vàng, làm một cách lén lút không muốn cho ai biết. Hai người rón rén bước lại gần xem kẻ nào chơi trò ma mãnh, có kiếm được vàng hay đào hú họa cầu may. Con ngươi như muốn bật ra khỏi mắt khi Lìn nhận ra mái tóc quăn của Lô Kim Hỏa.

Trời! Bất cứ ai làm việc này đều là chuyện bình thường còn với Lô Kim Hỏa thì thật là khó tin. Thầy Bình cũng đã nhận ra Hỏa. Thầy lắc đầu, hết kéo mũ ra lại đội mũ vào một cách bức bối khổ sở. Chẳng lẽ một kẻ hy sinh tất cả để bảo vệ rừng lại đi xâm phạm tài nguyên rừng một cách lén lút thế này? Hai người từ ngạc nhiên đến tò mò muốn biết kết quả công việc ra sao, bí mật tiến lại gần hơn.

Hỏa say sưa chăm chú làm không biết có người đứng đằng sau theo dõi mình. Hai tay nắm chặt miệng bãng gỗ (nom giống cái nón cời lật ngửa) chao đi chao lại trên nước cho đất đá trôi đi, vàng nặng hơn lắng xuống dưới đáy. Một đống đất đá nhỏ chắc là được khuân từ một cái hố nào đó nằm trên bờ gần chỗ đãi. Có thể đãi hết đống đất cho phần "thô" trôi đi rồi đãi "tinh", nghĩa là đãi cho hết sỏi nhỏ cát vụn dưới đáy bãng để lắng lọc lấy vàng.

Song, có lẽ cần nghỉ ngơi hoặc làm việc gì đó Hỏa thực hiện công đoạn đãi tinh ngay. Việc này, cần tập trung tư tưởng cao, anh đã không để ý đến xung quanh, không phát hiện được thầy Bình và Lìn đứng phía sau. Vòng lắc chậm hơn, đáy bãng được nhấc lên, ánh vàng lóe sáng dưới mặt trời. Vàng! Phạ ơi! Những hạt vàng bằng hạt gạo, có hạt lớn bằng hạt thóc, hạt ngô lấp lóa hoa cả mắt. Từ sáng đến giờ mới có vài tiếng đồng hồ được ngần ấy vàng hẳn là Hỏa đã phát hiện được cả "kho" và khai thác từ lâu.

Ôi là là! Hỉn xoỏng na, Pạ xoỏng cốm (đá hai mặt, rạ hai lưỡi) anh ta đã đánh lừa Lìn, đánh lừa thầy Bình, đánh lừa bà con và cả vong linh bố mẹ anh ta nữa. Lợi dụng lòng tin của dân bản anh ta ngụy trang còn hơn cả con kỳ nhông, con cáo trong rừng. Mấy năm nay Lìn làm con chim từ quy gửi trái tim vào tiếng gọi khắc khoải, nồng nàn vậy mà như mưa rào dội xuống cục than hồng, chẳng còn gì nữa. Ngờ đâu tay vung đằng trước rạ ném lại sau, anh ta quỷ quái, tồi tệ còn hơn cả ông chú Lữ Tài Ba của mình.

Lìn định xông đến hất nón vàng xuống suối song cô kịp kìm lại, quay mình bước như người vô hồn dọc theo con đường mòn bên suối. Không phải bước mà hớt hải chạy mặc gai cào đá cứa xây xát cả đôi chân. Cô định chạy ra cửa suối nơi người ta bắt đầu cắm bè đào vàng gọi mọi người vào trong thung lũng mà đào; cả tỉ vàng cần phải chia đều cho mọi người cùng hưởng không thể để cho một kẻ tham lam quỷ quyệt hốt hết. Hỏa đang làm ra vẻ giả nhân giả nghĩa che mắt thiên hạ, một mình vơ đầy túi …

Cái đầu nghĩ thế, cái chân đang cố bước nhanh hơn thì nghe tiếng chặt cây chan chát cạnh bờ suối trước mặt. Lìn dừng chân nhận ra chú mình - Lữ Tài Ba. Ông ta đã hạ xong một cây mai cần (loại tre nhỏ đặc ruột) bằng bắp tay đang phát sạch cành, ngọn. Lìn hiểu ra ngay là ông chặt để thay cán ben đào vàng. Cô lập tức dừng lại, ý định báo tin trong thung lũng có vàng bay biến. Mình làm thế khác nào rước cáo vào chuồng gà, bày đường cho hổ về bắt lợn. Những kẻ như Lữ Tài Ba đánh hơi thấy vàng thì chả mấy chốc thung lũng nát bét ra.

Lữ Tài Ba cũng nom thấy Lìn, ngạc nhiên, dò hỏi:

- Mày không đi làm à? Đi đâu trong rừng ra vậy? Vào thăm thằng Hỏa à? Này! Mày cứ dính vào cái thằng bị quỷ ám ấy rồi sẽ khổ đấy con ạ!

Câu nói như mũi kim châm vào lòng Lìn, làm cô nghẹt thở, cô lẳng lặng đi xuống suối. Cảm thấy đã khuất tầm nhìn , cô chạy như lao về bản…

*          *          *               

Trước lúc đi học, Lìn đến chào vợ chồng thầy Bình, thầy bảo hôm đó buồn quá nên khi Lìn bỏ về thầy cũng lặng lẽ quay lên nhà Hỏa đợi Hỏa về giao các thứ. Thầy muốn hỏi cho ra nhẽ song cứ sợ sự thật là hắn đang lừa dối thầy, lừa dối mọi người thì thất vọng quá. Thầy không thể tin được Hỏa là người như vậy. Thôi thì cứ coi như mình chưa biết gì từ từ dò xét xem sao. Thầy rất thông cảm với Lìn và tán thành quyết định của cô: “Em đi học vừa để nâng cao năng lực chuyên môn vừa để nguôi ngoai nỗi buồn, nỗi khổ tâm”. 

Nhưng Lìn không thể nguôi, không thể quên được Hỏa. Ban ngày bận rộn công việc học hành không còn thì giờ vẩn vơ, đêm đến hình bóng Hỏa lại hiện lên với dáng vẻ khắc khổ, tất bật nhưng đôi mắt sao mà đầm ấm, chân tình, thẳng thắn, lóe lên nghị lực phi thường. Đôi mắt ấy đã cuốn hút Lìn từ khi Hỏa còn là chàng giáo viên trẻ tuổi tuấn tú. Đôi mắt ấy đang thầm trách Lìn sao nỡ ra đi mà không nói cho Hỏa biết. Đã yêu nhau thì phải tin nhau chứ! Hỏa đâu có làm những việc phi pháp. Làm người ai chẳng muốn được giàu sang, phát hiện ra vàng ai mà chẳng tìm cách lấy cho được nhiều. Biết đâu Hỏa chỉ lấy một ít chi phí cho việc trồng rừng, làm V.A.C?

Lập tức, tiếng nói khác, những câu hỏi khác cự lại ngay: Vậy thì hà cớ gì anh ta không cho mình và thầy Bình - những người đã hết lòng giúp đỡ anh ta vượt qua nỗi đau - biết? Mình yêu thương anh ta lắm lắm sao anh ta có vẻ hờ hững, còn tìm cách lẩn tránh là vì lý do gì? Đấy! Gần nửa năm nay mình ra đi, anh ta chẳng thèm nhắn nhe thăm hỏi lấy một lời? Chẳng nhẽ lũ quét đã quét đi cả tâm tính biến anh ta thành kẻ vô tình, vô cảm, trái tim “hóa đá” thật rồi sao? Hay vì hận chú mình mà quay lưng lại với mình? Nếu thế thì thật nhỏ nhen, ích kỷ không đáng cho mình phải bận tâm day dứt thế này… Không! Người em trong truyện “Trầu Cau” thất vọng, thất tình hóa thành đá trong rừng sâu mà vẫn gửi lòng vào nước trầu đỏ thắm, không thể tin Hỏa đắm chìm trong đau thương, mất mát đến hóa thạch cả tình yêu. Hỏa chẳng đã tái sinh cho rừng, xây ao cho cá vẫy vùng, xây tổ cho ong làm mật?        

Tình yêu cũng tựa như cánh rừng tươi tốt. Cây tình yêu cũng có hoa thơm, trái ngọt, có ong bay, bướm dạo, suối reo, chim hót nhưng có cả rắn độc, sâu hại. Nó cũng bị chặt phá, đốn ngã không bằng dao rìu mà bằng sự lừa dối, tráo trở, phỉnh phờ, nhẫn tâm và bằng cả sự hèn yếu, thiếu kiên trì chín chắn, thiếu niềm tin. Và khi đó nó sẽ bị cạn kiệt, bị lũ ống, lũ quét tàn phá…

Cũng vì thế mà về nghỉ tết, Lìn quanh quẩn ở nhà không đi đâu. Cô không muốn đối mặt với sự thật con mắt đã thấy, cái bụng đã nghi ngờ. Niềm tin và hy vọng vẫn còn ấp ủ trong lòng, nếu để mất nó thì chẳng còn gì nữa. Nhưng xuân về muôn hoa đua nở, chim ca vượn hót rộn ràng khiến cho con tim rạo rực, Lìn không thể ngồi yên được, cô đến nhà thầy Bình. Thật không may, thầy cùng vợ con về quê ngoại ăn tết. Nghe mẹ bảo: Anh Hỏa xây đập, xây mương, mở trang trại làm ăn lớn được các cán bộ trẻ mới bầu bổ sung vào Ủy ban xã ủng hộ mạnh lắm. Lìn càng xao động. Hừ! Anh ta đang xây vỏ bọc cho cho mình mà. Nhiều vàng thế, ranh ma thế lấy lòng ai chẳng được.

Mong cho chóng qua tết trở lại trường, nhưng về trường cô lại tự trách mình sao không tìm hiểu cho ngọn ngành, cặn kẽ? Tại sao cán bộ trẻ ủng hộ anh ta? Nhà nước đang khuyến khích làm kinh tế hộ, mở trang trại làm ăn lớn, anh ta làm giàu chính đáng bằng nghị lực và quyết tâm của mình cơ mà? Bao câu hỏi lại khuấy đảo tâm can Lìn.

Và, cây tình yêu cứ xôn xao lay động trước gió, Lìn cố níu giữ, vun chặt gốc không để lũ cuốn trôi…

*          *          *

Đi kiến tập vừa về tới ký túc xá, cô văn thư nhắn lên nhận quà, Lìn buông vội ba lô, chạy lên. Văn thư bảo: “Có thầy Bình trên quê về họp đến thăm nhưng chị đi vắng, thầy gửi lại quà ”. Gói quà được dán kỹ, Lìn mang về ký túc, hồi hộp mở ra. Một tờ báo cuối tuần của tỉnh gấp tư kèm theo gói gì vuông vức gói bằng giấy bản, ngoài còn bọc bao bóng. Lìn mở tờ báo. Bên trong kẹp tờ giấy học trò ghi ngắn gọn mấy dòng: “Thầy gửi em tờ báo có bài về Hỏa và gói cao Hỏa tự chế biến từ những dược liệu trong cuốn sách của em tặng, có tác dụng bồi bổ sức khỏe, bổ máu, bổ thần kinh và não đã được kiểm chứng. Hỏa nhờ thầy mang đến cho em. Trên này mọi chuyện đều tốt đẹp. Chúc em khỏe, học tập tốt về phục vụ tốt cho bà con!”.

Lìn mở tờ báo xem. Trang đầu in đậm dòng chữ: "Chuyện vui trên Bản Cóm”. Dưới tít bài là một bức ảnh chụp toàn cảnh bản Cóm. Một bản Cóm có diện mạo khác trước. Con đường vào bản được mở rộng, cổng chào dựng lên cờ bay phấp phới. Đây là một bài ghi chép mà phần nội dung in trang sau. Lìn lướt tìm. Ngoài bức ảnh in trang nhất, trong bài còn in bức ảnh một chàng thanh niên đứng bên con đập, ngắm dòng nước chảy theo kênh bê tông vào thung lũng lúa xanh rờn. Lìn khẽ kêu: "Anh Hỏa!".

Đúng là Lô Kim Hỏa! Một Lô Kim Hỏa mới mẻ với khuôn mặt rạng rỡ, tóc cắt gọn ghẽ, tấm áo phông bó sát thân hình khỏe mạnh, không còn vết sẹo dài trên má. Lìn đọc như nuốt lấy từng chữ. Bài báo kể chuyện Hỏa đã gặp phải nỗi bất hạnh như thế nào, hy sinh đời tư kể cả tình yêu để lo trồng rừng, làm VAC rồi từ vốn rừng và lợi nhuận tích lũy từ trồng trọt, chăn nuôi cộng thêm số vàng vụn - bố mẹ anh gom góp cất giữ trong chai, đưa theo bên mình bị lũ quét trôi, vỡ, lắng xuống suối - anh đào, mở rộng ao cá may mắn phát hiện ra; anh bỏ cả vào việc xây đập, xây mương và vận động bà con vào thung lũng làm ruộng nước, làm V.A.C chấm dứt nạn chặt phá rừng gây tai họa cho gia đình mình và bao nhiêu dân lành. Thung lũng phì nhiêu lại chủ động tưới tiêu lúa tốt bời bời, mới qua một mùa rẫy mà đời sống bà con đã khởi sắc trông thấy…

Nước mắt Lìn ứa ra. Anh ấy hy sinh tình yêu ư? Không! Hùng phạ bò tò hùng phí - sáng trăng không bằng sáng lửa. Anh không muốn buông trôi tình yêu vào trăng sao mà cuốn nó vào lửa, ngọn lửa của trái tim rực cháy; hàn gắn đau thương bằng biến nó thành sức mạnh, tạm gác tình yêu, tập trung ý chí quyết tâm hồi sinh sự sống, mang lại màu xanh, tình yêu và hạnh phúc không chỉ cho riêng mình. Trái tim anh đâu có hóa thạch, Nó được lửa ấy chưng cất, cô đặc thành cao. Vậy mà mình cứ nghi ngờ, nghĩ xấu về anh, suốt cả năm không thèm về bản để cho tình cảm lung lay, nguy cơ “ lũ quét ” đe dọa!

Hai tay nâng tờ báo úp vào mặt, Lìn nấc ngằn ngặt. Rồi cô rút mùi soa lau sạch nước mắt, ngẩng lên, má đỏ ửng cảm thấy làn gió mát lành, tinh khiết từ thung lũng xa thổi về tràn ngập trong tim.

Nguồn Danviet

Có thể bạn quan tâm