April 18, 2024, 10:14 pm

Lớp học miền rừng

Cách đây hơn hai mươi năm, tôi lên dạy học trên Yên Thuận.
Tiếng là đi dạy học, nhưng học trò của tôi cũng thuộc diện đặc biệt. Hầu hết họ đều lớn tuổi, trong khi đó tôi chỉ là cậu sinh viên Sư phạm vừa mới ra trường. Lên dạy học, tôi mang theo sự háo hức của tuổi trẻ và cả những lo lắng, bởi Yên Thuận là vùng đất xa xôi nhất của huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang, tôi chưa đặt chân đến lần nào. Cầm quyết định trên tay, tôi đạp xe từ Thái Hòa lên đến bến đò Bảy mốt, rồi từ bến đò này men theo phía hữu ngạn sông Lô mà ngược lên trung tâm xã. Dạo ấy, đường từ Bạch Xa lên Yên Thuận tương đối khó khăn. Một màu đất đỏ quạch, nắng lên bụi mù mịt, mưa xuống thì cả đoạn đường đó trơn trượt như mỡ đổ. Quãng đường mươi cây số, nhưng tôi đánh vật cả mất tiếng đồng hồ.

 

Minh họa của ĐỖ DŨNG

 

Đang cữ hạ nên mưa ở đây thường kéo dài suốt cả mấy ngày liền. Chiếc xe đạp của tôi bám đầy bùn, ken dày trong gác-đờ-bu, lốp trước và lốp sau, cạy mãi không ra. Tôi liền nghĩ cách là thủ theo xe một đoạn gỗ nhỏ, ngắn độ gang tay, phòng khi bùn bám chặt quá sẽ dừng lại xử lí. Cứ loay hoay mãi, quá trưa mới lên được trung tâm xã. Dạo ấy, Yên Thuận còn nghèo, những xóm làng thưa thớt dân cư. Ngay cả trung tâm xã, cũng chỉ lác đác vài căn nhà sàn của đồng bào Tày sinh sống. Thứ nhà xây duy nhất ở đây là Ủy ban nhân dân và Trạm y tế xã, nhưng xập xệ, mốc meo.

Chị Đàn nhà cũng ngay trung tâm xã này. Thời điểm ấy chị đang là Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Yên Thuận. Biết tôi lên, chị tất tả ra ngã ba, nơi điểm đầu khi chạm vào trung tâm xã đón. Chị nhìn tôi từ đầu đến chân, vẻ ái ngại. Cả thân hình nhỏ như cái nắm cơm của tôi bê bết bùn đất sau quãng đường nhọc nhằn từ bến đò Bạch Xa lên. Câu đầu tiên chị hỏi tôi:

- Em ăn gì chưa?

Lúc này thì tôi mới bắt đầu ý thức được cái sự đói của mình. Từ sáng đến giờ tôi đã có gì vào bụng đâu. Nghe chị hỏi vậy, tôi chỉ cười ngượng nghịu. Thấy vậy, chị dẫn tôi ăn tạm bát mì tôm ở cái quán ven đường, đối diện với Ủy ban xã. Trong điều kiện đó thì một bát mì tôm cũng là quí, vì cả xã lúc đó chưa có một quán cơm nào cả. Cán bộ tỉnh, hay ở huyện lên, đến bữa cũng chỉ tá túc với nhà dân quen biết, hoặc nhà cán bộ đang công tác tại đây. Chị Đàn bảo:

- Lên đây là chấp nhận khó khăn đấy. Mọi thứ đều thiếu thốn, điện cũng chưa có mà đường đi lại thì không mấy thuận tiện. Lúc nào muốn về quê, chị dẫn ra bến đò Yên Thuận, cách xã chừng ba cây số, rồi theo sông Lô ra thị trấn Vĩnh Tuy (Hà Giang), chỗ cây Bảy mốt. Từ đây em có thể bắt xe khách mà về, chứ đi xe đạp thì vất vả lắm. Lớp học do em được phân công đảm nhiệm ở trên thôn Bơi, cũng không xa trung tâm xã là mấy. Lát nữa chị sẽ dẫn em lên đó.

Ăn trưa xong, chị Đàn dẫn tôi men theo con đường đất đỏ, ngập ngụa bùn lầy mà lên thôn Bơi. Đây là khu vực sinh sống của đồng bào Dao áo dài. Do điều kiện địa lí, lại xa tỉnh lị nên nhiều người dân ở đây còn chưa nói sõi tiếng Kinh, tỉ lệ người già mù chữ cũng chiếm một lượng lớn dân số trong thôn. Lúc ngang qua lớp học, tôi thấy nản thực sự. Tiếng là lớp học, nhưng chỉ là căn nhà với mấy gian lợp lá cọ, cột ngoàm, thưng nứa đan mắt cáo, buộc lửng. Nhiều chỗ, đám trẻ con làng Dao ở đây nghịch ngợm, làm bung nút buộc thưng vách, để hở ra nền đất gồ ghề, trong đó được xếp mấy bộ bàn ghế bằng tre. Tất cả đều tạm bợ, nhưng chị Đàn bảo, đây là sự nỗ lực của người dân trong thôn để có được một lớp học như thế này đấy.

Chị Đàn dẫn tôi đến nhà của một hộ đồng bào Dao áo dài. Căn nhà sàn nằm cuối dốc Bơi, nằm tiếp giáp với thôn Lục Khang. Trong căn nhà nhờ nhờ tối, ánh nắng cuối chiều hắt qua liếp cửa, tôi nhận ra một ông già người Dao đã lớn tuổi, với cái trán hói và những sợi tóc bạc lưa thưa trên mái đầu. Ông già ấy có tên là Trần Quốc Hầu. Thấy chị Đàn bảo, ông nguyên là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Yên Thuận, giờ về nghỉ hưu, nhưng vẫn đảm nhiệm thêm chức trưởng thôn Bơi. Ông ít nói, song mỗi khi nói bao giờ cũng kèm theo nụ cười tươi rói trên khuôn mặt già nhăn nheo. Sau sự trao đổi của chị Đàn, chiều hôm đó tôi chính thức về ở nhà ông Hầu. Lí do rất đơn giản, bởi lúc đó ngoài căn nhà mà đồng bào dựng lên dành cho lớp học, không còn gian nào để tôi tá túc trong quãng thời gian dạy học ở đây cả.

Tôi cùng chị Đàn và ông Hầu đi bộ trên con đường thôn, nhiều chỗ đi tắt qua quãng rừng để đến một số nhà vận động những người chưa biết chữ đến với lớp học. Gần tối, công việc này mới cơ bản hoàn tất. Chị Đàn chia tay ra về, tôi lẽo đẽo theo ông Hầu trở lại căn nhà sàn cũ kĩ nằm ngay dưới chân dốc Bơi. Bữa cơm tối hôm đó ông Hầu giết gà, thiết đãi tôi. Tuy giản đơn, nhưng ấm cúng. Chỉ có điều, đây là bữa cơm đầu tiên tôi xa nhà, lại ở nơi rừng núi hoang vu, dân cư thưa thớt, nên trong lòng chợt rung lên một nỗi niềm bâng khuâng khó tả. Nắm được nỗi lòng ấy của tôi, trong bữa cơm, ông Hầu vừa kể chuyện, vừa thỉnh thoảng ngân lên điệu hát Páo dung. Tiếng hát của ông già nghe trầm buồn, da diết mà như có cả quá khứ cuộc thiên di của đồng bào Dao áo dài dội về trong sâu thẳm tâm hồn. Ở đâu đó, tôi như gặp cả những lứa đôi yêu nhau, vừa dịu ngọt, vừa nồng nàn nơi xứ sở qua câu hát Páo dung giữa đên rừng u tịch.

*

Đêm xuống.

Đêm miền rừng bao giờ cũng buồn. Cứ sau bữa cơm tối ở nhà ông Hầu, bà vợ ông bao giờ cũng chuẩn bị sẵn cho tôi bó đuốc để tôi soi đường đến với lớp học. Dường như ở làng Bơi này, chỉ có khu vực lớp học là đông vui, náo nhiệt hơn cả. Trên các ngả đường rừng, những bó đuốc cứ lập lòe sáng, nom như đám ma trơi. Lúc ấy, núi rừng trở nên bừng thức trong tiếng nói cười và cả thứ ánh sáng phát ra từ bó đuốc trên tay cầm. Mọi người hối hả đến lớp, nhiều người trong số đó còn chưa kịp ăn cơm tối. Ấy vậy mà tinh thần học tập rất cao. Nhu cầu biết đọc, biết viết “cái chữ của Đảng” cứ như ngọn lửa bập bùng cháy trong nỗi khát khao của đồng bào nơi miền sơn cước này.

Lớp học mỗi đêm lại được mở ra. Cánh học viên nam đến lớp mang theo cả điếu cày để rít thuốc lào. Còn cánh chị em phụ nữ, bên hông bao giờ cũng gói thêm mấy lá trầu không, ít thuốc và vỏ cây. Thành ra, cứ sau quãng học, các học viên lại xin nghỉ giải lao, tranh thủ hút thuốc lào và nhai trầu bỏm bẻm. Cứ thế, vừa học chữ vừa nghỉ giải lao, lớp học kéo dài đến đêm khuya mới kết thúc. Đêm nào cũng diễn ra như vậy. Dưới ngọn đền Măng xông treo giữa lớp học, những mái đầu xanh, xen lẫn mái đầu bạc, những khuôn mặt còn trẻ, xen lẫn những khuôn mặt già nua vì tuổi tác, các học viên ở lớp xóa mù chữ này lại ngọng nghịu đánh vần những chữ cái đầu tiên. Hầu hết họ đều lớn tuổi cả, nên việc đánh vần chữ đối với họ là rất khó khăn. Rồi cả lúc cầm bút viết nữa. Bàn tay quen lao động trên nương, khi chạm vào nét chữ cứ cứng đờ ra. Có nhiều học viên bắt đầu nản, bảo tôi:

- Ô, làm cái nương thì dễ, học chữ khó lắm cái thầy giáo à.

- Khó mới phải học chứ. Dễ cần gì phải học. 

Nhờ uy tín của ông Hầu trong công tác vận động, nên lớp học đặc biệt của tôi sau này lên đến con số vài chục học viên. Để duy trì nó, tôi đã phải ra ngoài huyện xin thêm văn phòng phẩm. Dạo đó, đối với các lớp học xóa mù chữ, Nhà nước đều ưu tiên cấp không sách, vở, giấy, bút cho học viên. Lớp học sẽ được duy trì trong ba tháng, với mục tiêu là sau ba tháng đó tất cả các học viên đều phải biết đọc, biết viết và biết làm những phép tính đơn giản. Quả thật là khó. Nhưng, bằng sự nhiệt huyết của một giáo viên mới ra trường, lại thêm khát vọng từ những gương mặt khắc khổ của đồng bào Dao áo dài thôn Bơi đang cần cái chữ, tôi đã phải nỗ lực để vượt qua chính mình. Hàng ngày, vẫn sau buổi chiều đi nương về, các học viên kiên trì bám lớp, đánh vần, ghép từ, rồi đọc trơn từng câu. Cả đôi bàn tay nữa, đôi bàn tay cứng đơ vì lao động, giờ cũng bắt đầu mềm ra theo nét viết. Các phép tính tưởng là khó, song bằng sự cần mẫn nơi lớp học miền rừng, những học viên lớp xóa mù chữ của tôi cũng đã biết làm thành thạo.

Sau mỗi tối lên lớp, tôi lại thắp bó đuốc, men theo đoạn đường mòn heo hút mà về lại nhà ông Hầu. Trong bóng đêm khuya khắt, cây rừng xòa ra hai bên mép đường, những tiếng kêu hoang hoải của côn trùng, hay bất cứ một tiếng chim ăn đêm nào cất lên trên đỉnh núi Moi đều khiến tôi rờn rợn. Quãng đường tuy không xa, nhưng lại trở nên ma mị, khiếp đảm giữa bóng tối tỏa ra từ đại ngàn heo hút nơi đây. Ông già người Dao áo dài Trần Quốc Hầu bao giờ cũng chờ tôi về mới chịu đi ngủ. Khi tiếng dép của tôi lẹt quẹt dưới chân cầu thang, ông hắng giọng, rồi nhỏm dậy vặn to cái bấc ngọn đèn dầu. Vẫn khuôn mặt già nua, khắc khổ, nhưng ở đó lại toát lên vẻ lành hiền, thân thiện. Đã nhiều ngày nay, tôi quen dần với cuộc sống khó nhọc nơi miền rừng. Cả gia đình ông Hầu cũng quí tôi, coi như con cái trong nhà. Mỗi buổi sáng thức giấc, thấy tôi ở nhà một mình buồn, ông lại rủ tôi lên núi. Lúc thì lên chăm sóc vườn cam sành, lúc lại ngược mãi lên non với mảnh nương trồng rau cải. Tối về, vẫn những bữa cơm dân dã, đầm ấm trong căn nhà sàn nép mình dưới chân dốc Bơi. Có lần, trong lúc cao hứng trong bữa rượu, ông bảo:

- Hay cháu mày ở lại đây với bác. Đất trên này rộng, vừa dạy học, vừa kiếm mảnh nương mà trồng cam.

Tôi gật đầu:

- Vâng, để cháu tính.

Tôi còn trẻ, tôi còn muốn bay nhảy. Tôi lại chưa quen với cuộc sống miền rừng, nên có phần e ngại. Trả lời ông Hầu cũng chỉ là để cho qua câu chuyện, dẫu biết là phải quí mến lắm ông mới nói như vậy.

*

Lớp học đặc biệt với những học viên đặc biệt của tôi vẫn từng đêm đỏ đèn giữa thôn Bơi. Trong đợt đi dạy xóa mù chữ này ở Yên Thuận, ngoài tôi ra còn có thêm thầy giáo trẻ Nguyễn Văn Thiệu được phân công lên Khau Làng, thầy Chu Văn Cám, Chu Văn Bùi vào Hao Bó. Đây đều là những khu vực có đồng bào Dao áo dài sinh sống cộng cư từ nhiều đời nay. Khó khăn, phức tạp, nhất là về vấn đề ngôn ngữ, phong tục tập quán là những điều mà cánh giáo viên trẻ mới ra trường như chúng tôi phải nếm trải. Ngay như tôi, ngày mới về chỗ ông Hầu tá túc, nhà chỉ có tôi và ông là nam giới, nên bữa cơm nào cũng chỉ có hai người ngồi bên mâm cơm đặt giữa căn nhà sàn. Còn bà vợ và ba đứa con gái ngồi ở mâm dưới bếp. Tôi lấy làm lạ, hỏi thì ông Hầu bảo, phong tục nó thế. Ngay ban thờ chính của căn nhà, phía trái, luôn là nơi ông ngồi hút thuốc lào, cấm có ai dám đến ngồi vào đó. Còn phía tay phải từ cửa vào là để dành cho khách. Đồng bào ở cái làng Dao này từ nhiều đời nay vẫn thế, chả bỏ được.

Bên cánh rừng làng Dao, tiếng học viên đánh vần, trao đổi bài học với nhau vẫn vang ngân trong từng đêm khuya khắt. Những đêm học như vậy thường bà con đến xem rất đông. Có cả người già, trẻ con và cả đám thanh niên choai choai nữa. Tôi để ý trong đám người ấy, có cô gái vẫn đều đặn đến tựa vách liếp phòng học để xem tôi dạy. Cô gái có khuôn mặt bầu bĩnh, nước da trắng, đôi mắt long lanh và lúc nào nom cũng sâu thẳm, nồng nàn. Lâu rồi thành quen, cái sự rụt rè ban đầu dần nhường chỗ cho sự nhí nhảnh và cả sự hồn nhiên nữa. Sau này tôi biết, cô gái ấy là người Kinh. Dường như ở Bơi này, chỉ duy nhất có gia đình em không phải là người Dao. Bố mẹ em từ vùng xuôi lên vỡ đất trồng cam từ khi em còn rất nhỏ. Ấy là em nói thế. Tôi cũng biết thế, chả dám tìm hiểu gì thêm.

Có lần em bảo: - Đường về nhà xa lắm, phải ngang qua mấy cánh rừng.

Bóng tối làm em sợ, em cần tôi đưa em về nhà. Ôi, tôi cũng sợ ma lắm, tôi chưa đi đêm một mình qua rừng hoang vắng bao giờ. Nhưng mà ánh mắt em sâu thẳm, nồng nàn và rực sáng thế kia, gã trai như tôi khó có thể chối từ. Vậy là tôi lẽo đẽo theo em men theo lối mòn, tắt qua rừng. Lần đầu tiên đi bên cạnh con gái, mùi da thịt em theo gió tỏa ra thơm dìu dịu, người tôi vừa rạo rực, vừa ngượng ngùng. Lúc đến đoạn suối nhỏ, em dừng lại. Chúng tôi nói vài câu chuyện vu vơ, chả đâu vào đâu cả. Em đứng sát vào tôi, hơi thở và mùi da thịt con gái mới lớn cứ nồng nàn theo gió bay lên, tôi định nói điều gì đó quan trọng hơn với em, nhưng chả thể cất nên lời. Cả cơ thể tôi đang run lên, hai chân như muốn khuỵu xuống. Không phải do rét, vì trời đang cữ hạ, mà có luồng điện như vừa chạy qua người tôi. Lại vẫn nhưng câu chuyện không đầu, không cuối, vu vơ và tẻ nhạt. Chỉ có trái tim dường như đang được sưởi ấm bởi cái rạo rực, sung sức của tuổi trẻ. Tôi phải nói thế nào đây nhỉ? Khó quá! Bởi tôi chưa quen với việc đứng một mình bên người con gái trong bóng đêm. Rồi, tôi cũng bạo dạn cầm lấy tay em. Em rụt rè để nguyên trong lòng tay tôi nóng hổi. Giữa bóng tối bao trùm xuống núi rừng, đâu đó vừa lóe lên cái ánh sáng của chiếc đèn pin, nó huyền hoặc đến rợn người. Em vội rút tay ra và thốt lên:

- Bố em đấy.

Tôi giật mình. Như một phản xạ tự nhiên, tôi và em vùng bỏ chạy. Trong bóng tối bao trùm, tôi lao xuống dòng suối nhỏ. Nước không sâu, nhưng ven bờ đặc quánh bùn. Tôi giãy giụa trong cái thứ bùn đặc quánh ấy mà không tài nào thoát lên bờ được. Càng dãy, bùn càng nén tôi xuống, nén luôn cả đôi dép quai hậu dưới bàn chân tôi. Giờ chỉ còn cách vứt lại những gì có thể để chạy cho thoát được thân đã. Ý nghĩ chợt lóe lên, tôi bỏ mặc đôi dép và chân trần lội bùn, tắt qua lối mòn về lại nhà ông Hầu. Đúng là chạy mất dép. Hai ống chân tôi bê bết bùn đất nên tôi đành cởi ra, bì bõm tắm táp dưới vòi nước máng lần ở ngay dưới chân cầu thang. Ông Hầu vẫn như mọi khi, lại nhỏm dậy vặn to cái bấc ngọn đèn dầu, ngồi thu lu ôm điếu cày bên lan can cửa sổ. Thấy tôi lên nhà trong bộ dạng ấy, ông rít một hơi thuốc thật sâu, rồi nở nụ cười. Nụ cười từ một ông già người Dao ấy đến giờ tôi vẫn không sao quên nổi, nó vừa lành hiền, bao dung, vừa có chút gì đó bí hiểm…

*

Những ngày sau đó, tiếng đọc bài, tiếng trao đổi giữa thầy giáo và các học viên vẫn cứ lao xao vọng về trong bóng rừng âm u. Cả nhiều ngày sau nữa, tôi vẫn đều đặn đến lớp học, nhưng tuyệt nhiên không thấy cô bé ấy đến xem tôi dạy nữa. Lớp học nơi miền rừng của tôi rồi cũng kết thúc sau 3 tháng khai mở. Ngày về xuôi, tôi bịn rịn chia tay các học viên, chia tay gia đình ông Hầu. Tôi đã quen dần với từng bờ cây, ngọn cỏ và cả chút nắng hanh hao ở làng Bơi này, giờ xa nó, trong lòng chợt rung lên một nỗi niềm mênh mang, xa vắng. Tôi sẽ ít có dịp trở lại miền rừng, trở lại sống với quãng đời tuổi trẻ nông nổi. Tôi sẽ mang nỗi nhớ về một vùng đất, ở đó có em và gia đình ông già người Dao áo dài, nơi tôi từng sống lẫn vào với cuộc sống hồn hậu như cây rừng dưới chân ngọn núi Moi.  

Bây giờ, khi có độ lùi về thời gian, ngồi nhớ lại quãng thời gian ấy, tôi hình dung ra khuôn mặt khắc khổ, nhăn nheo và lành hiền của ông Hầu. Cả khuôn mặt em nữa, bầu bĩnh, khỏe khoắn, nhưng sâu thẳm, tràn đầy sinh lực tuổi đôi mươi. Cuộc sống cứ thế kéo tôi đi, với nhiều lựa chọn. Công việc, bạn bè và nhiều thứ lo toan khác, khiến thời mang chữ lên miền rừng của tôi có lúc cũng bị chìm lấp giữa muôn ngả của cuộc đời. Mãi hai mươi ba năm sau, tôi mới có dịp trở lại vùng đất Yên Thuận trong một chuyến công tác. Đường lên rẻo cao giờ không còn bùn đất mà thay vào đó là con đường trải nhựa rộng thênh thang. Yên Thuận bình lặng trong lớp sương mờ đục, phả ra từ dãy núi Cham Chu. Những nếp nhà sàn cũ kĩ xưa kia giờ được thay bằng những căn nhà xây mới. Cuộc sống đổi thay quá nhanh so với ngày tôi lên dạy học. Chỉ có tình người nơi miền rừng thì vẫn hồn hậu, thủy chung như nó vốn có. Tôi bồi hồi xuôi theo bờ kí ức. Khuôn mặt em vẫn nồng nàn hiện ra sắc nét. Một bông hoa của núi rừng giờ chắc đã có nhiều nét khác xưa. Giữa cuộc sống muôn màu đang trôi chảy, em về bến đỗ của mình, lo toan chuyện cơm áo trong cuộc mưu sinh thường nhật. Tôi cứ miên man nghĩ như vậy, đến khi xe vào đến cổng nhà ông Hầu, cái bờ kí ức xưa cũ ấy mới chịu đưa tôi trở về với hiện tại.

Nếp nhà sàn của gia đình ông Hầu dường như vẫn được giữ nguyên như thuở hơn hai mươi năm về trước. Bà vợ ông hầu nay đã già, lưng còng xuống vì thời gian. Đứa con gái út ngày nào còn nhõng nhẽo ngồi trên lưng mẹ thì nay đã lấy chồng, sinh con, nhưng vẫn rực rỡ như đóa hoa rừng. Hai đứa chị nó cũng lấy chồng xa, nhà chỉ còn bà lão với đứa con gái và bọn trẻ con. Ông Hầu thì mới mất năm ngoái, căn nhà trở nên hoang vắng và buồn tẻ hơn. Tôi xin phép bà cụ cho tôi được thắp nén hương lên bàn thờ ông. Bên làn khói trắng bồng bềnh tỏa ra, kí ức của quãng đời tuổi trẻ mang chữ lên miền rừng lại như những thước phim dội về trong lòng tôi sâu thẳm.

Nguồn Văn nghệ số 15/2020


Có thể bạn quan tâm