April 19, 2024, 10:32 am

Lòng mẹ rộng quá biển trời biên giới

Mẹ của những

đứa con liệt sĩ

                                                     

Các anh hy sinh ở mặt trận miền Tây

máu mẹ thấm bầm đất miền rừng xa ngái

chiều chiều dõi mắt về phương ấy

lòng mẹ chiều nào cũng có mặt trời rơi.

dáng mẹ còng lưng đối xứng với chân trời

bóng mẹ nổi lằn trên bờ vùng, bờ thửa

chiều chiều bóng núi sà xuống ngõ

bóng mẹ nhập vào bóng núi rừng xa.

 

Thương trẻ là nỗi đau dằn vặt thân già

đầu mẹ đêm đêm như có rễ xuyên, mưa xối

lòng mẹ rộng quá biển trời biên giới

Mái tóc bạc đêm đêm gối tận chỗ anh nằm…

 

Tôi đưa mẹ thăm nghĩa trang Trường Sơn

hai ngày đường suốt một thời đánh Mỹ

đứng bên chỗ các con mình yên nghỉ

mẹ đã như được thấy các anh về

mẹ đã như đượcđến mọi miền quê

đất nước yêu thương thấm máu bao bà mẹ

đất nước yêu thương ngàn đời tươi trẻ

với những đứa con sống mãi tuổi xuân xanh

 

Hỡi anh Cẩn, anh Quán* cùng các chị, các anh

dẫu hôm nay không còn để chào, thưa mẹ

những hàng bia nghiêm trang, lặng lẽ

đã xưng tên cùng với chiến công

 

Như tiếng những bước chân bạt đồi, xẻ đá

xen trong trống ngực mẹ bồi hồi

và dang hiên ngang của những tượng đài

mẹ đã thấy các con mình trong trận.

Chu Linh

____

*Anh Cẩn, anh Quán – hai anh em đều hy sinh ở mặt trận miền Tây và hài cốt cũng được đồng đội đưa về nghĩa trang Trường Sơn.

 

Lời bình của NGUYỄN THỊ THIỆN 

Tri ân nguồn cội và những người có công với dân với nước là nguồn cảm hứng lớn trong văn học Việt Nam.  Bài “Mẹ của những đứa con liệt sĩ” do Chu Minh sáng tác là một áng thơ lắng đọng từ tâm can khiến người đọc rưng rưng nước mắt. Thi phẩm là tiếng nói từ trái tim người lính trước tấm lòng thương yêu con vô hạn và đức hy sinh cao cả của người mẹ liệt sĩ.

Bài gồm 28 dòng thơ viết theo thể tự do, mỗi câu từ bảy đến mười âm tiết đã lay thức, ám ảnh tâm trí rất nhiều bạn đọc. Mở đầu là lời giới thiệu khái quát về hoàn cảnh ngã xuống của người chiến sĩ: “Các anh hy sinh ở mặt trận miền Tây”. Lời thơ nói đến mặt trận miền Tây. Nhiều người đã biết chiến tranh biên giới Tây Nam là cuộc chiến vệ quốc lớn của dân tộc. Trong các trận chiến ấy, không ít cán bộ, bộ đội ta xả thân vì quê hương, đất nước đã chiến đấu dũng cảm và hy sinh oanh liệt. Tuy nơi xa xôi nhưng như có thần giao cách cảm, kể từ hôm người con ngã xuống nơi mặt trận lửa cháy bom rơi khốc liệt, tác giả cảm nhận về người mẹ “máu mẹ thấm bầm đất miền rừng xa ngái/ chiều chiều dõi mắt về phương ấy/ lòng mẹ chiều nào cũng có mặt trời rơi “. “Bầm” là tính từ chỉ màu sắc thâm tím, sẫm đen. Mỗi ngày mẹ cứ “chiều chiều dõi mắt về phương ấy/ lòng mẹ chiều nào cũng có mặt trời rơi”.  Tứ thơ mới lạ nói về niềm trông ngóng, hy vọng con trở về và nỗi đau đớn, xót xa tột cùng không gì sánh nổi khi nghe tin đã hy sinh ngoài mặt trận bảo vệ vùng đất cương Tổ quốc. Điệp từ “chiều” lặp ba lần trong hai câu thơ đã nhấn mạnh tâm trạng hụt hẫng đau xót tưởng như mỗi cuối ngày, lòng mẹ cũng như có mặt trời rơi. Nỗi đau xót bủa vây tâm trí mẹ như bóng đêm dày đặc. Cảm xúc chân thực, ngôn ngữ thơ giàu mỹ cảm nên rất ám ảnh. Lời thơ tiếp tục khắc họa hình ảnh mẹ: 

“Dáng mẹ còng lưng đối xứng với chân trời/ bóng mẹ nổi lằn trên bờ vùng, bờ thửa/ chiều chiều bóng núi sà xuống ngõ/ bóng mẹ nhập vào bóng núi rừng xa”. Sự thông minh trong quan sát và sự tỉnh tế trong cảm nhận khiến chủ thể trữ tình khắc họa được chân dung người mẹ sống động và nâng cao tầm vóc của người mẹ. Tác giả phát hiện ra vẻ đẹp khác biệt mà người thường không thể thấy được. Liên tiếp các hình ảnh thơ nối tiếp nhau đều rất ấn tượng. Bóng mẹ lằn trên đồng ruộng quê hương: “lằn” ở đây chỉ một vết nổi dài và hằn rõ. Chưa hết: bóng mẹ nhập vào bóng núi rừng xa, mẹ không còn là sinh thể độc lập nữa. Mẹ đã hóa thân, hòa nhập vào núi rừng, cảnh vật quê hương. Cảm động làm sao khi dáng lưng còng của mẹ đối xứng với đường chân trời xa tít tắp. Đây lại là một so sánh rất độc đáo. Chân trời còn có giới hạn nhưng lòng mẹ mênh mông. Điều này cho thấy tình mẹ thương con vô hạn, không có biên giới, không gì có thể cân đong hay đo đếm được. 

Đoạn thơ đầu Chu Minh miêu tả người mẹ ở góc độ khách thể. Phần thơ tiếp, tác giả hóa thân, thấu nhập vào tâm trạng của mẹ để bộc lộ nghĩ suy, cảm xúc: “Thương trẻ là nỗi đau dằn vặt thân già”. Lời thơ có sức khái quát như những câu tục ngữ, đúc kết kinh nghiệm thực tiễn của cuộc sống. Người già đã dành cả đời lao động vì gia đình và xã hội, bây giờ lẽ ra được sống an nhàn bên con cháu. Bởi vì chiến tranh, vì sự nghiệp cao cả bảo vệ đất nước, mẹ dâng hiến cho dân, cho nước những đứa con dứt ruột sinh ra và nuôi dưỡng lớn bằng đầu bằng với. Vì độc lập của Tổ quốc, các con mẹ đã nằm lại nơi chiến trường xa, mẹ sống trong nỗi đau không lời nào tả hết được. Sự đồng cảm và thấu hiểu sâu sắc nỗi lòng mẹ khiến tác giả viết những câu thơ đẫm nước mắt, mang nỗi đau nhục thể: đầu mẹ đêm đêm như có rễ xuyên, mưa xối. Nỗi đau của mẹ hay cũng chính là nỗi lòng của tác giả? Điều này thật khó phân biệt bởi sự thấu cảm đạt tới mức độ sâu sắc tri kỷ, thi nhân hiểu mẹ liệt sỹ như hiểu chính lòng mình. Biện pháp tu từ ẩn dụ khiến ngôn ngữ thơ giàu hình tượng, người đọc như đau cùng nỗi đau của người mẹ, nỗi đau ghê gớm cả thể chất và tinh thần. Xót đau tưởng như vô tận nhưng phần thơ không ủy mị, bi quan bởi không hề có một lời than tiếc, trách móc. Hơn ai hết, mẹ hiểu rõ sự hy sinh của con mẹ là vì mục đích cao đẹp. Nhà thơ vô cùng cảm phục và ngưỡng mộ tấm lòng của mẹ: “Lòng mẹ rộng quá biển trời biên giới/ Mái tóc bạc đêm đêm gối tận chỗ anh nằm!” Những câu thơ khái quát đã nhấn mạnh tấm lòng mẹ liệt sỹ yêu thương các con vô bờ. Tấm lòng ấy không có biên giới. Biển trời biên giới đã là vô cùng rộng lớn nhưng lòng mẹ còn rộng lớn hơn thế. Nghệ thuật dùng lối nói đòn bẩy“vẽ mây nẩy trăng” càng khắc sâu tấm lòng của mẹ rộng hơn cả biển trời. Dù mẹ đã tuổi cao sức yếu nhưng mái tóc bạc đêm đêm vẫn gối tận chỗ anh nằm. Lòng mẹ vẫn muốn về nơi con an nghỉ để mong vỗ về, bao bọc, chở che đứa con yêu dấu đến hơi thở cuối cùng...

Là đồng đội của các liệt sĩ, chủ thể trữ tình“đưa mẹ thăm nghĩa trang Trường Sơn”, dắt mẹ đến “bên chỗ các con mình yên nghỉ/ mẹ đã như được thấy các anh về”. Lời thơ chân thực, giọng thơ lắng lại nghẹn ngào. Cảm xúc trào dâng khiến tác giả viết những lời thơ thăng hoa như trên đôi cánh lãng mạn: “Mẹ đã như được đến mọi miền quê/ đất nước yêu thương thấm máu bao bà mẹ/ đất nước yêu thương ngàn đời tươi trẻ/ với những đứa con sống mãi tuổi xuân xanh”. Sự dâng hiến của người mẹ là vì mục đích cao nên không hề uổng phí. Các con mẹ không chết, các anh đã và sẽ còn sống mãi tuổi xuân xanh, lứa tuổi đẹp nhất đời người. Những hàng bia mộ san sát bên nhau lúc này như những đoàn quân trong đội hình trước giờ xuất kích“nghiêm trang, lặng lẽ”. Các anh “đã xưng tên cùng với chiến công” trước mẹ. Trống ngực rộn trong tim, mẹ như nghe đâu đây “tiếng những bước chân bạt đồi, xẻ đá” của những đứa con trong tư thế hiên ngang nơi tượng đài bất tử.

Đọc bài thơ này từ khi còn làm ở Tòa soạn báo Quân đội Nhân dân nhà thơ Vương Trọng đã rất thích. Trên trang facebook cá nhân 4/2022, nhà thơ chia sẻ: “Càng đọc tôi càng ngạc nhiên thích thú về những hình ảnh táo bạo và cái hay, cái lớn của bài thơ. Không biết với các bạn thì sao, với tôi, đây là bài thơ hay nhất của nước ta về đề tài mẹ liệt sĩ”. Bởi có giá trị đặc biệt xuất sắc, bài thơ được chọn đăng trong Tuyển tập Nửa thế kỷ Thơ (1957-2007) - NXB Quân đội nhân dân – Hà Nội 2006.

Do đâu tác giả Chu Minh có thể viết được bài thơ thầm đẫm hơi thở sự sống, làm xúc động người đến thế? Phải là người có tấm lòng yêu đất nước và con người sâu nặng. Phải là người từng lặn ngụp giữa bao gian nan dâu bể của thế thế thái nhân tình, từng trải nơi sinh tử của trận mạc, tác giả mới đồng cảm được sâu sắc, tái hiện chân thật được nỗi lòng của người mẹ đến thế. Theo tư liệu Giáo sư Tiến sĩ, Anh hùng lao động Nguyễn Anh Trí cung cấp: “Chu Minh tên thật là Nguyễn Văn Thắng, quê ở Thọ Xuân – Thanh Hóa, vốn là một người lính. Là người đã chứng kiến những mất mát, hy sinh cao cả của những chiến binh đồng đội nơi chiến trường, cũng là người chứng kiến và thấu hiểu những nỗi xót đau vô hạn của các bà mẹ ở hậu phương có con  hy sinh nơi chiến trường xa. Phải là người trong cuộc mới hiểu hết, mới viết ra được những câu thơ sâu sắc, thực và sống động đến thế”.

Trân trọng, kính phục các mẹ liệt sĩ, đồng điệu cảm xúc với tác giả bài thơ, Nguyễn Anh Trí đã vừa hoàn thành việc phổ nhạc bài thơ thành ca khúc cùng tên. Nhạc phẩm được trình bày bởi ca sĩ Anh Thơ với sự hòa âm của Trọng Phương. Tin rằng có giai điệu âm nhạc chắp cánh, bài thơ được lan tỏa rộng rãi hơn nữa.

Thi phẩm Mẹ của những đứa con liệt sĩ của Chu Minh không chỉ viết về một người mẹ cụ thể mà viết về người mẹ liệt sĩ nói chung. Thi phẩm mang ý nghĩa điển hình. Tấm lòng người mẹ trong bài thơ tiêu biểu cho hàng trăm nghìn Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng cùng hàng triệu mẹ liệt sỹ khác trên cả nước. Cả bài thơ không có một từ nào nói đến chữ biết ơn nhưng thấm trong từng câu, từng chữ tác giả đã nói hộ chúng ta lòng ghi nhớ và sâu sắc công lao của các thương binh, liệt sĩ, công lao và tấm lòng những Người Mẹ Liệt Sĩ đã dâng hiến những đứa con tuổi xuân phơi phới cho nhân dân, cho đất nước.

Nguồn Văn nghệ số 30/2022


Có thể bạn quan tâm