April 26, 2024, 4:31 am

Lòng chung thủy của Ca Lê Hiến

Mỗi năm, cứ đến độ đông về là tôi lại nhớ tới ngày lên đường về miền Nam tham gia chiến đấu của Ca Lê Hiến. Năm 2012, trong bài giới thiệu quyển Nhật Ký Lê Anh Xuân, tôi có viết một đoạn nói về tình yêu giữa Ca Lê Hiến và Bùi Xuân Lan, một tình yêu mà tôi cho rằng cũng hết sức lãng mạn và có phần bi tráng như lịch sử đất nước thuở ấy…

Ca Lê Hiến với người yêu Bùi Xuân Lan (em gái nhà văn Anh Đức - Bùi Đức Ái).

Ca Lê Hiến và Bùi Xuân Lan quen nhau từ thuở lên 9, lên 10, cùng học chung một trường tiểu học trong vùng kháng chiến Nam bộ hồi “Chín năm”. Trường giải tán, mỗi người đi một nơi. Sau tập kết ra Bắc, Ca Lê Hiến theo học ở một trường học sinh miền Nam, học lên đại học, tốt nghiệp được giữ lại làm giảng viên của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay gọi là trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội), còn Xuân Lan thì học ở một trường học sinh miền Nam khác, rồi được cử ra nước ngoài du học. Hai người tình cờ gặp lại, yêu nhau và cùng hứa hôn trong những ngày về nước nghỉ hè ngắn ngủi; sau đó Xuân Lan ra nước ngoài học tập, còn Ca Lê Hiến thì ra chiến trường chiến đấu và hy sinh để rồi hai người vĩnh viễn không bao giờ có thể gặp lại nhau.

Ca Lê Hiến hết sức trân trọng, lúc nào cũng nâng niu tình yêu đó. Vốn đẹp trai, hiền hậu, tài hoa, nên trong đơn vị hoặc ở ngoài kia, không ít “bóng hồng” đã để ý hoặc thầm yêu anh, và chính trong nhật ký, thỉnh thoảng anh cũng có ghi lại những khoảnh khắc bất ngờ gặp “bóng hồng”, thế nhưng tuyệt nhiên anh không hề để lòng mình xao xuyến. Tình yêu đó luôn là nguồn động viên, an ủi khích lệ mạnh mẽ trong những ngày tháng gian lao của anh. Ca Lê Hiến yêu người yêu mình tha thiết và một mực giữ lòng thủy chung trong sáng. Đáp lại, từ sau ngày giải phóng cho đến nay, cứ đến ngày giỗ, ngày Tết, Xuân Lan, người yêu vĩnh viễn trong trái tim Ca Lê Hiến, đều mang hương, mang hoa đến viếng phần mộ nhà thơ Ca Lê Hiến - Lê Anh Xuân, sau bốn lần quy tập chuyển dời, cuối cùng nằm lại tại nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh bên cạnh phần mộ  các nghệ sĩ tiêu biểu khác như Trần Hữu Trang, Nguyễn Thi, Hoàng Việt, Ngọc Cung…

Đối với các nhà văn, nhà thơ, trong các tác phẩm của mình, thường không thiếu các bài nói về tình yêu của bản thân mình, nhưng với Ca Lê Hiến thì có khác. Trong quyển Nhật ký chiến trường của mình, có đến 40 đoạn Ca Lê Hiến viết về người mình yêu và tình yêu của mình, nhưng duy nhất chỉ có môt bài thấp thoáng mang dáng hình đó, nhưng với một ý nghĩa khác hơn: kêu gọi người mình yêu cùng trở về miền Nam tham gia chiến đấu để giải phóng quê hương:

Em Xuân Lan yêu quý của anh. Chắc em đã về Hà Nội rồi phải không? Độ này hai năm trước anh sung sướng ở bên em, bây giờ anh ở xa em hàng ngàn cây số. Nghe tin cán bộ tập kết đang sẵn sang đội ngũ chuẩn bị về quê hương, H. xúc động lắm. Phải chăng XL. của H. cũng là một trong đội ngũ những con người quả cảm ấy? Lòng ngập tràn hy vọng, Hiến làm bài thơ:

 

Về đi em

 

Về đi em! Hỡi em yêu quý

Về với quê hương rợp bóng dừa xanh

Chắc em đã sẵn sàng rồi nhỉ

Em chờ ngày như khi đứng chờ anh.

Có phải em muốn hóa cánh chim xanh

Vượt Trường Sơn bay vút về quê mẹ

Anh tưởng thấy em khóc òa như đứa trẻ

Khi đặt bàn chân lên mảnh đất quê hương.

Anh nhớ em – nhớ miền Bắc yêu thương

Nhớ dáng em đứng bên đường dương liễu

Của Hồ Tây buổi chiều dìu dịu

Nhớ mắt em trong sáng dịu dàng

Như trời miền Bắc buổi thu sang

Anh mang em suốt dặm đường xa lắc

Như mang trong tim ngôi sao phương Bắc

Mang niềm tin ngày thống nhất mai sau

Dù lửa bom đang dội trên đầu.

 

Em hãy kể anh nghe những ngày sôi nổi

Hàng triệu thanh niên theo lời Đảng gọi

Đang sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu

Đâu khó khăn tuổi trẻ đi đầu.

Anh như thấy bóng em đi đấy

Em ở xa mà gần biết mấy

Như trái tim trong lồng ngực anh đây

Như miền Nam trong miền Bắc đêm ngày.

 

Anh đã về thăm trường xưa em học

Vẫn rung rinh hàng tràm xanh như ngọc

Vẫn dòng kinh đỏ tận chân trời

Vẫn dòng sông mải miết về khơi

Nhưng bao chuyện buồn vui em có biết?

Dòng kinh đỏ máu đồng bào bị giết

Hàng tràm xanh rụng lá mấy lần

Và mái trường mấy bận nát tan.

Nhưng bọn chúng làm sao giết được

Cả miền Nam thành đồng bất khuất

Rừng U Minh vẫn xanh biếc bóng tràm

Hết bom rồi, tiếng trẻ lại đùa vang.

 

Nhìn em gái đang ngồi trong lớp

Chỗ em ngồi xưa trời mưa thường dột

Anh nhớ em biết mấy em ơi!

Chỗ em ngồi đây mà em ở đâu rồi

Phải chi em về nơi trường cũ

Làm cô giáo sống giữa bầy chim nhỏ

Chắc em sẽ vui, sẽ quý, sẽ thương

Những trẻ thơ cắp sách đến trường.

Đã anh dũng như mẹ cha anh dũng

Học từng chữ giữa tiếng bom tiếng súng

Tối lại về cùng mẹ vót chông

Các em vui như con sáo xổ lồng.

 

Anh đã gặp những người con gái

Cũng như em dịu dàng biết mấy

Cũng như em hai mươi tuổi trắng trong

Em biết chăng đấy là những anh hùng

Đã mấy lần tay không cướp bót

Đã trăm bận biểu tình chống giặc

Anh muốn em như thế. Hỡi em

Hãy về đây sống lại những đêm

Lửa cách mạng đỏ những làng kháng chiến

Về với mái chèo mặn nồng gió biển

Về vót chông, về cầm súng, cầm dao.

Gian khổ nhiều nhưng hạnh phúc xiết bao.

 

Em đã đẹp trong chiếc áo dài Hà Nội

Đi giữa đường thơm mỗi mùa xuân tới

Em còn đẹp hơn trong chiếc áo bà ba

Nhuộm màu đen, màu bùn đất quê nhà

Đẹp lắm em đi đường dừa xanh mát

Tóc em ướp hương sen Đồng Tháp

Đẹp lắm em khi em đứng dưới chiến hào

Đem tuổi xuân xóa sạch thương đau.

Em còn thức hay em đã ngủ?

Ôi Hà Nội đường thơm hoa sữa

Em có nghe ngoài cửa, cây xanh

Đang rì rào tiếng vọng của anh

Chắc em đã sẵn sàng rồi nhỉ

Một chiếc ba lô, một tâm hồn nghệ sĩ

Có phải em đêm ngủ không yên

Khúc quân hành đang giục giã trong tim.

Cứ tưởng đó là những dòng cuối cùng tôi nói về tình yêu giữa Ca Lê Hiến và Bùi Xuân Lan, thế nhưng vào đầu năm 2020 này, khi biết tôi đang viết quyển sách Tổ quốc gọi, trong đó có đoạn nói về những cán bộ chiến sĩ miền Nam tập kết trở về quê hương tham gia chiến đấu, gia đình Bùi Xuân Lan đã mang đến đưa cho tôi xem một kỷ vật đặc biệt mà Ca Lê Hiến đã mang theo ba lô suốt những năm tháng dài tham gia chiến đấu cho đến ngày hy sinh dưới hầm bí mật tại ấp Phước Quảng, xã Phước Lợi, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Đó tạm gọi là một chiếc ví bằng ni lông, trong đó có ảnh của Ca Lê Hiến, của Ca Lê Nga, (con gái bác Mười Huệ cùng quê Bến Tre, người đã để lòng yêu tha thiết đối với Hiến nhưng sau khi biết Ca Lê Hiến đã có người yêu thì tự nhận làm em nuôi và lấy tên họ là Ca Lê Nga), và quan trọng hơn cả là mớ tóc thề mà Bùi Xuân Lan đã tự tay cắt và trao gởi cho Ca Lê Hiến trong giờ phút Hiến lên đường trở về miền Nam tham gia chiến đấu.

Nhìn thấy mớ tóc này, tôi sững sờ về lòng thủy chung của đứa em trai trong gia đình.

Nguồn Văn nghệ số 45/2020


Có thể bạn quan tâm