April 26, 2024, 2:03 am

Lời tự thú

 

Pgs.Ts. Lê Quốc Hán vốn là một thầy giáo dạy toán. Song ông cũng là một nhà thơ giàu nhiệt huyết, nhiều suy tư, trăn trở trước con người và cõi thế. Với tư duy logic mạch lạc, cộng với vốn kiến thức sâu rộng về văn hóa, triết học; và hơn hết là tấm lòng nhân ái, thơ ông có nét độc đáo riêng. Trong tập thơ thứ năm có tên gọi May vừa trình làng đúng tuổi “thất thập cổ lai hy”, ông thành tâm tự thú: con ngộ nhận trót sinh làm thi sĩ/ nên xem khinh mọi vinh hoa phú quý cuộc đời này (Nguyện cầu mùa thu).

Thơ ông đằm sâu, trí tuệ, giàu ẩn ngữ và mang tính triết lý sâu sắc. Những vần thơ tự nhiên nhưng giàu cảm xúc, hình ảnh thơ mang tính biểu trưng với những liên tưởng bất ngờ, thú vị, khám phá được tận cùng những ngõ ngách trong chiều sâu tâm hồn: cá dữ tranh mồi/ biển trời/ động// hạt mưa rơi xiên/ lòng người khó thẳng// sông suối quanh co/ đường đời/ đánh võng// sen giữa đầm lầy/ hương thơm vạn dặm// mắt đen thăm thẳm/ tầm nhìn/ nửa gang// rừng xanh bạt ngàn/ chỉ toàn/ gỗ tạp// con trai làm ngọc/ từ hạt/ cát vàng// sách viết nghìn trang/ mong còn/ một chữ (Vụn). Chỉ 63 từ trong bài mà ông gọi là những suy nghĩ vụn, nhưng đã khái quát và triết luận biết bao nhiêu điều hay, có ý nghĩa của cuộc đời này.

Đề tài trong thơ ông là những cảnh, người, sự vật, sự việc của đời thường, là tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa, là những trăn trở trước sự đổi thay của xã hội, của con người nhưng ám ảnh nhất vẫn là thời gian: chuyến tàu nào siêu tốc/ hơn chuyến tàu thời gian?/ em ơi em đừng sốc/ trước tháng năm phũ phàng// mây trời luôn thay đổi/ nước từng giờ đổi thay/ chỉ tình yêu ở lại/ với hồn người đắm say (Những cánh hoa đêm). Suy cho cùng cái còn lại sau bao biến thiên, bao thăng trầm, được thua, còn mất đó là tình yêu và cái đẹp vĩnh cửu: được/ thua/ còn mất/ câu hỏi quặn thắt/ tượng thần Bayon bốn mặt/ mặt nào rơi nước mắt/ mặt nào trao nụ cười/ sách bí ẩn lão thời gian đánh cắp/ tháp thương tình vung bút chép lên trời// tất cả đã vèo trôi tất cả sẽ vèo trôi/ giấc hồ điệp/ may/ còn sót lại muôn đời/ cái đẹp (May).

Lê Quốc Hán trải lòng mình cảm nhận thấu đáo, sâu sắc hơn về cuộc đời. Những cánh hoa đêm là một bài thơ nhiều ký thác, bộc lộ những suy tư, trải nghiệm, những triết luận sâu sắc về nhân sinh và cuộc đời: thông minh dốt nát/ sai khác vài phân/ tình thương tội ác/ nhân lên vạn lần// sáng sớm thiên thần/ xế chiều quỉ dữ/ mặt người dạ thú/ lệch vài bước chân// xã hội văn minh/ khoảng cách giãn nở/ chính bản thân mình/ không là mình nữa...

Điều đặc biệt dễ nhận thấy ông không bao giờ cao giọng chê bai ai hay oán trách điều gì. Tất cả chỉ là những lời thơ nhẹ nhàng, giàu trắc ẩn, đậm chất nhân văn: núi cao nghiêng đổ/ rừng cây sạch chồi/ đường làng ngập cỏ/ sông quê cát bồi// chim ca lạc giọng/ hoa nở khác màu/ biển im lìm sóng/ mắt huyền trũng sâu// trời xanh nhợt nhạt/ đất nâu cỗi cằn/ trái tim lầm lạc/ trở về ăn năn (Sám hối muộn). 

Nhà thơ không dừng lại ở những cảm xúc bề ngoài mà đi vào khám phá bên trong, những ngọn nguồn sâu kín từ tâm cảm. Dù đang sống ở phố thị nhưng lúc nào ông cũng da diết hướng về mảnh đất nơi chôn nhau cắn rốn, nơi đó có những người thân yêu ruột thịt, nơi đó có bạn bè thuở thiếu thời. Tất cả trở thành nỗi nhớ thương vô bờ: trót sinh ra kiếp làm người/ cố đừng khóc để sống đời hồn nhiên/ dẫu đôi lúc có chút phiền/ sóng lòng gắng vỗ bình yên tháng ngày (Vọng quê). Và giờ đây khi đã xế chiều, nhà thơ tự thú: nếu chiều nay chết bất ngờ/ chỉ xin gặp lại tuổi thơ chúng mình/ một mai cải táng thay hình/ được khâm liệm với mối tình đầu tiên (Giả định).

Với Lê Quốc Hán, con người sinh ra trên cõi thế này, chắc hẳn sẽ phải trải qua những cung bậc, thăng trầm: buồn - vui, khổ đau - hạnh phúc. Nhưng quan trọng làm sao vượt qua được, chiến thắng được chính mình trong những bất trắc đó: ngày có gì lạ đâu/ bình minh và chập choạng/ một bài kinh nguyện cầu// tuần có gì lạ đâu/ thứ hai sang chủ nhật/ vẹn nguyên một cái đầu// tháng có gì lạ đâu/ trăng mọc rồi trăng lặn/ niềm vui trộn u sầu// năm có gì lạ đâu/ tháng giêng qua tháng chạp/ vẫn hỏi hoài một câu// bờ bên này khổ đau/ bờ bên kia hạnh phúc/ làm sao qua được cầu (Hỏi).

Lê Quốc Hán rất tài hoa khi biểu hiện những dòng tình cảm chứa đầy tâm trạng qua những liên tưởng tinh tế, sắc sảo tạo nên ấn tượng thẩm mỹ phong phú và độc đáo: mẹ ơi! đêm qua nhìn lên thăm thẳm bầu trời nguyện cầu những vì sao đừng rơi nhưng sáng nay chúng vẫn nhuộm vàng cành cây ngọn cỏ không quay ngược được bánh xe thời gian không cột được mây vào gió con làm sao canh giữ nổi bầu trời// mẹ ơi! lần đầu tiên cất tiếng khóc chào đời con nhầm tưởng đời là mùa xuân mãi mãi giọt mồ hôi cha lăn bên má phải giọt nước mắt mẹ chảy dài bên ngực trái chưa một lần con biết hỏi: vì sao?// đời tặng con bao giây phút ngọt ngào cả trái đắng cũng giàu thêm hương vị con ngộ nhận trót sinh làm thi sĩ nên xem khinh mọi vinh hoa phú quý cuộc đời này// sáng hôm nay nhìn chiếc lá lắt lay mới chợt hiểu ngày thu không dài nữa mới chợt nhớ mai đông về gõ cửa có thể tắt đi ngọn lửa phía quê mình ngẩng mặt lên trời con cầu nguyện/ và tin (Nguyện cầu mùa thu).

Bên cạnh những bài thơ kiệm lời, dồn nén đến mức tối giản Lê Quốc Hán còn có những bài thơ theo kiểu văn xuôi. Ông tạo được ấn tượng cho người đọc về chuỗi dài cảm xúc, biểu đạt trọn vẹn được những nỗi niềm, thổn thức sâu xa trong trái tim nhân vật trữ tình. Những câu thơ văn xuôi nối tiếp nhau diễn tả rất chân xác tâm trạng dằn vặt, lo âu, trăn trở, ngẫm ngợi về sự được - mất, về hạnh phúc và sự khổ đau trong cuộc đời. Những bài thơ hay viết theo kiểu thơ này có thể kể: Trước giờ không, Kỳ ngộ, Bông hoa bên suối, Giao thừa, Dạ khúc, Sinh ra từ ánh sáng và nước, Cánh đồng, Hoa sen, Cõi đêm...                                                                      

Góp vào nền thơ Việt đương đại tiếng thơ lạ, cô đọng, dồn nén với nhiều tìm tòi, sáng tạo đầy nhân bản và giàu tính triết lý. Nhà thơ quan sát kỹ lưỡng từng hình ảnh, lắng nghe từng âm thanh trong đời thực và cả trong vô thức để đưa vào thơ. Vì thế, thơ ông ám ảnh, tạo nên ấn tượng. Tiếng thơ ấy chạm được trái tim của nhiều người yêu thơ và thành tâm với thơ. Bởi hơn ai hết, nhà thơ ý thức rất rõ rằng: “Khi trí tuệ hòa quyện với tình cảm, hồn tan vào xác, thực lồng với ảo thì mới tạo được môi trường cho thơ cất cánh. Nhưng cánh thơ bay được xa, được cao hay không không chỉ phụ thuộc vào tâm vào tài của người làm thơ mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa” (Thơ).

Nguồn Văn nghệ số 43/2020


Có thể bạn quan tâm