April 25, 2024, 7:40 am

Lời Sao Hôm… nghe thấm lúc Sao Mai

Nhà thơ Bùi Ngọc Trình quê ở xã Quỳnh Yên, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ông sinh năm 1934, cùng thế hệ với các nhà thơ Ngô Quân Miện, Quang Huy, Nguyễn Phan Hách... Trong cảm nhận của nhiều người, ông là người lặng lẽ và có chút gì giống như khuất lấp, cả giữa đời thường cũng như trong sáng tác. Cái lặng lẽ và khuất lấp của một người hiểu rất rõ giá trị của những khoảng cách cũng như sự yên tĩnh giữa cuộc đời bề bộn tính toan. Chính vì thế mà khi tiếp xúc với ông, đọc thơ ông, nhiều người có cảm giác ông giống như một người bộ hành lẳng lặng trên con đường hun hút bằng những bước chân hững hờ mà cả quyết, còn ánh mắt thì thi thoảng lại lóe lên những tia sáng của sự phát hiện đầy hóm hỉnh và sắc sảo… Cùng đi trên con đường ấy, nhưng khi có ai đó cố dấn lên một chút để cùng trò chuyện, thì ông dường như cũng lại rảo bước nhanh hơn một chút; còn khi họ chậm lại thì ông lại có vẻ như cũng muốn dùng dằng… “Thoang thoảng hoa nhài thì mới thơm lâu…”. Ông bảo vậy…

Sinh cùng lứa với các thế hệ nhà thơ chống Pháp, tuy nhiên ông lại không được xếp vào thế hệ các nhà thơ này bởi xuất hiện khá muộn trên văn đàn. Nói là muộn thì cũng không hẳn chính xác. Tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, từng là cán bộ Tỉnh Đoàn Thanh niên cứu quốc tỉnh Nghệ An, Bùi Ngọc Trình có điều kiện đến với thơ khá sớm. Bắt đầu từ năm 1957, ông đã có nhiều bài thơ đăng trên các báo Nhân Dân, Văn học, Văn nghệ Quân đội, Cứu quốc, Phụ nữ, Tiền phong…, những tờ báo quan trọng thời bấy giờ, trong đó có những bài sau này được nhận các giải thưởng văn học. Tuy nhiên, theo như lời tâm sự khiêm tốn của ông về nghề văn, thì “Thơ tôi vào thời kỳ này nhằm phục vụ sản xuất, chiến đấu. Tự thấy không còn gì khởi sắc, ấn tượng, nên năm 1979 đã tạm biệt thơ…”

Thế nhưng “… sau hai thập niên xa thơ, năm 1999 nghỉ hưu, tôi lại muốn chí thú làm thơ để nói những điều mình trải nghiệm với bạn đọc…” - Vẫn là lời ông tâm sự -  Từ suy nghĩ ấy, ông bắt đầu tập trung thời gian vào việc sáng tác, và chỉ trong vòng 5 năm sau đó đã cho ra đời xuất bản 4 tập thơ, trong đó tập Một mình đối bóng (Nxb Hội Nhà văn, 2004) đã được Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học Nghệ thuật Việt Nam tặng giải Nhì. Và cũng đến lúc ấy, ông mới trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, muộn hơn rất nhiều người cùng thế hệ…

Ngày ông xuất hiện tưng bừng trên thi đàn thì đã quá xa, còn khi ông trở lại thì lại quá thâm trầm và lặng lẽ. Về điều này chính ông cũng đã từng nói: “Thơ viết vào lúc tuổi cao, không tránh khỏi chút vui buồn thế sự, pha chút nhàn tản tiêu dao…”. Thế nhưng khi vượt qua được tất cả những cảm giác xa lạ ban đầu ấy, người ta mới thấy ở ông một tấm lòng nồng nhiệt và chu đáo... Ông không nói về những triết lý cao cả, không tạo nên những hàm ngôn ẩn ý sâu xa, mà là những trầm tích nghiêng nhiều hơn về phía cuộc đời, da diết và thấm thía, giống như những tiếng dùi của hồi trống mà người không biết đánh thì dễ bỏ qua, mà có bỏ qua thì cũng chẳng chết ai, vì người không biết bây giờ cũng nhiều lắm. Nhưng người biết thì không bao giờ làm thế…

Tôi nói những gì thời xanh chưa tiện nói

Lọt tai chăng? Tùy chiêm cảm từng người

Thơ vốn chắt lòng, thơ không nói dối

Lời Sao Hôm… nghe thấm lúc Sao Mai

Đây là bài Lời thưa trước trong tập Mơ trong mơ của ông, do Nhà Xuất bản Văn học xuất bản năm 2011. Nói ra một lời thưa trước như vậy để mở đầu một tập thơ cũng có thể xem là một sự khiêm nhường đối với thơ ca, đối với bạn đọc. Còn với nhà thơ, đó lại là một thái độ ứng xử...

 

Nhà thơ Bùi Ngọc Trình (1934-2014)

Về thăm cây khế

 

Tết về quê mẹ thăm cây khế

Nó biết cái ngày ta sinh ra

Khế qua dông bão còn trơ đó

Mà nhành họ nhỏ sót mình ta

 

Chát chua mãi nhớ đời cha mẹ

Chạy bữa nuôi con vạn tủi sầu

Núi khổ oằn vai cha mẹ gánh

Con giờ sung sướng mẹ cha đâu?

 

Ngút trời thương cảm mây đau tím

Đốt nén hương lên thỉnh vọng người

Phiêu lãng nơi nào cha mẹ hỡi

Ghé về thăm khế mẹ cha ơi!

                               2/2000

 

Ta giờ

 

Ta giờ nhớ nhớ quên quên

Suýt đem đáy biển gắn lên đỉnh trời

Dám xem gánh nặng một đời

Nhẹ như diều giấy thả chơi cánh đồng

 

Ta giờ có có không không

Cái đam mê ảo giữa vòng lợi danh

Chẳng đau bạn cũ phản mình

Chẳng buồn chợ búa nhân tình nhạt phai

 

Người lo tranh đoạt vũ đài

Ta làm thằng ngốc đứng ngoài đề thơ

Ta giờ ngất ngất ngơ ngơ

Ngủ rồi... còn thức... bên bờ... giấc say!

 

Một thoáng Hương Sơn

 

Khổ từ lên bảy lên ba

Lúc can qua lặng tuổi hoa chẳng còn

Mái chùa chênh chếch sườn non

Chuông chùa đã điểm lòng còn mây tuôn

 

Người ăn quả phật đầu nguồn

Mình con suối lạnh chở buồn nhân gian

Làm quan đã chẳng nên quan

Làm dân cũng chỉ làng nhàng thứ dân

 

Mốt mai rũ sạch bụi trần

Kiếp trầm luân biết dừng chân nẻo nào?

                                                            3/2002

 

Một mình đối bóng

 

Một mình ngồi với một mình

Một mình nhấp chén,

một bình đầy vơi

 

Một người ngồi ngắm một người

Một chênh chao bóng,

một cười ngất ngư

 

Một thưa

Một gọi

Một ừ

Hết thời võng lọng... Còn dư cái buồn!

                                                14/2/2003

 

Ba say chưa chai

 

Ha hà! Ba say chưa chai

Đây là đấy! Đấy là ai? Ha hà

Ha hà đấy cũng là ta

Chưa chai nhịu giọng thế là ba say

 

Ô kìa! Ta níu chòm mây

Em làm ngọn gió thổi bay giữa trời

Ai kia như bóng một người

Như ông hộ pháp sống đời trần gian

Như ta đả hổ lên ngàn

Vung gươm chém sóng dẹp tan thủy tà

 

Ha hà

Ta lại hóa ta

Bóng mai chếnh choáng suýt va bóng chiều

Rượu vào mụ mị như yêu

Lời ra dại dột chuốc nhiều đắng cay!

Ha hà! Ba chai chưa say

 

Trời ơi! Sự nghiệp thế này thôi sao?!

 

Dẫn chị tìm con ở nghĩa trang

 

Đây rồi, đây rồi, chị ơi!

Đúng tên đúng ngày cháu mất

Hàng bia xạm đá ven đồi

Ai xui bia này sáng nhất?

 

Nghĩa trang ngủ trong thông reo

Bia như chìm trong tiếng nấc

Hăm nhăm năm mới gặp con

Mẹ ôm nấm mồ suýt ngất:

 

“Con ơi con nằm trong đất

Thấy mặt mẹ già không con?

Vất vả cày sâu cả mặt

Mong con hai mắt mỏi mòn

 

Vì nước đã đành một nhẽ

Thương con chưa đến hai mươi

Nhập ngũ lần đầu xa mẹ

Lìa đời, chửa biết bạn đời...”

 

Nghĩ ngợi về lời chị khóc

Thế rồi nước mắt tôi rơi...

                                    Nghĩa trang Quỳnh Lưu

                                                8/3/1999

 

Tuổi hoàng hôn

 

Tuổi hoàng hôn gõ cửa

Mưa nắng cũng nhạt nhòa

Hương bưởi thơm cũng khác

Chim thôi hót ... Thế và

 

Bao sách hay đọc rồi quên hết

Bao người quen gặp không nhớ tên

Ta treo bi kịch lên mà ngắm

Cho bao hài kịch hóa nên tiền

 

Tiền hai mặt sáng tối

Tình bạc bội thủy chung

Ta hon di vãng vào trong mộng

 

Về đâu... bây giờ... mây trắng ơi...

 

Tương tác

 

Thơ bên này, rượu bên kia

Đổ vào giăng gió cho đìa cơn say

 

Thơ bên kia, rượu bên này

Đổ vào một lọ thì đầy nỗi đau!

 

Rượu này ném giận sang nhau

Thơ này hờn dỗi cho nhàu nụ hôn

 

Rượu nâng thơ, thơ nâng hồn

Bao giờ hồn cạn thì chôn cái bình

 

Bên thềm tuổi 80

 

Mùa đông của đời người

Dòng sông xanh cạn nước

Con đò chở hư vinh

Cồng kềnh đâu dễ vượt

 

Thi tứ đứt dây diều

Tình đi không trở lại

Một thoáng buồn vu vơ

Tím cả chiều quan tái

 

Mùa đông của Đời Người...

                                    2010

 

Có thể bạn quan tâm