March 29, 2024, 6:37 am

Lối ra nào cho người viết sách và ngành xuất bản

Thống kê gần đây cho thấy, trong một năm bình quân một người Việt Nam đọc chưa đến một quyển sách (mà chủ yếu lại là sách giáo khoa và giáo trình). Tình hình đọc sách trên thế giới nhìn chung đều giảm nhưng tụt dốc đến thê thảm như Việt Nam là điều chúng ta cần phải suy nghĩ.

Theo Luật xuất bản mới, Cục xuất bản, in và phát hành đã giao quyền cấp phép cho các nhà xuất bản (Cục chỉ làm nhiệm vụ hậu kiểm). Điều này tạo ra thuận lợi rất lớn cho các nhà xuất bản, bởi các bản thảo không phải xếp hàng đợi giấy phép ở Cục xuất bản, các nhà xuất bản chủ động hơn trong việc in và phát hành sách vào thời gian thích hợp. Nhưng trong thực tế thì hiện nay hầu hết các nhà xuất bản chủ yếu chỉ làm mỗi việc bán giấy phép cho đầu nậu, tổ chức liên kết xuất bản và tác giả có bản thảo. Nếu như trước đây chỉ có thơ là tác giả phải tự bỏ tiền ra in, thì nay các tác giả viết truyện ngắn, tiểu thuyết và dịch văn học cũng hầu hết phải làm việc này. Đầu nậu và các tổ chức liên kết xuất bản chỉ bỏ tiền ra in khi họ biết chắc chắn sách bán được và in là có lãi. Nếu trước đây trong thời bao cấp việc xuất bản sách đối với các tác giả là một thời gian chờ đợi dài dằng dặc. Phải là một cây bút có triển vọng, phải đã được in chung hai hoặc ba người một đầu sách, thì mới có thể hy vọng được đứng tên viết riêng trong một cuốn sách. Thời gian này ngắn thì cũng phải từ 10 đến 15 năm. Bây giờ trong tình hình mới, các nhà xuất bản có cơ chế thông thoáng hơn nhiều. Bản thảo gửi đến, biên tập viên chỉ biên tập lấy lệ, chủ yếu là xem tác giả có đề cập đến những vấn đề “nhạy cảm” không, có đi ngược với đường lối chính sách không, nội dung sách có quá tệ không… còn thì hầu hết đều được nhà xuất bản “bán” cho giấy phép, tác giả muốn in ở đâu thì in, số lượng bao nhiêu tùy ý. Do vậy mới có chuyện “cười ra nước mắt” khi có cuốn sách chỉ in đến 200 đến 300 cuốn, vì tác giả của nó chỉ có số người quen chừng ấy để tặng sách. Có người nói với tôi, mỗi ngày phải có từ 8 đến 10 tập thơ kiểu đó ra đời. Không chỉ có thơ, sách lý luận phê bình, mà các tập truyện ngắn, tiểu thuyết do các tác giả tự in thì số lượng cũng chỉ vài trăm cuốn và hầu hết chỉ là sách in để biếu.

Các đầu nậu chỉ in khi biết chắc các bản thảo sẽ bán được hoặc đã ngoặc với hệ thống thư viện lấy cho một vài nghìn cuốn. Số này rất ít, chỉ chiếm trên đầu ngón tay và hoàn toàn bị đầu nậu thao túng. Có tác giả đã kêu trời vì khi sách in ra bị đổi thành một cái tên rất “sến”. Thắc mắc thì đầu nậu trả lời: Phải đổi tên như thế thì mới bán được. Số lượng in là điều bí mật. Hầu hết số lượng in đều đề là 1.000 cuốn, kể cả sách được giải Nobel văn học, để đầu nậu vừa trốn thuế, vừa giảm được tiền nhuận bút phải trả cho tác giả.

Nhân nói đến chuyện nhuận bút: số tác giả được trả nhuận bút bằng tiền đặc biệt hiếm, còn lại được trả bằng sách. Theo quy định nhuận bút bằng 8 đến 10% giá bìa, do vậy một cuốn sách in 1000 cuốn, tác giả sẽ được trả “nhuận bút” từ 80 đến 100 cuốn, cùng với lời đề nghị “hỗ trợ xuất bản” bằng cách mua từ 200 đến 300 cuốn (tùy loại sách và tùy quan hệ giữa tác giả và đầu nậu). Ấy thế mà hầu hết tác giả đều xuýt xoa: may quá chỉ mất vài triệu mà đã được một cuốn sách, còn “lãi” chán so với việc tự bỏ tiền ra in. Như trên đã nói, số lượng in là tuyệt mật, nhưng nhìn chung đều thấp hơn với số lượng đã in. Điều này dễ giải thích, vì không thể hàng ngàn cuốn sách xuất bản đều in với số lượng giống nhau: 1.000 cuốn. Người viết bài này đã vô tình phát hiện ra sự gian dối này khi in một cuốn sách với số lượng được đầu nậu đề là 1.000 cuốn, nhưng khi trả “nhuận bút” lại được nhận 150 cuốn sách. Khi tôi thắc mắc, thì được đầu nậu trả lời: Sách của chú bán chạy, nên cháu “thưởng” cho chú thêm 50 cuốn. Tôi bảo: Đầu nậu không bao giờ nói chuyện nhân nghĩa. Chú cam đoan sách của chú cháu in 1.500 cuốn, nhưng sợ chú là nhà báo kiện cáo lôi thôi, nên cháu cứ trả chú 150 cuốn cho nó “lành”. Đầu nậu chỉ cười mà không nói gì!

Tình hình như thế là khá bi đát. Nhà xuất bản sau khi bán giấy phép thì coi như hết trách nhiệm. Và để bán được nhiều giấy phép thì phải hạ tiêu chuẩn nghệ thuật xuống. Do vậy sách ngày càng in ra nhiều, số cuốn có giá trị nghệ thuật càng ít. Trong tình hình độc giả ít đọc sách, lại luôn luôn vớ được những giá trị “rởm” thì họ lại ít đọc hơn. Cái vòng luẩn quẩn này chẳng biết bao giờ gỡ ra được. Các tác giả có tài và có tâm huyết thì lại càng ít in sách, vì bây giờ in sách không những không có nhuận bút mà lại còn tốn thêm tiền. Cách đây mấy năm, Gs Phong Lê có than thở trên báo Văn nghệ, khi ông giới thiệu một cuốn sách dịch về lịch sử văn học Nhật Bản. Gs Lê cho biết để dịch được cuốn sách dày 900 trang, tác giả phải tốn mấy năm trời, nhưng khi đưa đến các nhà xuất bản thì chẳng nơi nào chịu in, vì biết chắc là không bán được. Tác giả đành phải tự in 200 cuốn để biếu bạn bè, vì không đủ tiền để in nhiều hơn, mặc dù sách rất có giá trị. Chúng tôi biết chắc chắn còn rất nhiều cuốn sách có số phận hẩm hiu như thế.

Không thể để cả một nền xuất bản nằm trong tay những người có tiền nhưng lại rất ít tài. Không thể để sách giá trị mãi mãi không đến được tay người cần đọc, bởi rất nhiều sách biếu, tặng hầu như không được đọc (thậm chí còn bị bán giấy cân). Nếu nhà nước còn coi sách không chỉ là hàng hóa đơn thuần thì cần phải có trách nhiệm. Tất nhiên không thể bao cấp tràn lan, nhưng phải có cơ chế đặt hàng, chứ không thể mở cửa cho thị trường điều tiết 100% như hiện nay. Thứ nhất, phải đặt hàng (tài trợ) cho những tác giả có tài, có tâm huyết để họ viết sách và được trả công tương xứng. Đừng để như hiện nay, mỗi khi in sách là vợ con (hoặc chồng con) họ lại “lo sợ” vì ngân sách gia đình đã eo hẹp lại thêm thiếu hụt. Chúng tôi được biết  có một số hội chuyên ngành có tài trợ cho tác giả, đề nghị số tài trợ này cần được liên thông với các nhà xuất bản, để khi Hội chấp thuận thì các nhà xuất bản sẽ in bằng tiền đã được tài trợ. Nhưng đây mới chỉ là phần ngọn, phần đối với các tác giả đã thành danh. Đối với các tác giả trẻ, có triển vọng phải có nhiều trại sáng tác, có nhiều nơi để họ công bố tác phẩm. Đối với những người này, lãi là có tác phẩm. Chứ chưa thể quy ra thành tiền. Thứ hai, các nhà xuất bản cùng được tài trợ ở một mức độ nào đó để họ có thể sống được (những nhà xuất bản yếu kém kiên quyết giải thể) và không “dễ dãi” quá khi cho những cuốn sách không có giá trị ra đời. Tất nhiên không thể chặt chẽ, khắt khe như thời bao cấp, nhưng cũng không thể để tình trạng bất cứ ai cũng có thể thành tác giả, cũng có thể in sách, khiến cho trắng đen, thật giả lẫn lộn, người đọc tâm huyết cũng khó tìm được những cuốn sách ưng ý. Biên tập viên của các nhà xuất bản cũng cần được lựa chọn kỹ càng hơn. Còn nhớ trước kia, hầu hết các biên tập viên đều là những cây bút có tên tuổi. Bản thảo được họ thẩm định đã là một tiêu chuẩn sáng giá trong bảng giá trị và là một đảm bảo để sách có thể bán được. Hiện này hầu hết các biên tập viên ở các nhà xuất bản không phải là những cây bút, họ đều là những tên tuổi xa lạ cả với người viết và bạn đọc. Bản thảo qua sự thẩm định của họ còn nhiều hạn sạn không đáng có.

Để ngành xuất bản tự sống được và sách thật sự đến tay bạn đọc, cần phải có một chiến lược rõ ràng, mạnh mẽ, mà ý kiến của chúng tôi chỉ là một vài gợi ý.

Nguồn Văn nghệ số 26/2020

 


Có thể bạn quan tâm