April 20, 2024, 6:34 pm

Lối mở nào phổ biến sách nghệ thuật đến đông đảo công chúng?

Văn học nghệ thuật (VHNT) muốn tiếp cận công chúng sâu rộng thường qua con đường xuất bản. Ngoài sách văn học vẫn phần nào giữ vững vị thế, sách về các loại hình nghệ thuật khác ngày càng giảm về số lượng, còn chất lượng cũng chưa được cải thiện.

Đã đến lúc cần tìm ra những lối mở phổ biến sách nghệ thuật để công chúng có thêm những sản phẩm văn hóa đọc đa dạng, hấp dẫn.

Thưa thớt sách nghệ thuật

Có những nhận định khác nhau xung quanh “thể trạng” của thị trường sách VHNT. Có những băn khoăn về tình hình xuất bản sách có dấu hiệu lộn xộn, nhiễu loạn, dễ dãi trong cấp phép, thiếu kiểm soát về chất lượng sản phẩm, chậm phát hiện, chậm xử lý các hành vi sao chép, vi phạm bản quyền; hoặc tình hình sách dịch chiếm ưu thế, các tác phẩm sách trong nước dù chất lượng cao vẫn bị lép vế; hay sách VHNT nói chung có số lượng in rất khiêm tốn trong bối cảnh bùng nổ của văn hóa nghe, nhìn, giải trí hiện nay; cũng như so với tiềm năng to lớn của thị trường trăm triệu dân, đặc biệt là lượng bạn đọc trẻ đông đảo...

 

Lối mở nào phổ biến sách nghệ thuật đến đông đảo công chúng?

  Họa sĩ, dịch giả Trịnh Lữ (bên phải) ký tặng độc giả trong buổi ra mắt sách tranh “Vẽ gì cũng là tự họa”.
      Ảnh: Tiến Long

 

Cần nhiều những con số khảo sát, thống kê từ ngành xuất bản để nhận rõ hơn thực trạng, những hạn chế và nguy cơ có thể xuất hiện trong sự chênh lệch giữa sự ít, mỏng của sách VHNT với sự đông đảo, rộng lớn của bạn đọc, thị trường cùng đa dạng những loại hình khác đang thu hút mối quan tâm của công chúng hiện nay. Nhưng cũng đang có những tín hiệu mới cho thấy mối quan tâm nhiều hơn, tích cực hơn của các nhà làm sách, đơn vị xuất bản, thị trường đối với mảng sách VHNT, nhất là địa hạt sách nghệ thuật dù còn xuất hiện một cách hạn hẹp.

Thực tế, mảng sách văn học vẫn được lưu tâm đầu tư từ lâu với sự hiện diện ở rất nhiều danh mục sản phẩm của các đơn vị xuất bản, các nhà làm sách, trên các sàn giao dịch điện tử, trong các hội chợ sách. Dù có khi được ngán ngẩm nhận xét rằng, sách văn học in ra số lượng quá ít, từ một nghìn đến vài nghìn bản, hiếm hoi lắm mới có trường hợp hàng vạn bản như sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và sách văn chương in ra, tác giả dành để tặng đã quá nửa thì thời gian qua, bạn đọc vẫn đón nhận sách của không ít tác giả trẻ, mới. Cùng với sách của những tác giả uy tín, những tuyển tác phẩm hay trong năm, những tác phẩm văn học nổi tiếng vẫn được tái bản...

Riêng mảng sách về nghệ thuật vẫn còn nhiều khó khăn trong việc tổ chức thực hiện, xuất bản và phổ biến. Nhìn lại và điểm qua, có thể kể ra một số ví dụ tiêu biểu. Nhiều năm trước, Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng từng thực hiện bộ sách nghệ thuật, tập trung vào lĩnh vực hội họa, di sản mỹ thuật như tranh dân gian, kiến trúc đình làng, sách về văn hóa, văn minh nhân loại... NXB có sự tuyển lựa, sử dụng nhiều tranh, ảnh màu đẹp, sắc nét, ngôn ngữ trình bày ngắn gọn, sinh động, đã tạo được sự mới mẻ, cuốn hút với bạn đọc. Tiếc rằng những cuốn sách như thế còn hiếm hoi và hiện nay chưa được phổ biến lại. Mấy năm gần đây, NXB Kim Đồng dường như đang tiếp nối “giấc mơ xưa” với loạt sách tranh tiểu sử họa sĩ, giới thiệu sự nghiệp và những tác phẩm tiêu biểu của nhiều danh họa, họa sĩ nổi tiếng Việt Nam.

Thực hiện thường xuyên hơn, theo đúng tên gọi chuyên ngành là NXB Mỹ thuật với việc ấn hành nhiều cuốn sách tranh với sự phối hợp, xin cấp phép của các họa sĩ khi tổ chức triển lãm; hoặc sách tập hợp tác phẩm tiêu biểu của các danh họa, tác phẩm trong các bộ sưu tập tư nhân. Tuy nhiên, kiểu sách này chủ yếu phục vụ nội bộ cho việc tặng, bán tượng trưng trong quá trình tổ chức triển lãm, cũng như là quà tặng của họa sĩ và gia đình, nhà sưu tập, chứ ít có điều kiện, cơ hội phổ biến ra ngoài thị trường. Cũng giống NXB Mỹ thuật với những đầu sách đậm chất chuyên môn về mỹ thuật, NXB Âm nhạc nay đã sáp nhập vào NXB Văn hóa dân tộc, một thời gian dài ngoài ấn hành băng đĩa, còn in các tập nhạc của các nhạc sĩ, những cuốn sách chuyên ngành... Các loại sách này hầu như chỉ lưu hành trong giới nghề, trong công tác đào tạo, nghiên cứu nghệ thuật. Cũng tương tự là tình hình phổ biến, lưu hành sách về lĩnh vực điện ảnh, nhiếp ảnh, kiến trúc, sân khấu... với các tác giả là đội ngũ chuyên gia, nghệ sĩ sáng tác; đầu mối tổ chức thực hiện hoặc phối hợp là các hội nghề nghiệp, đơn vị nghiên cứu, đào tạo.

Nhận định rằng những kiểu sách đó có đối tượng tác giả nhất định là nghệ sĩ, chuyên gia, giảng viên, sinh viên nghệ thuật, có thể gọi chung là lớp bạn đọc tinh hoa; và vì tính chất chuyên môn, chuyên sâu nên lượng người đọc ít và có chọn lọc là lẽ đương nhiên, như vậy cũng dễ đồng tình. Nhưng càng suy ngẫm càng thấy đáng tiếc về sự bỏ ngỏ của thị trường sách nghệ thuật với lượng công chúng phổ thông hết sức đông đảo. Trong khi theo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, ngành văn hóa cần tích cực nâng cao dân trí, bồi bổ, phát triển thẩm mỹ cho công chúng, xây dựng và bồi đắp văn hóa, văn minh cho xã hội bằng các tác phẩm VHNT có giá trị. Trong đó, không thể thiếu phương tiện khai mở, tác động quan trọng là những cuốn sách.    

Tái hiện “mỏ vàng” nghệ thuật trong các cuốn sách

Thời gian qua, nhận rõ hơn sự trống vắng này và tiềm năng phát triển, tiếp cận, phổ biến trong xã hội của sách nghệ thuật, đã có một số đơn vị xuất bản, làm sách bắt tay vào thực hiện các đầu sách về nghệ thuật hoặc giao thoa, xen kẽ giữa nghệ thuật và văn học. Một số công ty sách, nhóm biên soạn thông qua các NXB như: Mỹ thuật, Thế giới, Tri thức, Văn học, Hội Nhà văn... đã thực hiện các cuốn sách, ấn phẩm với sự chú trọng đặc biệt về hình thức, trình bày, được thị trường đón nhận, được đánh giá cao về ý thức chuyển hướng, nắm bắt thị hiếu độc giả và kích thích nhu cầu tiêu dùng, mua và đọc sách. Phải kể đến những cuốn sách Tết dày dặn mà ngoài thơ, truyện, tản văn... không thể thiếu sắc màu, đường nét đa dạng của rất nhiều bức tranh đi kèm. Cũng cần nhắc đến việc khơi lên thú chơi sách hiếm, sách độc bản, sách đặc biệt, sách được đầu tư công phu với những dự án kết hợp giữa tác phẩm của nhà văn với minh họa của nhiều họa sĩ. Tiêu biểu cho xu hướng này là Công ty Đông A với những cuốn sách bìa cứng làm dày dặn, cầu kỳ, được đánh số, có giá cao, hướng tới những người “sành chơi” sách, người sưu tầm "sách độc”. Đông A cũng đã được biết đến với việc thực hiện những cuốn sách về các họa sĩ nổi tiếng thế giới. Công ty Omega Plus cũng đã và đang phối hợp với NXB Dân trí xây dựng tủ sách mỹ thuật với những cuốn sách lịch sử mỹ thuật, tiểu sử danh họa, danh họa qua tác phẩm... Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vừa phối hợp với NXB Mỹ thuật thực hiện cuốn sách về tranh tứ bình với nhiều hình ảnh tác phẩm trong sưu tập của bảo tàng, được dư luận chú ý. Cùng với một số đơn vị làm sách khác, lĩnh vực mỹ thuật đang được các nhà làm sách, đội ngũ dịch giả, phê bình mỹ thuật quan tâm khai thác, từ mỹ thuật thế giới đến mỹ thuật trong nước. Và từ con số gần như vẻn vẹn NXB Mỹ thuật trước kia cho đến nhiều hơn các NXB, đơn vị làm sách “nhập cuộc mỹ thuật”, có thể thấy trong tương lai gần, địa hạt này sẽ còn nhiều hứa hẹn.

Nhưng đáng băn khoăn là với các lĩnh vực nghệ thuật khác, vì sao lại chưa có những tín hiệu bước đầu khả quan như vậy. Trong khi, kho tàng nghệ thuật diễn xướng truyền thống của dân tộc, lịch sử phát triển điện ảnh, âm nhạc nước nhà, sự biến hóa nhiều màu vẻ của kiến trúc dân tộc đến hiện đại; và cả kho tàng đồ sộ của nghệ thuật thế giới, chính là những “mỏ vàng” cho sự khai thác, truyền tải, tái hiện qua những cuốn sách. Tất nhiên, khi đã trở nên một loại hàng hóa, sản phẩm văn hóa với sự chi phối của thị trường, thị hiếu, thẩm mỹ công chúng, thì những cuốn sách làm về môn nghệ thuật nào, cho ai, cách thức thực hiện ra sao... phải có sự nghiên cứu, cân nhắc rất thận trọng của các doanh nghiệp làm sách, các NXB. Nhưng sẽ là đáng tiếc nữa nếu sự xuất hiện của những cuốn sách nghệ thuật trở nên chậm chạp hơn so với nhịp độ tiếp cận nghệ thuật của công chúng trong xã hội.

Một liên hệ rộng hơn về mối quan tâm của công chúng đối với văn hóa, nghệ thuật: Dễ dàng nhận thấy nhu cầu thưởng lãm, tìm hiểu nghệ thuật thông qua việc đi xem phim, kịch, sân khấu và diễn xướng truyền thống, ca múa nhạc, thăm nom các vùng danh thắng với những di tích, công trình kiến trúc nổi tiếng của đất nước, đến với các triển lãm tranh, ảnh, thăm các tượng đài... Từ đó có thể thấy, nhu cầu công chúng là phổ biến và cần được gợi mở, khơi dậy, được định hướng và bồi bổ, nâng cao. Dĩ nhiên, từ nhu cầu tiếp cận, trải nghiệm trực quan đến sự nhìn, đọc, lắng đọng qua hình ảnh và con chữ trên sách, hẳn có khoảng cách. Nhưng như vậy, câu hỏi về việc thực hiện công cuộc phát triển xã hội, con người đó bằng những cuốn sách nghệ thuật phù hợp với đại chúng, với nhiều lứa tuổi bạn đọc khác nhau... vừa là đòi hỏi, vừa gợi ra cơ hội, hướng đi cho những người làm sách.     

Nhà thơ NGUYỄN QUANG HƯNG

Nguồn QĐND


Có thể bạn quan tâm