April 19, 2024, 7:15 pm

Lợi ích của thí sinh và chất lượng của kỳ thi vẫn cần được chú trọng

Phương án đổi mới kỳ thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia hướng tới việc thí sinh làm bài thi trên máy tính đã nhận được sự ủng hộ không chỉ của giới giáo chức mà còn của đông đảo người dân.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn, liệu có giảm được tiêu cực trong thi cử?Thực ra, đây không phải là lần đàu tiên việc thi trên máy tính được đưa ra bàn thảo và được nhìn nhận ở nhiều góc độ, cả về mặt quản lý lẫn thực hành. Nếu như trước đây, ý tưởng thi trên máy tính còn vướng ở cơ sở vật chất, hạ tầng truyền thông, thì nay những vấn đề này cơ bản đã được giải quyết. Nhiều trường học đã có phòng máy tính với số lượng máy tính đủ cho học sinh một lớp thực hành (45 máy/ trường), nhưng đây mới chỉ là điều kiện để các em được tiếp cận và học tập trên máy tính, còn việc thi trên máy tính lại là chuyện hoàn toàn khác. Khác ở chỗ, hệ điều hành máy tính, cấu hình và chất lượng máy tính dùng cho thi đại trà khác nhau, dẫn đến khó khăn cho các em triển khai việc thi trên máy tính.

Ảnh minh hoạ. Nguồn Internet

Lấy một ví dụ trong việc thi sát hạch lái xe, một người bạn của tôi đã từng chia sẻ, hệ thống máy tính của trung tâm dù được sử dụng thường xuyên nhưng vẫn bị trục trặc (do đây là đồ điện tử), nên không phải lúc nào máy tính của trung tâm cũng đều hoạt động hết công suất, thành thử việc thí sinh xin đổi máy tính, hoặc giám thị phải yêu cầu thí sinh ngồi máy A thay cho máy B vẫn xảy ra thường xuyên. Chất lượng máy tính là một yếu tố khiến nhiều người lo lắng cho việc thi trên máy tính là một nhẽ, nhưng chất lượng đường truyền (mạng internet) mới  là điều đáng bàn. Không ai dám chắc chắn đường truyền không bị nghẽn, bị mất tín hiệu. Chưa kể việc thi được thực hiện trên máy tính cũng sẽ gặp những khó khăn như kho đề thi lớn, phong phú; thi nhiều lần làm giảm động lực của thí sinh khi cho rằng thi trượt lần này sẽ có lần sau, đặc biệt gây khó khăn cho Bộ Giáo dục & Đào tạo và đội ngũ làm đề vì phải căn chỉnh để chất lượng đề thi tương đương nhau, tránh đề thi đợt này dễ mà đợt sau lại khó.

Theo ông Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục KHCN, Bộ Giáo dục & Đào tạo, nên thí điểm thi trên máy tính ở những nơi có điều kiện để rút kinh nghiệm. "Bộ Giáo dục & đào tạo phải lường trước được việc gian lận khi trong kỳ thi tốt ngiệp THPT Quốc gia năm 2018 là do một số cán bộ câu kết với nhau. Hơn nữa, 1 đợt thi cần hàng trăm nghìn máy tính, nhưng chỉ dùng mấy tiếng đồng hồ thì rất lãng phí. Vì vậy, Bộ Giáo dục & đào tạo phải lấy ý kiến góp ý của người dân, sau đó có đề án trình Chính phủ phê duyệt”.

Có thể việc thi trên máy tính đem lại những kết quả tốt hơn cho kỳ thi và đặc biệt hệ thống phần mềm chấm thi trả kết quả ngay, đây cũng là một trong những cách để hạn chế các vấn đề tiêu cực. Nhưng, vấn đề gian lận trong thi cử phần lớn do con người, một khi đã cố tình vi phạm, thì vẫn sẽ có những cách để lách luật. Chưa kể người giữ chìa khóa phần mềm có thể can thiệp hàng loạt kết quả thi.

Trước những  lo lắng của dư luận xã hội, Bộ Giáo dục & Đào tạo khẳng định, phương án thi tốt ngiệp THPT Quốc gia sau 2020 sẽ được tổ chức gọn nhẹ, giảm áp lực, tốn kém, bảo đảm độ tin cậy để các trường Đại học có cơ sở lấy kết quả kỳ thi này xét tuyển. Đây là một hướng đi đúng và cần được ủng hộ. Tuy nhiên, nếu muốn có được kỳ thi trọn vẹn, muốn đề thi phải đánh giá được năng lực và kỹ năng của thí sinh, có tính phân loại cao thì Bộ cần phải xây dựng một lộ trình thi trên máy tính một cách phù hợp. Có thể, ở những năm đầu, bộ đề thi có thể bao hàm kiến thức trong chương trình lớp 12 cho thí sinh chủ động trong làm bài. Những năm tiếp sau, bộ đề thi gồm toàn bộ kiến thức và các kỹ năng, được chuẩn bị và chuẩn hóa kỹ (như chất lượng các bộ đề SAT và ACT của Hoa Kỳ). Từ đó, có thể đánh giá chính xác năng lực thí sinh cũng như chất lượng tốt nghiệp bậc giáo dục phổ thông.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu phải có lộ trình để thực hiện trên tinh thần tạo điều kiện tối đa cho thí sinh, thận trọng trên quy mô nhỏ để đánh giá và có lộ trình mở rộng dần. Ngân hàng đề thi phải làm tích cực hơn, làm sao huy động được nhiều nguồn lực cho việc xây dựng ngân hàng câu hỏi, nhưng không vì vấn đề này mà trì hoãn việc tổ chức thi trên máy.

Vẫn còn thời gian để Bộ Giáo dục & Đào tạo tham chiếu và nhận ý kiến đóng góp của chuyên gia, nhà giáo dục và của chính dư luận xã hội về kỳ thi hai trong một có hay không được thực hiện trên máy tính trước khi trình chính phủ phê duyệt. Nhưng dù có quyết định thế nào thì việc đặt lợi ích của thí sinh, chất lượng của kỳ thi vẫn nên được chú trọng.

Nguồn Văn nghệ số 46/2019

 


Có thể bạn quan tâm