April 26, 2024, 6:55 am

Lời hứa của mẹ

 

Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Huỳnh Thị Triển, sinh năm 1928, quê thôn Chương Hoài, xã Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Mẹ có con trai độc nhất, anh Phạm Văn Mẫn, ngã xuống trên mảnh đất quê hương... Mẹ vượt qua những ngày đen tối, giông bão của cách mạng vì lời hứa với chồng ngày tập kết. Với mẹ, lời hứa có một sức nặng dữ dội, nặng hơn núi Bồng Sơn, sâu nặng hơn dòng sông Côn chảy ra biển...

Mẹ trải lòng trong câu chuyện kể về cuộc đời mình, với hạnh phúc, khổ đau, hy sinh và mất mát về thời thơ ấu đầy biến động, tang thương. Mẹ xuất thân trong một gia đình phú nông, ruộng đất cò bay thẳng cánh. Nhưng những cuộc biểu tình của phụ nữ Hoài Nhơn trong phong trào Đông Dương Đại hội, đòi dân sinh dân chủ; nhiều người yêu nước bị bắt vào tù; những câu hỏi “Chị em phải làm gì?” trong các tác phẩm tuyên truyền cách mạng của Đảng cộng sản thời ấy xuất hiện, được chị em chuyền tay nhau đã tác động sâu sắc đến cô gái con nhà một phú nông. Rồi những cuộc biểu tình của phụ nữ huyện Hoài Nhơn dưới thời Pháp Nhật “một cổ hai tròng” đã dấy lên phong trào phụ nữ nông thôn tham gia đấu tranh chống cường hào, hương lý bao chiếm công điền, hà lạm công quỹ bùng lên nhiều nơi trong tỉnh khiến mẹ không khỏi băn khoăn, suy nghĩ. Mẹ nhớ rất rõ, năm 1943, cuộc biểu tình tình đòi dân sinh dân chủ, tự do đi lại, no cơm áo ấm ở huyện bị đàn áp. Có người báo về, lập tức dân chúng trong làng cùng nhau quyên góp, kẻ nấu cơm, người giúp thức ăn, gói vào mo cau tiếp tế đoàn biểu tình. Cô tiểu thư nhà phú nông cũng lao ra khỏi nhà, hòa cùng đoàn người, kéo lên quận… Mẹ lao đi cùng bà con vì trái tim thôi thúc, đâu nghĩ những cuộc biểu tình năm ấy ấy được phát triển trong những năm chống Mỹ, làm nên đội quân tóc dài kiên cường của Bình Định…

Chợt một ngày, mẹ nhận ra mình đã đến với cách mạng, từ hình ảnh người thanh niên oai hùng, vốn là một nông dân áo vải, xuất thân từ chỗ bần nông nghèo khó. Anh tên Phạm Văn Thành, cùng làng với cô tiểu thư họ Huỳnh. Dù lớn hơn cô Huỳnh Thị Triển chỉ một tuổi nhưng anh Thành đã tỏ ra là một cán bộ chín chắn, điềm đạm. Anh tập văn nghệ, những bài hát thiếu nhi, những bài hát cách mạng cho các em nhỏ và trai gái trong làng. Cô Triển dễ dàng thuộc lòng những bài ca kháng chiến, cô làm vợ anh Phạm Văn Thành có gia cảnh nghèo khó. Cô tự nguyện từ bỏ giai cấp phú nông, lấy chồng, nhận làm một bần nông, nguyện đứng dưới ngọn cờ cách mạng. Những người lớn lên sau chiến tranh có lẽ sẽ mỉm cười chế nhạo sự từ giã giai cấp ấy nhưng với mẹ, thời ấy là một sự lựa chọn nghiệt ngã. Sự chọn lựa nào cũng đầy trăn trở, giằng xé và bi kịch. Nhưng mẹ yêu chồng, nên sẵn sàng từ bỏ cuộc sống giàu sang của một tiểu thư con nhà phú nông, được cưng chiều hết mực.

Làm vợ người cán bộ Việt Minh, cô Triển tham gia công tác dân quân, phụ nữ, đào hầm, vót chông, quyên góp lương thực thực phẩm cho kháng chiến, sản xuất nuôi quân. Người dân làng ăn củ mì nhường gạo cho bộ đội Cụ Hồ ăn no đánh giặc. Sau những thất bại nặng nề ở Điện Biên Phủ, ngày 20/7/1954, Pháp buộc phải ký hiệp định Genène, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Ở Hoài Nhơn, Bình Định quê mẹ cũng như các tỉnh Nam bộ; trước khi cán bộ, bộ đội rút đi; các địa phương đều tổ chức cuộc gặp mặt, đưa tiễn người thân đi tập kết. Tại đầu cầu Bồng Sơn; các mẹ, các chị tham gia các cuộc mít-tinh đánh dấu sự kiện tập kết chuyển quân. Người vợ trẻ Huỳnh Thị Triển dắt đứa con thơ năm tuổi, vô Bồng Sơn tiễn chồng ra đi. Nhớ phút chia tay năm ấy, mẹ ngậm ngùi kể: “Buổi tiễn đưa thật xúc động. Người ra đi chào người thân bằng hai ngón tay như ngầm nói chỉ hai năm sau sẽ trở về. Người ở lại cũng đưa hai ngón tay lên để tỏ lòng thủy chung với cách mạng, son sắt với chồng và người thân, nào ngờ…”.

Nào ngờ Hiệp định Genève ký chưa ráo mực, chính quyền mới được dựng lên ở miền Nam đã trắng trợn vi phạm các điều khoản trong hiệp ước. Địch tiến hành hàng loạt các cuộc đàn áp, khủng bố; đánh đòn phủ đầu vào lực lượng cách mạng và quần chúng. Mẹ bàng hoàng nhớ lại: “Chúng giết người chặt làm nhiều khúc bỏ bao tải thả trôi sông, chôn sống nhiều người; lập “ngũ gia liên bảo” để kiểm soát ngặt nghèo đồng bào; liên tiếp mở các chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng”. Những người thân của cán bộ tập kết ra Bắc, những người tham gia kháng chiến cũ bị lùng sục, bắt bớ, rún ép đòi ly khai Đảng, ly dị chồng con….

Ngày tiễn chồng tập kết ra Bắc, về lại quê hương, mẹ làm mướn, cày cấy nuôi con. Do liên hệ với những người kháng chiến cũ, tham gia các cuộc đấu tranh đòi ủy hội Quốc tế can thiệp, giám sát việc thi hành Hiệp định Genève; tham gia các cuộc đấu tranh đòi thi hành tổng tuyển cử, hiệp thương thống nhất đất nước; mẹ bị bắt vào nhà tù Bồng Sơn, bị tra tấn, đánh đập dã man. Trong tù, lòng người mẹ ngổn ngang khi nhớ đến đứa con thơ dại đang gởi lại cho nhà chồng nuôi, giờ không biết sống ra sao. Nghĩ đến người chồng miền Bắc, mẹ không khỏi lo lắng, bất an cho cuộc sống xa vợ con, người thân. Lòng người vợ trẻ da diết nhớ chồng, mong ngày sum họp. Nghĩ đến chồng, mẹ tự nhủ phải sống xứng đáng, kiên định trước những ngón đòn, thủ đoạn mua chuộc, rún ép của địch, buộc mẹ ký đơn ly dị người chồng miền Bắc, ép mẹ lấy tên cảnh sát ác ôn…

Mẹ vượt qua những ngày đen tối, giông bão của cách mạng vì lời hứa với chồng, ngày tập kết. Với mẹ, lời hứa có một sức nặng dữ dội, nặng hơn núi Bồng Sơn, sâu nặng hơn dòng sông Côn chảy ra biển. Lòng kiên định, thủy chung dành cho chồng khiến mẹ vượt qua những ngày biệt giam, những ngày vượt qua cơn đói để đấu tranh trong tù, chống chào cờ, chống ly khai Đảng…

Điều làm mẹ bị giằng xé, đau đớn nhất là mỗi khi con trai được bên nội đưa đến nhà tù thăm mẹ. Mẹ thương con đứt ruột, mong thoát ra khỏi nhà tù về với con, nuôi nấng, chăm sóc con nhưng một bên là lòng trung kiên dành cho cách mạng. Kẻ thù rất biết điểm yếu này ở một người mẹ và khai thác nó đến tận cùng. Sau những lần được gặp con ở nhà tù, địch lại ra sức chiêu dụ, hứa sẵn sàng thả mẹ ra ngay, nếu mẹ chấp nhận chào cờ “Quốc gia”, suy tôn “Ngô Tổng thống”. Mới hơn mười tuổi đầu, cậu bé Mẫn đã biết trấn an mẹ: “Con ở nhà với nội, với cô rất tốt. Ai cũng thương yêu con. Mẹ trong tù đừng lo gì cho con!”. Nắm vội bàn tay con, nước mắt mẹ tuôn trào, trong tiếng quát tháo báo hết thăm nuôi của bọn cai ngục. Ngoái nhìn lại, mẹ nhói lòng vì gương mặt lớn hơn tuổi và ánh mắt nung nấu hờn căm của con trai nhìn theo mẹ bị những tên cai ngục dùng roi quất vào người, lùa đi. Mẹ mím chặt môi nói: “Không bao giờ tôi quên được ánh mắt đó của con trai!”.

Nhưng điều khó khăn nhất mẹ phải đối mặt trong nhà tù là sự vượt qua chính nỗi đau riêng của cuộc đời mình. Tin chồng mẹ lấy vợ khác trên miền Bắc bay qua dãy Trường Sơn, xuyên thấu vào nhà tù khiến mẹ chết lặng. Mẹ đau đớn, xót xa nhưng giấu những giọt nước mắt vào trong, vì mẹ không muốn cho kẻ thù nhìn thấy sự yếu đuối của mình. Mẹ nuốt lại nỗi đau một mình mà không trách hờn người chồng đã không giữ được thủy chung, không giữ được lời hứa ngày tập kết ra Bắc. Mẹ giấu những giọt nước mắt vào trong, bởi cuộc chia ly đâu chỉ hai năm mà kéo dài nhiều năm, kẻ thù ngày càng hung hãn, chiến tranh nhày càng khốc liệt, ngày hòa bình thống nhất còn xa ở phía trước. Mẹ hiểu cách mạng miền Nam còn lâu dài, gian khổ và bao người mẹ, người vợ miền Nam còn tiếp tục chờ đợi, hy sinh…

Sau nhiều lần ra tù rồi bị bắt trở lại; mẹ quyết định đưa con rời khỏi thôn Chương Hoài, vào Sài Gòn trốn tránh sự truy đuổi tàn khốc chính quyền Mỹ Diệm ở quê nhà. Sài Gòn đất rộng người đông, mẹ và cậu con trai Phạm Văn Mẫn hòa lẫn vào dòng dân nhập cư, vừa lao động kiếm sống, vừa tìm cách liên lạc với tổ chức cách mạng. Bàn Cờ thuộc quận 3 - một trong những quận có nhiều cơ quan đầu não chính quyền Mỹ Sài Gòn nhưng cũng là vùng đất được xem như “chiến khu giữa lòng dân”- nơi cưu mang nhiều cán bộ cách mạng từ các tỉnh miền Trung, miền Tây Nam bộ do nhà cầm quyền ở địa phương khủng bố, bắt bớ, truy đuổi, phải đi điều lắng, đến những nơi ít người biết đến mình. Nhưng mẹ Huỳnh Thị Triển khi vào đến Bàn Cờ, đã tìm ra các cơ sở, mừng tủi khi được gặp các đồng chí trong đường dây. Vậy là mẹ nhanh chóng hòa nhập vào đường dây biệt động ở Sài Gòn. Hàng ngày, mẹ đi làm mướn, rửa chén, lau bàn ghế cho các quầy hàng, quán ăn ở chợ Bàn Cờ; vừa kiếm tiền nuôi con, vừa hoạt động cách mạng…

Biệt động Sài Gòn tấn công vào các cơ quan đầu não kẻ thù, đưa được chiến tranh vào nước Mỹ, làm rung chuyển Nhà trắng bằng những trận đánh xuất quỷ nhập thần, như trận đánh vào Đại sứ quán Mỹ đường Hàm Nghi… Góp phần làm nên những trận đánh ấy có cả những người mẹ thầm lặng, hòa lẫn vào đồng bào, biết bình thường hóa, tìm được những bình phong thích hợp để hoạt động cách mạng, ngay trước mắt kẻ thù. Những năm tháng mẹ hòa nhập vào đời sống của bà con tiểu thương quận Bàn Cờ, lặng lẽ làm một mắc xích trong đường dây hoạt động của Biệt động Sài Gòn thì con trai mẹ - Phạm Văn Mẫn đã đủ lớn khôn, âm thầm theo dõi những hoạt động của mẹ. Mẹ của cậu tiếp xúc ai, đi đâu, đưa thư từ, chuyển hàng cho ai…; cậu bé Mẫn đều biết. Mẹ có thể qua mắt được kẻ thù nhưng không thể giấu được người thân yêu nhất của mình. Cậu bé Mẫn hằng ngày được mẹ cho đi học. Khi con đến trường là mẹ yên tâm lao vào chuyện công tác của mình. Nhưng mẹ không ngờ con trai mẹ đã âm thầm tìm đến các cô chú trong đường dây hoạt động cách mạng ở Bàn Cờ, trở thành một chiến sĩ nhỏ trong một tổ biệt động. Cậu bé được các cô chú đưa về vùng giải phóng ở Củ Chi ăn tết, được học chính trị, huấn luyện và đào tạo thành một chiến sĩ biệt động. Cũng ít ai ngờ được, trong cặp sách của cậu học sinh trung học Phạm Minh Mẫn, đã có sẵn quả lựu đạn để sẵn sàng ném vào những tụ điểm ăn chơi của quân Mỹ…

Sau Đồng Khởi, cách mạng miền Nam chuyển sang bước ngoặc mới. Ở Bình Định cũng như các tỉnh Nam Trung bộ; các cơ sở cách mạng được phục hồi. Trước phong trào nổi dậy mạnh mẽ của quần chúng, đế quốc Mỹ cho thi hành toàn diện kế hoạch Stalây- Taylo trên toàn miền Nam, mà nội dung chủ yếu là tăng viện trợ, cố vấn; tăng quân ngụy, đẩy mạnh dồn dân lập ấp chiến lược, đánh bật cách mạng ra khỏi dân, để tiêu diệt. Để chống lại âm mưu của địch, năm 1962, Tỉnh ủy Bình Định ra nhiệm vụ: tiếp tục phát hiện nhân dân đồng bằng nổi dậy phá kẹp, giành quyền làm chủ, đồng thời ra sức giữ vững căn cứ địa cách mạnh miền núi, khẩn trương xây dựng thực lực chính trị và vũ trang. Nhiệm vụ quan trọng và nặng nề ấy của tỉnh Bình Định rất cần đến những cán bộ nòng cốt, có năng lực và quyết tâm cách mạng.  Một số cán bộ được gởi đi điều lắng ở các địa phương khác, nhất là ở Sài Gòn được móc nối, đưa về tỉnh hoạt động. Mẹ Huỳnh Thị Triển cũng nằm trong số cán bộ đó. Nhận được lệnh về quê hương hoạt động, mẹ vô cùng vui sướng, hồ hởi. Tuy phải ngậm ngùi xa bà con nội đô Bàn Cờ sâu nặng nghĩa tình nhưng mẹ nhanh chóng sắp xếp, bàn giao cơ sở nội thành cho đồng chí khác. Con trai Phạm Minh Mẫn của mẹ thì nôn nao trở về quê hương hoạt động. Mẹ Huỳnh Thị Triển cho con về quê trước, mẹ ở lại rút học bạ của con, về sau…

Về quê hương, anh Mẫn nhanh chóng tam gia vào đơn vị Ban Tuyên Huấn xã Hoài Châu. Với cách ăn nói lưu loát, đàn ghi-ta ngọt ngào, say mê vẽ tranh; anh Mẫn trở thành điểm sáng, nòng cốt của đơn vị. Trong một trận địch càn, có trực thăng yểm trợ, anh Phạm Văn Mẫn bị địch phục kích giết chết, cùng mười đồng đội… Chúng còn bắt đi một số người, đưa lên trực thăng. “Lúc đó mẹ ở đâu?”, tôi hỏi. “Lúc đó, tôi tham gia một trận đấu tranh chính trị, chết điếng người khi nghe tin. Cô ơi, làm sao quên được tiếng đóng hòm vang lên trong đêm khuya. Trước khi bước vào trận đánh, Hội mẹ, hội chị chiến sĩ đã lo việc đóng hòm, chuẩn bị chôn cất liệt sĩ. Tôi đã chứng kiến biết bao lễ truy điệu, nghẹn ngào khóc khi các chiến sĩ không trở về. Giờ đây, trận đánh này, có thằng Mẫn... Có quá nhiều người hy sinh nên cả bí thư, chủ tịch xã cũng đi khiêng hòm mà vẫn chưa đủ người. Lúc ấy, nhìn những chiếc hòm đang được đưa xuống xuồng, chở đi, tôi nghe ruột mình đứt ra từng đoạn; bởi một trong những chiếc hòm kia, sẽ được dùng để chôn cất đứa con trai duy nhất của mình!”.

Đồng bào chôn anh Mẫn cùng đồng đội trong lặng lẽ. Mẹ không dám khóc, lẫn cùng bà con thôn Chương Hoài, bởi nếu địch phát hiện, sẽ đào mộ, ném xác anh xuống sông. Nhưng khi lên núi, nhìn xuống đồng bằng, mẹ không còn ngăn được những giọt nước mắt. Trước mặt mẹ, anh Mẫn như đang còn sống, mới hôm nào ôm ghi-ta, vừa đàn vừa hát bài Lên Đàng, Bài ca hy vọng... Mẹ nói trong nước mắt: “Thằng Mẫn vui vẻ, phóng khoáng, đi đâu ai cũng thương”. Mẹ lại thở dài, tiếc nuối: “Tội nghiệp, nó vẫn chưa kịp lấy vợ...”.

Hòa bình rồi, người chồng năm xưa của mẹ trở về chốn xưa, gặp lại người vợ đã từng dám vượt qua giai cấp phú nông, yêu một anh bần nông và sẵn sàng từ bỏ gia đình khá giả của mình, đi theo cách mạng. Ông im lặng trước người vợ thủy chung, cao lớn lồng lộng trong những ngày vượt qua tù ngục, vượt qua những năm tháng cô đơn đời người, vượt qua sự rún ép của địch, làm lụng nuôi con, cô đơn, vò võ mình một mình chờ chồng trở về. Người vợ ấy đã giữ đúng lời hứa với ông. Còn ông…

Ngày hòa bình, hai vợ chồng trẻ tiễn nhau đi tập kết năm nào gặp lại nhau. Bất giác, mẹ kéo chiếc khăn rằn che mái đầu đã điểm bạc. Rất khó khăn, mẹ mới cất được lời: “Thằng Mẫn, con tụi mình…”. Người cha cố tỏ vẻ điềm tĩnh, nói: “Tôi biết rồi! Con mình hy sinh để nhiều gia đình còn gặp lại nhau…”.

Người chồng ấy sau đó bỏ vào Nam, vì giờ đây, ông đã là chồng của một người phụ nữ khác, là cha của những đứa con khác. Mẹ thêm một lần nuốt nước mắt vào trong, lao vào công việc tái thiết quê hương. Trong vai trò Phó Bí thư Đảng ủy xã Hoài Châu Bắc, mẹ vận động bà con tháo gỡ bom mìn, xây dựng lại nhà cửa, lo ổn định cuộc sống cho bà con đi tản cư về quê sản xuất, làm ăn… Chính cuộc đời đầy đau khổ, mất mát của mình mà mẹ có được sự cảm thông sâu sắc những số phận con người, có cái nhìn nhân văn trong vận dụng chính sách vào đời sống. Mẹ nói với các đồng chí trong Đảng ủy xã, rằng đừng quên bài học lòng dân. Trong chiến tranh, chỉ một lời hiệu triệu, bà con đã kéo nhau đi đấu tranh chính trị, dù bị địch đánh đập, đàn áp. Ngày hòa bình cũng vậy, nếu chính sách vì lợi ích của nhân dân, hợp lòng dân; bà con đã thông suốt được, việc khó đến đâu, nhân dân cũng ủng hộ…

 Chắt chiu, dành dụm những đồng tiền lương nhỏ nhoi, mẹ mua cho mình khu vườn nhỏ, cất lên ngôi nhà nhỏ. Nơi ấy, những năm cuối đời, mẹ sống trong sự thanh thản, sau khi đã cho đi tất cả. Mẹ sống trong vòng tay yêu thương của những người cháu, của đồng bào thôn Chương Hoài, xã Hoài Bắc. Nơi góc vườn xa xôi ấy, sáng lên nhân cách một người mẹ.n

 


Có thể bạn quan tâm