April 25, 2024, 7:59 am

Loa kèn đỏ

       

Vút !Vút! vút! Ông Quắc mặt đỏ tía, dạng hai chân khom người dồn toàn lực vào cái dong tre dẻo như gân bò. Thằng Quốc oằn lên đau đớn : “Con xin cha con lạy cha !” “Giời ơi, không phải với tao, mà là với ông bà ông vải kia ! Mày không dạy được con vợ mày, bây giờ cháu tao ở đâu?” - Ông Quắc vứt roi hổn hển. “Ông Quắc, ông Quắc, ông tỉnh chưa? Mồ hôi đầm cả ra đây này”. “Là bà à, thằng Quốc đâu? Nọc nó ra đây!” “Ông lảm nhảm cái gì thế? Làm vong mà còn khổ thế này con ơi !” Bà Lụa thảm thiết hờ con .Ông Quắc tỉnh hẳn, ngồi phắt dậy vơ lấy cái di động, lê từng bước ra cửa. “Ông lại ra đấy? Mới có hai giờ sáng. Sương muối dày đặc thế kia!”

Ông Quắc như đui như điếc, lùi lũi đi. Bà Thoan quờ cái áo trên móc quàng vào ông.

 Dưới trăng, nghĩa địa nom hoành tráng hơn. Khu phố quan, lăng tẩm đền đài cong vút sừng sững một góc trời .Còn thì  lôm nhôm đất mộc, xi măng với lốp thốp gạch men trải ra cả cây số vuông. Đang thanh minh, chỗ nào cũng đầy ắp chân nhang và da diết mùi hương. Không tiếng dế, không đom đóm, nghĩa địa mà chả ra hồn nghĩa địa. Cách đường nhựa một vệt trăng trắng chừng trăm mét chếch về bắc, ánh điện bảo vệ của nhà máy may Đồng Tiến hắt sáng lờ mờ. Ông Quắc bùi ngùi : sông kia rày đã nên đồng! Liệu cái cộng đồng yên ấm này có bền vững không? Chưa xa, nơi đây còn là bãi bồi bát ngát, màu mỡ phù sa sông Tranh. Những vồng khoai như  sóng xanh lừng lững triền miên gối nhau đổ về dãy núi Phượng Hoàng. Ngô trổ bắp căng nhức cái nắng đầu hè, mía lên mật ứ chân răng .Ông lớn lên, xa quê, quay về thì đồng điền xơ xác. Thanh niên bỏ làng ra phố, hoang hủy cả bãi màu. Hàng vạn nấm mộ từ dưới Bùi chuyển về đây, nhường chỗ cho một bến cảng chen chúc những tàu than, tàu đá lừng lững náo động ngày đêm, chen với tiếng mìn phá đá rung làng chuyển đất. Khói từ ba nhà máy xi măng sát nhau kéo nửa tầm chim bay, triền miên nối đất liền trời. Làng thi nhau xây mộ, báo hiếu tổ tiên thì ít mà khuếch trương phần sống là nhiều. Mạnh ai nấy chiếm, lập nghĩa trang dòng họ. To thì vài trăm, nhỏ vài chục mét vuông, hình hài đủ kiểu. Họ Hà oách nhất, trừ lăng tẩm cụ kỵ kín min mít, còn lại mấy chục ngôi há miệng toang hoác hóng những phận người rời bỏ kiếp tạm. Con cháu vợ nào chồng đấy đánh số thứ tự theo gia phả, lâm sự ốp cái rập. Những đêm trăng sáng, vong hồn tứ xứ tụ về soi mình vào đá hoa cương rập rình nhảy múa.

Ông Quắc sụp xuống  Quốc: “Lên đây với bố đi con. Nói cái gì với bố đi con. Sao con cứ im lặng mãi thế!” Một ngọn gió đỏ thẫm như tiết đọng phả vào mặt ông Quắc. Tiếng Quốc buồn âm u: “Bố đừng hành hạ mình nữa. Chị Quy chị Quỳ giàu có, các cháu của bố đẹp như vẽ!” “Con ơi! Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô. Lấy ai  nhang  khói tổ tiên hả con?” Ông Quắc ồ ồ khóc. “Bố không thấy con cháu đang tiếp nối đẹp đẽ dòng họ ta?” Ông Quắc thảng thốt kêu lên: “Con làm bố đau đớn mấy lần, con có biết không?” “Bố về đi, con xin bố” Tiếng Quốc nổi chìm trong biển sương đang loãng dần phía ban mai.

 

Quốc là kỳ vọng lớn nhất dòng họ Ngô. Vừa biên chế ngon lành, Quốc phát ung thư. Trong khi hai chị  lăn lóc đổ của mười phương cứu em, thì ông Quắc chỉ lo kiếm người nối dõi, lo đến dộc dạc cả người. Quốc biết mệnh mình, vờ thay lòng, xua người yêu đi du học. Ông Quắc lồng lộn. Như người mù chống gậy đi giữa ban ngày,chỗ nào ông cũng chọc. Ông tìm vợ cho con giai vắn số, đặng kiếm lộc người. Cả vùng cứ loạn lên. 

Quốc hồng hào trở lại sau đôi chục thang thuốc nam của thày lang Phượng, hai bố con làm một chuyến ngược mường Ai, nơi gắn bó những năm tháng rực rỡ nhất cuộc đời ông Quắc. Đường qua mường Ai láng nhựa, nhưng mỏm đá chũm chọe ngàn năm ấy vẫn óng ả cái nắng vàng rượi. Ở đó, ông với học sinh trường nội trú thường lên ngắm thác. Một lúc bọn trò trai tù cẳng biến dần vào các hẻm núi hoặc nhảy suối ùm oàm bắt cá, còn lại rặt trò gái. Có ún say thày, tỏ tình sát sạt. Thày bí quá, móc từ ngực ra cái ảnh Lụa mơn mởn. Ban đầu các ún thất vọng, nhưng chỉ  được chốc lát. Người yêu chứ vợ các ún cũng chả ngán. Lịch sử đất này truyền đời, đã ai qua được những bùa ngải. Ông Sừ thương vợ trốn về cồn muối chang chang nắng, nửa đường quay lại rừng luẩn quẩn chuyền cành hót như chim, sau chết rục ở thung sâu. Anh Hoạt nhớ hồ Gươm với cái quán cóc của người yêu xin xuôi Thủ đô ít ngày, quá hạn không ngược Mường liền ra sông Hồng ngụp lặn như cá, men theo sông nuốt cá sống ăn quả xanh mà về nguồn. Từ ấy bặt dấu quê. Ấy thế mà ông Quắc thoát được những cái bùa tình thổi vào mấy mươi năm cắm bản. Là nhờ có ún Mai bảo vệ. Rồi ông xin chuyển trường về xuôi, không màng cái chân Giảng viên Cao đẳng Sư phạm tuyển lựa từ hàng trăm thầy cô dạy giỏi của tỉnh.

 Nắng lai láng một miền ký ức thẳm xanh. Ngày ấy, tự thấy tên khai sinh làm người khác gọi quành cả mồm, anh Quắc khi nhận quyết định lên miền ngược dạy học đã xin Trưởng ty đặt cho cái tên thường gọi là Quảng. Rừng giang mùa thay lá trải sắc vàng bề bộn vào cỏ biếc làm bật lên tua tủa những búp măng mướt mát tím. Khói sớm quấn quýt đan nhau trong trong bụi giang xanh óng. Mai cười trong vắt như tiếng chim hót gọi hừng đông mỗi khi cây gậy của thày Quảng lia đám măng non sóng soài xuống nền cỏ. Mai bảo đi lấy măng giang chỉ có cách ấy, cái măng nào không ngã tức là đã quá lứa, không ăn được nữa . Má Mai ửng màu hoa đào chỗ cửa rừng vừa đi qua, khiến Quảng cứ đứng thộn ra, làm Mai càng ngặt nghẽo. Người Quảng râm ran như có ong đốt, mắt hoa lên. Như có cả một trời hoa đào phấp phới đáp xuống rừng giang. Quảng xoay tròn, mím môi dìm cảm xúc vào những đọt măng ngã xuống tới tấp. Chập chờn cây sào nứa, Quảng một đầu, đầu kia lúc là Lụa, lúc lại là Mai, cùng với các đoàn viên làng Bùi đi dồn đám bèo dâu xanh mướt thành đống đem nhân ra khắp các thửa ruộng chỗ chân mạ. Khi nào bèo ngả sang màu đỏ sậm của lá bàng cuối thu thì vớt lên đem ủ phân xanh để bón lót khắp đồng, vào vụ cấy.

“Đầy hai gùi rồi đấy, thôi không đập nữa, thày giáo Quảng giỏi hơn trai Mường  nhé!” - Mai hổn hển vừa nhặt vừa gọi.

Phía trước gùi nặng trĩu vai, bắp chân Mai nòn nõn như hai đọt măng vừa bóc lùa vào cỏ xanh sáng lấp lóa. Người Quảng bồi hồi.

Rung rinh cái buồng thơm nức hoa dẻ quyện với mùi con gái. Mai nằm nép vào tường, khuôn ngực vun đầy phập phà phập phồng. Quảng trở mình, tiếng lào xào êm ái từ tấm nệm lá mạ trộn với hoa dẻ ngân lên. Quảng cố giữ hơi thở thật nhẹ, dìm đi những cảm xúc ào ạt dâng lên trong mình mỗi lúc càng mãnh liệt. Sau vật vã âm thầm,Quảng lịm đi, dập dềnh miên man trôi trong những miền cổ tích . Đêm Xường nối nhau không dứt, tiếng hát giao duyên bập bùng ánh lửa, chói lói mà da diết. Lời hát kể rằng mụ Dạ Dần gánh Xường đi qua xứ Mường. Gánh Xường xếp đầy những bài hát tình yêu, chất cao như hai trái núi. Không ai biết mụ Dạ Dần sẽ trao Xường ở đâu và trao cho ai mà gánh Xường rơi vãi khắp dọc đường. Bỗng nhiên gánh Xường đứt quai, một sọt rơi xuống mường Ai, còn đầu kia rơi xuống mường Ông. Dân mường Ông, mường Ai rủ nhau ra nhặt. Vì vậy mà Xường mường Ông và mường Ai được gọi là Xường gốc, điệu xường xếp đầy trong những nếp nhà sàn, hương thơm ngấm vào những cum lúa nếp vàng treo trên dây phơi. Lời Xường nhiều như hoa rừng nở bên suối. Đêm nay Quảng ngủ giữa lòng mường Ai, trên cái giường của cháu chắt mụ Dạ Dần bồng bềnh những câu Xường.

Đang thiêm thiếp trong hơi Xường rất ấm, chợt có tiếng giục: dậy mau đi, đêm nay lễ thần Silva, trăng sáng lắm, cả trăm năm trăng mới sáng như nay. Trăng sáng thế này thì thể nào công chúa Pô Sah Inư cũng hiện về trên đồi tháp Chăm để cùng các vũ công múa điệu Khát Vọng.

Quảng chạy như mê qua các ngọn núi. Trăng dát vàng trên đồi Boóc Nài của làng chài Mỹ Hàu. Ánh nến lung linh hắt lên ngôi tháp Chăm thờ thần Silva càng làm cho vạn vật chìm trong không gian kỳ bí, mơ màng. Tiếng kèn sa-ra-nai réo rắt hiện ra những thiếu nữ tay khăn, tay quạt múa điệu Thiên Triều. Nhịp trống pa-ra-nưng bập bùng dồn dập, ánh kiếm bay bổng biến hóa như chớp. Công chúa Pô Sa Inư trên một dải mây vàng từ từ hạ xuống,vừa múa, vừa hát những giai điệu Chăm khắc khoải niềm yêu thương.

Trăng chưa tàn, Quảng ngơ ngác giữa nhà dài Tây nguyên nêm kín những người. Đêm Khan đầm đìa ánh sáng. Tiếng cồng chiêng sôi sục trào ra từ ruột núi, ngân dài như thác vỡ. Đèn đuốc áo khăn rừng rực sắc màu.

Chim hót rộn ban mai gỡ Quảng khỏi trạng thái mê mê tỉnh tỉnh, người đầm đìa mồ hôi. Nhìn sang bên, Mai đã dậy từ bao giờ, quờ chỗ nằm không thấy ấm tay. Quảng nhắm mắt nằm yên, hồi lại những thực hư nối hoàng hôn với bình minh.

Chị em Mai là chút chít của Lang Pó, Lang Pó mà còn thì đã nhiều trăm tuổi. Nhà Pó làm Lang nối đời, giàu về bốc thuốc chứ không do làm Lang, chữa bệnh cho người bản mình không lấy tiền. Quảng về trường nội trú Cốc Nài. Cả ba huyện Mã Mây, Mã Mỷ, Mã Lày chung nhau một trường này. Bản Mẩy của Mai, bản to nhất của xã Chiềng Mẩy gần trường nhất, dân quý thày giáo hơn vàng. Quãng ba giờ chiều, Chủ tịch xã đưa thày Vinh và thày Quảng, hai thày giáo vừa nhập tịch đến thăm lần lượt các nhà. Đầu tiên là nhà Mai, ngôi nhà sàn bề thế nhất bản. Đến chân cầu thang, một cụ già râu tóc trắng cước tươi cười làm hiệu mời ba người rửa chân trước khi bước lên cầu thang. Rồi cụ khoan thai cúi xuống múc nước trong chậu gỗ, thong thả rót xuống chân khách từng dòng sáng trắng. Cảm giác ngượng nghịu qua dần, cảm thức văn hóa ùa về mãnh liệt, dìu Quảng bồng bềnh ngược lên chín bậc cầu thang. Rồi lơ mơ trong thứ rượu men lá, loài rượu thơm ra mấy quả đồi. Mở mắt thấy mình đang nằm trong căn buồng bằng gỗ bài trí rất nhã, ngọn bạch lạp dìu dịu tỏa sang cái giường trải nệm màu trắng ngà, cách đứa gái có một khuỷu tay. Nhìn kỹ là trò Mai con chủ nhà, đang nằm nép vào tường. Trò Mai là đứa  gái  xinh nhất lớp Quảng chủ nhiệm.

Từng lớp sương kỳ ảo bóc ra dưới ánh trời rực rỡ. Thì ra, cái cách người Mường đãi khách quý Quảng từng nghe kể là thế này đây. Nhưng mà chỉ được nằm trò chuyện với con gái người ta thôi, chớ dại chạm vào người cô ấy. Còn như, muốn được thành con rể, còn là chuyện dài dài.

 Chủ nhật, các thày rủ nhau vác súng vào rừng Mái. Trảng rừng thoải dần ra một bờ hoa li ti rủ xuống lòng suối trắng phau đá cuội. Tiếng gà trầm đục gọi bạn tình da diết. Một chốc, dăm bảy gà mái ở đâu lục tục sà xuống, mổ bùm bụp vào từng chùm sung đỏ ối, lúc lỉu soi mình vào nước. Mùi sung chín  thơm tràn mặt suối. Quảng từ từ giương súng lên, ngắm nghía. Ờ, con trống này giống như con chim mồi, không thể bắn. Con này đẹp, cái mào rất thắm ngất nga ngất ngưởng tựa một chiếc mũ màu trong phim cổ trang, đuôi dài tha thướt như đuôi trĩ, óng a óng ánh. Của này tốn mái lắm đây. Quảng nhắm trúng ức con mái to nhất đàn.Quác! Con gà rớt khỏi chạc cây, khiến cả đàn táo tác rời nhau, nháy mắt biến đi không tăm tích. Chờ mãi không thấy chúng trở lại, Vinh bảo đi sang rừng khác thôi. Mải di chuyển, giật mình thấy cái bóng đã tròn. Với một chùm chiến lợi phẩm đằm đằm tay.

Hôm ấy trống giờ dạy, Quảng một mình vác súng đi. Ngô đang mùa trổ cờ rải phấn vàng khắp thung lũng. Vắt qua một cái dốc dài, khí núi đổ ướt sũng áo, thì đến suối Mây. Mùi hôi hôi khen khét xộc vào mũi khiến Quảng nôn nao, theo phản xạ nép vào bụi cây rậm. Nhìn sang phải, Quảng lạnh người. Một con vật hình dáng loài hổ, bộ lông tuyền màu da đá  đang gằm mặt xuống suối. Uống xong, nó ung dung xoay mình một vòng, uyển chuyển bước đi, lẹ làng nhảy lên một mỏm đá rười rượi nắng chìa ra phía trên lối mòn. Con vật mê mải nhìn lên đỉnh núi có vầng mặt trời đỏ rực như một mâm tiết đang bốc khói, bộ lông màu da đá ánh lên như có tuyết đọng. Quảng nín thở áp súng vào má, nhằm trúng ức con vật. Nó ngã gục, đổ ầm xuống lối đi như một tảng đá, giơ bốn vó lên trời giãy giãy. Quảng chạy đến, bồi thêm hai viên cho nó chết hẳn. Vừa lúc ấy, dân bản đi làm nương qua, Quảng bảo khiêng con hổ về bản. Mọi người trầm trồ, le lưỡi: nó là con beo đá. Giống beo đá nhỏ con nhưng tinh nhanh xảo quyệt nhất trong họ nhà hổ. Thày giáo Quảng giỏi thật. Quảng toát mồ hôi, có mà điếc không sợ súng, có mà may hơn khôn chứ giỏi gì! Chủ nhật sau trưởng bản đến tận trường mời các thày đi săn. Quảng với mấy thày biết bắn hào hứng khoác súng đi theo. Lâu lắm rồi bản Mẩy mới có cuộc săn lớn như thế này. Mỗi nóc nhà ít nhất góp một người, không biết săn thì hò reo cổ vũ. Người lớn đi, trẻ con đi, các chó nhà đi. Bọn chó rất được việc, biết dồn thú vào góc cho người bắn. Đoàn người nô nức rậm rịch như đi hội, hò hét váng mấy dãy  núi. Bữa ấy được hẳn hai nai to, một lợn bố, chục mái gà, ba con dúi. Thích nhất là lúc chia phần, cứ đếm đầu mà chia. Kẻ săn và người hò reo cổ vũ. Người lớn và trẻ con. Đầu chó và đầu người. Bằng  nhau tất. Luật là thế, cứ có mặt là có phần. Cho dù bé bằng quả ổi, cốt là phải đều. Dân bản gửi các thày đem về biếu bếp nhà trường mỗi thứ một ít, thảy đến một yến cả xương lẫn thịt da.

        Lúc đi qua đầu bản, Quảng thấy mọi người líu ríu quanh giếng nước. Tiếng gầu múc oàm oạp. Một bên trai, một bên gái. Tất cả trần như nhộng, đùi khép chặt, mặt úp vào thành giếng mà kỳ cọ. Quảng đỏ mặt ngó lơ. Trường nội trú cũng có một giếng, mọi người đều tắm như thế. Quảng lính mới, chỉ dám mon men ra đấy lúc đêm. Các thày có thâm niên cắm bản thì không kể trưa hay tối, cứ thấy nực là tắm. Trò gái đi qua láu lỉnh “ em chào thày giáo tắm ạ!” Thày, hai tay bưng bụng hồn nhiên chả kém “ Ờ, lấy được nhiều măng không em?” Quảng tưởng đến một trưa nào,Quảng cũng hào hứng đáp lại tiếng chào của Mai lảnh lót vút lên trong đám trò gái ríu ran. Quảng sẽ hòa vào thăm thẳm những đêm Xường. Vào bộn bề trầm tích văn hoá Mường. Hôm qua, Quảng xách giỏ theo Mai ra suối bắt cua cá. Mà không chỉ cua cá nhé, tôm tép ốc ếch chẫu chàng to bé bắt tất. Trò hướng dẫn một chốc thì thày thành thạo, hai cái giỏ đầy ặc. Hồi ở nhà Quảng có tiếng sát cá. Mai xúc xúc các giỏ trong nước cho thật sạch rồi thày trò về làm bữa chiều. Về đến nhà, Mai treo giỏ lên chạc cây, vào bếp mở chum lấy măng ra nấu. Măng muối một năm, lật lớp cùi xám đen phía trên, bày ra ngồn ngộn những cái măng trắng phau lẫn những trái ớt đỏ rực. Mai vắt từng nắm bỏ vào nồi đồng, đặt lên bếp. Nồi măng đượm lửa sôi sùng sục. Mai ra chạc cây đem giỏ vào, nhờ Quảng mở nắp nồi măng ,chổng phộc giỏ lên trút tất cả vào nồi.Quảng nhìn những con chẫu chuộc cuống quýt chui vào trong ống măng, lạnh cả gáy. Một mùi thơm thơm chua chua quyến rũ toả ra khắp ngôi nhà sàn. Khói từ nồi măng bốc lên nghi ngút, vờn vào hai cánh tay Mai nõn như hai cái măng vừa bóc áo.Quảng choáng váng,dán mắt vào Mai như bị thôi miên. Lửa bếp reo rần rật, đẩy Quảng giật lùi dựa người vào cột nhà, mồ hôi vã như tắm.

       Ngay hôm sau Quảng báo cáo hiệu trưởng rồi vội vã về quê làm đám cưới, trốn chạy những đêm Xường. Trốn chạy mối tình chưa kịp thành tên.

     Trở lại nhà Mai, Quảng thành con nuôi.Còn Mai, học xong thì dạy học ngay ở bản Mẩy. Rồi lấy chồng bên bản Lềnh, cách nhà đẻ một quả núi. Âm thầm cất giấu vào đáy hòm cái khăn thêu chỉ màu lồng hai chữ QM mặn như muối. Rồi những nồng nàn xót tiếc kết tủa vào năm tháng, chỉ còn thứ tình thày trò trong vắt dài như nước suối Mây.

 

           Chuyến xe khứ hồi về lại “chiến trường xưa” làm ông Quắc lãi to. Bà giáo Mai cũng đã về hưu, nhìn chàng trai giống bố như tạc vào rừng giang một sớm xuân xa lắc, mà ứa nước mắt: em biếu anh con gái em.

        Đương nhiên, ông Quắc giấu biệt việc cậu con đang  trọng bệnh.

 Chiều tháng hai, rừng mơ rưng rưng trắng, trắng đến buốt lòng. Ở xứ người, chắc tuyết cũng trắng như thế. Còn Hường thì bơ vơ lắm... Một mai Hường về thì tất cả đã an bài. Khói nhang sẽ gọi Quốc về tạ tội với Hường. Rồi thời gian, thời gian sẽ là phương thuốc chữa lành mọi đau thương. Và rồi thì Hường sớm muộn cũng sẽ  hạnh phúc trong một tình yêu mới. Nghĩ đến đấy,Quốc thấy bình tâm hơn. Liếc sang Mận, Quốc lặng người. Sao mà Mận giống cô Mai ngày trẻ đến thế. Tấm ảnh cô Mai phóng to treo ở nhà ngoại Mận làm bố tần ngần mãi mới rời mắt được. Quốc rùng mình. Cái bổn phận hương khói đã khiến bố mê muội đến tàn nhẫn. Bất chấp tất cả để đạt được mục đích, chà đạp lên một tinh khôi tươi rói đến nhường kia !

       Và Quốc đã kể cho Mận tất cả, chỉ xin Mận đừng nói với mẹ cái lý do em từ chối Quốc, để tình cảm giữa bố và cô Mai không bị tổn thương.

     Sau một đêm thức trắng, Mận chủ động rủ Quốc ra suối Mây. Mận bảo, đấy là số mệnh. Chắc Giàng muốn hai người thành đôi để bù đắp cho tuổi trẻ của mẹ .Nhiều lần, mẹ đã cho Mai xem chiếc khăn thêu cất ở đáy hòm, nó vẫn còn rất mặn. Mận vừa khóc vừa bảo, em xin anh đừng nói gì với mẹ nữa, em đã quyết định rồi.

        Một đám cưới vồi vội nhưng to nhất bản. Mận về xuôi làm dâu. Chưa đầy chín tháng Quốc ra đi. Để lại thằng Quang đỏ hỏn.

 

      Chiều hè âm âm u u. Mận lách cách mở cổng. Con Vàng quẫy tít đuôi. Mận nhón chân lên thềm, tròn mắt nhìn bố chồng đang ngồi xếp bằng như tượng cạnh thằng bé. Cạnh nữa, cái túi ni lon trong suốt đựng một dúm tóc với mấy cái móng tay của người lớn. Mận kinh ngạc nhận ra móng tay của chồng. Ông Quắc nhấc kéo, khom xuống thằng cháu nội. Hai tay ông run cầm cập.

“Bố!”

Ông Quắc giật mình, tái mặt, lập bập:

“M..e..ẹ  Quốc đấy à. Ông định sửa cái tóc cho thằng Cu..ún, lúc thức nó nghịch nghịch là”.

           Như phim!

           Mận vồ lấy con, nước mắt rơi dọc cầu thang lên gác. Cu con choàng dậy, nhìn vào mặt mẹ u oa, ngơ ngác.

         Mận ôm con choáng váng, hai chân nhũn ra, vịn vào cầu thang chết lặng . Trời đang xanh nắng bỗng tái nhợt, âm u. Mây đen kéo ù ù như có bão. Vậy là ông Quắc đã lấy móng tay và tóc của Quốc từ khi anh ấy còn sống, cất đi để sau này xét nghiệm AND, đọ với đứa cháu, xem có đúng là máu mủ nhà mình không?

 

          Một sớm. Bà Lụa lay ông dậy, lôi xềnh xệch vào bàn thờ. Ông Quắc nhìn

kỹ, bủn rủn cả người. Cạnh bát nhang là cái đĩa sứ men ngọc đựng một túi nilon

con con, bên trong có mấy cái móng tay bé tí và lọn tóc ngắn ngủn với những

chân tóc trăng trắng. Là móng tay với tóc của thằng cún con! Một tờ giấy học sinh nguệch ngoạc, run rẩy mấy dòng chữ: con xin bố mẹ tha tội.Thằng Quang là con anh Quốc, nhưng con không thể sống thiếu cháu...

       Ông Quắc đổ vật ra. Tỉnh dậy trên giường bệnh viện, định thần các việc, ông ồ ồ khóc. Ông đòi ra viện. Cả họ chia nhau đi tìm mẹ con Mận. Riêng ông Quắc ngược mường Ai. Ông kinh ngạc thấy bà Mai,chỉ sau ít ngày mà tóc trắng như vôi. Thì ra Mận bế con về với bà một ngày,để lại lá thư rồi bí mật trốn đi. Chả biết đi đâu. Trong  thư, Mận hứa với bà Mai sẽ nuôi thằng bé nên người, và chỉ trở về khi con trai trưởng thành. Có nhẽ Mận sợ ông Quắc sẽ tìm đến bắt mất con.

     Sụp lạy bà Mai, ông Quắc lả thả về quê. Đêm nào cũng ra với Quốc. Hai mươi năm đằng đẵng như thế. Hai mươi năm là bảy nghìn ba trăm đêm. Bấy nhiêu sương gió gội tóc ông tê dại một màu mây trắng.

 

      Mộ Quốc, mùa loa kèn thứ hai mươi mốt. Đêm đêm. Từng bông trắng buốt bỗng đỏ rực như máu, biến ảo theo từng trận gió lốc thành những hình thù màu sắc  kỳ dị. Nửa khuya rữa ra từng vũng đỏ lòm,chảy loằng ngoằng về phía mộ ông Quắc .

Nguồn Văn nghệ số 37/2018

 


Có thể bạn quan tâm