March 28, 2024, 6:11 pm

Lỗ sẻ. Truyện ngắn của Phan Đắc Lộc

Sống thật với chính mình hóa ra không phải là việc dễ dàng, nhất là khi số phận chất chứa những éo le không dễ tỏ bày. Các nhân vật trong câu truyện đã cho thấy những sự lựa chọn thật khác nhau: Trong khi người cha chấp nhận cam phận, thì người con quyết tâm bung phá, chọn cách sống đúng với bản ngã, bất chấp những thị phi. Khép lại tác phẩm, những câu hỏi về hành trình tìm kiếm hạnh phúc của mỗi người hẳn vẫn sẽ còn khiến chúng ta trăn trở.

(Phong Điệp)

Cha nâng mái tóc tôi trong lòng tay nẻ nứt, dùng chiếc lược gỗ chải nhẹ một đường như thể sợ đánh thức mùi nắng khét giòn quyện hòa cùng mùi hương nhu, bồ kết đượm đằm rồi tấm tắc khen:

- Chao ôi! Con gái má đúng là công chúa!

Tôi vừa lọt lòng, mẹ bỏ cha con tôi theo một người đàn ông lên mạn ngược xa xôi. Cha nuôi nấng tôi, một mình đóng hai vai, vừa làm cha, vừa làm mẹ. Từ thời tôi mới bập bõm tập nói, cha dặn, ra đường thì gọi cha là cha, còn về nhà cứ gọi cha là má, dù chúng tôi là người Bắc đang sống trên đất Bắc. Tôi thắc mắc, tại sao gọi má mà không phải mẹ, như những đứa trẻ khác? Cha bảo, má, nghe ngòn ngọt, thân thương, mộc mạc.

Lớn hơn một chút, đến trường, lũ bạn trêu chọc tôi: “Cha mày bị bê đê”. Tôi không hiểu “bê đê” là gì? Nhưng với bản tính bướng bỉnh, tôi lao vào đánh nhau với bọn chúng trầy đầu, trợt trán. Cha giã nghệ, bôi lên những vết xước trên gương mặt tôi, giọng xa xót:

- Con ơi là con! Là con gái, phải thùy mị, nhẹ nhàng. Lần sau chúng nói gì cứ bỏ ngoài tai đi.

Tôi cự cãi:

- Bọn con trai thì hơn gì con chứ? Chúng nó bảo má bị bê đê. Bê đê là gì hả má?

Lưỡng lự một lúc lâu, cha ngập ngừng:

- Là một thứ bệnh đó con. Nhưng má chữa khỏi lâu rồi.

Nghe cha trả lời thế, tôi cũng không vặn vẹo cặn kẽ nữa. Tôi nằm yên lặng để cha bôi nghệ rồi đôi mắt khép vào giấc ngủ…

*

Nhà tôi nằm trên mom sông nhỏ cuối làng, gần như cô lập hẳn với thế giới bên ngoài. Đông về, hơi nước theo gió tràn lên, lách vào nhà qua những lỗ hổng trên bức vách trát bùn, lạnh tê tái. Cha vẫn giữ thói quen cất dành giẻ rách, để vá áo quần cho tôi và vá tạm bức vách toang hoác lỗi thời, không quên chừa một lỗ hổng cho đàn sẻ đồng chiều chiều chui vào tránh rét. Cha bảo, các loài chim khác trốn đồng nội rủ nhau di trú vào phương Nam tránh rét cả rồi. Chỉ chim sẻ ở lại với chúng ta, thủy chung đói rét cùng nhau. Sau những lần gây gổ với lũ trẻ trong xóm, bị bố mẹ chúng hầm hập đến tận nhà mắng vốn, tôi dần khép mình hơn. Tôi quanh quẩn, quẩn quanh trong nhà, bầu bạn với lũ sẻ.

Hồi ấy, chẳng ai trong làng này biết trên đời tồn tại thứ đồ vật mang tên ti-vi. Những chiều mùa đông, khi đàn sẻ chui qua lỗ nhỏ nơi bức vách vào nhà, đậu kín dây treo quần áo, cha con tôi lại hớn hở diễn vở kịch “Romeo và Juliet”. Tôi đóng vai Juliet được cha dùng quả mồng tơi chín tô môi, than củi kẻ lông mày và cỏ dại kết thành một chiếc vương miện đội đầu rực rỡ. Cha tôi đóng vai Romeo, mặc chiếc áo măng tô sờn màu rộng thùng thình, chiếc áo cha nâng niu như báu vật, rét đến mấy cũng không dám dùng, ngoại trừ lúc diễn vở kịch này, xong xuôi lại treo ngay ngắn vào vị trí cũ. Và có thêm một số nhân vật khác mà do không đủ người nên cây chổi, cái xô, chum nước… phải làm diễn - viên - đóng - thế. Đến đoạn Juliet uống thuốc ngủ đợi Romeo, đáng nhẽ phải nằm im thì tôi hay phá lên cười sặc sụa. Cứ đến đoạn ấy, tôi lại không nín cười được trong khi cha tôi đang diễn rất sâu, mắt cha long lanh nước. Lũ sẻ dạn dĩ nhảy nhót trên chiếc dây treo quần áo như cổ vũ.

Quanh đi quẩn lại cũng chỉ “Romeo và Juliet”. Đó là vở kịch cha được diễn thời trai trẻ và ấn tượng đến giờ. Ngoài ra, cha không còn nhớ vở nào khác. Cha mê nó mãi, cứ rảnh là rủ tôi diễn cùng. Thú thực, có lúc tôi phát ngán nhưng chẳng dám nói ra vì sợ cha buồn. Tôi tự nhủ, mai này, tôi sẽ thành nhà viết kịch, sáng tác thật nhiều vở hay để cha con tôi mỗi tuần sẽ diễn một vở mới.

*

Một lần, đi học về, tôi gặp cha ngồi chăm chú trước gương. Nghe tiếng chào của tôi, cha giật mình quay lại, chiếc bát đựng nước mồng tơi hồng tím trên tay cha rơi xuống nền nhà loang lổ. Cha như hóa thành một người phụ nữ với hai đường lông mày đen mảnh mai, viền mắt sắc sảo, đôi gò má ửng vàng phấn hoa và bờ môi đầy lên mọng mẩy. Cha quýnh quáng kéo vạt áo lau gương mặt, lem nhem. Đặt chiếc cặp lên chõng, tôi chạy đến ôm chầm lấy cha:

- Má đừng xóa. Má đẹp lắm.

Cha ấp úng:

- Má… má thử chút son phấn mới pha chế, đợi con về để trang điểm, đóng Juliet đấy.

- Má đẹp hơn con. Hay má đóng vai Juliet đi, để con đóng vai Romeo... Con thích làm con trai hơn, má ạ.

- Má là đàn ông thì phải đóng vai Romeo - Cha xoa đầu tôi. - Con là con gái, phải đóng vai Juliet mới đúng.

- Nhưng con muốn chở che cho má... Con không thích làm con gái đâu, phải nhu mì, nết na, mệt lắm, má ơi.

Mùa đông năm ấy, trời lạnh buốt. Gió như sợi cật nứa cứa trên da thịt những ai ló mặt ra đường và lùng sục khắp nơi tìm các kẽ hở chui vào nhà dọa dẫm. Bức vách gần như được nút kín giẻ rách. Cha không quên chừa cái lỗ sẻ tròn tròn mòn vẹt hướng ra bến sông, nơi hứng nhiều gió nhất. Cứ thế, gió tràn qua chỗ đó, âm âm, u u suốt ngày. Lũ sẻ chẳng còn sức bay đi kiếm mồi. Chúng dàn hàng trên chiếc dây phơi gỉ sét như những cuộn len rối cũ kỹ, lông cánh lù xù, ủ rũ. Cha con tôi đói đến mức phải nhặt nhạnh cả xác động vật trôi nổi trên bến sông về ăn. Cha cầm hòn sỏi ném vào cái bụng trương phềnh của con lợn đang trôi, nếu hòn sỏi lọt thỏm thì bỏ, còn hòn sỏi thối trở ra thì dùng sào vớt vào, lọc chỗ thịt dày ướp muối mặn đắng. Cha bảo, thịt thối hơn muối bùi. Dù nghèo đến đâu cũng không được thờ ơ với lũ sẻ. Tôi tung nắm tấm nhỏ xuống nền nhà, chúng sà tới tranh nhau nhặt nhạnh không bỏ sót một hạt, rồi hí hửng bay lên, hót ríu rít như đòi xem “Romeo và Juliet”.

*

Càng lớn, tôi càng xinh đẹp. Mắt thăm thẳm to tròn. Sống mũi cao thanh tú. Mái tóc đen mươn mướt. Làn da trắng tươi nhuần. Và đặc biệt là đôi chân thon dài nà nuột có lúc khiến tôi hoảng sợ mình sẽ biến thành người khổng lồ cao lênh khênh. Người ta đồn, tôi không phải con gái ruột của cha. Bởi đối lập với tôi, cha tôi lùn tịt, mắt nông choèn, sống mũi tẹt lẹt đẹt. Tôi đã là đứa con gái mười ba tuổi mà ngày nào cũng để cha chải đầu, tết tóc. Cha lại xuýt xoa:

- Con gái má đẹp quá.

Tôi buột miệng hỏi:

- Con là con gái ruột của má đúng không?

Cha ngập nghịu:

- Con là con gái ruột của má. Chả nhẽ má nhặt con ngoài gốc gạo?

Biết mình lỡ lời, tôi với lấy bức ảnh đen trắng chụp hai cha con đã mờ nhòe, bào chữa:

- Con trêu má thôi. Chứ nhìn bức ảnh này, ai chả biết má con mình là cha con ruột, má nhỉ. Má nhìn này, con giống má như đúc.

Tôi càng lớn đồng nghĩa với chi phí sinh hoạt, học tập ngày càng cao hơn. Cha đãi hến dọc bến sông không kể ngày mưa, ngày nắng. Nhớ lần cha bị chuột rút, chới với giữa dòng nước, không ai quanh đó nhảy xuống cứu giúp vì sợ “lây bê đê”. May mà cha vớ được nhánh tre sà ngang mặt nước. Sau lần chết hụt đó, cha vẫn không bỏ nghề đãi hến. Cha bảo, bỏ nó, cha cũng không biết làm gì ra tiền. Tôi thích thứ gì, cha cũng mua bằng được. Kể cả những thứ tôi không thích, cha cũng mua. Váy áo, nơ kẹp tóc, vòng tay, dây chuyền. Những thứ rườm rà, phiền phức. Trong khi đôi dép nhựa cha đi mỗi tuần lại vá thêm một vài mối hàn lộm cộm. Tôi muốn mình đơn giản bao nhiều thì cha muốn tôi cầu kỳ, lộng lẫy bấy nhiêu. Cha bảo, là con gái, nhất định phải đẹp. Tôi cự nự, làm con trai thoải mái hơn nhiều, cởi truồng tắm sông, đứng đái bờ rào, gi gỉ gì gi cũng không cần ý tứ.

*

Chiều ấy, bán hến ở chợ xép về sớm, cha ngồi trầm ngâm bên bậu cửa, mân mê những nếp nhăn, đốm đồi mồi, vết nứt chân chim rồi lẳng lặng quay sang hỏi tôi:

- Má xấu lắm phải không?

Tôi ôm chầm lấy cha:

- Má là người đẹp nhất trên đời con từng thấy.

Rồi chợt nhận ra, lâu rồi hai cha con không diễn vở “Romeo và Juliet”. Cha lại chải tóc hóa trang cho tôi thành cô tiểu thư thanh ngần, kiều diễm. Và khi cha với tay định lấy chiếc áo măng tô để hóa trang cho mình thì phát hiện một tổ chim sẻ trong túi áo ngực trái bị rách một lỗ nhỏ hình trái tim. Tôi kiễng chân xem bốn quả trứng đốm nâu đang ngủ ngon trong chiếc tổ tròn vo thoảng mùi cỏ mật. Bên cái lỗ nhỏ lọt vào những tia sáng nhờ nhợ, cặp sẻ bố mẹ đang đứng đó nhìn chúng tôi, ánh mắt hàm ơn.

Từ khi phát hiện ra tổ chim sẻ trong túi áo măng tô, niềm vui mới của tôi là thăm nom mấy quả trứng bé bỏng. Mùa đông rét mướt, tôi để ý thấy, những con sẻ khác đang làm biếng trốn trên dây phơi, còn cặp chim bố mẹ vẫn cần mẫn đi kiếm ăn mãi chiều tối mới về, có lần dính mưa đôi cánh ướt sũng rù rì. Cha bảo, đợi khi những con chim chào đời và lớn lên, chúng ta sẽ có thêm nhiều “khán giả” xem “Romeo và Juliet”.

Ngày bốn quả trứng nở bung thành bốn con chim non nhỏ nhắn như niềm ao ước của tôi, một người đàn ông lạ tìm đến đây. Vừa lúc đi bắt sâu về, qua lỗ sẻ, tôi nheo một mắt nhìn ông ta hồi lâu. Ông ta mặc áo ba lỗ có vai gáy xăm trổ hình thù nhạy cảm. Ông ta giọng hách dịch:

- Tao muốn xin lại con bé!

- Con bé là con tôi. - Cha cương quyết - Anh đã giành vợ tôi rồi, giờ còn đòi giành con tôi sao? Anh ác quá!

- Ngày ấy, thằng nào khóc lóc sướt mướt quỳ xin tao quan hệ với vợ mày để kiếm một đứa con? - Ông ta chỉ tay vào mặt cha, nanh nọc - Mày là thằng đàn ông mà không biết làm cho con vợ mày sướng, nó bỏ theo tao là phải!

Cha tôi ngồi thụp xuống chiếc chõng tre ọp ẹp:

- Anh... Anh là... thằng bạc tình bạc nghĩa!

- Mày vẫn ảo tưởng tao có tình cảm với mày? Ngày ấy, đoàn văn công không có con gái nên mày mới được đóng vai Juliet thôi. Sau khi hôn mày, tao phải bỏ cơm cả tuần liền đấy!

Người đàn ông xăm trổ nhìn khắp nhà, bắt gặp chiếc áo măng tô sờn màu, ông ta vằn mắt:

- Mày lấy trộm chiếc áo của tao?

- Áo của tôi.

Tự ý giật lấy chiếc áo đang treo trên móc làm những con sẻ đậu cạnh đó hốt hoảng bay lên nháo nhác, ông ta bĩu môi:

- Cái vết rách hình trái tim bên ngực trái này có hóa thành tro, tao cũng nhận ra.

- Trả áo cho tôi. - Cha nói như van nài mà không dám giằng lấy.

- Tao đéo trả!

- Trả lại cho tôi. - Lần này cha hùng hổ thét lớn.

- Đồ bê đê gồng lên làm đàn ông mệt chưa kìa. Tao đéo cần cái áo này nữa nhé. Trả thì trả!

Ông ta ném chiếc áo xuống đất làm bốn con chim non trong tổ bị văng mạnh ra ngoài. Máu điên nổi lên, tôi lao xuống chái bếp, rút con dao nhọn mới mài sắc lẹm rồi chạy lên nhà, bất thình lình dí vào cổ ông ta:

- Cút!

Đi thụt lùi từng bước, ông ta run rẩy:

- Con gái. Cha là cha ruột của con đây.

- Cút! - Đằng đằng sát khí, tôi xưng hô hỗn láo - Cha tao kia. Khôn hồn thì cút!

Tôi cao hơn ông ta nửa cái đầu, lại từng đánh nhau với trẻ con khắp làng trên, xóm dưới nên không biết sợ là gì. Khi tôi nới con dao, ông ta sợ hãi bỏ chạy như một con chó nghe tiếng pháo nổ. Quay vào nhà, tôi thấy cha đang nhặt những con sẻ non hấp hối ấp trong lòng tay, khóc thút thít. Những con sẻ ấy sẽ vĩnh viễn không biết được bầu trời ngoài kia rộng lớn nhường nào…

*

Bao năm qua, cha đã gồng mình lên, sống mạnh mẽ như một người đàn ông thực thụ. Bao năm qua, chúng tôi đã cô lập cuộc đời trong cái mom sông nhỏ hẹp này, tránh xa những lời bàn tán, gièm pha. Bao năm qua, cha đã dùng sự bao dung của mình, vỗ về sự ngang lì, ương bướng của tôi. Bao nhiêu năm qua, chỉ cần bên cha, tôi mặc kệ ngoài kia vũ vần sóng gió. Tôi căm thù người đàn bà tàn nhẫn nào đó sinh ra tôi, bỏ lại gánh nặng cho cha mà chẳng chút mảy may vướng bận. Cha bảo, tất cả tội lỗi là do cha, cha biết cha không thể làm chồng mà vẫn cố lừa gạt tình cảm của mẹ. Bởi cha bị… bê đê. Tôi đã đủ lớn để hiểu bê đê là gì. Dù cha tôi có như thế nào, người duy nhất tôi thương trên cõi đời này vẫn chỉ là cha.

Tốt nghiệp cấp ba, tôi không thi đại học. Tôi về sông quê giúp cha cào hến, mò cua, về với những ngày thanh bần cơm rau cháo cỏ. Bàn tay tôi bị nấm, hễ ngâm nước lâu, da giấy bục ra từng mảng nham nhở. Hồi nhỏ, bao lần đánh nhau gãy răng, chảy máu, tôi chẳng rơi một giọt nước mắt thì toạc chút da giấy ấy có hề hấn gì. Cha thường dùng kéo cắt những lớp da bị xước ra rồi xót tiếc:

- Ôi những ngón tay búp măng của con...

Có những chiều, cha đứng trong nhà, qua lỗ sẻ, tần ngần nhìn về không gian rộng lớn ngoài kia. Lỗ sẻ mở ra dòng sông, mở ra cánh đồng, mở ra một chân trời thênh thang ngập nắng. Cha nửa muốn giữ tôi lại bên mình, nửa muốn cho tôi sải cánh bay xa. Tôi đã là một con sẻ đủ lông, đủ cánh…

Như con sẻ ra ràng, tôi bay lên thành phố. Hôm tôi đi, cha rắn rỏi kìm nén nước mắt. Đàn tu hú bất chợt tìm về, hót rộn rã trên cây gạo bên bến sông, át cả tiếng ríu ran chim sẻ. Đi được mấy bước chân, tôi quay lại, bồn chồn nhìn qua lỗ sẻ và bắt gặp ánh mắt khoăn khoải của cha trong căn nhà âm u bóng tối. Tôi nghèn nghẹn:

- Má ơi, con mãi là con chim sẻ của má.

*

Tôi bám trụ lại thành phố này bằng nghề bán vé số, lang thang khắp ngách hẹp, ngõ dài. Thành phố phát sinh hàng trăm thứ phải lo, hễ bước chân ra đường là cái ví không chịu nằm yên trong túi. Tôi sống kham khổ tại một khu trọ mốc thếch, tồi tàn. Ở đây cũng suốt ngày tíu tít tiếng sẻ nâu. Trên bức tường quây bằng tôn bục một lỗ nhỏ bằng đầu ngón chân cái, tôi dùng dao nhọn khoét rộng ra. Nhưng có lẽ, vì cuộc sống quá bon chen mà loài sẻ đã cảnh giác hơn nhiều. Chúng không bao giờ bén mảng gần con người. Tôi cũng chẳng dám kết thân với ai xung quanh. Mọi thứ trôi qua đơn điệu. Bán vé số. Ngày hai bữa, sáng nhịn đói, trưa mì tôm thì tối ăn cơm, hoặc ngược lại. Số tiền dành dụm được tôi nhét vào trong con lợn đất tiết kiệm. Tôi phải dành dụm tiền để xây nhà cho cha. Nhất định phải làm được.

Rồi đến cả con lợn đất, niềm ai ủi cuối cùng còn sót lại giữa thành phố xa lạ này cũng đột ngột bỏ tôi mà đi. Tôi đổ gục giữa căn phòng bị trộm xới tung ngổn ngang như bãi rác. Tôi muốn về với cha, về với ngôi nhà nhỏ bên sông tách biệt thế giới bên ngoài, về với những ngày vô tư, mặc kệ cuộc đời xô bồ, khắc nghiệt. Nghĩ đến cha, tôi gượng dậy. Trưa đó, tôi nhịn đói, lếch thếch đi bán vé số như người mất hồn. Có lúc khách gọi mà không nghe thấy. Và tôi gặp anh, người cứu tôi khỏi cái chết trong gang tấc khi chiếc xe bán tải mất lái phầm phập lao đến như một mũi tên. Anh bị gãy chân, còn tôi chỉ bị xây xước nhẹ.

*

Mười ngày anh nằm viện, cả mười ngày tôi tất bật vào ra chăm sóc. Nhà anh ở trung tâm thành phố này nhưng anh vẫn quyết định thuê trọ ở riêng. Bố mẹ lúc nào cũng bao bọc anh như một quả trứng sẻ mỏng vỏ. Điều đó làm anh nghẹt thở. Bị tai nạn, anh không báo cho ai biết. Anh tin chắc bố mẹ anh sẽ sốt sắng làm um lên khi biết chuyện. Anh là một doanh nhân, lịch lãm, hiểu biết. Bởi vậy, khi cả hai đã cởi mở với nhau hơn, anh điềm đạm hỏi:

- Nét mặt em lúc nào cũng phảng phất nét u hoài. Bố mẹ em ở quê có chuyện gì phải không?

Đắn đo một lúc, tôi mới giãi bày:

- Em… không có mẹ.

Anh sửng sốt:

- Có gì cứ tâm sự với anh.

Cũng như cha, anh khen tôi đẹp như hoa hậu. Anh giống cha tôi nhiều điểm. Anh quan tâm tôi từng miếng cơm, giấc ngủ, bộ váy áo mặc trên người và đến cả thứ nước rửa bát tôi dùng có đảm bảo cho da tay hay không. Anh xin cho tôi vào làm tạp vụ ở công ty anh. Bên anh, tôi thấy lòng nhẹ nhõm. Tôi chỉ xem anh như người anh trai của mình. Nhưng khi anh cầu hôn, chẳng hiểu sao, trong khoảnh khắc rối bời ấy, tôi đã gật đầu đồng ý. Tôi đang lừa dối anh, lừa dối cảm xúc chính mình? Tôi muốn che đậy sự thật? Tôi ham mê giấc mộng đổi đời? Hay tôi hi vọng anh sẽ chế ngự được dòng máu đàn ông đang chảy trong tôi?

Ngày anh đưa tôi về ra mắt gia đình, bố mẹ và em gái anh luôn miệng khen tôi nết na, xinh đẹp. Họ bảo nhờ yêu tôi mà anh thay đổi hẳn, trở thành người con trai rắn rỏi và trách nhiệm hơn. Họ đã biết nhiều về tôi qua những điều anh kể và xởi lởi xem tôi như thành viên chính thức trong gia đình. Sau bữa cơm, em gái anh lém lỉnh cầm tay tôi kéo lên phòng riêng. Trước mặt tôi, cô vô tư thử hàng chục bộ váy rồi hỏi tôi nên chọn bộ nào mặc đi xem phim cùng bạn học. Cô ấy có vẻ quý và tin tưởng tôi. Theo phản xạ, ánh mắt tôi cứ len lén dán vào bầu ngực phập phồng của cô, không muốn rời.

*

Anh ngày càng yêu tôi nồng nhiệt. Mỗi lần anh hôn và sờ soạng bầu ngực mình, những đốm da gà lại sởn khắp hai cánh tay tôi, gai gai, rần rật. Như cảm nhận được điều đó, thi thoảng, anh lại hỏi:

- Em có yêu anh không?

Sau lần ra mắt gia đình anh, tôi thấy nhớ cô em gái anh thổn thức. Cô gái có mái tóc gợn sóng và giọng nói trong trẻo, vui tươi. Hằng đêm, trước khi đi ngủ, hình ảnh bầu ngực mọng căng, ngọc ngà của cô ấy lại điệp về trong đầu tôi sống động đến mức khiến tim tôi cồn cào, khắc khoải. Để anh khỏi hoài nghi về tình cảm của tôi, khi anh hôn, tôi nhắm mắt tưởng tượng hình ảnh em gái anh. Và nụ hôn trở nên trơn tru hơn một chút. Từ khi tôi áp dụng cách ấy, anh tỏ ra mãn nguyện. Còn tôi luôn ước ao được hôn em gái anh. Cứ thế, tôi lặng sống chịu đựng và kìm nén...

Càng bên anh, khát khao làm đàn ông trong tôi càng trỗi dậy cồn cào. Cả năm ròng, tôi đọc nhiều sách báo và lặng nghe tiếng nói từ con tim đến lý trí của mình. Tôi hoài niệm miền tuổi thơ đã qua, day dứt về hiện tại tiếp diễn và trăn trở về tương lai sắp tới. Tôi tìm đến các Trung tâm chăm sóc sức khỏe giới tính khác nhau để được tư vấn và làm đi làm lại những bài trắc nghiệm xác minh. Chạnh nghĩ đến cha, cả một đời sống trong cái lốt đàn ông khốn khổ lắm rồi, tôi không muốn bó hẹp tâm hồn mình trong lớp vỏ bọc phụ nữ dịu dàng, mềm mại. Tôi còn trẻ. Tôi sẽ lột xác.

*

Năm lần bảy lượt, anh nhắc đến chuyện làm đám cưới, tôi luôn vòng vo tìm cách chối từ. Tôi thương anh nhưng tôi không yêu anh. Và tôi còn nợ anh một trời ân nghĩa. Phải làm gì để báo đáp anh đây? Đêm ấy, uống rượu một mình, say ngất ngư, lấy hết can đảm, tôi tìm đến phòng trọ của anh. Khi cánh cửa phòng khóa chặt, tôi chủ động hôn lên môi anh, nũng nịu:

- Đêm nay, em sẽ là của anh.

Anh ngỡ ngàng:

- Em đùa anh à?

Anh chần chừ mấy giây rồi lao vào tôi như tia lửa điện. Lưỡi anh lướt khắp cơ thể tôi như một nghệ sĩ trượt băng chuyên nghiệp. Trái với sự cuồng si, căng cứng của anh, toàn thân tôi nhũn nhão, lạnh toát. Tôi nhắm nghiền hai mắt, kéo hình ảnh cô ấy về trong tâm trí. Cô ấy đang siết tôi. Cô ấy đang hôn tôi. Cô ấy đang đi vào tôi. Không phải! Hình ảnh cô ấy không đủ giải cứu tôi khỏi sự thật này. Hôn tôi là anh. Siết tôi là anh. Đi vào tôi cũng đang là anh. Nhớp nháp. Nhèm nhòa. Ran rát. Tôi bứt rứt giãy giụa, cựa quậy như kẻ chết đuối ngụp lặn, vẫy vùng tìm cách vượt thoát từng đợt sóng tình dềnh dàng, dồn dập. Khi anh ứ đầy trong tôi, tôi choáng choàng dồn sức đẩy anh sang một bên giường rồi vội vã chạy ra nhà vệ sinh, nôn thốc tháo như lộn ngược cả ruột gan ra ngoài.

Sáng dậy, vo tấm ga trải giường trắng thấm máu, tôi nhét vào máy giặt rồi lạnh lùng nói với anh như thể đêm qua chưa từng xảy ra chuyện gì:

- Chúng ta chia tay đi.

- Em… - Anh sửng sốt - Em đang thử lòng anh phải không?

- Em đang nghiêm túc. - Tôi vẫn lạnh lùng - Em là les. Từ hôm nay, em sẽ tiêm hormone nam để chuyển giới.

Rất lâu sau, anh mới dần chấp nhận sự thật này. Anh không bỏ mặc tôi. Anh bảo, kiếp này chưa nên duyên đôi lứa thì nguyện được kết nghĩa anh em. Anh hứa cho tôi vay tiền và thu xếp công việc đưa tôi sang Thái Lan chuyển giới. Trước ngày thực hiện cuộc đại phẫu để lật trang mới cho cuộc đời mình, tôi đưa anh về thăm nhà. Làng xóm nhiều đổi khác nhưng nhà tôi vẫn thế, lặng lẽ nằm bên mom sông lăn tăn gợn tròn sóng bạc. Cha ôm chầm lấy tôi, vồng ngực hóp khô, đôi mắt quầng thâm lấp dấp nước. Lòng tôi bỗng nhiên se sắt lại. Rồi cha hỏi về anh. Tôi đáp, anh là bạn và nhanh chóng chuyển chủ đề. Cái lỗ sẻ đã được khoét ra rộng hơn. Cha bảo, đằng nào nhà cũng chưa có cửa sổ, làm rộng rộng một chút cho đàn sẻ dễ chui vào, cha lại có chỗ mà đưa tầm mắt ngóng ra bến sông những chiều hoa khói…

*

Nằm trên bàn mổ, tôi nhắm nghiền hai mắt. Anh vẫn đang đứng ngóng chờ ngoài cửa. Bác sĩ bắt ven, tiêm thuốc mê cho tôi. Và tôi lịm đi…

- Đừng! Đừng bắt con lấy chồng, má ơi!

Tỉnh dậy sau ca phẫu thuật đầu tiên, tôi lên cơn sốt dữ dội, mồ hôi túa ra nhòa nhện, ướt đầm cả gối. Tay anh vẫn đang nắm chặt tay tôi, lo lắng:

- Em! Anh đây.

Tôi đờ đẫn nhìn anh rồi liếc xuống ngực mình. Máu đã thấm thâm nâu cả miếng băng gạc trắng cuốn hàng chục vòng dày cộm. Từ vết thương hở của hai bầu ngực vừa được cắt bỏ, tôi nghe nỗi đau rùng rùng chuyển động theo từng nhịp tim. Đau như có ổ dòi lúc nhúc đang chen chúc muốn bò ra. Rát như một bàn tay vô hình vày vò xát muối. Nhức như hàng nghìn mũi kim chích nhanh nhanh, chậm chậm. Nỗi đau có lúc như muốn vỡ loang ra, có khi như muốn vón lại thành cục. Tôi co quắp ngón chân, ngón tay và nghiến răng bật máu mặn tanh. Gồng ép. Quại quằn. Kháng cự. Tim như sắp trồi lên và ói đùn qua vết cắt. Anh cuống quýt gọi bác sĩ…

Khi tôi đã tạm thời qua cơn đau, anh hỏi:

- Ca phẫu thuật tiếp theo còn đau hơn nữa. Em có chịu nổi không?

Tôi thều thào:

- Em phải làm con trai. Em nhất định không bỏ cuộc!

*

Tôi trở về thăm cha vào một chiều mùa đông riêu riêu mưa phùn. Từ lỗ sẻ, tôi trông thấy cha đang một mình diễn vở “Romeo và Juliet”. Cha mặc chiếc váy màu hoa cà và khoác bên ngoài chiếc áo bộ đội cũ rờn có vết rách hình trái tim ở túi áo ngực trái. Mặt cha trang điểm một nửa, một nửa để mộc. Cha phân thân thành hai giọng nói, khi thì giọng ồm ồm của Romeo, thoáng chốc lại đổi thành giọng eo éo của Juliet. Chầm chậm bước vào nhà, tôi nói như nấc:

- Má, con đã về với má đây!

Thoạt tiên, cha đứng như trời trồng. Rồi cha chạy lại, bám hai tay vào bờ vai tôi, không dám ôm chầm như những lần trước. Cha rưng rưng nhìn tôi một lượt từ chân đến đầu rồi ngẩn người:

- Con...

- Con của má đây, má ơi...

Cha nhìn vào đôi mắt tôi, thật sâu, thật lâu. Rồi cha sờ mái tóc đầu đinh, gương mặt và lồng ngực của đứa con vừa tái sinh đúng hình hài bản ngã. Đột nhiên, cha gục vào hõm cổ tôi, khóc khàn tức tưởi:

- Con gái tôi! Con gái công chúa của tôi!

- Con không thích làm công chúa. Con chỉ muốn làm một thằng con trai mạnh mẽ chở che, bảo vệ và làm chỗ dựa cho má suốt đời.

Buổi chiều mùa đông ấy, tôi dùng hộp phấn màu và thỏi son xịn mua từ Thái Lan, trang điểm cho cha thật rạng rỡ. Chúng tôi diễn lại vở kịch ngày xưa. Chỉ khác, lần này, cha bận chiếc váy mới tôi tặng, đóng Juliet, còn tôi mặc chiếc măng tô sờn màu, đóng Romeo.

“- Nếu bàn tay tôi, chẳng chút nào xứng đáng, lại làm cho tay cô uế tạp, tôi biết cách chuộc tội bất kính đó, môi tôi sẵn sàng xoa nó bằng cái hôn nồng nàn.

- Người hành hương đáng mến ơi! Sao lại nói xấu bàn tay mình thế, nó cũng chỉ ước ao dược sử dụng theo thói quen binh thường thôi, những bậc thánh cũng để tay mình chạm phải người hành hương và một cái bắt tay chính là cái hôn của những người sùng đạo.”(*)

Từ ngoài bầu trời xám xịt, đàn sẻ bay về qua cái lỗ tròn xinh trên bức vách, đậu kín dây treo, đóng vai những khán giả trung thành, hót ríu ran…

_________

(*): Trích “Romeo và Juliet” của William Shakespeare

Nguồn Văn nghệ số 17/2022


Có thể bạn quan tâm