March 29, 2024, 9:23 pm

Lính cậu mà không cậu…

Nhà văn Phạm Hoa sinh ngày 20/1/1952, tại xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Học xong phổ thông, đi bộ đội từ năm 1970, nhiều năm chiến đấu ở Đoàn 559 Trường Sơn (Sư đoàn 571). Năm 1979, ông học Trường Viết văn Nguyễn Du (khóa I). Tốt nghiệp, ông làm phóng viên Chương trình Phát thanh Quân đội nhân dân, Trưởng phòng Văn hóa Văn nghệ, Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng Cục Chính trị, hàm đại tá.

Nhà văn Phạm Hoa viết văn từ năm 1972. Năm 1973 truyện ngắn đầu tiên được in trên báo Phụ nữ. Các tác phẩm chính: Ngày không bình thường (truyện ngắn, 1984); Tiếng chim (truyện ngắn, in chung, 1985); Đừng quên mùa hoa săng lẻ (truyện ngắn, 1986); Mỗi thời của họ (truyện ngắn, 1993); Đùa của tạo hóa (truyện ngắn, 1996); Truyện ngắn Phạm Hoa (tập truyện ngắn, 2002); Miền xa thẳm (tiểu thuyết, 2002); Thuyền lên Thạch Hãn ( Ký 2016); Nhốt con chim bắt cô (Tiểu thuyết 2018).

Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2017; Giải thưởng Bộ Quốc Phòng 5 năm 1015-2019; Giải Nhì cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ quân đội (1982); Giải ba cuộc thi truyện ngắn báo Văn Nghệ (1991). Tặng thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (2003); Giải nhất cuộc thi viết về Giao thông Vận tải do Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Giao thông Vận tải tổ chức.

Do tuổi cao sức yếu, nhà văn Phạm Hoa đã từ trần hồi 18h ngày 22/5/2021, tại Hà Nội, hưởng thọ 70 tuổi. Lính cậu mà không cậu là trích đoạn bài viết của nhà văn Trung Trung Đỉnh trong dự định về một cuốn sách có tên là Lính cậu, kể về một số bạn nhà văn nhà báo cùng thời trong và sau cuộc chiến của ông. Bài viết khi nhà văn Phạm Hoa còn khỏe.

Văn nghệ

…Hồi ấy chúng tôi đều chưa vợ, chưa cả người yêu, thằng nào cũng mê đọc sách, mê rượu và ham chơi ham viết văn. Sau 1975 tôi được về trại viết Quân khu V có nhiều sách, nhiều nhà văn đàn anh, họ sành nghề chỉ cho nên đọc cuốn này nên đọc cuốn kia, được mở mang kiến thức và tự thấy, nếu không có mấy năm về đó đọc sách, chắc không vỡ vạc ra được. Tôi bảo Phạm Hoa, mới về dự trại nên tìm đọc sách này, nên tìm đọc sách kia, mà tôi có một tủ sách vài trăm cuốn văn học thế giới cổ điển mang từ miền Nam ra. Nhưng Hoa đọc kiểu của Hoa, tôi không thể chỉ dẫn làm hoa tiêu cho nó được. Phạm Hoa độ này suốt đêm ngày ôm bàn viết. Nó ngồi trong xó, đánh trần, mặc cái quần đùi bộ đội, khăn mặt vắt vai, lưng còng, thỉnh thoảng nằm dài thượt trên cái giường một, mắt nhìn trân trân lên trần nhà, đầy nghiêm trọng. Thằng này đúng là kể cả ngủ nó cũng nghiêm trọng! Đang ngủ, thỉnh thoảng lại bật dậy ngồi “cày” như trâu. Đúng là viết văn khó nhọc thế thì bố cháu cũng xin vái các cụ. Nhưng cái tính nó khổ sở thế thì biết làm sao? Được cái nết hiền lành xởi lởi, viết xong đến đâu đưa cho tôi đọc “tươi” đến đó. Các truyện ngắn của Phạm Hoa truyện nào cũng lý thú, cũng rất đặc sắc và sinh động. Nó thực sự làm tôi ngạc nhiên quá mức tôi tưởng! Hoa viết về lính không chân chất thật thà, không khoa trương màu mè, không ba hoa tâng bốc, không nói năng như chính trị viên, như chính cái miệng nó nói ra hàng ngày. Mà các nhân vật lính của Hoa rất bình thường, tự nhiên, không lên gân lên cốt, đóng vai nhà quê hay lên mặt trí thức. Nó hồn nhiên như nhiên. Nó xuất hiện trên trang viết nhẹ như tự nó phải như thế, mà vì thế nó đặc sắc chất lính rất “Trường Sơn”, đặc sắc kiểu của chị em Thanh niên xung phong thời bom đạn. Kỳ tình cho đến lúc ấy tôi chưa thấy tay bút nào viết được hồn nhiên trong trẻo và ấm áp đến thế. Tôi mừng cho bạn, đem đánh máy truyện của Hoa ra mấy bản đưa cho các bạn đồng nghiệp, có vài người khen, có vài người mải lo viết không để ý. Năm thứ hai học trường viết văn Nguyễn Du, báo Văn nghệ in một lèo trong năm, 5 truyện ngắn của y, cùng một đề tài mà truyện nào cũng khác truyện nào. Truyện nào cũng hay, làm cho giới sáng tác trẻ chúng tôi sôi sục mừng. Truyện ngắn của Phạm Hoa hớp được hồn độc giả ở cái không khí tươi trẻ hồn nhiên trong sáng, mà văn thì giản dị, tinh tế, rất khác xa tính cách sống thường ngày úi xùi như “ông cụ non” của y. Mặt mũi y lúc nào thấy cũng nhầu nhĩ, suốt ngày gãi đầu gãi tai kêu chán kêu buồn mà chả biết buồn gì. Khi ngồi vào bàn một mình, sống cùng ký ức, cuộc sống thời trai trẻ trở về và cái chất nghệ sĩ chiếm lĩnh choán hết cả cái sự lo âu thường nhật. Phạm Hoa viết tinh tế đến nao lòng…

Đấy là đoạn đầu viết văn của Phạm Hoa. Nó làm nên tên tuổi nhà văn Phạm Hoa một cách không ồn ào, không gây sự nổi trội trên văn đàn, nhưng những người viết truyện ngắn hồi đó, theo tôi được biết, đều mến phục. Có lần tôi đưa cho nhà văn Nguyễn Thành Long mấy truyện của Hoa mà tôi đánh máy thành tập cho ông xem. Ông nhà văn đàn anh đọc xong bảo tôi: “Cậu Hoa viết truyện ngắn rất nghệ sĩ. Chất nghệ sĩ này hiếm lắm, bộc lộ một tài năng đáng nể đấy, Đỉnh ạ”.

Những năm sau này số phận chọn Hoa hay Hoa chọn con đường cho mình, mà theo cách nhìn của tôi, là thật phí phạm. Mặc dù Hoa đi làm cán bộ lên tới cấp Cục. Cục to thì to thật, sao gạch bề bề thật, nhưng với tôi chả to chả oai tí nào so với một nhà văn tài hoa như Hoa…

Giờ đây chúng tôi đều đã già nua cóc cáy, về vườn cả rồi. Tôi vẫn chứng nào tật nấy, cứ sơ sẩy cái là tếch đi chơi đó đây cùng chúng bạn. Còn Phạm Hoa, chủ yếu vẫn trụ ở nhà,… vẫn thuốc lá thuốc lào, vẫn rượu cuốc lủi nâng lên đặt xuống đều đều, mặc dù tim đã phải gắn ten. Rất khó chịu nhưng phải chấp nhận thôi, đến nay hắn vẫn không internet, không công nghệ, không Mail, không Phây, vẫn ngồi gù lưng viết bút, suốt ngày đọc hàng đống bản thảo các nhà văn bạn bè nhờ đọc… Tôi thấy y vẫn mặc quân phục thỉnh thoảng có đi đâu đó, hỏi ra đích thị là lại đi họp. Họp khi “hội” này, khi “hội” kia, mặt mũi vẫn nghiêm trọng, nói năng vẫn chừng mực. Tôi bảo bạn buông bỏ bớt các thứ họp ấy đi, tuổi của mình giờ thì chẳng có gì nghiêm trọng nữa, ngoài “ông” sức khỏe.

Hắn gãi đầu gãi tai…

Nguồn Văn nghệ số 22/2021

 


Có thể bạn quan tâm