April 19, 2024, 2:17 am

Liệu còn “trên nóng, dưới lạnh”?

 

Hội nghị Trung ương 5 Khóa XIII hồi tháng 5-2022 đã thông qua nhiều quyết sách quan trọng có ý nghĩa trước mắt cũng như lâu dài trong xây dựng và phát triển đất nước trước tình hình và điều kiện mới. Đáng chú ý là chủ trương thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đây là vấn đề được dư luận xã hội hết sức quan tâm. Đại đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân coi đây như một bước tiến quan trọng nhằm đấy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực, suy thoái…

Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận nhân dân bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng, hoài nghi về tính khả thi cũng hiệu quả của chủ trương này. Sự băn khoăn, lo lắng, hoài nghi… trên đây bắt nguồn từ thực tế lâu nay hầu hết các vụ đại án tham nhũng, tiêu cực ở các địa phương phần lớn đều do dư luận phát hiện, hoặc là do thanh tra cấp trên phát hiện, chứ không phải là kết quả điều tra, thanh tra, giám sát… của các ngành chức năng địa phương. Thậm chí có những vụ việc và đối tượng vi phạm được cấp trên chỉ ra và yêu cầu cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng địa phương xử lý, nhưng kết quả “xử lý” chưa đúng với mức độ vi phạm, phần lớn chỉ “rút kinh nghiệm” hoặc khiển trách rất… nhẹ nhàng. Kết quả bỏ phiếu/biểu quyết “trăm phần trăm” đôi khi thực chất là sự bao che, nể nang, “dĩ hòa vi quí”…

Từ trước tới nay Đảng và Nhà nước ta luôn kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng và đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Luật định… cho công tác phòng chống tham nhũng. Từ sau Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống tham nhũng năm 2014, thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, Đại hội XI và Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp lớn về phòng chống tham nhũng. Bộ Chính trị khóa X đã ra Chỉ thị 50-CT/TW ngày 7/12/2015 về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng. Đặc biệt, từ sau Đại hội Đảng khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát động một chiến dịch chống tham nhũng rộng khắp, hiện thực hóa quyết tâm của Đảng thành những hành động cụ thể. Trong các phát biểu của mình, đồng chí Tổng bí thư thường dùng hình tượng “củi và lò” để thể hiện tinh thần của công cuộc phòng chống tham nhũng. Theo số liệu tổng kết 10 năm (giai đoạn 2012-2022) cả nước đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban kiểm tra (UBKT) Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý; trong đó có 33 Ủy viên và nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong LLVT. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong LLVT… Lòng dân phấn khởi, tin yêu Đảng và mong muốn Đảng tiếp tục đánh mạnh hơn nữa, nhanh chóng đẩy lùi nạn tham nhũng, tiêu cực, suy thoái…

Theo đó, tinh thần đấu tranh liên tục, kiên quyết cùng những mô hình và kinh nghiệm của Ban chỉ đạo trung ương cần phải được tiếp tục triển khai sâu rộng, toàn diện, lan tỏa mạnh mẽ đến các địa phương trong cả nước, tao nên thế trận liên hoàn, chặt chẽ, đồng bộ; phát huy sức mạnh tổng hợp đủ sức ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, suy thoái. Mặt khác, phòng chống tham nhũng đang là một nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng; kết quả của công tác này ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng và chế độ mà dân tộc ta đã lựa chọn. Đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân từ Trung ương đến các địa phương. Vì vậy, việc thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh là nhằm đưa để công cuộc “đốt lò” đến gần với nhân dân hơn, để nhân dân soi thấy mình trong sự nghiệp xây dựng và chỉnh đốn Đảng; để dân biết, dân bàn, dân hiến kế và tham gia giám sát công cuộc “đốt lò” ở ngay chính tại địa phương và cơ sở của mình. Thực tiễn vừa qua cho thấy không ít vụ án tham nhũng khi bị phát hiện và xử lý thì đã khá muộn, tội phạm của vụ án đã “chui sâu, leo cao” vào bộ máy công quyền.

Theo đó mà việc giải quyết và khắc phục hậu quả của vụ trở nên khó khăn, phức tạp hơn. Đó là chưa kể kẻ tội phạm còn kịp “nhúng chàm” vào nhiều vụ việc sai phạm khi đã ở cương vị mới. Vì vậy, việc thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là giải pháp hữu hiệu để phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng từ sớm, từ xa; góp phần giảm thiểu mức độ ảnh hưởng cũng như hậu quả, thiệt hại do tham nhũng gây ra. Đồng thời, việc thành lập các Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, suy thoái cũng là thêm một biện pháp hữu hiệu để xóa bỏ tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong công tác này đã một trong những vấn đề bức xúc của công cuộc “đốt lò”. Chuyển giao “lò” xuống cấp tỉnh là để trao thêm quyền, gắn với trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu địa phương. Kết quả công cuộc “đốt lò” ở địa phương, cơ sở thể hiện nhiệt tình, trách nhiệm, năng lực, phẩm chất… của Ban lãnh đạo và nhất là người đứng đầu địa phương, cơ sở đó. Đây chính là câu trả lời rõ ràng, cụ thể, thuyết phục nhất; là cơ sở để đánh giá, sàng lọc, phát hiện và thanh loại ra khỏi bộ máy những người không đủ năng lực, phẩm chất, thậm chí là những “con sâu” đang ấn náu, gặm nhấm, đục khoét rường cột nước nhà. Để Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh hoạt động hiệu quả như mong muốn, theo chúng tôi cần có quy định các hình thức chịu trách nhiệm của các Ban chỉ đạo địa phương trước Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương; nhất là trách nhiệm trực tiếp của các thành viên Ban chỉ đạo cấp tỉnh nếu để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực, địa phương mà mình phụ trách. Đồng thời phải có cơ quan giám sát, kiểm tra hoạt động của Ban chỉ đạo cấp tỉnh để tránh những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng của chính các Ban chỉ đạo này. Đặc biệt, yếu tố quyết định nhất vẫn là công tác chọn người tham gia Ban chỉ đạo địa phương. Đây là khâu then chốt, cực quan trọng cả về mặt lý luận cũng như thực tiễn.

Chọn đúng những người xứng đáng, tin cậy vào Ban chỉ đạo thì sẽ hạn chế, kiểm soát được các vấn đề tham nhũng, tiêu cực tại địa phương. Ngược lại thì có khi đó là là một tổ chức cánh hẩu, dẫn đến nhiều vụ tham những tập thể. Thiết nghĩ, để có những bàn tay “manh và sạch” ở các Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng ở địa phương thì trước hết phải triệt để “chống tham nhũng con người”. Thời phong kiến đã từng “chống tham nhũng con người” rất nghiêm, bằng nhiều biện pháp như: Tuyển chọn, sử dụng, rèn luyện và sát hạch đội ngũ quan lại rất chặt chẽ. Việc tuyển chọn người làm quan được xem như tuyển chọn nhân tài, là việc hệ trọng của quốc gia và được xây dựng thành một chế độ có tính khách quan, nhằm quy tụ và sử dụng được nhiều nhân tài cho đất nước. Từ đời nhà Lý (1010- 1225), với mục đích “truất bãi người ươn hèn, cất nhắc người mẫn cán”, nhà nước đã đặt lệ khảo khóa quan lại. Một biện pháp quan trọng được coi là kinh nghiệm sử dụng quan lại của các triều đình phong kiến là thực hiện chế độ Hồi tỵ - quy định cụ thể về việc bổ nhiệm, sử dụng quan lại để phòng chống tham nhũng quyền lực (nạn kéo bè kéo cánh, cả nhà làm quan) được sử dụng nghiêm ngặt dưới các thời Lê – Nguyễn. Tinh thần của hồi tỵ là ngăn chặn để không kéo bè kéo đảng, nâng đỡ người thân quen.

Do đó luật không cho phép một người được làm quan trên quê quán của mình, cũng không cho phép những người thân như anh em, cha con, thầy trò, người cùng quê… được làm quan cùng một chỗ. Cùng với Luật hồi tỵ, chế độ Luân quan (luân chuyển quan lại) cũng được các triều đại phong kiến Việt Nam thực hiện từ sớm và trở thành chính sách, chế độ được tiến hành thường xuyên trên phạm vi toàn quốc. Đồng thời, luật pháp phong kiến cũng có một số quy định cần thiết và khá cụ thể, như: quan lại không được lấy vợ, kết làm thông gia với người ở nơi mình cai quản; không đưa quan lại về quê hương bản quán trị nhậm; không được tậu ruộng vườn, đất đai, nhà cửa, dinh thự tại nơi cai quản; không được đưa người cùng quê làm giúp việc; không cho những người có quan hệ thầy trò, bạn bè làm việc cùng một nơi, vì dễ dẫn đến cấu kết bè cánh, hội thuyền. Rõ ràng, việc thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực, suy thoái cấp tỉnh là hết sức cần thiết và đúng đắn trong tình hình hiện nay. Từ kết quả và kinh nghiệm hoạt động của các Ban chỉ đạo cấp tỉnh, rồi đây còn có thể thành lập các Ban chỉ đạo xuống tận cấp huyện và xã. Tuy nhiên, để các Ban chỉ đạo này hoạt động có hiệu quả, trước hết phải triệt để chống “tham nhũng về con người”, phải đánh tan ngay “hệ thống” lãnh đạo họ hàng, người thân, phe phái; loại trừ sự dung túng, bao che cho nhau để tìm cách tham nhũng, đục khoét, phá hoại đất nước!

Nguồn Văn nghệ số 33/2022


Có thể bạn quan tâm