March 28, 2024, 7:12 pm

Liên hoan phim Việt: Qua rồi thời “Hữu xạ tự nhiên hương?”*

Được báo chí đưa tin từ khá sớm, Hội nghị - Hội thảo “Xây dựng và quảng bá thương hiệu quốc gia Liên hoan phim Việt Nam” vào tháng 7 vừa qua tại hai thành phố lớn của cả nước, là thành phố Hồ Chí Minh (16/7) và Hà Nội (29/7) đã trở thành sự kiện được người trong giới và khán giả quan tâm đến lĩnh vực điện ảnh đón nhận, với sự kỳ vọng Hội nghị sẽ mở ra được một hướng đi mới chuyên nghiệp hơn, mang tính dài hơi cho điện ảnh Việt Nam cũng như Liên hoan phim Việt. Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng cần tăng thêm giải thưởng, quốc tế hóa đội ngũ giám khảo. Bên cạnh đó, mong muốn về sự thông thoáng trong kiểm duyệt cũng được đặt ra. Đồng thời, nhiều đạo diễn, diễn viên cũng cho rằng, đã đến lúc xây dựng một kênh chuyên biệt dành riêng cho điện ảnh... Đây cũng là những giải pháp được đưa ra để xây dựng và quảng bá thương hiệu quốc gia liên hoan phim Việt Nam.

 

HƯỚNG ĐẾN NỀN CÔNG NGHIỆP ĐIỆN ẢNH

Trước khi Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức chuỗi sự kiện nói trên, những người yêu điện ảnh nói chung, giới phê bình nói riêng đã đặt ra vô số câu hỏi xung quanh chủ đề này. Đa phần ý kiến đều cho rằng không chỉ Điện ảnh Việt Nam hiện nay đã có nhiều khởi sắc mà Liên hoan phim Việt cũng là sự kiện được công chúng trong nước đón nhận, điện ảnh trong khu vực và thế giới quan tâm. Nhưng để giành được những giải thưởng danh giá, hay có thể mời gọi những bộ phim điện ảnh đình đám trên thế giới tham gia Liên hoan phim Việt Nam, thậm chí tổ chức Liên hoan phim Việt Nam tại nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc và một số quốc gia khác đã từng tổ chức ở Việt Nam, vẫn còn nhiều điều phải bàn, nhiều quan niệm cần phải thay đổi từ chính nhà quản lý, những người hoạt động trong giới điện ảnh hiện nay.

Được tổ chức hai năm một lần, Liên hoan phim Việt Nam đã bước qua mùa thứ 21 với những vui, buồn không chỉ trong giới điện ảnh mà còn với chính người yêu mến môn nghệ thuật thứ bẩy khi hội ngộ và chia tay những hãng phim, đạo diễn, diễn viên buộc phải “bỏ cuộc chơi” vì nhiều lý do. Trong đó, sức ép của các loại hình nghệ thuật, sự bung nở của các gameshow truyền hình và những bộ phim bom tấn của thế giới ồ ạt xâm nhập thị trường nghe nhìn trong nước khiến cho điện ảnh nước nhà gặp khó, nhiều đạo diễn, nghệ sĩ cảm thấy hụt hơi. Nhưng dù là vậy, điện ảnh Việt vẫn chứng kiến những cú vượt thoát ngoạn mục khi ngày càng có nhiều bộ phim của các đạo diễn trẻ tham dự đấu trường phim quốc tế. Những giải thưởng danh giá như phim ngắn Hãy tỉnh thức và sẵn sàng của đạo diễn trẻ Phạm Thiên Ân đã vượt qua 9 đề cử đến từ nhiều quốc gia giành giải Illy Award – giải dành cho phim ngắn xuất sắc nhất tại hạng mục Directors’ Fortnight, thuộc Tuần lễ đạo diễn trong khuôn khổ liên hoan phim Cannes 2019. Trước đó, phim Đảo của dân ngụ cư, Vợ ba, Song Lang, Cô Ba Sài Gòn... cũng giành giải cao tại một số kỳ liên hoan phim quốc tế. Đặc biệt Vợ ba, một bộ phim gây ồn ào khi diễn viên chính mới 13 tuổi nhưng đã đóng “cảnh nóng” được cho là trái với thuần phong mỹ tục và bị cấm chiếu trong nước nhưng lại được thế giới đón nhận khi tham dự liên hoan phim Toronto (Canada) và giành giải ở hạnh mục Phim châu Á xuất sắc nhất (Best Asia Film) do NETPAC tài trợ.

Điểm qua những thành công của điện ảnh Việt trên đấu trường quốc tế cũng như trong nước để thấy đã và đang có sự “lệch pha” trong thẩm định tác phẩm điện ảnh của Giám khảo trong nước và quốc tế, cũng như những quan niệm truyền thống đang trở nên bất cập trước sự phát triển của điện ảnh trong nước nói riêng thế giới nói chung. Đạo diễn Trần Phương Thảo, đạo diễn phim tài liệu Đi tìm Phong từng nhận giải thưởng tại nhiều liên hoan phim quốc tế, đã đặt ra câu hỏi có hay không việc nên bỏ khâu kiểm duyệt những bộ phim trong nước tham dự liên hoan phim trong và ngoài nước, bởi các liên hoan phim đều có hội đồng tuyển chọn và có thể chịu trách nhiệm về những phim tham dự: “Những nhà làm phim chỉ có nhu cầu được chia sẻ tác phẩm của mình. Nhưng quy định của luật hầu như đặt chúng tôi vào tình thế mình đang sai luật”. Vì xem trọng khâu kiểm duyệt nên vô hình chung Liên hoan phim Việt Nam vẫn chỉ của người Việt Nam mà chưa thu hút được điện ảnh thế giới. Điều này đi ngược với nhu cầu và xu hướng phát triển của điện ảnh trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Nhiều đạo diễn, diễn viên gạo cội cho rằng truyền thông dành cho điện ảnh còn hạn chế, do đó chưa làm nổi bật được thương hiệu mang tầm quốc gia của Liên hoan phim Việt Nam. Do đó, để điện ảnh Việt Nam có thể bứt phá, ngoài sự thay đổi về Chất, chiến lược truyền thông cần phải được xây dựng một cách bài bản, khoa học và mang tính chuyên nghiệp cao. Đồng thời đáp ứng được sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh, trong đó Liên hoan phim Việt Nam phải trở thành thương hiệu quốc gia có uy tín, chất lượng hấp dẫn trong đời sống nghệ thuật ở trong nước và quốc tế.

 

KÊNH TRUYỀN HÌNH RIÊNG BIỆT, TẠI SAO KHÔNG?

 

Số liệu từ Hội nghị cho thấy, trong khoảng 5 năm trở lại đây, điện ảnh Việt Nam đã tiệm cận được với quy mô của một ngành công nghiệp văn hóa. Điều đó thể hiện qua số lượng phim sản xuất và phát hành tăng mạnh, nhiều dự án phim được xã hội hóa, dòng phim do doanh nghiệp, cá nhân đầu tư đạt giá trị kinh tế - xã hội đáng ghi nhận. Tính đến tháng 12/2019, cả nước có 204 cụm rạp với 1.050 phòng chiếu phim, ước tính doanh thu thương mại đạt hơn 4.000 tỷ đồng, đạt và vượt chỉ tiêu đề ra trong chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Nhưng vì sao chúng ta dường như vẫn chỉ dừng lại ở xuất phát điểm thấp của điện ảnh mà chưa thể phát triển ở tầm cao hơn, trở thành một nền công nghiệp bền vững, có thể hỗ trợ cho du lịch, văn hóa và nhiều ngành nghề khác phát triển? Theo đạo diễn Phan Đăng Di, sở dĩ điện ảnh Việt Nam có nhiều phim ra đấu trường quốc tế thời gian gần đây là do chúng ta đã có được một “cơ chế lựa chọn gọn nhẹ, nhưng công bằng”. Đạo diễn Phan Đăng Di cũng cho rằng: “Những ước muốn làm thay đổi hay tạo cho điện ảnh Việt Nam tiếng nói mới thì phải có những hành động cụ thể, nghĩa là mình phải rất sát sao với những gì đang diễn ra, phải có tư duy rất công bằng trong việc mang đến cơ hội, phải có sự tôn trọng các tài năng”.

Đặt ra yêu cầu về một kênh quảng bá riêng, độc lập cho điện ảnh, đạo diễn Đinh Tuấn Vũ cho rằng “Nếu chúng ta có những kênh quảng bá riêng, có những nhóm làm nội dung riêng để đưa những bộ phim cả cũ, cả mới tới khán giả theo những hình thức mới mẻ nhất, (ví dụ như tạo những clip ngắn là những trường đoạn đặc sắc của các phim...) thì chưa nói đến thương hiệu, cái tên Liên hoan phim Việt Nam sẽ dần dần trở nên thân quen với tất cả người dân Việt Nam. Chúng ta cũng có thể mở thêm những giải bình chọn của khán giả cho các bộ phim, các diễn viên nổi tiếng. Bởi chính lượng fan của họ cũng là kênh quảng bá vô cùng chất lượng cho Liên hoan Phim”.

Đây được xem là một ý tưởng đề xuất táo bạo và có khả năng thực hiện nếu điện ảnh có đủ kinh phí. Trên thực tế, muốn sản phẩm đến được với công chúng, người làm nghệ thuật phải chủ động quảng bá cho sản phẩm đó. Đã qua rồi thời kỳ “hữu xạ tự nhiên hương”, trước sức ép của rất nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật, nếu chỉ đứng yên chờ khán giả tự tìm đến thì điện ảnh không thể phát triển ngay cả ở thị trường trong nước chứ chưa nói đến việc có  thể bước ra đấu trường quốc tế…

Nguồn Văn nghệ số 33/2020

* Tên bài viết do Vannghe online đặt

 


Có thể bạn quan tâm